Ngày Trạng nguyên Lương Thế Vinh vinh quy bái tổ, võng lọng đưa ông về làng, các quan lại địa phương mũ áo ra đón nhưng ông bảo mọi người rẽ lối tắt, ngang qua bãi thả trâu xưa kia ông và bạn cùng lứa chơi biết bao trò chơi dân dã. Và, lòng ông nao nao nhớ tới hội xuân làng Si… nơi gieo mối tình đầu với cô đào gánh hát chèo năm ấy và chàng là tay chơi đàn nhị thành thạo…
Mối tình đầu ở hội xuân làng Si…
Lương Thế Vinh sinh năm 1442 tại làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, nay là Vụ Bản, Nam Định. Ngay từ nhỏ, Lương Thế Vinh đã rất nổi tiếng về tài học và trí thông minh xuất chúng, nên được gọi là thần đồng. Đặc biệt, ngay từ nhỏ, Lương Thế Vinh rất say mê các trò chơi dân dã, nhất là ham các trò chơi diễn xướng. Đến mức, các hội làng mà có diễn chèo, không bao giờ Lương Thế Vinh vắng mặt.

Thế rồi, như số phận bày đặt, vào cái năm hai mươi tuổi, hội xuân làng Si, xã Vĩnh Hào có gánh chèo nổi tiếng về hát, cô đào nhất của gánh chèo này đang được mến mộ bậc nhất lúc bấy giờ. Lương Thế Vinh đến được đình làng Si, dẫu đã muộn, nhưng gánh hát còn chưa bắt đầu diễn. Tiếng trống chèo thúc thật náo nức. Trong đám đông đã có tiếng xì xào, nói rằng tay chơi đàn nhị chủ chốt vừa bị cảm đột ngột, chưa có người thay thế. Nghe vậy, Lương Thế Vinh chen vượt qua đám đông, và nói là mình có thể chơi đàn nhị.
Cả làng xem hát hôm đó nhìn chàng trai đương xuân với vẻ không tin tưởng, nhưng rồi không còn cách nào khác, đành mời Lương Thế Vinh vào kéo đàn nhị giúp. Và một lúc sau người ta đã yên tâm, bởi tay đàn nhị này khá thành thạo.
Trên chiếu chèo, bất ngờ cô đào nhất cũng diễn rất hay, có lẽ bởi mùa xuân, có lẽ bởi chàng trai chơi đàn nhị được cả vùng, cả tỉnh gọi là thần đồng, đã đệm đàn cho cô hát. Và cô hát điệu sử xuân, đôi mắt thắm thiết nhìn về chàng: vâng ý chàng, thiếp xin thưa lại - xin chuyên cần tần tảo sớm khuya - việc tề gia là phận nữ nhi… Bởi mùa xuân, bởi giọng ca và mắt nhìn, Lương Thế Vinh xao xuyến lạ lùng. Nhất là khi nàng quay một vòng, chuyển qua điệu chức cẩm hồi văn:
Thiếp xin chàng đèn sách văn chương
Dầu hao thiếp rót
Bấc non thiếp ngắt
Ngọn đèn tàn thiếp khâu…
Sau buổi diễn, cô đào đã chủ động cảm ơn Lương Thế Vinh. Bởi vậy mà ông có được một lần trong đời nói chuyện kề cận bên nàng. Biết Lương Thế Vinh sắp đi thi, dẫu rất có cảm tình với chàng nhưng cô đào không dám thổ lộ, sợ ảnh hưởng đến bước đường công danh của chàng. Còn Lương Thế Vinh đã đắm đuối nhìn cô đào, muốn ngỏ lời hẹn hò gặp gỡ, nhưng cô đào không cho biết cả tên tuổi lẫn quê quán…
Rồi mùa xuân trôi qua, Lương Thế Vinh lên kinh ứng thí. Ông đỗ Giải Nguyên trong kỳ thi Hương, lại tiếp tục ôn luyện chờ kỳ thi Hội. Thời gian này ông được một gia đình danh gia vọng tộc ở phường Hàng Đào, Thăng Long, nhắm làm con rể.
Cô Thi Liệu, con gái của gia đình này cũng rất mến tài, đức của chàng trai trẻ. Bố mẹ ở quê cũng biết và rất ưng mối manh này, nên muốn Lương Thế Vinh phải về quê để tính chuyện gia thất. Để đẹp lòng bố mẹ, Lương Thế Vinh có nói chuyện về quê với cô Thi Liệu.
Cô Thi Liệu không nói lời nào khích lệ ông về quê, mà kín đáo đưa vào tay ông tờ giấy ghi bài thơ tứ tuyệt:
Tay cầm búa sắt vào rừng sâu
Một gã tiều phu, chẳng đợi đâu
Lưng thắt ngang đao thong thả bước
Cửa vuông, nơi đón để yêu nhau.
Như vậy là, nếu ông thi đỗ thì mới có chuyện tình duyên, chứ còn chưa, thì không thể! Lương Thế Vinh đã viết lại một bài thơ tứ tuyệt phúc đáp:
Cần chi vất vả tới rừng sâu
Thử hỏi ngày xuân được mấy lâu?
Giữa hội đâu có cần đao quý
Kinh kỳ nào thiếu kẻ yêu nhau.
Chàng là Trạng nguyên - Nàng là đào nương…
Lương Thế Vinh muốn đi tìm cô đào mà ông luôn nhớ. Nhưng, cả tên tuổi và quê quán, ông đều không biết, nên không cách gì tìm được. Kỳ thi Hội năm 1462, ông đỗ Hội Nguyên. Vào thi Đình, năm 1463 ông đỗ Trạng nguyên. Bố mẹ hối thúc ông mau chóng yên bề gia thất, ông đã cưới con gái thầy học.
Ngày vinh quy bái tổ, võng lọng đưa ông về làng, các quan lại địa phương mũ áo ra đón nhưng Lương Thế Vinh bảo mọi người rẽ lối tắt, ngang qua bãi thả trâu xưa kia ông và bạn cùng lứa chơi biết bao trò chơi dân dã. Và, lòng ông lại nao nao nhớ tới hội xuân làng Si…

Trạng nguyên Lương Thế Vinh
Nhưng rồi, thật trớ trêu, để mừng quan Trạng, làng đã mở hội để khao vọng, có gánh chèo đến hát góp vui, và trong đó có cô đào năm xưa! Đêm đó, nàng hát hay đến mức rất nhiều các bà các chị phải khóc. Và đêm đó, đào nương yêu quý của cả vùng cả tỉnh đã chết! Lương Thế Vinh vô cùng đau đớn khi biết nàng đã quyên sinh. Và, việc đầu tiên ông thể hiện bằng quyền lực của một ông quan là: cho xây miếu thờ nàng ở làng Cao Hương của ông, là miếu Ả Đào, và thôn có miếu thì gọi là Đào thôn!
Trạng nguyên Lương Thế Vinh khi làm quan, đã làm rất nhiều việc ích nước lợi dân. Được vua Lê Thánh Tông rất trọng vọng, cho giữ chức danh Tao đàn Sái Phu. Ông còn được thăng đến chức Thị thư Viện hàn lâm, kiêm Sùng văn quán Tú lâm cục Tư huấn…
Đương thời, Lương Thế Vinh trứ tác rất nhiều. Ngoài những bài văn, thơ, bi ký… rất có giá trị về văn học, ông còn có những trước tác trên nhiều lĩnh vực khác như: “Đại hành quán pháp”, “Thiền môn giáo khoa”, “Hý phường phả lục”… Trong đó, tập sách “Hý phường phả lục” là một trước tác khá đặc biệt, ông viết về sân khấu dân gian, về hát chèo. Và, những cái đó chính là tuổi trẻ của ông, là tình yêu của ông.
Đến năm 1510, Lương Thế Vinh qua đời, vua Lê có làm thơ bằng quốc âm để phúng ông. Còn dân làng Cao Hương thờ ông là Phúc thần. Như vậy, ở Cao Hương, có miếu Ả Đào thờ người đào nương, có đền thờ Phúc thần, thờ Lương Thế Vinh. Chắc hẳn đôi trai tài gái sắc ấm lòng nơi suối vàng.