Bàn thờ tổ tiên ngày Tết, không thể thiếu mâm ngũ quả. Ngũ quả gồm năm thứ quả, với năm màu, ứng với ngũ hành của thuyết âm dương của phương Đông, và còn ứng với ngũ phương (Đông, Tây, Nam, Bắc và phương chính giữa).
Sau ba tháng đông giá thì xuân về, quả vào dịp Tết phong phú hơn nhưng với Tết xưa, chẳng lâu la gì, trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, chọn cho được đủ năm màu cơ bản với thứ quả thật tiêu biểu, xem ra cũng khó lắm. Chỉ nhà giàu, nhà trung lưu mới tìm được loại quả “đẹp”.

Sách cổ viết: “Ngũ sắc vị thanh, xích, hoàng, bạch, hắc, cứ ngũ phương dã”, nghĩa là: “năm màu đó là xanh, đỏ, vàng, trắng, đen vốn sẵn ở năm phương”. Xem như vậy, dâng mâm ngũ quả vào dịp Tết với ý nghĩa dâng lên tổ tiên sự đa dạng, hương vị của trời đất, của khắp thiên hạ vậy. Chỉ hiểu được ý nghĩa này, mới thấy tấm lòng của con cháu đối với tiền nhân.
Ở làng quê xưa, quả vốn hiếm. Tìm cho được mâm ngũ quả cho đúng với tinh thần, ý nghĩa của nhà Nho xưa đâu có dễ. Tôi nhớ, những năm sinh thời, thầy tôi, ngoài chuyện lo đào, quất cho ngày Tết, ông còn rất chú ý đến mâm ngũ quả.
Thầy dặn mẹ tôi đi chợ, phải mua bằng được một nải chuối xanh đẹp, đẫy đà, và một quả phật thủ cũng hài hoà với nải chuối xanh ấy. Thầy tôi sang nhà chú tôi ở bên kia sông, chọn lấy chục quả gioi màu trắng, sáng, tự mình đi chợ mua cho được những trái cam Diễn màu hồng… Ông cũng cầu kỳ, chọn bằng được chục quả mận Vân Nam, màu tím than. Chỉ khi nào, đủ được năm màu ấy, ông mới thanh thản dẫn tôi đi chơi chợ Tết tự do thoải mái được.
Chiều ba mươi Tết, thầy tôi lấy chiếc chậu thau đồng đánh cho bóng loáng, cho từng thứ quả ấy vào, rồi múc nước mưa ở chiếc bể xây để “tắm” quả. Ông tắm từng thứ một, khi nước hơi đục, lại đổ đi, thay nước trong mới… Tắm đủ năm thứ quả, người khẽ đặt lên chiếc mâm bồng bằng gỗ sơn son, thường để ở giữa bàn thờ, đặt đầu tiên là nải chuối xanh, rồi đến quả phật thủ, tiếp đến là những quả cam Diễn màu hồng và những quả gioi da trắng loáng như một thứ sơn mài khá đẹp, và cuối cùng là những quả mận màu tím than.
Khi mâm ngũ quả đã thành, ông đặt lên thềm ngắm nghía, chỉnh sửa cho thật ưng ý rồi mới “dinh” vào bàn thờ, đặt chính giữa những bộ thất sự bằng gỗ, là những cơi đài, cây nến, lọ hoa, bát hương. Ông thắp thử nến lên, rồi ngắm toàn cảnh bàn thờ (hoành phi, câu đối, ngai thờ, bài vị…), đều đã được lau, rửa sáng bóng.
Đào và quất cũng đã ngự ở những nơi đắc địa nhất ở trong nhà. Lúc ấy, khi đã có mâm ngũ quả trên bàn thờ và cỗ cúng chiều ba mươi Tết bưng lên, cha tôi khăn áo chỉnh tề, trải chiếu hoa vào lạy mời vong linh tổ tiên, những người đã khuất về ăn Tết với con cháu, với một bài khấn trang nghiêm, kính trọng.
Đèn nhang sáng bừng, cha tôi “các” tuần rượu thứ nhất, rồi cung kính chắp tay, khẽ lui ra, đến bên tràng kỷ, thưởng thức ấm trà ngon, tự tay mình pha, chờ tàn hương, gia đình tề tựu, ăn bữa cơm chiều ba mươi Tết.
Mâm ngũ quả ấy, đôi khi mẹ tôi còn đưa những phẩm oản đường, bọc giấy bóng kiếng đỏ, trắng, tím lên cho thêm phần rực rỡ.

Mâm ngũ quả Nam bộ.
Bây giờ, hoa quả Tết tha hồ mà chọn. Người ta cũng không quá câu nệ những thứ khá chuẩn về năm màu như cha tôi chọn nữa. Mâm ngũ quả thờ thường có cả xoài, măng cụt Nam Bộ, những trái bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi Phúc Trạch, bưởi Hưng Yên vàng ươm; những trái hồng đỏ lự, rồi nho, rồi táo, đều là những thứ quả sang trọng cả. Ngũ quả chỉ là tên gọi tượng trưng thôi, chứ có khi là bảy, tám, chín thứ quả, đủ cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Nói đến bưởi, tôi lại nhớ đến quả thanh yên, ở mạn Hòa Bình, Châu Mộc chuyển về, màu vàng, cùi nhiều, thơm nhẹ, rất thanh, trước đây được người Hà Nội mua bày trên mâm ngũ quả.
Nhà tôi, dịp Tết mâm ngũ quả cũng phong phú hơn nhiều. Nhưng sao tôi vẫn nhớ đến những Tết xưa được thầy tôi dẫn đi chợ Tết, chọn quả để bày và không khí trang nghiêm khi ông tự chăm lo cho mâm ngũ quả với tấm lòng thành kính được truyền đời từ nền nếp nhà Nho xưa.
Và chiều ba mươi Tết, thay thầy bày mâm ngũ quả, tôi lại nao nao nhớ đến người cha nhân ái, tâm thành với người xưa.