“Dẻo dai vốn sẵn tính trời”(1)
Ðào Duy Anh nhận xét người Việt Nam “thích ứng và dung hóa (...) rất tài”(2). Cao Xuân Huy cho rằng chúng ta “có cái đặc tính mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt, lưu động, như nước” và bảo “nước (...) dễ tính (...) không phải là vì nó không có cá tính. Trái lại, đó là cái khả năng thích ứng vô hạn của nó (...), chính cái khả năng thích ứng (...) là cái tính ưu việt, cái bí quyết sinh tồn của dân tộc ta”(3). Gần đây hơn, Phan Ngọc, Trần Quốc Vượng, Trần Ngọc Thêm trình bày nhận định về bản sắc văn hóa Việt Nam cũng đều nhấn mạnh đặc điểm linh hoạt. “Trăm miệng” một lời: người Việt Nam có đặc tính mềm như nước.
Nghệ thuật dĩ nhiên là người. Việt tính biểu hiện thế nào trong nghệ thuật Việt?
Nói, thơ: du dương như nhạc
Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu (Trung Quốc) ở nước ta rất nhiều người dịch. Nguyên tác:
“Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu”.
Đọc đi đọc lại, sáu câu đầu bài thơ nghe chẳng những không êm tai, lại còn thấy... tưng tức! May được hai câu chót, “đỡ” hơn. Trong Đường thi, khi nhận xét về bài Phong kiều dạ bạc của Trương Kế: “Bài thơ này hay ở âm điệu, ít khi làm được như thế”, Trần Trọng Kim đã vô tình nói ra cái chỗ yếu của thơ Đường, là điển hình không hay về âm điệu.
“Xưa cánh hạc bay vút bóng người
Nay lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi
Vàng tung cánh hạc, bay bay mãi
Trắng một màu mây, vạn vạn đời
Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi
Gần xa chiều xuống, đâu quê quán?
Ðừng giục cơn sầu nữa sóng ơi!”.
Bản dịch của Vũ Hoàng Chương nghe êm tai hơn nguyên tác. Vẫn luật Đường mà thơ nghe khác, hiển nhiên do đã chuyển qua thứ tiếng nói khác. Tiếng Việt có gì lạ? Tản Đà: “Chữ quốc ngữ của ta, âm và vận so với chữ nước khác, hãy nói như chữ Tàu, thì rất là giàu đủ và tách bạch hơn”(4). Từ vựng thế, còn ngữ pháp thì “Đề - Thuyết”, cực kỳ linh động(5). Thảo nào thơ “mềm” ngay cả khi vẫn còn làm theo luật “cứng”! Nếu dịch mà đổi cả thể thơ nữa:
“Hạc vàng ai cưỡi đi đâu
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”
thì kết quả lại càng thêm êm tai, tới mức gần như một bản nhạc!
Tiếng Việt chỉ mới nói thôi mà nhiều người nước ngoài nghe đã thấy gần như hát. Còn thể lục bát, hồi thế kỷ 19 Phạm Ðình Toái nhận xét “có vẻ quanh co, lưu chuyển”(6), tức rất thuận tiện cho việc đem chất nhạc vào thơ. Bản dịch Hoàng Hạc lâu của Tản Đà sở dĩ đặc biệt du dương là nhờ đã tiếng Việt lại thơ lục bát. Xuân Diệu từng bảo Truyện Kiều là một bản nhạc dài(7). Việt tính khi người Việt nói, người Việt thơ, biểu hiện thành nhạc tính.
Vẽ, nặn, chạm, tạc: nhịp nhàng, cân xứng
Trong mỹ thuật đời Lý, Thái Bá Vân nhận thấy có “sự nổi dậy kín đáo của một ý chí nghệ thuật cương quyết nhưng mềm mại (...) một nét thuộc bản sắc dân tộc”(8). Ngắm nghía các tượng Phật đời Lý, Chu Quang Trứ cũng thấy “những đường nét hết sức mềm mại và uyển chuyển, bố cục cân xứng nhưng không đơn điệu (...). Nét dân tộc bật ra rất rõ, quán xuyến (...) toàn bộ (...) khác hẳn các hình tượng cùng đề tài của những dân tộc láng giềng”(9).
Cái phong cách nghệ thuật độc đáo ấy ta đã có từ rất lâu trước Lý! Bình Nguyên Lộc bảo “Đồ gốm ở Cổ Việt khéo không kém đồ gốm cổ của Tàu, nhưng khác hẳn”(10). Hà Văn Tấn nhận định về đồ gốm Phùng Nguyên: “[người Việt cổ] ưa thích họa tiết tạo nên bằng những đường cong. Tất cả đều uyển chuyển, thanh thoát, dứt khoát mà vẫn mềm mại, nhịp nhàng mà không đơn điệu”(11).
“Hai chỉ tiêu nền tảng” trong mỹ thuật Việt Nam truyền thống, theo Thái Bá Vân, là “nhịp nhàng” và “cân xứng”.
Múa, kịch: bay bướm, linh hoạt
Xem chèo cổ, thấy người Việt Nam múa có phong cách riêng hẳn hoi. Chẳng hạn, trong Lưu Bình - Dương Lễ, đoạn Châu Long và Lưu Bình gặp nhau ở quán “đề thơ”: thoạt tiên kẻ xôn xao lượn quanh người e ấp như bướm vờn hoa, cuối cùng hoa và bướm quấn quít dập dìu như chim liền cánh (tuy thực ra bàn tay vẫn chưa chạm bàn tay)… Diễn viên chèo thậm chí chẳng cần chuyển đến thân mình, chỉ một cổ tay xoay tròn cũng đủ gợi bao nhiêu tình, ý. Cái múa truyền thống của ta nó mềm mại, dẻo dai, nhẹ nhàng, bay bướm…
Chèo dĩ nhiên là kịch. Trần Ngọc Thêm thấy sân khấu chèo có “tính linh hoạt”, vì diễn viên không nhất thiết theo sát bài bản của tích diễn và vì người xem có thể tham gia!(12)
Mặc: thứ áo cho trông thấy... gió
Chiếc áo dài Việt Nam từng đăng quang trong một cuộc thi trang phục thế giới tổ chức bên Nhật. Cái vinh dự có lẽ bất ngờ, vì áo dài có phong cách ngược hẳn với kimono. Trông một phụ nữ Nhật đi như chạy lúp xúp trong chiếc kimono mấy lớp vải, tai ta như nghe được tiếng sột soạt. Trong khi ngắm một cô gái Việt Nam khoan thai trong chiếc áo dài, có người bảo trông thấy ngay được... gió! Một người khác nhận xét thứ “áo gió” của ta khiến sự xê dịch bình thường trở nên “thanh thoát”, “linh động phơi phới”. Một người nữa nói: “Tôi nhận ra chiếc áo dài Việt Nam đã tạo ra được những đường cong nét thẳng mà không có y phục nào có được (…). Áo đầm là cái hộp. Chui vào đó dù đứng hay ngồi cũng không tạo được đường nét nào khác”(13). Trang phục Việt Nam mềm mại, biến hóa, như tiếng Việt, như thơ lục bát, như kiểu dáng và hoa văn đồ gốm, như tượng Phật, như điêu khắc đình làng, như chèo...
Đàn: nuôi, nắn... âm thanh
Trần Văn Khê bảo “người Việt Nam khi đờn phải nhấn nhá…”. Nhấn nhá làm mềm âm thanh. Mềm có khi tới mức rưng rưng, như “giọt” đàn bầu. “Một dây nũng nịu đủ lời, nửa bầu chứa cả một trời âm giai”(14)! Ta không chỉ nhấn nhá khi đàn thứ đàn riêng của mình. Trần Văn Khê cho biết đàn koto của Nhật và đàn tranh của ta đều phỏng theo đàn Trung Quốc, nhưng phát triển theo hai hướng khác nhau. Thủ pháp koto chú trọng bàn tay phải, bàn tay sinh ra âm thanh; trong khi thủ pháp tranh lại đặc biệt phong phú và tinh vi nơi bàn tay trái, bàn tay “nuôi dưỡng và làm đẹp âm thanh”. Khi đàn tranh, “tay mặt sanh ra cái xác, tay trái tạo ra cái hồn (...) về bàn tay trái, chúng tôi có rung, nhấn, mổ (...) có rung lơi, rung nhặt (...) nhấn nửa bậc, một bậc, một bậc rưỡi, hai bậc, hai bậc rưỡi, lại có nhấn vuốt, nhấn rung, nhấn mổ, nhấn khảy, nhấn mượn hơi (...) mổ đơn, mổ kép, mổ kềm dây”. Tranh vốn không mềm, nhưng tranh về với Việt rồi tranh cũng hóa mềm.
Từ đồ đồng đời Thương tới lời Khổng Tử
Việt tính thành hình lâu lắm rồi. Mà xưa kia chắc nó ở khắp Hoa Nam chứ không phải chỉ nơi vùng đất là nước ta bây giờ. “Mềm như nước” hẳn là toàn thể Bách Việt chứ không riêng Lạc với Âu. Dường như cái đặc tính ấy đã từng làm được chuyện rất oanh liệt.
Bàn về mỹ thuật Trung Quốc, Thái Bá Vân nhắc thứ “hình học phi lý, khúc mắc như thách đố (...) của đồ đồng Thương, Chu” và nhắc “tính tuyệt đối của tinh thần Trung Hoa”. Nguyễn Hiến Lê lại bảo: “về mỹ thuật (...) Trung Hoa có đặc điểm này: tiết chế, điều hòa”(15). Lạ, mỹ thuật điều hòa lẽ nào lại xuất phát từ tinh thần tuyệt đối?!... Để ý những món đồ đồng rất đỗi kỳ dị kia ra đời trước Khổng Tử nhiều thế kỷ, khi người Tàu còn gần thuần chủng Hoa. Tức “tuyệt đối” là tổ tiên Khổng Tử, mà “tiết chế, điều hòa”, tức “trung dung”, là từ Khổng Tử trở đi. Thực ra, trung dung là thầy Khổng dạy vậy thôi, chứ xét những việc người Tàu làm, xét những thứ họ làm ra, thấy lâu sau ngày thầy qua đời họ cũng chưa chịu bỏ hẳn cái nết “tuyệt đối” của tổ tiên Hoa xưa kia đâu. Dù sao, văn hóa Tàu tới Khổng Tử thì chắc chắn đã bớt “cứng” so với hồi đời Thương. Vì cớ gì? Ai đã ảnh hưởng đáng kể đến tính nết của những thế hệ người Tàu trước Khổng Tử? Còn ai nữa! Thiết tưởng chuyện là: Từ đất gốc ở Hoa Bắc, người Hoa liên tục bành trướng về phía nam. Ðất phương nam không hề “trống”, mà là đất của một đại chủng có thứ văn hóa riêng đặc biệt mềm mại.
Tuy thua trận, mất quyền cai trị, đại chủng ấy đã “pha” được văn hóa mình vào văn hóa của kẻ thắng trận, khiến ở Hoa Nam dần dần xuất hiện một thứ văn hóa lai nửa Hoa nửa Bách Việt, nửa cứng nửa mềm. Văn hóa lai rồi lan lên phía bắc, dần dần thay đổi văn hóa Hoa Bắc, để đến khi Khổng Tử ra đời thì tinh thần Hoa Bắc đã trở nên bớt tuyệt đối...
Việt tộc mềm như nước, Hoa tộc cứng như đá. Gặp nhau, nước uyển chuyển chảy vào khuôn hay chảy quanh đá. Nhưng “nước” này không phải nước thường. Chứa nó lâu lâu, hay tiếp xúc với nó lâu lâu, trông lại thì đá đã... mềm! (Và nước cũng đã trở nên sền sệt, không còn lưu chuyển nhẹ nhàng như khi chưa chạm đá).
_____
(1) Truyện Kiều, câu 29: “Thông minh vốn sẵn tính trời”.
(2) Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương (1938).
(3) Cao Xuân Huy, Tư tưởng phương Đông - gợi những điểm nhìn tham chiếu (1995).
(4) Tản Ðà, Mối cảm tưởng về thơ ca của nước ta (1932).
(5) Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt, văn Việt, người Việt (2001).
(6) Theo Nguyễn Xuân Kính trong Thi pháp ca dao (1992).
(7) Xuân Diệu, Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, tập I, 1987.
(8) Thái Bá Vân, Tiếp xúc với nghệ thuật (1997).
(9) Chu Quang Trứ, Văn hóa Việt Nam nhìn từ mỹ thuật (2002).
(10) Bình Nguyên Lộc, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam (1971).
(11) Trong Lịch sử Việt Nam, tập I, 1983.
(12) Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (2001).
(13) Ba người này là: nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm, nhà văn Võ Phiến, họa sĩ Thái Tuấn.
(14) Thơ Văn Tiến Lê in trên bìa sau Hồi ký của Trần Văn Khê.
(15) Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử thế giới (1994).