Một bài thơ lạ lùng của Nguyễn Du: Khất thực

Nguyên văn chữ Hán:

乞食

嶒崚長劍倚青天,

輾轉泥塗三十年。

文字何曾為我用,

饑寒不覺受人憐

Phiên âm:

Khất thực

Tằng lăng trường kiếm ỷ thanh thiên,

Triển chuyển nê đồ tam thập niên.

Văn tự hà tằng vi ngã dụng?

Cơ hàn bất giác thụ nhân liên!

Bản dịch của nhà thơ Dũng Hiệp (đã quá cố):

Tựa kiếm nhìn lên thăm thẳm xanh

Ba mươi năm lội giữa bùn tanh

Văn chương phù phiếm không no được

Đói rét người thương tủi phận mình

Bản dịch tưởng cũng đã lột được cái tinh thần và cảm xúc của nguyên tác: Kiếm dài ngạo nghễ tựa trời xanh/ Lăn lóc trong bùn lầy đã ba mươi năm/ Văn chương chữ nghĩa nào có ích gì cho ta?/ Không dè đói rét phải nhận lòng thương hại của người.

Ba mươi năm, nếu tính từ năm 1765 (năm sinh của Nguyễn Du) thì là 1795, lúc bấy giờ Nguyễn Du đang ở quê? Về Tiên Điền, “Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán” (Hồng Lĩnh không nhà, anh em tan tác), mà ở quê làm gì để sống trên đất cát pha, khô cằn… Hóa cho nên phải “khất thực”, phải đi mượn gạo hàng xóm (?!). Tráng chí, hùng tâm đành phụ phàng (Nguyễn Du xuất thân võ tướng: Chánh thủ hiệu đội quân hùng hậu Thái Nguyên). Lăn lóc trong bùn tanh cuộc đời. Còn văn chương thì thời ấy chưa có chế độ nhuận bút, sáng tác là nhu cầu nội tâm, làm sao để sống…?

Cái vĩ đại là nhà thơ tự viết ra, tự khai ra, chân thành và đau xót hết mức, chuyện mà người khác hẳn giấu nhẹm. Thế mới là thiên tài, là cao hơn người thường một bậc.

Ngọc Tỉnh