Thế là cuối cùng người ta cũng cho tôi một dịp may. Tôi nhận được giấy gọi đến trình diện tại cơ quan tìm việc làm và tôi vội đến. Tại đấy người ta rất niềm nở với tôi.
Một bác thư ký rút tấm phiếu lý lịch của tôi ra xem rồi nói:
- Hừ…
Tôi cũng nói:
- Hừ…
Bác ta hỏi:
- Thế cái chân nào?
- Thưa, chân phải ạ.
- Một trăm phần trăm?
- Thưa vâng, một trăm phần trăm.
Bác ta lại hừ một tiếng nữa rồi lục lọi trong đống giấy má. Sau đó bác ta bảo tôi ngồi. Lúc tìm được cái giấy, bác ta cầm lên xem và bảo tôi:
- Tôi có một công việc này cho anh. Một công việc vô cùng nhàn hạ, lúc nào cũng chỉ ngồi chứ không phải đứng. Đó là công việc đánh giày ngoài phòng vệ sinh, bên cạnh quảng trường Hữu Nghị. Anh nghĩ thế nào?
- Nhưng tôi lại không biết đánh giày. Nhiều lần tôi đã bị trách cứ vì chỗ thiếu sót ấy.
- Anh không biết thì người ta sẽ dạy cho. Anh nên nhớ, đã là người công dân tốt thì bất cứ việc gì cũng phải biết làm. Vả lại, chúng tôi sẽ bố trí cho anh được học lớp huấn luyện nghiệp vụ miễn phí kia mà.
Tôi không biết phải đáp lại thế nào, chỉ đành hừ một tiếng.
- Thế là anh nhận phải không?
- À… thưa không. Tôi chỉ xin được tăng khoản tiền trợ cấp.
- Anh điên chắc?
- Thưa bác, tôi không điên. Vì thứ nhất là trên đời này không có gì thay thế được cái chân của tôi, và thứ hai là dạo này tôi không còn bán thuốc lá được nữa. Việc buôn bán làm ăn càng ngày càng thêm khó khăn.
Bác thư ký ngả người trên chiếc ghế dựa, hít một hơi thật dài vào buồng phổi rồi cắt nghĩa:
- Để tôi nói cho anh nghe nhé! Anh có biết là cái chân của anh đã làm tiêu tốn cho công quỹ nhiều lắm rồi không? Trong giấy tờ của anh, tôi thấy ghi là anh hai mươi chín tuổi, tình trạng thể chất khả quan, ngoại trừ mỗi một điều là anh bị cụt chân thì không kể. Anh sẽ sống ít nhất đến bảy mươi tuổi. Như thế xin anh thử làm một bài tính.
Mỗi tháng anh được trợ cấp bảy mươi mác, vị chi là bốn mốt nhân cho mười hai rồi nhân lần nữa cho bảy mươi. Anh cứ thử tính. Ấy là tôi chưa kể đến món tiền lãi suất đấy. Anh cứ thử tính để thấy rằng không phải chỉ có riêng cái chân anh, không phải chỉ có riêng mỗi mình anh mà còn bao nhiêu người khác. Tăng khoản trợ cấp! Hừ, xin lỗi anh tí, anh điên cái đầu mất rồi!

Minh họa: Đinh Dũng
Tôi vội ngồi thẳng người lên và cũng hít một hơi dài vào buồng phổi.
- Thưa bác, tôi nghĩ rằng bác đã đánh giá cái chân tôi quá thấp. Nó đắt giá hơn bác tưởng nhiều! Nó là cái chân đắt giá nhất hành tinh đấy bác ạ. Nếu tình trạng thể chất của tôi khả quan, như chính bác vừa nhận xét, thì thưa bác, tình trạng trí não của tôi cũng khả quan không kém. Tôi không điên. Tôi chỉ mong bác cho phép tôi được phân trần đôi lẽ…
- Tôi không thì giờ đâu…
- Xin bác cứ lắng nghe cho. Cái chân của tôi đã giúp không biết bao nhiêu người thoát chết và những người ấy hiện giờ đang được lĩnh những khoản trợ cấp kếch sù. Câu chuyện nó thế này… Chả là hồi ấy, giữa lúc hai bên còn đánh nhau thì tôi là một tên quân tiền thám. Tôi được cấp trên chỉ định ra nằm phục ở tít ngoài xa, sát bên hông phòng tuyến địch và có nhiệm vụ canh chừng mọi cuộc điều động của địch rồi báo về để bộ chỉ huy có thể di tản kịp thời.
Bộ chỉ huy đã gói ghém thu dọn sẵn sàng các thứ, nhưng lại không muốn rút sớm quá mà cũng không muốn rút muộn quá. Cái ấy tôi nghe người ta gọi là di tản chiến thuật. Ban đầu chúng tôi có những hai tên, nhưng tên kia, vô phúc cho nó, lớ ngớ thế nào mà lĩnh đủ một viên đạn rồi lăn ra chết ngoẻo.
Thế là các bác không phải mất mát gì cho nó nhé! Kể ra thì nó cũng có vợ, nhưng vợ nó vẫn tự kiếm sống được, bác đừng lo. Cũng chẳng tốn kém cho nó bao nhiêu: bốn tuần lương, một cái giấy báo tin anh dũng hy sinh cho tổ quốc và một ít bánh mì khô. Tội nghiệp! Thế là xong! Lúc bấy giờ, tôi còn lại có mỗi một mình. Tôi sợ quá sắp sửa… vâng, tôi sắp sửa chuồn thì bỗng…
- Tôi không thì giờ đâu…
- Xin bác thong thả đã… Chính bây giờ mới thực là hồi gay cấn vì bác sẽ hiểu tại sao cái chân tôi lại xen vào câu chuyện này. Lúc ấy… phải… đúng vào cái lúc tôi sắp sửa chuồn thì bỗng tôi nghe đánh xoẹt lên một cái. Nghĩa là tôi bị mất mẹ nó cái chân, chẳng còn đi đứng gì được nữa. Bấy giờ tôi bèn bụng bảo dạ rằng: “Ồ, thì dù sao mình cũng cứ làm hiệu đi cái đã…” . Và tôi liền giơ tay ra hiệu.
Thế là, theo thứ tự, đại đoàn đại điếc, trung đoàn trung điếc, chỉ một loáng sau là chẳng còn lại một người nào. Nhưng cái thối nhất trong câu chuyện này là lúc rút đi họ đã quên béng cái thằng tôi. Họ vội, tôi cũng hiểu thế, nhưng tôi vẫn thấy thối, vì giá mà tôi không bị cụt cái chân thì cả một lô một lốc những ông tướng, ông tá có lẽ chẳng còn ai sống được để mà về, và bác thì bây giờ chẳng phải mất công trả cho họ những khoản tiền trợ cấp.
Ông tướng năm mươi hai tuổi, ông tá bốn tám, ông úy năm mươi, cả ba ông đều dồi dào sức khỏe và cứ theo cái truyền thống sống dai trong quân đội chúng ta, tôi e rằng các ông ấy ít nhất cũng phải thọ đến tám mươi như thống chế Hindenburg mất. Và vị chi là một trăm năm mươi sáu mác nhân cho mười hai, nhân thêm cho ba mươi. Ấy là tôi chỉ lấy bình quân ba mươi năm cho mỗi ông thôi đấy.
Như thế bác cũng nhận rõ là cái chân tôi nó đắt giá đến bậc nào. Đắt giá chưa từng thấy trong lịch sử loài người đấy bác ạ. Bác hiểu chứ?
- Anh lại lẩn thẩn mất rồi.
- Thưa bác, không. Tôi không lẩn thẩn, mà trái lại vẫn còn lành mạnh từ thể xác đến tinh thần nữa kia. Tôi chỉ tiếc là sao tôi lại không chết ngay vào cái lúc chân tôi bị cụt. Như thế có phải đỡ tốn kém cho công quỹ bao nhiêu không.
Bác thư ký hỏi gặng tôi:
- Nhưng còn việc đánh giày? Anh có nhận hay không thì bảo…
Tôi đáp:
- Thưa bác, không.
Và tôi bỏ ra về.
(NGUYỄN MINH HOÀNG dịch)
* | Nhà văn Đức Heinrich Böll (1917-1985) là một nhà văn tầm cỡ quốc tế. Ông bắt đầu viết từ năm 1941, đến năm 1951 mới bắt đầu thành một nhà văn chuyên nghiệp sống bằng ngòi bút. Từ 1945 đến 1947, ông viết khoảng 60 truyện ngắn. Năm 1950, những truyện ấy được gom lại và xuất bản với nhan đề Wanderer, kommst du nach Spa... (Lữ khách, anh có đến Spa...). Bằng lối văn vừa hiện thực vừa châm biếm, ông đả kích chiến tranh và lối sống máy móc của xã hội đương thời. Ông được giải Nobel văn chương năm 1972. |