Một cuốn ký sự chiến trường ngồn ngộn tư liệu

L.T.S: Nhà văn Hồ Duy Lệ, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Nam, nguyên Tổng Biên tập Báo Quảng Nam, là một nhà văn chuyên viết ký sự về chiến trường Quảng Nam.

Cuốn Mười Chấp và một thời (509 trang, Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam xuất bản năm 2007) là một cuốn ký sự về một người anh hùng đất Quảng (Mười Chấp) và thông qua đó là con người - sự nghiệp của đất Tam Kỳ - Quảng Nam những năm sau Hiệp định Genève 1954. Đó là một khúc ngoặt lớn của lịch sử. Đó cũng là một bi kịch lớn của lịch sử. Chín năm kháng chiến chống Pháp, đây là vùng đất hậu phương với chính quyền, quân đội, công an, tài chính, giáo dục, văn hóa…, nối liền với Quảng Ngãi – Bình Định – Phú Yên hình thành một vùng tự do liên tục suốt kháng chiến, một thể chế nhà nước (vùng) hoàn chỉnh, trừ đối ngoại…

Thế mà sau tháng 7 năm 1954, nơi đây thành nhà tù của hàng chục ngàn cán bộ, đảng viên, người yêu nước. Địch thả sức tàn sát, trả thù. Nhân dân tay không không thể chống nổi bạo lực tàn bạo, mà đứng sau là Mỹ. Trong những ngày cực kỳ đen tối và thoái trào ấy của cách mạng, nhân dân vẫn bền lòng yêu nước, ủng hộ cách mạng, nuôi giấu cán bộ, đảng viên, và chờ đợi thời cơ cùng cả nước vùng lên:

“Người bị giết được vùng lên, nổ súng”. Trong những ngày tháng ác liệt khôn cùng, sống chết tấc gang ấy, những Mười Chấp, Tư Chuyển, Huỳnh Hòa… và hàng vạn chiến sĩ Cộng sản yêu nước đã dựa vào dân mà chiến đấu thế nào, hy sinh và chiến thắng ra sao… là một thiên sử thi huyền thoại. Hồ Duy Lệ đã dày công thu thập tư liệu để ghi lại thành văn, mà mỗi trang văn tâm huyết, chân thực… đã làm cho người đọc hiểu thêm, yêu thêm cuộc chiến đấu bi tráng của một thời. Ngồn ngộn sự việc, con người, chân thành và chân thực, Hồ Duy Lệ đã khai phá một con đường cho văn nghệ. Nói như nhà văn liệt sĩ Trần Đăng, hãy ghi lại trong một bức tốc tả, những hình ảnh, sự việc, con người… đáng lưu lại mai sau.

Hồn Việt xin trích lại một số đoạn trong cuốn ký sự nói trên để bạn đọc theo dõi.

Những ánh lửa hồng hy vọng (*)

HỒ DUY LỆ

…Vào khoảng đầu tháng 11/1954, một hôm tôi đang ở Phú Hưng thì thấy bọn chúng huy động dân đi bầu cử hội đồng hương chính xã. Lúc này, bọn Quốc Dân đảng công khai hoạt động gây uy thế với dân và cũng gây sức ép với chính quyền Ngô Đình Diệm. Nhiều tên Quốc Dân đảng đã nắm được các chức vụ quan trọng trong chính quyền mới từ cấp huyện, có nơi cả cấp tỉnh, vì vậy chủ trương đưa người tốt của ta vào trong cơ quan thôn, xã không dễ.

Tối hôm ấy, tôi đi cùng hai tự vệ vào nhà xã Doãn, biết cha này bắt tay với chính quyền mới, phải dọa tay Quốc Dân đảng này. Thấy tôi vào nhà lại có hai chàng trai mặt mày lạ hoắc, lạnh như tiền, xã Doãn vồn vã chào hỏi. Làm bộ nghiêm, tôi dọa: “Tôi nói cho anh biết, trả thù cá nhân là có tội với nhân dân, làm việc ác phải trả nợ máu!”.

Xã Doãn xoa xoa hai bàn tay, miệng lắp bắp: “Dạ, cha con em có làm chi nên tội đâu, chính quyền mới họ mời em làm, em không dám từ chối…”. (Tôi biết thằng con trai đã nhận làm cảnh sát xã). Tôi không nghe xã Doãn dông dài, bước ra sân nói lớn:

- Anh Phàn, anh Liêm đang đứng ở đâu? Ừ, đứng đó chờ tôi… - Tôi hù vậy rồi quay vào nhà nhắc lại - Tôi nói lại, gây nợ máu thì phải trả bằng máu. Tôi nói cho anh biết vậy, chào anh tôi đi. Hẹn gặp lại!

Ra khỏi nhà, đi qua khỏi nơi nguy hiểm, tôi thấy mình hơi liều, hù dọa tên ngóc đầu dậy là đúng rồi nhưng nhiệm vụ của mình hiện tại thì không phải, mà là “bảo tồn lực lượng”…

Một tuần sau, anh Diễn cho con gặp tôi nói rằng, tối sang nhà cho cha cháu gặp, khoảng 9 giờ tối. Lúc đó, tôi không hề biết Diễn là một Quốc Dân đảng, nhưng tôi sực nhớ lời cậu Bách nên cảnh giác. Tôi đứng sau nhà Diễn lắng nghe động tĩnh trong nhà. Có tiếng người nói ở nhà trên, lẽ nào không vào nhà, tôi đi vào cửa nhà bếp, thấy một người đàn bà, tưởng là vợ Diễn, đang ngồi trên cái giường tre, tôi hỏi to: “Anh Diễn đi mô chị? Ảnh nhắn tôi lên có chuyện chi không?”. Người đàn bà mà tôi tưởng là vợ của Diễn ấy đứng dậy, bước lại đẩy tôi ra, miệng ghé sát tai tôi giục: “Chạy đi!”.

Tôi đi thẳng ra lùm chuối sau chuồng heo nhà Diễn, vọt sang vườn nhà bên cạnh thì nghe tiếng nói rào rào, tiếng chân chạy phía sau… Tôi nghĩ hoài không ra, người đàn bà đó là ai mà cứu mình?

Đã trung tuần tháng 12 Dương lịch rồi mà vẫn còn mưa, nhiều cơn mưa nặng hạt, đường sá lầy lội, đi lại vào ban đêm thật vất vả, hơn nữa, không đi theo đường chính, đường mòn mà cứ ruộng, cứ rừng mà băng. Đang băng qua rừng Mộng – Thạch Kiều đến cầu Bến Trảy – Đức Bố thì nghe mùi thuốc Ruby. Bọn phục kích đây? Trời tối quá. Đi lại cực nhưng địch thì không làm chi được…

Tôi ngồi dựa vào một bụi cây, im lặng lắng nghe có tiếng thầm thì, mùi thuốc lá thơm như rúc vào lỗ mũi. Đi tới thì gặp phục ngay, tôi quyết định lui lại, vòng qua chân núi Trường Đồng – Mỏ Kẽm, vượt qua được một con sông thì lại nghe có tiếng rì rầm. Lại gặp phục kích nữa!

Mười Chấp nói sẽ về vùng Đông, nhưng anh đâu đã về. Hôm gặp cơ sở cũng hỏi thăm Mười Chấp, họ còn dặn, các ông đi cẩn thận chứ lúc này bọn chúng hay đi phục lắm. Cơ sở đã nhắc thì chắc là có chuyện. Tôi quyết định quay lại đi xuống hướng đập Bá Thắng để sang Kỳ Chánh.

***

Đầu năm 1955, chúng đẩy mạnh việc xây dựng chính quyền cấp cơ sở: “Trưng cầu ý dân”, bầu cử “Hội đồng hương chính xã”. Khi củng cố chính quyền xã, chúng loại dần những cơ sở ta đã đưa vào bộ máy, nhiều cơ sở bị lộ, bị chúng bắt giam, đánh đập, tra tấn vô cùng dã man. Chúng đưa những người bôi mặt “bán đứng bà con” vào bộ máy, vì vậy ta chủ trương phá bầu cử, phá “trưng cầu dân ý” rất mị dân và cũng rất trắng trợn. Chúng cho người tiếp xúc, vận động dân: có hai loại phiếu xanh và đỏ, xanh bỏ cho Bảo Đại, đỏ bỏ cho Ngô Đình Diệm. Từ đó, cơ sở ta rỉ tai nhau làm ngược lại. “Xanh bỏ giỏ, đỏ không bỏ bì, mà bỏ đi”.

Trong một cuộc mít tinh ở Tam Xuân, địch tuyên truyền cho bầu cử, thì cơ sở Khải vứt vào đám đông một con rắn lãi rồi la toáng lên: “Rắn. Rắn độc cắn người ta”. Thế là bà con kẻ la người kêu, tung chạy tứ tán, làm cho cuộc mít tinh xoay quanh con rắn lãi…

Cũng một cuộc mít tinh vận động bầu cử ở Tam Hòa, đang bắt đầu thì xuất hiện mấy con cua, con tít giữa đám đông, cua chưa kịp chạy, tít chưa kịp cắn thì bà con đã la hoảng lên như bị chó dại rượt, thế thì ai lo đi phần nấy, toàn nói chuyện cua với tít…


Hồ Duy Lệ (trái) và Dương Đức Quảng (Ảnh chụp tại Quảng Đà,
đầu năm 1972).

Ở vùng biển Tam Quang – Kỳ Hà thì xảy ra chuyện nửa đêm có người đột nhập vào cơ quan lấy mấy thùng phiếu bầu chưa kiểm phiếu.

Những cuộc đấu tranh công khai, hợp pháp giữa vòng vây và sự quản lý chặt chẽ của kẻ thù nói lên sự bất bình, phản kháng của nhân dân sống, bộc lộ sự thiếu chỉ đạo đồng bộ từ cơ sở và cũng dễ bộc lộ lực lượng, bị địch chú ý và đàn áp. Chuyện xảy ra ở xã Nguyễn Chỉ (Tam Giang) là một bài học. Xã tổ chức mít tinh, huy động cả ngàn dân đến tham dự.

Ông Hùng (Thường) Bí thư xã lên bục dõng dạc đòi đối phương thi hành Hiệp định Genève, kêu gọi bà con ký vào biên bản kiến nghị gửi lên “Ủy ban quốc tế kiểm soát đình chiến”. Bí thư xã cũng ghi tên mình kèm theo chữ ký… Nhiều nơi cũng có những cuộc mít tinh 500 người, 300 người đến dự để nghe cán bộ kháng chiến nói chuyện… Tất cả đều rơi vào “ống kính nhận diện” của bọn tay sai, vì vậy, những “nhân tố tích cực”, “rất nguy hiểm” ấy, khó mà sống yên ổn trong vòng xoáy của những cuộc trả thù tàn bạo sau đó.

Ngày sau những cuộc mít tinh, chúng tập trung 300 người đã ký tên trong bản “kiến nghị đòi hiệp thương tuyển cử”, giải tán Hội đồng hương chính mới thành lập có “nội ứng”, bắt giam rồi thủ tiêu mười cơ sở nội tuyến… Trước đó, vào khoảng tháng 7, bọn công an ập vào nhà bắn chết Nguyễn Duy Kiên (An Sơn), người của ta đưa vào làm chủ tịch Hội đồng hương chính xã Tam Kỳ, rồi bắn chết đảng viên Nguyễn Thượng Hiền – Chủ tịch Hội đồng hương chính xã Kỳ Châu, ném xác xuống sông Trường Giang…

Tư Chuyển đã nghiệm ra “phương châm” hành động từ cái hôm họp chi bộ ở nhà ông Kỉnh, nghiệm ra cái cách cải trang người đi “khớp cối xay” bằng cách “rỉ tai”, bày cho bà con ta rỉ tai… Họ truyền cho nhau những câu phương châm dân dã: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”.

Họ xầm xì với nhau, rằng riêng xã Tam Hải có đến 300 người đi tập kết ra miền Bắc. Liệu 2 năm sau họ về thì tình hình sẽ như thế nào? Làm chi đó thì làm nhưng phải liệu ở, liệu sống:

Ở cho phải phải phân phân
Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa.

Từ hôm nghe tin nhắn của Mười Chấp rồi sau đó nhận lệnh của Huyện ủy, Tư Chuyển về đứng công tác ở An Hòa, trực tiếp tổ chức đưa cán bộ, đảng viên không thể trụ lại hoặc không dám trụ lại vượt biển…

Nhiều chuyến thuyền đưa cán bộ đi trót lọt. Một chuyến do Nguyễn Chiến (Hữu) chủ thuyền chở theo 9 cán bộ có một nữ là chị Thẩm, cùng các ông Trần Huy Huân, Trương Lân, Nguyễn Kỉnh, Nguyễn Thứ thì gặp trục trặc.

Theo bà con An Hòa – Cửa Lở, nếu thuận buồm xuôi gió thì chở hai ngày hai đêm thuyền sẽ đến vùng biển bên kia vĩ tuyến 17. Tuy nhiên, ai mà lường được biển cả, sóng to, gió lớn, vì vậy đã chuẩn bị cho thuyền đi 7 ngày trên biển. Chuẩn bị xong thì có gió, bà con gọi là “Nam trên, dưới Bắc”, khuyên để qua đợt gió này sẽ đi. Song tình hình thì không cho phép do dự trên vùng An Hòa – Cửa Lở, rất dễ rơi vào tay bọn chúng đang lùng tìm, đón bắt. Thế là nửa đêm ngày 7 tháng 5 (Âm lịch) năm 1955, vừa ăn Tết mồng Năm, trời tối như mực, 10 anh em lên thuyền, xuất phát hướng về phía Bắc.

Thuyền bơi vượt gió chướng, không lớn lắm, đến ngày thứ hai mà không đến được vùng biển Cửa Tùng. Lại chèo, gió chướng bắt đầu rát mặt. Đến ngày thứ ba, rồi thứ tư mà vẫn không thấy bến bờ. Nước ngọt cạn dần, gạo, thức ăn cũng sắp hết, còn phương hướng thì mịt mờ, cứ nhắm hướng ngược gió mà chèo thuyền. Lúc này nước uống, thức ăn dành cho hai tay lái chính, còn anh em thì nằm nhìn trời chịu đói, chịu khát.

Đến ngày thứ 15 kể từ đêm xuất phát, dân vùng biển An Hòa – Cửa Lở phát hiện một chiếc thuyền tấp vào bờ. Bà con chạy ra thì thấy một ghe người đang ngáp ngỏi. Chưa chết nhưng không ai gượng dậy được. Bà con liền hè nhau khiêng vào bờ, đưa vào nhà, đốt lửa sưởi ấm, nấu cháo cá cho ăn… Mấy ngày sau thì tất cả đều khỏe hẳn. Lại chuẩn bị lên đường...

Sau này, Trương Lên từ miền Bắc về kể lại. Chuyến xuất quân lần thứ hai đi hơn một ngày và một đêm thì cập bến Cửa Tùng…

Đầu năm 1955, sau cái Tết Ất Mùi buồn chia ly ấy, nhiều chuyến thuyền đã lặng lẽ rời bến vượt ra biển Đông, trong số đó có những chuyến bị gió chướng tấp vào bãi biển lạ, nhiều cán bộ hy sinh, nhiều cán bộ bị rơi vào tay ngụy quyền, nhiều người sau những ngày bị giam giữ, được ra tù, lại vượt biển…

Không tiếp tục tổn thất nặng nề hơn nữa, sau chiến dịch “tố Cộng” đợt 2, chỉ trong vòng 2 tháng, từ tháng 5 đến tháng 7/1955, Tam Kỳ đã bị rơi vào tay giặc, bị bắt tập trung hơn 10.000 người. Có đến 247 người bị chúng tra tấn đến chết trong nhà giam hoặc đem đi thủ tiêu, chôn xuống cát, ném xuống sông, vứt xuống biển, có trên 5.000 người bị tù đày ở khắp các nhà giam từ đất liền ra đến Côn Đảo. Không biết dùng từ gì cho đúng về những ngày ấy, người dân quê nghèo gọi đó là những ngày đen tối. Điều lạ là, những cán bộ nằm vùng tưởng chừng như mất phương hướng, không còn nơi nương thân, đi trong đêm đen đầy đe dọa, vẫn thấy lóe lên ánh lửa, những ánh lửa hồng hy vọng!


(*)

Tên bài do Hồn Việt đặt