Lần đầu khi nghe cái tên Lý Nhã Kỳ rất nhiều người cứ tưởng đó là một người đẹp Trung Quốc, Hồng Kông hay Đài Loan gì đó, sau này mới biết đó là một cô gái “thuần Việt” với một cái tên khai sinh cũng rất Việt Nam khá dễ thương là “Trần Thị Thanh Nhàn”. (Cô đang là Đại sứ du lịch Việt Nam và dư luận phản ứng vị trí này của cô).
Nhưng đâu chỉ có nữ diễn viên trẻ đẹp này mà thời gian gần đây xuất hiện vô số những diễn viên và nhiều nhất là trong giới ca sĩ mang những nghệ danh nửa Tây nửa Việt, hoặc nửa Tàu nửa ta và có khi là Tây hay Tàu hoàn toàn dù họ không dính dáng gì đến yếu tố nước ngoài về huyết thống lẫn quốc tịch.
Có thể kể như Jenny H.Yến, Wanbi Tuấn Anh, Nhật Tinh Anh, Vương Kiến Hào, Khổng Tú Quỳnh, Lưu Chí Vĩ, Baby J. Lương Bích Hữu v.v…
Tên là chuyện riêng tư của mỗi người, thường do cha mẹ đặt, nó theo người ta suốt đời như một kỷ niệm thiêng liêng. Ai không thích tên mình thì có quyển thay đổi, những nghệ sĩ có quyền tìm cho mình một nghệ danh, bút danh thích hợp là chuyện hoàn toàn tự do. Chính cũng từ chuyện tự do đặt nên tên cũng nói lên rất nhiều về tính cách, nhận thức, văn hóa về người đặt tên (hay nghệ danh, bút danh mà họ chọn).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trước hết là cái tên giúp người khác phân biệt được giới tính, chủng tộc hay dòng tộc. Chẳng hạn tên đó là của người Mỹ hay người Nga, người Nhật…; rồi Maria, Sophia, Natacha… dứt khoát là phái nữ. Ở nước mình nghe những cái tên bình thường nhưng kèm họ Tôn Thất, Tôn Nữ, Hồ Đắc…người ta biết người đó thuộc những dòng họ lớn, danh gia vọng tộc.
Nhưng dù thuộc đẳng cấp nào, người Việt Nam thì phải mang tên Việt Nam, đó không chỉ là cách tôn trọng cái tên cha mẹ cho mình, tôn trọng tiếng mẹ đẻ, một cách tự trọng và giữ gìn bản sắc dân tộc, khi đi xa hay người nước ngoài nhìn tên có thể nhận ra mình là một người Việt.
Nhiều người sống ở nước ngoài nhưng vẫn giữ tên Việt như nhiều nhà khoa học, nhà văn hóa lớn, ca sĩ, diễn viên nổi tiếng tuy có quốc tịch nước họ đang sống; cũng không vì cái tên Việt nguyên chất ấy mà làm sự thành đạt, sự ngưỡng mộ của cộng đồng dành cho họ kém đi. Tiếc thay, ngay cả những người cầm bút trẻ hiện nay, viết bằng tiếng Việt, dùng tiếng mẹ đẻ để kiếm sống, để lập ngôn hay tìm một chút danh lại có những bút hiệu lạ hoắc lạ huơ, vô nghĩa, không biết đó là tiếng nước nào.
Thật là nông cạn khi nghĩ rằng cái tên hay nghệ danh có hơi hướng Tây, Tàu đó làm cho họ “sang trọng” hơn, dễ “nổi tiếng” hơn, thành công hơn. Các bạn trẻ ấy quên rằng những nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam hiện nay đều mang tên hoàn toàn Việt Nam như Thành Lộc, Ánh Tuyết, Quang Dũng, Hồng Ánh, Ngô Thanh Vân, Đức Tuấn, Thanh Lam, Mỹ Linh, Uyên Linh… Và cho đến nay, chẳng có ai nổi tiếng nhờ cái tên lai căng tự đặt ấy cả, chỉ khiến người nghe thấy phản cảm, nghi ngờ tài năng lẫn nhân cách đó.

Diễn viên Hồng Ánh.
Thật ra sai lầm này cũng một phần do người lớn. Khi có một người con là ca sĩ, diễn viên thì chuyện đặt nghệ danh của con cần được cha mẹ định hướng, chỉnh sửa cho đúng với thẩm mỹ, bản sắc và văn hóa Việt. Và ngay những cơ quan chức năng cũng cần hướng dẫn hoặc có quy định chỉ những người mang quốc tịch nước ngoài hoặc có cha mẹ là người nước ngoài hay kết hôn với người nước ngoài thì mới được mang cái tên thể hiện những yếu tố ngoại ấy mà thôi (chẳng hạn như ca sĩ Kasim Hoàng Vũ, hoa hậu Jennifer Phạm… là hợp lý).
Nếu không sự đua đòi này sẽ lây lan ra ở những người bình thường, rồi thế hệ trẻ Việt Nam sẽ mang những cái tên “ba rọi” kiểu như Cindy Gái, Monny Tèo, Củng Lộc, Chương Tử Kinh…hay vô nghĩa như Kẹn, Jing…
Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc phải bắt đầu bằng việc giữ được những chữ nghĩa bằng tiếng mẹ đẻ trong cái tên của mỗi người Việt!