Cuộc tập kích chiến lược của Mỹ bằng “Pháo đài bay” B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng từ ngày 18 đến 30/12/1972 được Mỹ đặt tên là chiến dịch Linebacker II đã được quân dân ta biến thành trận “Điện Biên Phủ trên không” hạ gục thần tượng không lực Hoa Kỳ trên bầu trời Thăng Long - Hà Nội. Ở phương Tây, người ta đã viết hàng chục cuốn sách, hằng trăm bài báo về chiến dịch quyết chiến chiến lược này. Càng ngày tư liệu càng được moi ra rất nhiều về “Bí mật chiến dịch Linebacker II”. Trong những cuốn sách, bài báo đã xuất hiện những tên tuổi danh tiếng: Tiến sĩ Gabrien Côncô, nhà sử học Mỹ; S.L.Pimlớt, giảng viên nghiên cứu chiến lược Học viện quân sự Hoàng gia Anh; M.S.Êmitêgiơ, Thống chế không quân Hoàng gia Anh; Tướng Mỹ S.R.Mắccati; Thống chế Anh R.Tomsơn, tướng Mỹ D.R. Panmơ và rất nhiều nhà sử học quân sự khác.
Báo chí và các phương tiện truyền thông của ta đã viết rất nhiều về tinh thần chiến đấu của quân dân ta đã lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”.

|
Pháo đài bay B-52 biến thành đống thép vụn (Ảnh: Đoàn Công Tín) |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thắng lợi lịch sử này, nhưng có một nguyên nhân cực kỳ quan trọng đó là quân dân ta đã không bị bất ngờ. Việc đế quốc Mỹ đưa “pháo đài bay” B-52 tàn phá miền Bắc, sau đó đánh vào thủ đô Hà Nội, đã được Bác Hồ dự đoán trước nhiều năm. Đây là trận tập kích chiến lược đường không quy mô lớn bằng B-52 của quân Mỹ.
Pháo đài bay B-52 là loại máy bay ném bom chiến lược “át chủ bài” thần tượng của không lực Hoa Kỳ. Đây là loại máy bay ưu việt, hoạt động trong mọi thời tiết, ném bom thẳng đứng, từ độ cao 9.000m đến 15.000m. Có thể mang được 30 tấn bom, được bảo vệ bằng nhiều máy bay chiến thuật F-4, F-111 trong mỗi chuyến oanh tạc.
Ngày 18/6/1965, 30 máy bay chiến lược B-52 của Mỹ từ đảo Guam giữa Thái Bình Dương bay vào ném bom rải thảm căn cứ Trảng Lớn thuộc huyện Bến Cát, cách Sài Gòn 50km về phía bắc. Chỉ một tháng sau, ngày 19/7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra lời tuyên bố đanh thép, thể hiện quyết tâm sắt đá không gì lay chuyển nổi của quân dân ta: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay “Bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh, mà đã đánh thì nhất định thắng”.
Ngày 12/4/1966, 9 máy bay B-52, cũng từ đảo Guam, bay vào ném bom đèo Mụ Dạ, miền tây tỉnh Quảng Bình. Vài ngày sau Bác Hồ cho mời đại tá Đặng Tính, Chính ủy quân chủng Phòng không - Không quân đến gặp Bác, Bác chỉ thị: “B-52 đã ném bom miền Bắc. Phải tìm cách đánh cho được B-52. Trách nhiệm này Bác giao cho các chú Phòng không - Không quân”.
Giữa tháng 6/1966, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Bác, thống nhất chủ trương: “Phải sớm đưa tên lửa vào nam Quân khu 4 để đánh B-52”. Quân chủng Phòng không - Không quân đã tổ chức cho Trung đoàn 238 (Đoàn Hạ Long) lên đường vào nam Quân khu 4 chiến đấu. Lúc này Không quân Mỹ đánh phá đường giao thông ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình hết sức quyết liệt. Chúng đánh hơi biết đơn vị tên lửa của ta đã vào giới tuyến, chúng tìm mọi cách “tiêu diệt”. Trung đoàn 238 hành quân chiến đấu trải qua muôn vàn khó khăn gian khổ, liên tục bị bom, tên lửa, pháo ngoài hạm đội và pháo bờ nam đánh vào trận địa; đơn vị bị tổn thất, cán bộ chiến sĩ hy sinh, không một tiểu đoàn nào nguyên vẹn, phải dồn 4 tiểu đoàn lại thành một tiểu đoàn 84, tiếp tục chiến đấu, do đồng chí Nguyễn Đình Phiên làm tiểu đoàn trưởng chỉ huy. Ngày 17/9/1967, Tiểu đoàn 84 đã lập được chiến công tiêu diệt được một pháo đài bay B-52 là chiếc B-52 đầu tiên của Mỹ bị bắn rơi ở Việt Nam. Bằng chiến công xuất sắc của mình, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Hạ Long đã thực hiện được điều mong đợi của Bộ Chính trị và Bác Hồ: “Phải bắn rơi cho được B-52 của Mỹ”. Quân dân ta trên khắp cả nước hết sức vui mừng trước chiến công oanh liệt này. Từ thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi “quân dân Vĩnh Linh đánh giỏi”, Người đã ký quyết định tặng thưởng Trung đoàn 238 Huân chương Quân công hạng hai.

|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo phương án đánh máy bay B-52 |
Vào một buổi tối mùa đông, tại ngôi nhà sàn, đêm 29/12/1967, Bác Hồ đã nói chuyện với Tổng tham mưu phó Phùng Thế Tài lời tiên tri sau đây: “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa máy bay B-52 ra ném bom Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Ở Việt Nam Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi chịu thua trên bầu trời Hà Nội”.
Tháng 2/1968, quân chủng Phòng không - Không quân bắt đầu xây dựng kế hoạch tác chiến chống cuộc không kích của Mỹ bằng B-52 vào Hà Nội, dựa trên cơ sở báo cáo kinh nghiệm của Đoàn công tác tại Vĩnh Linh mang ra. Tháng 1/1969, ta đã hoàn thành bản “Dự thảo cách đánh máy bay chiến lược B-52”, và tổ chức triển khai tại các đơn vị chiến đấu. Sau đó, nhiều trung đoàn tên lửa và phân đội máy bay tiêm kích đã được bố trí chiến đấu tại Quân khu 4, để tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh bản dự thảo. Tháng 9/1972, bản kế hoạch đánh B-52 của quân dân ta cơ bản hoàn thành, với yêu cầu cao nhất là chủ động đánh bại bằng được các cuộc không kích của Mỹ bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng. Theo tạp chí Air Force (Mỹ) thì miền Bắc đã xây hệ thống phòng không - không quân, với 180 máy bay MiG, 2.300 tên lửa đất đối không (SAM), hệ thống phòng không dày đặc. Còn theo số liệu của Bộ Quốc phòng thì ta bố trí hệ phòng không nhiều tầng nhiều lớp, sức mạnh tổng hợp chủ động giáng trả kẻ thù giành thắng lợi. Gồm Sư đoàn phòng không 361 có 2 trung đoàn tên lửa và 5 trung đoàn pháo cao xạ, sau đó được tăng cường Trung đoàn tên lửa 274 từ chiến trường ra; Sư đoàn phòng không 363 gồm 2 trung đoàn tên lửa và 2 trung đoàn pháo cao xạ bảo vệ Hải Phòng; Sư đoàn phòng không 365 bảo vệ từ Thanh Hóa, Nghệ An trở vào. Lực lượng không quân gồm các trung đoàn 921, 923 và 927, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Hà Nội. Mạng lưới ra đa được bố trí thành một mạng lưới liên hoàn phát hiện máy bay Mỹ từ xa. Hà Nội còn bố trí thêm 8 đại đội cao xạ 100, 550 súng máy cao xạ và hơn 700 súng đại liên, trung liên trên sân thượng các nhà cao tầng…
Đêm 22/11/1972, Trung đoàn tên lửa 263 tại Nghệ An đã phóng 4 tên lửa, hạ gục 2 chiếc B52 của Mỹ. Thắng lợi này càng khẳng định kế hoạch đánh B52 của ta đạt hiệu quả và được phổ biến ngay lập tức đến các đơn vị chiến đấu.
Cuối năm 1972, cuộc đàm phán ở Paris đi vào bế tắc. Mỹ muốn ký hiệp định theo các điều khoản do Mỹ đặt ra. Tổng thống R. Nixon muốn “nói chuyện” bằng B-52 để buộc Bắc Việt Nam quỳ gối. Trong hồi ký Nixon viết:
“Ngày 13/12/1972, chúng tôi hoãn các cuộc thương lượng. Tôi đã quyết định như vậy vì Hà Nội buộc chúng ta phải có một bước đi làm thay đổi suy nghĩ của họ. Bằng hành động để chúng ta thuyết phục Bắc Việt Nam rằng tốt hơn hết họ nên ký một hiệp định theo điều khoản của chúng ta hơn là tiếp tục chiến đấu. Ngày 14/12 tôi ra lệnh rải thủy lôi cảng Hải Phòng, trinh sát toàn miền Bắc Việt Nam… Ngày 17/12, chúng tôi bắt đầu chiến dịch thả thủy lôi và 24 giờ sau, 129 máy bay B-52 ném bom miền Bắc Việt Nam trong 11 ngày. Chúng tôi phái đi làm nhiệm vụ 729 lần chiếc B-52 và 1.000 lần chiếc máy bay tiêm kích, ném tất cả 20.000 tấn bom vào các mục tiêu định sẵn…”.
Từ đêm 18/12 đến ngày 29/12/1972, cả thế giới chứng kiến cuộc không kích khủng khiếp nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại khi Mỹ sử dụng pháo đài bay B-52 ném bom hủy diệt Hà Nội. Lúc 19 giờ 40 phút, B-52 ở độ cao 10.000m thả hàng tấn bom xuống Hà Nội. Do đã chuẩn bị rất kỹ phương án đánh B-52 và sơ tán dân, không quân của ta đánh chặn vòng ngoài, lực lượng cao xạ và lưới lửa tự vệ đánh máy bay chiến thuật, còn bộ đội ra đa, tên lửa tiêu diệt B-52. Vào hồi 20 giờ 13 phút, chiếc máy bay B-52 đầu tiên đã bị bắn rơi tại cánh đồng xã Phù Lỗ (huyện Đông Anh - Hà Nội) là chiến công của Tiểu đoàn 59 (Trung đoàn 261). Rạng sáng ngày 19/12, vào lúc 4 giờ 39 phút, Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn 257) tại Thanh Oai (Hà Tây) bắn rơi chiếc B-52 thứ hai. Cùng ngày, Tiểu đoàn 52 (Trung đoàn 267) bắn rơi chiếc B-52 thứ ba. Tổng hợp báo cáo các đơn vị, ta đã bắn rơi 5 máy bay B-52. Nhưng hiệu quả chiến đấu chưa cao, đạn tiêu tốn nhiều. Phải cấp bách rút kinh nghiệm, vì có nguy cơ thiếu tên lửa đánh B-52 trong những ngày tới. Do vậy, các phân xưởng lắp ráp tên lửa phải vận hành tối đa và tên lửa hư hỏng phải tìm cách phục hồi, sửa chữa. Ta đã chuyển phần lớn tên lửa đang dự trữ tại Thanh Hóa, điều 2 tiểu đoàn tên lửa từ Hải Phòng và 3 tiểu đoàn tên lửa 274 ở Quảng Trị ra Hà Nội. Đêm 20/12, không quân ta đã xuất kích đánh vào đội hình máy bay chiến thuật của Mỹ. Đêm thứ ba này trở thành một đêm kinh hoàng với các phi công B-52 Mỹ khi có tới 5 chiếc B-52 bị tên lửa ta tiêu diệt. Và rạng sáng ngày 21/12, diệt thêm một B52 đưa số máy bay B-52 bị bắn rơi lên 6 chiếc (có 5 chiếc rơi tại chỗ), ta bắn 35 tên lửa, bắt sống 12 phi công Mỹ. Tổng cộng 4 ngày đầu, ta đã tiêu diệt 12 máy bay B-52 của Mỹ. Hãng thông tấn AP (Mỹ) đã bình luận: “Nếu cứ theo đà này thì máy bay B-52 của Mỹ sẽ bị diệt chủng”. Trận thắng oanh liệt đêm 21/12, ta rút được nhiều kinh nghiệm, còn Mỹ bị mất nhiều B-52, chúng ta sẽ thay đổi cách đánh và mục tiêu theo nhận định của Bộ Tổng tham mưu ta. Đúng vậy, sau đêm 21/12, số lượt B-52 tấn công Hà Nội đã giảm sút nhiều. Tính đến ngày 24/12, số B-52 bị bắn hạ là 17 chiếc và máy bay chiến thuật 29 chiếc, trong đó có 5 chiếc F-111.

|
Bệnh viện Bạch Mai dưới mưa bom của Mỹ |
Đặc biệt đêm 26/12, Mỹ huy động 129 B52 đánh dồn dập mỗi mục tiêu từ ba hướng khác nhau (trước đánh một hướng) gây nhiều tội ác “trời không dung, đất không tha”. Bom Mỹ đã hủy diệt phố Khâm Thiên, khu Tương Mai, bệnh viện Bạch Mai… Đây được coi là trận chiến quyết định số phận chiến dịch Linebacker II. Với đợt không kích khủng khiếp này Mỹ tưởng Hà Nội sẽ quỳ gối. Nhưng Hà Nội vẫn cứng như thép, vững như đồng, chính phủ Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom vào 7 giờ sáng 31/12/1972, và đề nghị gặp lại đại diện của chính phủ ta tại Paris để bàn ký kết hiệp định.
Trong 12 ngày đêm của chiến dịch không kích vào Hà Nội, Mỹ đã đưa 663 lượt B-52 tấn công miền Bắc, 3.920 lượt máy bay chiến thuật, rải 10 vạn tấn bom (riêng Hà Nội chịu khoảng 4 vạn tấn). Quân dân ta đã hạ gục 81 máy bay, trong đó có 35 chiếc B-52, 5 chiếc F-111, bắt sống 43 phi công Mỹ (có 33 phi công B-52), kết thúc trận “Điện Biên Phủ trên không” với thất bại thảm hại và tội ác chất chồng của đế quốc Mỹ.
Cuối cùng, Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết ngày 27/1/1973 theo những điều khoản như bản dự thảo tháng 10/1972. Bản lĩnh, ý chí Việt Nam đã chiến thắng cường bạo. Một chiến công vĩ đại trong thời đại Hồ Chí Minh ở thế kỷ XX.