Xưa nay, hai yếu tố cần phải hội đủ của một diễn viên điện ảnh là ngoại hình và tài năng. Khi tuyển diễn viên điện ảnh, yếu tố ngoại hình được đặt nặng hơn diễn viên sân khấu, bởi vì khi ống kính quay cận và đặc tả, sẽ bộc lộ hết gương mặt thật của diễn viên. Với những diễn viên mà ngoại hình đã được công nhận, họ chỉ cần chút ít năng khiếu là tấm thảm đỏ dường như đã sẵn sàng trải dưới chân. Sự thành công dễ dàng đến nỗi có người được vinh danh là “ngôi sao” hãy còn ngỡ ngàng vì còn chưa cảm nhận hết bản thân mình. Rất nhiều những ngôi sao hiện nay đã lớn lên trong ánh hào quang hư ảo ấy, và tất nhiên, với một người chưa đủ bản lĩnh để tự đánh giá đúng bản thân mình thì căn bệnh ngôi sao là điều khó tránh khỏi.

|
Diễn viên Hồ Kiểng
|
Bên cạnh những ngôi sao rực sáng ấy, bao giờ cũng có những bóng mờ lặng lẽ, đó là những diễn viên cả đời lao động nghệ thuật mà mà không dễ có người nhận được mặt, kêu được tên. Ánh sáng và danh vọng ấy họ thừa biết không phải của họ, nhưng nó lại có một sức hút lạ kỳ. Ngày xưa, người ta gọi là máu mê nghề, và cái dòng máu ấy kết đọng trong họ như là một định mệnh…
Giấc mơ dài trong những nỗi niềm
Diễn viên Hồ Kiểng khi đóng đến 80 bộ phim, người xem mới bắt đầu nhớ đến tên ông. Và bây giờ khi ông nằm xuống, ông đã có hơn 200 vai phụ. Nửa thế kỷ đi cùng điện ảnh, bắt đầu từ năm 1961, ông là anh dân công Điện Biên trong Lửa trung tuyến, rồi lần lượt những phim Chị Tư Hậu, Nguyễn Văn Trỗi, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm với những nhân vật không có tên… Ông đã từng tự hào về con số 200 này, nhưng trong niềm tự hào ấy còn là cả một nỗi niềm. Ông đã một lần suýt chết khi đóng vai ông già bắt rắn trông Đêm săn tiền, bị té ngựa gãy một đốt xương sống khi đóng phim Rừng xà nu, phải phẫu thuật và điều trị khá lâu khi quay một cảnh bị ném vào tường trong phim Cảnh sát hình sự. Xem phim Ðất phương Nam , khán giả khó có thể quên hình ảnh ông Ba Ngũ nhân hậu, hay nhân vật lão tá điền bị chủ bắt phải nuốt con cá sống trong phim Những nẻo đường phù sa. Ông lão tá điền Hồ Kiểng đã cầm con cá sống đầy bùn đất nhai thật trước sự kinh hãi của cả đoàn phim. Thực ra, ông có thể làm động tác giả, nhưng ông đã không làm vì cho rằng làm thế khán giả sẽ biết mình đóng giả… Cái gì đã bắt ông làm như thế, Hồ Kiểng chỉ cười và nói, đó là cái máu mê nghề, đã làm thì phải làm hết lòng hết sức, không thể qua loa. “Sống chết có số, tui mấy lần suýt chết vì đóng phim mà có chết đâu”, ông vẫn thường nói về những tai nạn nghề nghiệp của mình tỉnh như không vậy . 64 tuổi Đảng, tham gia hơn 50 vở kịch, 12 tuồng cải lương, sáng tác hơn 200 bài vọng cổ, đi đến đâu cũng có thể ca vọng cổ, làm thơ và lúc nào cũng vui nhộn. Đó chính là Hồ Kiểng, một Hồ Kiểng hiền lành đến mức ngây thơ trước cuộc đời. Vai diễn cuối cùng của ông là vai ông chủ Quảng trong phim Mùa hè lạnh của đạo diễn Quang Hải. Có lẽ đó là vai diễn đầu tiên ông được nhàn hạ, giàu có với cô vợ trẻ đẹp, nhưng cuối cùng đã trở thành con mồi cho một âm mưu giết người cướp của… Trong phim ông đã bị giết thê thảm, nhưng ông cười hề hề, “tui 87 tuổi, lần đầu tiên mới có vai giàu có bên cạnh người đẹp như cô Lý Nhã Kỳ thì có chết cũng thấy sướng…”

|
Diễn viên Văn Hiệp |
Không biết có phải định mệnh không mà trong một thời gian ngắn, hai diễn viên chuyên vai phụ có tiếng của hai miền Nam, Bắc cùng vĩnh biệt khán giả điện ảnh. Hồ Kiểng vừa mới nằm xuống không lâu thì Văn Hiệp cũng đi cùng ông. Nghệ sĩ Văn Hiệp sau khi tốt nghiệp khóa đầu tiên Trường Sân khấu - Kịch nói, được nhận về công tác tại Nhà hát kịch Việt Nam. Là người hạn chế về chiều cao nên vai diễn đầu tiên của nghệ sĩ Văn Hiệp là chú bé con trong phim Vợ chồng A Phủ. Không có ngoại hình bắt mắt, trong 40 năm theo nghiệp diễn viên, ông chấp nhận cho mình làm những bóng mờ bên cạnh các ngôi sao với vô số vai phụ mà chính ông cũng không nhớ hết . Thế nhưng, chính vai phụ đó nhiều khi đã trở thành điểm nhấn cho bộ phim. Khán giả vẫn bắt gặp trong đó những nét hài hước, bình dị và chính nét diễn chân thật, gần gũi ấy đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Đặc biệt từ khi có chương trình truyền hình Gặp nhau cuối tuần, nghệ sĩ Văn Hiệp trở thành gương mặt quen thuộc và dễ mến với khán giả qua vai diễn nổi tiếng Ông trưởng thôn . Hình ảnh vừa nguyên tắc vừa hài hước của Văn Hiệp khiến người xem không khỏi bật cười. Hình ảnh này gắn liền với Văn Hiệp đến nỗi, người ta có khi quên mất tên diễn viên mà chỉ gọi là ông trưởng thôn. Nhớ tới ông, khán giả truyền hình còn nhớ tới vai Hoạt trong Người thổi tù và hàng tổng. Dù chỉ là vai diễn phụ bên cạnh Quốc Tuấn, nhưng ông đã khiến cho khán giả không khỏi phì cười với câu cửa miệng “xét một cách toàn diện”. Có lẽ từ đó nó đã trở thành câu nói vui truyền miệng trong đời sống.
Những thế hệ kế tục còn biết bao những diễn viên mà cả đời chỉ thấp thoáng bên màn ảnh. Mỗi người mỗi cảnh đời khác nhau, nghề nghiệp, trình độ học vấn khác nhau, nhưng họ cùng có chung một niềm đam mê lạ lùng cùng điện ảnh. Mỗi lần ngồi lại với nhau, họ cùng nhắc những kỷ niệm phim trường bằng những nụ cười sảng khoái. Bởi đó chính là cuộc sống của họ, dù cuộc sống ấy không hề có nhiều danh vọng, tiền bạc, nhưng đó chính là nghiệp, cái nghiệp phải đi với nó suốt cả đời… Đó là những Lê Chánh, Trần Minh Dậu, Nguyễn Đình Thơ, Nguyễn Hậu, Nguyễn Ngọc Đặng, Phan Hiển Khánh… Lê Chánh đã là một họa sĩ, đã mở nhiều phòng triển lãm tranh. Cớ sao anh vẫn đeo đẳng mãi giấc mơ khó thành đạt cùng điện ảnh cho đến lúc nhắm mắt. Nguyễn Ngọc Đặng khi chưa vào tuổi 50 đã để râu tóc để vào vai ông già vớt xác trong phim Hòn đất. Máu di truyền của mẹ anh (bà Năm Sa Đéc) đã bắt anh tự nguyện chọn một chỗ cho mình với điện ảnh. Với lối ăn mặc đặc biệt, bộ bà ba đen và bộ râu dài, Ngọc Đặng đã “chuyên trị” vào vai các ông lão trong hầu hết các bộ phim. Trần Minh Dậu và Nguyễn Hậu đều theo nghề trước 1975, sau giải phóng chuyên vào những vai phản diện. Nguyễn Hậu đã nhắc đến lời của đạo diễn Bùi Sơn Duân khi anh mới nhập cuộc vào điện ảnh:“Con không có điều kiện về ngoại hình thì con phải ráng học hỏi để đứng vững vàng bằng diễn xuất của mình”. Anh coi đó như cẩm nang để tự rèn mình. Và bây giờ, anh đã thực sự đứng được với tên tuổi của mình, và khán giả đã nhận ra anh, kêu tên anh bằng tên nhân vật. Đó là những phút giây hạnh phúc đến trào nước mắt. Các anh đã nâng niu chắt lọc cho mình tất cả những gì mà khán giả đã dành cho bằng tình yêu sâu nặng để bước tiếp con đường mình đã chọn.
Trước nay, rất nhiều ngôi sao điện ảnh đã xuất hiện, chói sáng, nhưng nhiều người cũng dần rơi rụng theo thời gian. Nhưng với những diễn viên vai phụ này, quy luật ấy hoàn toàn không có ý nghĩa. Họ đã đến với điện ảnh bằng lòng say mê. Tấm lòng ấy trải dài cùng với thời gian vì họ chỉ nhận cho mình một chỗ khiêm tốn. Những Hồ Kiểng, Văn Hiệp và còn bao nhiêu thế hệ kế tục đã sống chết với nghề và cuộc đời đã đón nhận họ…