Một kỷ niệm đầu xuân với nhà văn Vũ Hạnh

Sau giải phóng vài năm, nhà văn Đỗ Đơn Chiếu, bút hiệu Châu Anh, nhân những ngày đầu năm rảnh rỗi, mời nhà văn Vũ Hạnh về thăm quê ông - ở Hàm Tân - và đến viếng thắng cảnh Bàu Trắng, gần Khu Lê, nơi ông đã từng ẩn náu để hoạt động trong những năm đầu chống Mỹ.

Khu Lê là tên gọi tắt của chiến khu Lê Hồng Phong, thành lập từ thời kháng Pháp, gồm dãy rừng dài, cây thấp dọc theo ven biển Bình Thuận từ Phan Thiết trở ra.


Bàu Trắng là nguồn hy vọng tươi mát
để chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Cách Phan Thiết khoảng 70 kilômét về hướng bắc là huyện Bắc Bình, có con đường dẫn xuống biển, bên đường có hai bàu lớn, gọi là Bàu Ông, Bàu Bà - tên chữ là Bạch Hồ - từng được nhà thơ Nguyễn Thông nhắc đến trong bài Bạch Hồ nhàn hành.


Bàu Trắng - Bình Thuận.

Thời Pháp, khi Ngô Đình Diệm làm Tuần vũ ở Ninh Thuận đã đến để viếng cảnh này và đến khi làm Tổng thống, tay sai cho Mỹ, cũng lại ra thăm với nhiều đội quân dàn trải vì sợ Việt Cộng tấn công.

Đường từ quốc lộ dẫn xuống Bàu Trắng chạy tới bờ biển Hàm Thắng vốn là con đường ngày xưa xe trâu chuyên chở lương thực từ trong đất liền ra biển để các ghe bầu chực sẵn đưa về thủ đô, là Huế. Đặc biệt là tuy gần biển nhưng hai Bàu Trắng là nước ngọt, nên thời chống Pháp rồi chống Mỹ các chiến sĩ ta hoạt động vùng này, tìm đến lấy nước, thường bị bọn địch phục kích bắn chết.


Trẻ thả gia súc tự kiếm ăn cạnh Bàu Trắng.

Gần bàu là các đồi cát trắng mênh mông, gọi là Ba Động, có ngọn núi lớn gọi là Hòn Hồng chứa nhiều đá quý trong veo, tưởng là kim cương nhưng là thạch anh còn ở độ non được rào kín lại. Biển Hàm Thắng có rất nhiều con dồm, hoặc dồm dộp, một loại nghêu sò bé nhỏ, đủ màu được xuất khẩu nhiều sau giải phóng.

Đến nơi, mọi người xuống biển tắm mát rồi lên nghỉ ở trên bờ trước những ghề đá lô nhô chập chờn sóng nước. Trước phong cảnh thiên nhiên hữu tình, nhà văn Vũ Hạnh trầm trồ khen. Thấy vậy, nhà văn Đỗ Đơn Chiếu liền bảo: “Thế thì làm thơ đi!”. Nhà văn Vũ Hạnh hứng khẩu đọc luôn một bài Đường luật:

Theo anh Đơn Chiếu đến Khu Lê
Rừng núi tênh hênh trải bốn bề
Bàu Trắng, ông bà nằm sóng sượt
Hòn Hồng, to nhỏ đứng tê hê
Sóng le lưỡi cọp bào da rát
Đá chĩa nanh rồng bấu thịt tê
Bắt được con dồm màu lá mạ
Bàn tay chuộng lạ cứ mân mê.

Nhà văn Vũ Hạnh đọc vừa dứt câu, bỗng có một người chạy đến, đó là Trưởng ban văn hóa của Khu lưu niệm gần đấy. Ông vui vẻ nói:

- Nghe ông đọc thơ hay quá, vậy xin cho tôi chép lại để mà lưu niệm.

Nhà văn Đỗ Đơn Chiếu ghé tai nói nhỏ với nhà văn Vũ Hạnh:

- Đọc thơ vậy, làm sao mà ghi kịp được?

Nhà văn Vũ Hạnh liền nói:

- Anh cứ yên chí. Cái nghề làm thơ Đường Luật tôi đã quá quen từ khi học tiểu học. Anh cứ để tôi ứng khẩu bài khác.

Rồi nhà văn Vũ Hạnh liền lấy cây bút và quyển lưu niệm, vội ghi vào tám câu Đường luật như sau:

Bắc Bình còn đó đất kiên trung
Rừng núi Khu Lê ngút khí hùng
Bàu Trắng chứa chan dòng sữa mẹ
Hòn Hồng sừng sững hận thù chung
Xe lương triều cũ đường quanh quất
Ba Động hồn thiêng cát chập chùng
Mãi mãi về ta, trời biển rộng
Ơn đời vô thủy nối vô chung.


Bãi biễn Hàm Thắng.

BÍCH ĐÀO (ghi)