Một khó khăn cụ thể của việc cải cách giáo dục

Việc cải cách giáo dục đương đứng trước nhiều thử thách. Có nhiều vấn đề được đặt ra, vấn đề sôi nổi được nhiều người bàn đến kể cả nội dung và tài chính là vấn đề sách giáo khoa… Tôi muốn nói đến một vấn đề cụ thể hơn, không tốn tiền, nhưng lại rất quan trọng cho việc đảm bảo sự thắng lợi của việc cải cách giáo dục: đó là việc đánh giá kết quả học tập của học sinh, đánh giá kết quả giảng dạy của giáo viên, đánh giá công việc của nhà trường.

Đã từ khá lâu rồi người ta quen với sự kiện: cuối năm học số học sinh được lên lớp nếu không 100% thì cũng phải là không dưới 90%. Chúng ta không chấp nhận một tỷ lệ học sinh lên lớp quá thấp cũng tức là không chấp nhận một tỷ lệ học sinh lưu ban quá cao. Cái khó khăn lớn nhất trong giáo dục hiện nay là đáp ứng thói quen ấy của cộng đồng. Làm sao có thể đảm bảo kết quả đó một cách thực chất và đại trà. Đành rằng ở một lớp nào đó, vào một năm học nào đó số học sinh lên lớp đúng thực chất có thể là 100% nhưng đại trà thì không thể. Điều rắc rối là biết không thể nhưng vẫn phải có thể nên mới xảy ra tình trạng học sinh quá kém, học sinh “ngồi nhầm lớp” (chữ dùng khá phổ biến trên báo chí mấy năm gần đây). Không thể có một bộ sách giáo khoa nào có thể giúp cho học sinh nắm được bài trong mọi hoàn cảnh gia đình, trong mọi tình huống của cuộc sống. Không thể nào có được một phương pháp giảng dạy mà tất cả các học sinh của lớp với những hoàn cảnh rất khác nhau đều hiểu thấu đáo, nên trong một lớp có học sinh giỏi, học sinh trung bình, học sinh kém là điều tất nhiên. Điều rắc rối là chính bản thân ngành giáo dục trong thời gian qua đã làm cho xã hội không chấp nhận điều đó.

Không phải là trong ngành giáo dục không ai biết điều đó, ngược lại nữa là khác, nhưng làm sao sửa chữa được? Đã có nhiều người nói đến vấn đề này, chẳng hạn đã có lúc đưa ra việc tránh cho học sinh “ngồi nhầm lớp” nhưng rồi khó khăn không giải quyết được đã xảy ra: nếu không cho học sinh lên lớp đại trà thì lấy đâu chỗ cho học sinh lớp dưới lên, cũng không thể đuổi các học sinh ở tuổi vị thành niên này ra ngoài đường phố.

Cũng từ khá lâu rồi người ta quen đánh giá, bình bầu các danh hiệu cho giáo viên, cho nhà trường dựa vào số học sinh khá giỏi của giáo viên, dựa vào tỷ lệ học sinh được lên lớp của nhà trường. Đúng là nếu thầy giáo dạy giỏi thì học sinh tiếp thu tốt và hệ quả tất nhiên là học sinh cũng sẽ giỏi, nhưng điều ngược lại không phải bao giờ cũng đúng. Một thầy giáo giỏi nhưng gặp học sinh kém quá thì cũng chịu. Nhưng người ta cứ yêu cầu thầy giáo phải làm tất cả để nâng trình độ học sinh này lên. Rồi áp lực đánh giá giáo viên, giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng v.v… tất cả những điều đó đã đẩy đến tình trạng hiện nay mà mọi người vẫn gọi là bệnh thành tích.

Trong giáo dục bây giờ có một guồng máy cứ thế phải chạy: đầu năm vào lớp, cuối năm phải được lên lớp. Không những phải được lên lớp mà còn phải là học sinh khá giỏi. Mà điều đó là đại trà ở mọi lớp, ở mọi trường. Ai có thể làm được điều đó?! Ở một vài lớp nào đó điều này có thể thực hiện được một cách thực chất, nhưng đại trà thì không thể. Không thể có một giáo trình nào, không thể có một phương pháp giảng dạy nào đáp ứng được yêu cầu đó.

Tất nhiên việc đổi mới giáo dục hiện nay phải làm theo trình tự: bắt đầu bằng việc xác định trình độ của học sinh khi hoàn thành từng bậc học một. Từ đó xây dựng yêu cầu tổng thể rồi nội dung giảng dạy từng môn. Sau đó mới đến chương trình và sách giáo khoa.

Hình như chưa có một lần cải cách giáo dục nào nói đến việc đánh giá học sinh. Ai cũng nghĩ hiển nhiên kết quả của công việc là do cách thực hiện công việc đó nhưng chính xác ra lại không phải chỉ có vậy. Đánh giá kết quả của công việc còn do quan niệm về đánh giá.

Tóm lại tôi muốn nói rằng trong hoàn cảnh của giáo dục Việt Nam hiện nay, điều quan trọng trước hết là xác định quan niệm về đánh giá học sinh, xác định thái độ lúc đánh giá hoc sinh: giỏi thì bảo giỏi, kém thì bảo kém và làm sao cho xã hội chấp nhận kết quả với cách đánh giá đó. Đồng thời cũng phải đưa ra được biện pháp giải quyết các vấn đề phát sinh lúc đánh giá học sinh theo đúng tiêu chí này. Mặt khác cũng không được gắn chặt kết quả của học sinh với trình độ của thầy giáo và công việc của nhà trường.

Làm được điều này thì mới thấy được thực chất kết quả do sách giáo khoa mang lại, do phương pháp giảng dạy của giáo viên mang lại, do công sức điều hành của nhà trường mang lại, do chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo mang lại, từ đó mới có thể điều chỉnh thực chất sách giáo khoa, điều chỉnh phương pháp giảng dạy, điều chỉnh các chủ trương về giáo dục v.v…

Theo tôi, sẽ không có cuộc cải cách giáo dục nào thành công nếu không giải quyết được vấn đề này trước hết.

TS PHẠM XUÂN NINH