Một ý kiến thắc mắc về nguồn gốc thơ lục bát

LTS: Ông Phan Hoàng Mạnh, một cựu Vụ trưởng dưới thời Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, một người làm thơ, dịch thơ… có những suy nghĩ về thơ lục bát nhân có bài khảo cứu giá trị của GS Trần Ngọc Ninh. Chúng tôi mong nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc, các nhà nghiên cứu, các nhà thơ… bàn luận “rôm rả” vấn đề lý thú này.

Trong bài Nguyễn Du và quan họ (Hồn Việt số 87, tháng 11-2014), tác giả GS Trần Ngọc Ninh có đưa ra luận điểm cho rằng: Thơ lục bát của Việt Nam là bắt nguồn từ thơ ca của người Chiêm Thành (Chăm), do các trận thắng quân Chiêm của các thời Lê Đại Hành, Lý Thánh Tông, đã đưa hàng vạn tù binh (có nhiều vũ nữ, ca sĩ, nghệ nhân) ra định cư ở nhiều tỉnh phía Bắc.

Tác giả có luận điểm như trên, theo tôi hiểu, là dựa vào tài liệu nghiên cứu của giáo sư Durand (Thông báo của Trường Viễn Đông Bác cổ), của Phạm Duy (Dân ca Việt Nam) và Võ Phiến (Thơ lục bát Chăm), và dẫn chứng một số câu thơ Chăm theo thể lục bát.

Tôi đánh giá bài báo là một tài liệu nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Tôi không có điều kiện tìm tòi tài liệu cổ để nghiên cứu phản bác một cách khoa học, nhưng tôi có một số băn khoăn sau đây về nguồn gốc thơ lục bát của dân tộc ta, xin mạnh dạn phát biểu để rộng đường dư luận.

* * *

Lục bát là một thể thơ độc đáo, riêng biệt của dân tộc Việt Nam, hoàn toàn không chịu ảnh hưởng gì của thể thơ chú đạo của Trung Quốc (thơ Đường luật). Thơ Đường luật Trung Quốc là thơ 7 chữ, có vần bằng, có vần trắc. Còn thơ lục bát là thơ 6 và 8 chữ, chỉ có vần bằng, không có vần trắc, và đặc biệt là phân biệt vần thanh không (không có dấu) và vần thanh huyền (dấu huyền), phân biệt rất chặt chẽ, không cho phép một sai biệt nhỏ nào (lối thơ đùa kiểu Bút Tre đã nói lên sự chặt chẽ ấy).

Lục bát là lối thơ dân gian, do người bình dân sáng tác, khác với lối thơ hàn lâm do các nhà trí thức sáng tác (chủ yếu theo thể thơ cổ điển của Trung Quốc). Chưa có nhà nghiên cứu nào xác định thơ lục bát có mặt trong dân ta từ thời nào, một số bài ca dao lục bát có được gán ghép nói về thời vua nọ, vua kia… đều thiếu cơ sở thuyết phục để xác định thời điểm ra đời. Riêng có mấy câu sau nói về Bà Triệu mà tôi còn nhớ được: “Ru con, con ngủ cho lành/ Cho mẹ gánh nước rửa bành cho voi/ Muốn coi lên núi mà coi/ Coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng/Túi gấm cho lẫn túi hồng/ Têm trầu cánh kiếm cho chồng đi quân”.

Tôi nghĩ rằng bài ca dao với lời lẽ như vậy chắc hẳn đã được nhân dân sáng tác ngay trong thời đại Bà Triệu, hoặc trong vài thập kỷ sau đó chứ khó có thể xa hơn. Nếu thật như vậy, thì ca dao lục bát đã có trong dân gian Việt Nam từ thời thế kỷ thứ 2, thứ 3, ít ra là trước thời lập quốc của Ngô Quyền (thế kỷ 10).

Cho đến nay, chưa có một tài liệu nghiên cứu nào về thời đại xuất xứ của các câu ca dao, câu nào thuộc khoảng thế kỷ nào (trừ một số ca dao có tính địa phương và thời đại rất đậm), để có thể tìm hiểu thể thơ lục bát xuất hiện trong dân gian Việt Nam từ lúc nào. Trong mảng thơ quốc âm của Nguyễn Trãi (thế kỷ 15) hình như không có câu lục bát nào. Đến thơ quốc âm của Nguyễn Bỉnh Khiêm (thế kỷ 16) hình như cũng thế, ngoài một số câu lục bát thuộc về loại sấm ký, tương truyền là của cụ. (Tôi dùng chữ “hình như” vì tôi không có khả năng sưu tầm đầy đủ thơ quốc âm của các cụ, để có thể khẳng định). Còn thơ lục bát thành bài dài như: Chuyện Trê Cóc, Lục súc tranh công, rồi đến Hoàng Trừu, Nhị độ mai…, các truyện thơ lục bát khuyết danh, chắc phải đến thế kỷ 17-18 mới có, mở đường cho các tác phẩm có tính văn học cao hơn (Hoa tiên, Mai đình mộng ký, Truyện Kiều…). Mong rằng sẽ có một tác phẩm như vậy tiếp tục phát triển công trình nghiên cứu của Vũ Ngọc Phan trước đây.

Ca dao tục ngữ của ta chủ yếu là theo thể thơ lục bát. Từ Cao Bằng, Lạng Sơn vào tận Bạc Liêu, Cà Mau, nhân dân đều ca hát theo thơ lục bát, từ quan họ, trống quân, hát xẩm, đến hát phường vải, các điệu hò (hò sông Mã, hò giã gạo, hát đò đưa, hò mái đẩy), hát bài chòi, các điệu lý (Trung Bộ, Nam Bộ)… đều trên cơ sở thơ lục bát với nhiều kiểu biến cách (tiếng đệm, tiếng láy, tiếng đưa hơi…) của mỗi lối hát, mỗi làn điệu, mỗi địa phương, hết sức tài tình và độc đáo.

Một thể thơ phổ biến rộng rãi trong toàn dân, toàn quốc như thế, phổ biến từ những thuở xa xưa như thế, với chất lượng tuyệt vời về nghệ thuật, về tâm thức… như thế, mà bảo rằng: đó là thể thơ nhờ các tù binh Chăm mà hình thành nên, căn cứ vào tư liệu của vài ba người chưa có dụng tâm nghiên cứu vấn đề một cách khoa học… thì tôi e rằng quá vội vã, thiếu sự thận trọng khoa học cần thiết.

Tôi nghĩ rằng: Muốn chứng minh luận điểm như của GS Trần Ngọc Ninh, cần phải nghiên cứu Văn thơ cổ của người Chăm cặn kẽ chu đáo hơn, tìm hiểu kiểu âm thanh của tiếng Chăm (có phân biệt trắc và bằng không, có các loại thanh (có các dấu trong chữ quốc ngữ) như tiếng Việt không, tỷ lệ thơ 6-8 câu trong thơ cổ, trong dân ca Chăm là nhiều hay ít v.v… Tại những vùng đất cũ của người Chăm: Quảng Bình, Quảng Trị cho đến Bình Định, Phú Yên…, những vùng đất mà người Chăm sinh sống lâu đời hàng nghìn năm, thì dân ca, ca dao có gì đặc trưng hơn, mang nặng ảnh hưởng Thơ Chăm hơn so với những vùng đất lâu đời của người Việt (Bắc Bộ vào tới Nghệ Tĩnh), nơi chỉ có một số tù binh Chăm được đưa đến cư trú ở một số vùng nhất định? Sự thật là: Trong thơ Chăm, người ta gặp một số câu thơ theo thể 6-8, có cách gieo vần gần giống như thơ lục bát của Việt Nam (vần câu 8 gieo vào từ thứ tư). Nhưng như vậy đã đủ cơ sở để có thể kết luận là: Thơ lục bát Việt Nam là bắt nguồn từ thơ Chăm? Và từ đó suy ra là: các vùng quan họ của ta là bắt nguồn từ văn hóa thi ca của mấy ngàn tù binh Chăm? Nghĩa là: trước khi có tù binh Chăm đến ngụ cư, thì ta chưa có loại thơ lục bát, vùng Kinh Bắc của ta cũng chưa có hát quan họ?

Sao có thể kết luận một cách võ đoán như thế? Nhân tiện cũng nói thêm rằng luận điểm: “Lúa Chiêm là do tù binh Chiêm Thành đưa ra Bắc” cũng cần đưa ra những tư liệu thuyết phục hơn. Ví dụ: Người Chiêm từ cổ đã có truyền thống làm lúa hai vụ một năm, còn dân Việt hồi đó, ngay ở đồng bằng Bắc Bộ, cũng chỉ làm lúa một vụ. Chỉ từ khi có tù binh Chiêm ra Bắc, thì nông dân Việt mới biết làm vụ lúa thứ hai, và do học của người Chiêm, nên gọi là lúa chiêm. Tôi nghĩ rằng, nếu chưa có những nghiên cứu đầy đủ, thì không nên chỉ căn cứ vào một danh từ mà kết luận vội vàng như thế.

Một số ý kiến băn khoăn, xin gửi Hồn Việt và tác giả Trần Ngọc Ninh, mong được chỉ giáo.

PHAN HOÀNG MẠNH