Tôi “mơ” đến Điện Biên từ hơn nửa thế kỷ trước, khi còn là một chú bé lang thang kiếm sống trên các phốphường Hà Nội với nghề “bán sách dạo” - trong chiếc túi nặng trĩu vai, luôn có Người người lớp lớp của Trần Dần, cuốn tiểu thuyết đầu tiên nóng hổi những bước chân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ; vậy mà đến tháng 4-1999, mới códịp lên Điện Biên! Và nay, chào mừng 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, những kỷ niệm chuyến lên Điện Biên đầy ấn tượng ấy lại sống dậy…
...Bữa cơm đón khách đầu tiên, ngay sau khi chúng tôi đặt chân lên đất Điện Biên, đã đầy ắp hương sắc vùng đất Tây Bắc của Tổ quốc. Măng đắng luộc chấm với chẳm chéo gồm rất nhiều thứ gia vị, trong đó có hạt má khén (hương vị gần như hạt tiêu); cá lăng mang từ thượng nguồn sông Đà về; xôi đựng trong ép khẩu - giỏ tre hai lớp để giữ độ nóng và hương thơm của xôi. Và tất nhiên là rất nhiều rượu! Khách đến Tây Bắc, không thể từ chối chén rượu mời của những cô gái Thái...
 |
Di tích miệng hố bộc phá trên đỉnh đồi A1 |
Những ngày ở Điện Biên, chúng tôi tạm trú trong căn nhà anh Phạm Xuân Ngọc - một cựu chiến binh Điện Biên Phủ đồng thời là một cây bút chủ lực ở Lai Châu. Ngay đêm đầu tiên, các bạn thơ Lai Châu đã đưa chúng tôi lên thăm đồi A1. Làm sao có thể ngủ yên khi biết điểm quyết chiến giữa ta và địch chỉ cách nhà anh Ngọc một quãng đường ngắn. Và trăng lúc ẩn lúc hiện qua những tầng lá nhãn đen sẫm lao xao trong gió như lời rủ rê, mời gọi. Quốc lộ 279 dưới chân đồi A1 sáng trưng nhờ hệ thống đèn cao áp vừa khánh thành. Trẻ em tràn ra đường phố, tụ tập quanh điểm vui chơi dành cho thiếu nhi đông như hội. Đồi A1 từng rung chuyển vì lửa đạn năm xưa, trong đêm trăng hôm nay thì lại lặng yên như một bức tượng vĩ đại. Lô cốt Cây-đa-cụt, chiếc xe tăng, miệng hố bộc phá và tấm bia kỷ niệm trên đỉnh đồi cũng như những hàng cây tếch do các cựu binh Điện Biên Phủ trồng năm 1962 đều lặng im. Sự lặng im chất chứa bao điều đáng nói.
Buổi thăm chính thức đồi A1 và viếng Nghĩa trang vẫn tiến hành theo kế hoạch vào hôm sau. Nghĩa Trang Điện Biên đã được xây dựng hoàn chỉnh cạnh chân đồi A1. Đến trước chúng tôi là những cựu binh sư đoàn 316, ngực áo lấp lánh huân chương và không ít cặp mắt đỏ hoe. Làm sao cầm được nước mắt trước hàng hàng bia mộ không tên và hai bảng vàng chạy suốt hai mảng tường lớn chi chít tên họ các liệt sĩ được xếp theo từng tỉnh: Hà Nội, Vĩnh Phú, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... 45 năm (1999) đã qua và thời chống Pháp chưa có kinh nghiệm ghi lại tên tuổi chiến sĩ phòng trường hợp hy sinh, nên những nấm mộ quy tập về nghĩa trang không dễ phân biệt, mộ chí đành để trắng.
Dự định của các bạn văn nghệ Lai Châu đưa chúng tôi thăm các công trình thủy lợi, vì thời gian có hạn đã không thực hiện được. Bây giờ, ngẫm lại, bỗng thấy tiếc, giá như đừng lược bớt buổi đi thăm đập Nậm Rốm, hồ Huổi Phạ và được dạo thuyền quanh hồ Pa Khoang, được ngồi lâu hơn chút nữa trên con đập cao lừng lững nối hai quả đồi bên hồ Pe Luông lộng gió để thấm hiểu sâu sắc hơn cuộc đổi đời ở Điện Biên. Ngày nào, các ngọn đồi quanh lòng chảo Điện Biên là nơi xuất phát những “trận mưa” lửa đạn; còn hôm nay, dòng nước mát từ các hồ chứa trên cao tỏa về khắp cánh đồng Mường Thanh. Đất Điện Biên tạo nên chất gạo thơm ngon, nhưng chính các hồ chứa nước trên cao đã nâng sản lượng lúa lên 5-7 tấn/ha (1999), đưa Lai Châu từ một tỉnh thường phải xin Trung ương trợ cấp 5.000 tấn/năm (1999) trở thành địa phương thừa gạo. Hơn thế, những hồ chứa nước đã góp phần cải thiện vùng “tiểu khí hậu” khá khắc nghiệt ở Điện Biên; vườn hoa hồng vừa được trồng trên cánh đồng phía trước hầm Đờ Cát đang đua nhau vươn những mầm tím mập mạp báo hiệu mùa hoa nở rộ sắp tới cũng nhờ có mương dẫn nước chạy quanh. Lại nhớ hệ thống giao thông hào chi chít mà quân ta kỳ công đào lấn từng mét trên khắp cánh đồng Mường Thanh đã được tái hiện trên sa bàn chiến dịch Điện Biên Phủ trong Nhà Bảo tàng Điện Biên...
 |
Lán Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
May mắn hơn những người đi trước, chúng tôi đến Điện Biên khi con đường dài 25km nối từ quốc lộ 279 đến tận Mường Phăng - nơi đặt Chỉ huy sở chiến dịch Điện Biên Phủ vừa được hoàn thành. Anh Tín, người lái xe điệu nghệ của Sở Văn hóa Lai Châu, đưa chiếc xe commăngca vượt chặng đường quanh co hiểm trở dài 41km, kể từ trung tâm thị xã Điện Biên, tới Mường Phăng chỉ trong một tiếng đồng hồ. Chưa có lối đi lên đỉnh Pu Huất - nơi đặt đài quan sát được toàn cảnh Điện Biên Phủ, nhưng con đường dốc quãng 1km lên khu rừng đặt Sở chỉ huy đã được lát bằng những phiến bê tông rộng đủ hai đoàn người ngược xuôi tránh nhau. Những tấm bảng chữ vàng ghi dấu nơi đặt “Tổng đài điện thoại”, “Lán hầm cơ quan chính trị chiến dịch Điện Biên Phủ”, “Lán hầm của cố vấn Trung Quốc”, “Nơi họp Ban tác chiến”... lần lượt hiện ra bên lối đi. Cửa hầm xuyên núi và lán làm việc của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như của Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đã được tái tạo một phần. Căn lán lợp lá rộng khoảng 3m, dài 5m, gian ngoài đặt bộ bàn ghế dài, rồi chiếc chõng nhỏ dành cho chiến sĩ cận vệ, gian trong là chiếc bàn và chõng dành cho Đại tướng. Ngày trước, tất cả đều bằng tre; nay để giữ được dài lâu, các vật dụng được tái tạo theo kiểu “bê tông giả tre”, mấy chiếc cầu nhỏ bắc qua dòng khe nhỏ uốn lượn chảy qua lối đi cũng là những cây “bê tông giả gỗ”...
Mường Phăng - Phăng, tiếng Thái nghĩa là “nghe”; do vùng này nhiều hổ, vào rừng phải lắng nghe. Nhưng đi giữa khu rừng già vừa lúc nắng lên hôm nay, chúng tôi chỉ nghe đầy tiếng chim và ở một khúc quanh gần thân cây cổ thụ bị mục gãy đổ chắn ngang, chợt líu lo vẳng lên tiếng hát của trẻ thơ. Anh Mào Ết - Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ Lai Châu, người “bạn đường chung thủy” với chúng tôi trong những ngày ở Điện Biên - cất tiếng hỏi, lắng nghe lời đáp rồi nói: “Các em người Thái ở Mường Phăng đi hái quả rừng đó!”. Nhân nhắc đến quả ngon giữa rừng, anh Mào Ết chỉ những lá cây hai bên lối đi và giảng giải:
- Lá dong để gói bánh thì các anh biết rồi; nhưng nõn lá là thứ thuốc giải rượu... Còn đây là rau dớn, chần tái, chấm nước mắm chanh ăn rất mát... Đây là cây sa nhân, đây là lá toong cói, nướng vàng, pha uống như nước chè, bổ gân cốt.
Tôi nhìn lá rừng tầng tầng lớp lớp như vô tận, nhìn những đốm hoa rừng rải trắng lối đi, chợt nghĩ đến không biết bao nhiêu người con ưu tú của dân tộc đã đặt bước chân trên con đường này cũng như trong những con đường hào ngoằn ngoèo bủa vây quân thù dưới lòng chảo Điện Biên năm xưa. Nhiều người đã để lại tên tuổi - trong đó, 14 anh hùng quân đội được phong tặng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thành những dòng chữ vàng trên trang sử vẻ vang của dân tộc sẽ còn mãi với thời gian. Nhưng không ít người đã “khuyết danh”; như 4 chiến sĩ hy sinh khi đánh gục chiếc xe tăng địch trên đỉnh đồi A1 trước giờ chiến thắng, và tất cả những bia mộ ở nghĩa trang Điện Biên Phủ đều không có tên, cũng có người “khuyết danh” vì những khúc quanh éo le của lịch sử... Dù sao, tất cả đã làm nên “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu”, tất cả đã góp sức viết thành tên ĐIỆN BIÊN PHỦ bất diệt.
Một di tích lịch sử ởĐiện Biên không liên quan trực tiếp đến chiến thắng vĩđại Điện Biên Phủ, nhưng ngay sau khi thắp hương tại Nghĩa trang Điện Biên, các bạn văn nghệ Lai Châu bảo: “Thế nào các vị cũng phải dành thì giờ đến thăm đền thờ Hoàng Công Chất”. Vâng, trang sử cũ từng ghi Hoàng Công Chất là một anh hùng nông dân cùng thời với Quận He Nguyễn Hữu Cầu...
Chợt nghĩ, có lẽ Đờ Cát sẽ không dám phiêu lưu nhận lãnh chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nếu như y biết rằng từ hai thế kỷtrước, khi tất cả các con đường lên Tây Bắc đều chỉ là những lối mòn hiểm trở, chật hẹp, phương tiện cơ giới chưa có, 3 vạn gốc tre gai đã được đưa lên Mường Thanh. Chính là với tinh thần ấy, những khẩu pháo đã được kéo lên các dãy núi quanh lòng chảo Điện Biên Phủ, bất ngờ dội bão lửa xuống đầu quân xâm lược...
Có lẽ cũng nên dành ít dòng nói đến một “di tích” ở Điện Biên còn ít người biết. Đó là khu đất chôn cất sĩ quan, binh lính Pháp tửtrận ở Điện Biên Phủ mà Nhà nước ta, với chính sách nhân đạo, đã cho xây thành bao quanh, ở giữa có cột trụ ghi: “Aux officiers et soldats de l’armée française morts à Điện Biên Phủ”. Công trình này là sáng kiến của Rolf Rodel, nguyên là trung sĩ thuộc trung đoàn đóng tại Hồng Cúm, được khánh thành ngày 7-5-1994, kỷ niệm 40 năm trận Điện Biên Phủ. Dưới chân cột trụ, có vài chân hương đã tàn và một bó hoa cúc vàng đổ nghiêng. Vậy là con cháu của họ đã có người biết tìm đến đây. Chợt nghĩ, trong thế giới ngày nay, bài học đau xót của những kẻ xâm lược vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự.
60 năm qua, Điện Biên Phu ̉đã luôn hiện hữu trong tâm trímỗi người dân Việt, là chỗ dựa tinh thần trên mỗi bước đường đi tới của Việt Nam; và vì thế, nhiều người, chỉ một lần lên Điện Biên cũng đã thỏa lòng…