Hữu Ngọc vừa “cho ra lò” 3 tác phẩm mới về Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long: 1 cuốn bằng tiếng Việt là HÀ NỘI CỦA TÔI (Nhà xuất bản Thanh niên, 2010), và 2 cuốn bằng tiếng Anh: CHÂN DUNG HÀ NỘI TRUYỀN THỐNG (Portrait of Traditional Hanoi) kèm 28 phụ bản mỹ thuật (Nhà xuất bản Hà Nội, 2010) và HÀ NỘI, BẠN LÀ AI (Hanoi, Who are you?) gồm 10 tập (Nhà xuất bản Hà Nội, 2010).
Tôi có niềm vui và cái may được là độc giả đầu tiên của cả ba cuốn khi còn là bản thảo vì anh muốn biết ý kiến khách quan của tôi. Tôi không dám chắc cuốn tiếng Việt sẽ được độc giả Việt Nam đón nhận như thế nào nhưng tôi có thể chắc chắn là hai cuốn tiếng Anh sẽ được độc giả nước ngoài trung bình như tôi hoan nghênh. Tôi xin chia sẻ cùng các độc giả một số suy nghĩ của tôi.
Khi tôi lớn lên ở thủ đô Washington Mỹ, trong thời chiến tranh lạnh, hầu như tôi chẳng biết mảy may gì về Hà Nội. Thế mà tính đến nay thì tôi đã sống ở Hà Thành nhiều hơn là sống ở thành phố quê hương thời thơ ấu của tôi.
Cách đây nhiều năm, trước khi Hà Nội có đèn giao thông ở các phố, người thủ đô thường đi xe đạp, tôi cũng đi xe đạp. Khi tiễn tôi lên xe, các bạn Việt Nam bao giờ cũng nắm ghi-đông xe của tôi và dặn phải cẩn thận, đừng trông trước ngó sau, đề phòng tai nạn xe cộ. Ngày nay, tôi vẫn đi xe đạp, các bạn cũng vẫn dặn dò như thế. Nhưng giờ thì phố xá thay đổi nhanh đến chóng mặt. Tôi làm gì có thì giờ và hứng thú mà nghênh cổ nhìn ngang nhìn ngửa trong khi đi đạp xe, lúc nào cũng chăm chú ở thế tự vệ để khỏi bị tai nạn.

Nhà văn Lady Borton và Hữu Ngọc xem bản thảo.
Dù sao, trong cuộc sống ào ạt và ngọn triều ô nhiễm của một thành phố hiện đại, có những khoảnh khắc tôi vẫn cảm thấy bề sâu văn hóa lịch sử của Hà Nội: phảng phất hương thơm của hoa dại khi tôi đạp xe qua một ngôi chùa mới quét vôi lại, mùi cà phê bay ra từ một quán nhỏ dáng vẻ nông thôn bên vỉa hè, màu sắc của một loạt túi gia vị bày ở cửa hàng. Tôi mong mỏi giữ lại được ít nhiều những gì còn lại của thành phố tôi yêu mến trước khi tất cả những thứ gì tôi đã từng được biết sẽ biến mất đi, khi Hà Nội sẽ giống như bất cứ đô thị hiện đại nào khác.
3 tác phẩm của Hữu Ngọc ra đời đáp ứng sự mong mỏi của tôi và còn hơn thế nữa.
Vốn sinh ra và lớn lên ở phường Cổ Vũ, phố Hàng Gai, Hữu Ngọc hướng dẫn chúng tôi đi tìm truyền thống Hà Thành qua khu phố cổ và các làng ven đô, khám phá những cái mới trong thủ đô hiện đại. Một hành trình trong dĩ vãng và hiện tại, một chuyến đi tình cảm tìm con người và văn hóa tâm hồn. Đối với Hữu Ngọc, người Hà Nội không nhất thiết phải là người sinh ra ở Hà Nội, mà là tất cả những ai, từ xưa đến nay, bất cứ từ đâu đến, kể cả từ nước ngoài, đã gắn bó với Hà Nội, đóng góp tinh thần khiến Thăng Long - Hà Nội trở thành thủ đô nghìn năm văn hóa của Việt Nam.
Cuốn HÀ NỘI CỦA TÔI có hai phần. Phần I là bản giao hưởng phố phường với 2 chương (Cảnh sắc Hà Nội và Văn hóa thị thành). Phần II Người Tràng An là thế đấy, có 4 chương (Đôi nét Tràng An, - Sĩ phu xưa và nay, - Tài tử văn nhân, - Bạn xa mà gần).
Cuốn CHÂN DUNG HÀ NỘI TRUYỀN THỐNG gồm 6 chương: Huyền thoại và lịch sử, - Lang thang trong phố cổ, - Làng ven đô, - Thành cổ và lâu đài xưa, - Khu phố Tây cũ, - Những đổi thay.
Cuốn HÀ NỘI, BẠN LÀ AI? Là bộ sách gồm 10 tập nhỏ giới thiệu 10 sắc thái Hà Nội: Hà Nội, tấm gương phản ánh lịch sử đất nước Việt Nam, Tín ngưỡng và tôn giáo, Món ăn Hà Nội, Cây và con người nhiệt đới, Không khí Hà Thành, Vật phẩm đẹp, Khu phố Cổ và khu phố Tây, Tên phố phản ánh đất Việt truyền thống, Lễ hội làng ven đô, Truyền thống và đổi thay.
Giờ thì xin mời bạn hãy khoác tay Hữu Ngọc cùng đi thăm Hà Nội qua 3 tác phẩm trên.
LADY BORTON (nhà văn Mỹ)