Một năm nhìn lại phim truyền hình Việt Nam: Sự lấn sóng của những đứa con lai…

Liên hoan Truyền hình toàn quốc có quy chế không chấp nhận những bộ phim nước ngoài được Việt hóa. Năm nay, các đài Truyền hình còn chọn lọc được một số phim dự thi, nhưng theo đà phát sóng như hiện nay, chắc rằng năm tới việc chọn lọc phim thuần Việt sẽ cực kỳ khó khăn vì những đứa con lai đang trên đà tăng tốc dữ dội, chiếm không nhỏ thời lượng phát sóng trên các kênh truyền hình Việt Nam…

Cách đây vài năm, phim truyền hình Hàn Quốc, Trung Quốc tràn ngập trên sóng truyền hình trong khi phim Việt Nam chỉ lèo tèo vài bộ, e dè góp mặt vào ngày chủ nhật mỗi tuần ở cả hai đài truyền hình lớn nhất nước. Ai là người Việt Nam đều cảm thấy bức xúc vì sự lấn sân của vô số các phim ngoại trên sóng truyền hình.


Tạo hình các nhân vật trong phim Gia đình phép thuật.

Phim nước ngoài, nói chính xác hơn là phim Hàn Quốc, Trung Quốc được đưa về ào ạt phát sóng suốt ngày đêm từ sáng, trưa, chiều, tối. Nền điện ảnh trong nước ngày càng teo tóp, đến nỗi Tạp chí Điện Ảnh của Hội Điện ảnh gần như chỉ sống nhờ vào dàn diễn viên Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông… Tạp chí Điện Ảnh Việt Nam mà 80% nội dung là những bài viết và hình ảnh về các diễn viên nước ngoài?! Đây là nỗi nhục mà báo chí vẫn thường xuyên đề cập, coi như là một hành động tự nguyện “được xâm lăng văn hóa”.

Từ khi Luật điện ảnh ra đời với chủ trương xã hội hóa cộng thêm Nghị định 96 qui định tỷ lệ chiếu phim Việt Nam 30% trên sóng truyền hình, là thời cơ và cũng là thách thức cho phim Việt. Rõ ràng, các hãng phim Truyền hình không thể đủ sức gánh vác thời lượng chiếu phim khổng lồ ấy, nên cũng dễ hiểu khi các hãng phim tư nhân mọc lên như nấm và ồ ạt làm phim để tranh lấy một chỗ đẹp trên sóng truyền hình.

Bắt đầu là hãng Lasta với nhiều tai tiếng bởi những kịch bản phim lấy từ Thái Lan, rồi tiếp theo là sự hợp tác của hãng Vifa với Hàn Quốc để cho ra đời hương vị phở sặc mùi kim chi. Nhưng dẫu có chê, công chúng Việt Nam vẫn tỏ vẻ “mặn nồng” với phim Việt, bằng chứng là số lượng người xem vẫn cao ngất trong những “giờ vàng phim Việt”. Đó chính là chất gây men cho vô số các công ty quảng cáo.

Giờ đây, các nhà kinh doanh đã thấy rõ sự lợi hại của “phim Việt giờ vàng”, nên không ngạc nhiên khi chưa có lúc nào phim truyền hình Việt Nam được sản xuất ồ ạt đến chóng mặt như lúc này. Từ năm 2005, kênh HTV9 và HTV7 chỉ có khoảng 300 tập phim phát sóng thì năm 2010, con số này đã tăng lên gấp 6 lần. Bây giờ thì từ sáng tới chiều tối, mở mắt ra là thấy phim Việt Nam. Thực sự đó là điều đáng mừng hay đáng báo động cho thể loại phim truyền hình Việt Nam?

SỰ TRỞ LẠI CỦA NHỮNG BỘ PHIM NHÃN NGOẠI…

Chỉ nhìn vào con số tập phim của một đài ở TP.HCM, chúng ta có thể hiểu được vì sao tốc độ làm phim truyền hình hiện nay tăng chóng mặt như thế. 2 ngày quay 1 tập phim, mỗi tập được nhà đài trả từ 180 - 200 triệu đồng, cho nên phim càng nhiều tập càng tốt, kịch bản phim 30 tập, nhà sản xuất không ngần ngại kéo dài 60 tập một cách vô tư, bỏ hết ngoài tai cái gọi là “chất lượng bộ phim”.

Vì vậy, không ngạc nhiên khi hiện nay, các hãng phim tư nhân chọn con đường Việt hóa phim nước ngoài, để nhanh chóng có những bộ phim dài hàng trăm tập mà không cần phải đầu tư nhiều thời gian, công sức lẫn tiền bạc. Hơn thế, dưới cái bóng của những phim nổi tiếng, việc cuốn hút khán giả sẽ dễ dàng hơn là kịch bản hoàn toàn mới.


Cảnh trong phim Gia đình phép thuật.

Sau thành công quảng cáo với hơn 2000 tỷ đồng của bộ phim Cô gái xấu xí, với độ dài 176 tập, các hãng sản xuất và các nhà đài dường như đã có một cái bắt tay ngoạn mục khi dành trọn “sóng đẹp” cho nhiều bộ phim có dán nhãn ngoại. Hãng BHD vừa xong bộ phim Ngôi nhà hạnh phúc, Vietcom không chịu thua với nhãn hiệu Anh em nhà bác sĩ, rồi M&T Pictures liên tiếp khai thác các phim đã nổi đình nổi đám của Hàn Quốc như Lối sống sai lầm, Dòng sông huynh đệ, Định mệnh; DID đưa Tôi là Kim Sam Soon vào sản xuất với tên mới Người đẹp lỡ thì; Vifa sau khi nấu phở bằng kim chi đã chọn ngay Gia đình phép thuật và sống khỏe với độ dài 500 tập.

Chỉ liếc nhìn qua số tập phim trên ba con số của những bộ phim ngoại này người ta có thể hiểu chuyện làm phim ở đây đã nằm ngoài nghệ thuật. Phim ngoại đã có tên tuổi, dù hay dở thế nào cũng đã có mác ngoại, ví như Ngôi nhà hạnh phúc hay Anh em nhà bác sĩ đã đi vào công chúng Việt Nam quá sâu, tất nhiên ai cũng muốn xem để so sánh.

Với những phim kiểu này, nhà sản xuất không đặt nặng chuyện chất lượng mà cái chính là quảng cáo. Bởi sao chép một bộ phim quá nổi tiếng, đương nhiên không thể làm hay hơn, và dù có dở tệ, dở đều đến mức khán giả và báo chí hết biết phê bình vào đâu (vì chỗ nào cũng vô duyên đến mức chỉ còn biết lắc đầu) như Ngôi nhà hạnh phúc thì phim cũng vẫn lấy được mức quảng cáo kỷ lục.

Một bộ phim như thế vẫn được gọi là thành công, vẫn được nhà đài cho phát sóng vào giờ vàng thì đương nhiên đó chính là cái đích cho nhiều hãng phim khác hướng tới. Như vậy, liệu chúng ta sẽ hình dung phim truyền hình Việt Nam trong năm 2010 và những năm sắp tới sẽ ra sao?!

VIỆT HÓA HAY NHỮNG ĐỨA CON LAI…

Ngẫm lại ngày trước khi phim Hàn Quốc, phim Trung Quốc chiếm sóng, giới điện ảnh Việt Nam thấy nhục vì tự mình không làm nổi phim cho dân mình xem, đến nỗi sóng truyền hình của mình mà mở mắt ra đã thấy phim nước ngoài ngự trị suốt bao nhiêu năm. Bây giờ, phim do chính người Việt Nam đóng, đạo diễn Việt Nam làm và nói tiếng Việt mà vẫn thấy lòng trĩu nặng. Bởi từ Việt hóa coi cho sang, nhưng thực sự là sao chép câu chuyện của người thành chuyện của mình.

Đời sống văn hóa, sinh hoạt, tập quán, phong tục giữa hai quốc gia dù cùng màu da, nhưng vẫn có quá nhiều điều khác biệt, nên khá nhiều tình tiết đưa vào đời sống Việt Nam, khán giả còn ngửi thấy mùi kim chi pha lẫn đến khó chịu.

Ví như phim Có lẽ nào ta yêu nhau lấy từ phim Anh em sinh đôi của Hàn Quốc, câu chuyện hoàn toàn không thể có ở Việt Nam vì vấn đề nối dõi ở gia đình Việt không quá nặng nề như ở Hàn Quốc. Phim Ngôi nhà hạnh phúc, ngay cái lõi làm nên câu chuyện đã hoàn toàn xa lạ với luật pháp Việt Nam bởi không ai có thể bán nhà người khác mà không cần sự đồng ý của họ như kiểu của Kiều Nhi và Minh Minh trong phim. Hơn thế, vụ mua bán trái phép ấy chỉ diễn ra trong vòng mấy ngày…?!


Hai nhân vật chính trong phim Ngôi nhà hạnh phúc.

Người xem có thể bắt đầu nghi ngờ rằng mục đích tốt đẹp của Nghị định 96 đang bị đồng tiền khuynh đảo. Chính sự dễ dãi của các nhà đài hiện nay sẽ bắt công chúng phải tiếp tục nhai sạn dài dài nếu vẫn còn nhẫn nhịn ngồi trước màn ảnh nhỏ đón chờ phim Việt. Con số 30% phim Việt trên sóng truyền hình, giờ đây đang dần bị lấn sóng bởi những đứa con lai mà chất Việt ngày càng chìm khuất dưới những nhãn mác hàng ngoại.

Điểm lại trên thế giới, có lẽ chưa có đất nước nào vô tư đổ xô làm phim từ kịch bản nước ngoài như Việt Nam. Vấn đề này, nếu đưa vào sổ Guiness chắc chắn truyền hình Việt Nam không có đối thủ. Cùng với cái kiểu chiếu phim chặt khúc bởi thời lượng quảng cáo dài dằng dặc như hiện nay trên sóng truyền hình đã giúp cho khán giả hiểu rằng, dường như việc chiếu phim Việt phục vụ khán giả màn ảnh nhỏ chỉ là cái cớ phụ cho việc chính yếu là thu lợi nhuận từ quảng cáo…

NGÔ NGỌC NGŨ LONG