Nhà văn, nhà báo, nhà nhiếp ảnh Mỹ Lady Borton đã sống, làm việc và gắn bó với Việt Nam 35 năm. Bà là nhà văn Mỹ duy nhất có mặt ở cả hai miền Nam - Bắc thời chiến tranh. Bà đã viết hai tập bút ký, đặc biệt là cuốn Tiếp sau nỗi buồn nói về số phận những dân thường Việt Nam trong và sau chiến tranh, được xếp vào loại sách 4 sao ở Mỹ, được tái bản ở Mỹ và ở Việt Nam.
Năm 2003, bà cho ra mắt bạn đọc tác phẩm Hồ Chí Minh – Một chân dung với rất nhiều tư liệu quý hiếm mà bà đã kỳ công sưu tập trên khắp thế giới với lời giới thiệu của Charles Fenn (nguyên văn là sĩ quan OSS – tiền thân của CIA) bày tỏ sự kính trọng và cảm phục Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như lịch sử cách mạng Việt Nam.
Năm 2004, bà hoàn tất bản dịch tiếng Anh cuốn hồi ức Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bà còn viết hàng trăm bài báo về văn hóa, cuộc sống, con người… bày tỏ thiện cảm với Việt Nam, để bạn bè thế giới hiểu rõ Việt Nam.
Lady Borton hiện là Đại diện của tổ chức Quaker Mỹ tại Việt Nam – một tổ chức có trụ sở tại Philadelphia, Hoa Kỳ, từng được giải thưởng Nobel vì Hòa Bình từ năm 1947 – Văn phòng Quaber đã có mặt ở Hà Nội từ năm 1990, giúp đỡ nông dân Thanh Hóa và Sơn La xóa đói giảm nghèo. Bà còn là cầu nối giúp các nhà xuất bản, nhà văn, các đoàn thể quần chúng… giao lưu hữu nghị với các đối tác bên Mỹ, Lady Borton đã được chính phủ Việt Nam tặng huy chương Hữu Nghị từ năm 1998.
Hồn Việt xin được giới thiệu những bài báo của Lady Borton in rải rác trên các tờ báo tiếng Anh ở Mỹ và Việt Nam.
H.V
TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP HAY CUỘC CÁCH MẠNG QUA MỘT TỪ
LADY BORTON
TRẦN MINH TÂM dịch và giới thiệu
Nhiều nhà sử học (vì lý do nào đó, đã không đúng) cho rằng Hồ Chí Minh mở đầu Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam bằng câu trích dẫn từ Tuyên ngôn của Hoa Kỳ. Hồ Chí Minh đã đọc bản tài liệu này từ hơn 30 năm trước, khi ông đang sống ở New York và Boston. Là một người thông tuệ xuất sắc, ông Hồ có thể đã ghi câu trích dẫn này vào trí nhớ của mình.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, tôi tin chắc rằng, ông Hồ đã kiểm tra sự chính xác của trích dẫn này khi ông hoàn tất bản nháp. Hơn nữa, giờ đây chúng ta thấy thật rõ ràng, ông Hồ đã cố ý sửa lại câu trích dẫn của ông từ văn bản Mỹ.
Trong chiến tranh thế giới thứ hai, thông tin về thời tiết địa phương rất cần thiết đối với các phi công lái máy bay oanh tạc, vì ra-đa lúc đó chưa phát triển lắm nhưng lực lượng Hoa Kỳ ở Côn Minh (Trung Quốc) lúc đó rất cần những nguồn thông tin mới ở Việt Nam. Cùng lúc Hồ Chí Minh muốn liên lạc với những người Mỹ, ông đã chủ trương Việt Minh sẽ cứu bất kỳ phi công Mỹ nào bị Nhật bắn rơi.

Bà Lady Borton trong triển lãm ảnh về chân dung đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: LQ.
Cuối năm 1944, các cán bộ Việt Minh đã cứu được một phi công Mỹ, là trung úy Shaw. Họ đưa Shaw lên phía Bắc, ông Hồ đi cùng Shaw qua những đường phòng thủ của Nhật và vượt biên giới sang Trung Quốc. Sau đó, Shaw trở lại Côn Minh.
Ngày 29/3/1945, ông Hồ gặp Charles Fenn, một sĩ quan của lực lượng chiến thuật Mỹ (OSS) tại quán cà phê Đông Dương ở Côn Minh. Fenn thu xếp để ông Hồ gặp tướng Claire Vennaut chỉ huy lực lượng không quân Mỹ ở Trung Quốc. Sau đó, ông Hồ trở thành đầu mối liên lạc với OSS - các đầu mối của OSS tại Côn Minh đều có bí danh, những bí danh này được Fenn chọn từ tên các nhân vật trong kịch Shakespeare. Fenn tự gọi mình là “Hamlet”, ông Hồ trở thành “Lucius”.
Sau những cuộc gặp gỡ ở Côn Minh, ông Hồ đi bộ về căn cứ Việt Minh ở Pác Bó cùng với một điệp báo viên người Anh, một nhân viên khí tượng người Mỹ và 20 phu khuân vác, mang theo những trang bị điện đài, vũ khí nhẹ và đạn dược trang bị cho quân giải phóng Việt Nam của tướng Giáp. Trong nhiều tháng, sự sụp đổ nhanh chóng đến bất ngờ của Nhật Bản, tiếp theo trận ném bom xuống Hirosima và Nagasaki đã tạo ra một chỗ hổng trong giới cầm quyền ở Đông Dương mà Hồ Chí Minh đã tiên đoán.
Hội nghị nổi tiếng ở Tân Trào vào ngày 16/8, cho phép có thời gian để các đại biểu từ miền Trung và miền Nam Việt Nam tới tham dự việc quyết định cướp chính quyền ba ngày sau đó. Vào ngày 19/8 với việc giải phóng Hà Nội, kết thúc ở Huế - Hoàng đế Bảo Đại thoái vị ngày 25/8; cùng ngày, Hồ Chí Minh bí mật vào khu phố cổ Hà Nội.
Lúc đó, ông Hồ ở căn gác tại 48 Hàng Ngang, tại đó, ông viết Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam bằng chiếc máy chữ “Harmesbaby” nổi tiếng của ông. Là một nhà chiến lược, nhà giáo, nhà văn, nhà thơ và nhà báo, ông Hồ viết rất nhiều và cũng rất chuyên sâu.
Ở chỗ này có sự nhầm lẫn có lý của các nhà sử học - cho rằng Hồ Chí Minh trích dẫn thẳng thắn bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ, ông không làm thế, mà hơn thế, Hồ Chí Minh sửa bản của Hoa Kỳ, để khẳng định quan niệm riêng của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh TL.
Tuyên ngôn của Hoa Kỳ viết là: “Chúng ta cho những sự thật này là hiển nhiên, là mọi người (all men) sinh ra đều bình đẳng”.
Năm 1776, khi bản Tuyên ngôn Hoa Kỳ được ký, chữ men có nghĩa là “những người đàn ông da trắng có sở hữu”, sự sở hữu này nhiều khi bao gồm cả những nô lệ da đen… Người Mỹ da đen không có quyền bầu cử, phải tới 95 năm sau đấy mới có; phụ nữ Mỹ dành được quyền bầu cử tới 50 năm sau nữa, và phải mất nhiều năm tranh đấu. Thật lý thú, vào năm có những cuộc biểu dương lực lượng lớn nhất, đòi quyền bầu cử cho phụ nữ (trước chiến tranh thế giới thứ nhất), vào năm 1913 chính là năm Hồ Chí Minh sống ở New York và Boston.
Ngược hẳn với Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ, Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam mở đầu:
“Tất cả mọi người (*) đều sinh ra có quyền bình đẳng” (All people are created equal).
Hơn nữa, Hồ Chí Minh đã chọn những từ mở đầu: “Hỡi đồng bào cả nước”… rõ ràng có dụng ý bao gồm tất cả mọi tầng lớp.
Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh gồm những từ ngữ “dân”, “nhân dân” và “dân tộc”, những từ chỉ 54 nhóm dân tộc ở Việt Nam, và từ Việt Nam dành cho người đàn ông (men) trong bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ đã không xuất hiện.
Ngoài Việt Minh ra, cái xã hội mà Hồ Chí Minh đề cập trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 là xã hội thấm nhuần Khổng học. Phụ nữ tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Một phụ nữ không phải là một nhân vị, có một bản vị hợp pháp.
Hồ Chí Minh rất thuần thục tiếng Anh và hiểu sự khác nhau giữa từ “men” và “people”. Bằng cách thay đổi một từ trong bản dịch, ông đã dứt khoát và tinh tế, tuyên bố với quốc dân đồng bào và với thế giới một cuộc cách mạng thứ hai. Hồ Chí Minh cũng tuyên bố độc lập cho phụ nữ Việt Nam.
NỖI BUỒN CỦA THỜI ĐÃ QUA
LADY BORTON
Kế hoạch của chúng tôi là đi nghe một nhà điện ảnh nổi tiếng nói chuyện ở Liên hoan phim Philadelphia, có vẻ cũng hấp dẫn! Tôi theo Laura Jackson - nhà sản xuất phim vô tuyến truyền hình về Việt Nam; “Tiếp theo cuộc chiến tranh của chúng ta, tình yêu sẽ nói gì?” - vào ký túc xá quốc tế ở Trường đại học Pennsylvania. Tuy nhiên, tôi vẫn ngầm muốn rủ Laura sang đường để xem múa rối nước - một loại hình nghệ thuật sân khấu đặc biệt của Việt Nam.
Lạ lùng thay, chỉ cần diễn vài buổi tối, loại hình nghệ thuật này đã thể hiện được phép màu huyền diệu.
Đúng lúc chúng tôi đi vào khu nhà quốc tế thì một người bạn cũ tôi quen ở Việt Nam là Don Luce, tươi cười tiến đến; Don nổi tiếng từ những năm 1970 vì đã miêu tả tỉ mỉ những cảnh chuồng cọp trong các nhà tù, nơi chính quyền Thiệu có Mỹ đứng đằng sau đã giam các tù chính trị. Suốt ba mươi năm nay, Don đã hoạt động để giới thiệu với Mỹ về văn hóa Việt Nam. Thật đáng tiếc, Don hẳn nghĩ rằng tôi đã thiếu chung thủy với Việt Nam, vì chọn phim Mỹ, chứ không chọn rối nước Việt Nam.
Rồi đến lượt Laura cũng tội nghiệp. Phim ngắn đầu tiên của nhà điện ảnh nổi tiếng hình như xem mãi vẫn chưa xong, phim thứ hai của Don vẫn chưa được chiếu.
- Quên phim đi - Laura thì thầm.
- Hay ta xem múa rối? Tôi gợi ý khi lẻn ra ngoài. Tuy nhiên, lúc chúng tôi sang đường đến nhà hát, hết giờ giải lao, không có ai vào rạp cả.
Tôi nghe văng vẳng tiếng đàn bầu, một nhạc cụ độc đáo của Việt Nam, một món quà của tiên nữ! Khi người nhạc công rung cái cần mềm mại được gắn liền với một sợi dây đơn, những nốt nhạc thánh thót trầm bổng vang lên, miêu tả tất cả sự chia ly và nỗi buồn. Tôi bỗng cảm thấy bâng khuâng, nhớ lắm! Vì, một phần đời tôi đã để lại ở Việt Nam.
- Này, chúng mình lẻn ra ngoài đi.
- Ái dà! Như có phép lạ, Don xuất hiện ở hành lang - Anh đưa chúng tôi đi nhé!
Don dẫn chúng tôi đi lên gác, ra ban công. Xa xa bên dưới, thay cho sân khấu là một bể nước hình chữ nhật to bằng cả gian phòng. Ở phía sau cái bể, treo một bức mành tre có vẽ một ngôi đình mái cong. Bức mành chia hai để một lối ra vào. Tôi đã được xem múa rối nước ở Hà Nội. Tôi biết rằng những con rối được điều khiển dưới nước sâu, đằng sau tấm phông sân khấu.
Từ trên cao, chỗ ban công này, tôi có thể thấy những cái sào dài, các diễn viên dưới nước, điều khiển những con rối bằng gỗ, phục trang đẹp: Ngư ông thì thất vọng và chú cá cứ lẩn quẫy, những con rồng phun lửa và những vũ điệu rộn ràng, náo nhiệt nơi sân đình. Nghệ thuật múa của họ phù hợp với những bài hát và tiếng nhạc truyền thống. Những nghệ sĩ điều khiển con rối đã mê hoặc các khán giả Mỹ, cũng như các bậc tiền bối của họ đã mê hoặc các khán giả Việt Nam suốt hai nghìn năm.

Múa rối nước.
Đàn tam thập lục, đàn tỳ bà và đàn bầu tấu lên giai điệu huyền ảo. Đôi chim loan phượng rực rỡ xòe cánh lướt ra từ sau bức màn tre. Phượng - một loài chim đặc biệt của vùng Đông Á, một sinh vật sống trên mặt đất. Tuy nhiên, những con rối nước có gốc gác ở đồng bằng sông Hồng, miền Bắc Việt Nam, nơi trồng lúa nước. Những con vật cùng với người sống trên mặt nước cũng như trên mặt đất.
Đôi chim loan phượng vừa thung dung sánh đôi, vừa rỉa lông và vờn nhau như chúng đã từng làm hàng nghìn năm nay. Rồi loan phượng gù nhau dưới nước. Sau khi chúng nhô lên mặt nước, người đánh trống thúc liên hồi lên mặt trống, bất thình lình một quả trứng rập rình giữa đôi chim. Khán giả cười ồ, mọi người hoan hỉ khi bất ngờ từ quả trứng nhú ra một chú chim non, run rẩy nhưng khao khát muốn nhảy tâng lên!
- Anh thú vị chứ? Don? Tôi thì thào. Thậm chí ở trên ban công tối thui này, tôi vẫn có thể thấy gương mặt Don sáng lên.
Don đã làm việc nhiều năm để hàn gắn sự chia rẽ Việt - Mỹ. Cho đến nay, anh đã đưa hàng trăm người Mỹ tới Việt Nam. Trong một chuyến đi, ông chủ quán cà phê Cầu trắng ở Philadelphia đã mê những con rối nước và thu xếp cho một đoàn rối nước sang Hoa Kỳ.
Những diễn viên múa rối nước tới Mỹ chẳng dễ dàng gì. Đó là năm 1992, lệnh cấm vận Mỹ đối với Việt Nam chưa được bãi bỏ. Nhiều người Mỹ gốc Việt đứng chắn ở bên ngoài đêm khai mạc, phản đối sự có mặt của “Việt cộng” từ Việt Nam sang.
Tuy nhiên, ngôn ngữ như có phép lạ của những con rối đã đi vào cộng đồng người Việt ở Philadelphia, như làn gió nhẹ lướt trên những thảm mạ non mới cấy. Những Việt kiều biểu tình đã sớm giải tán! Trong vòng mấy ngày liền, họ đã nhập vào nhà hát, ngồi lẫn trong đám khán giả đang rất say mê theo dõi các vở diễn.
Và, kết thúc buổi biểu diễn cuối cùng, họ đã vào sau sân khấu, tán gẫu với các diễn viên và ngắm nhìn những con chim loan phượng duyên dáng được xếp sang một bên y như những nỗi buồn xưa cũ.
(*) | Những từ và cụm từ: “Tất cả mọi người” “dân”, “nhân dân” và “dân tộc” tác giả viết bằng tiếng Việt. |