Một phát súng, hai con gà

Cuối năm 1961, Tổng cục II Bộ Quốc phòng phái tôi vào miền Nam làm công tác tình báo. Căn cứ lực lượng vũ trang cụm tôi đặt tại ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi. Trên chiến trường miền Nam lúc ấy, súng ống đạn dược rất thiếu. Mỗi người chúng tôi trở về từ miền Bắc mang theo một khẩu cácbin (loại súng bán tự động của Mỹ), khẩu súng ngắn, ba lạng thuốc nổ TNT. Về đến căn cứ Trung ương Cục, các món quý giá ấy đều phải nộp lại cho cấp trên. Riêng tôi, với chức vụ Cụm trưởng Cụm tình báo, tôi được trang bị khẩu súng ngắn mà tôi mang theo từ miền Bắc.

Huyện Củ Chi lúc này có công trường làm lựu đạn, làm súng và sạc lại vỏ đạn; cũng làm được “súng ngựa trời” bằng cách cưa ống nước (bằng sắt), dùng bi xe đạp làm đạn và chặt sắt vụn, cắt dây kẽm gai thành vô số đoạn ngắn… tất cả được nhồi trong thuốc nổ. Tôi được cán bộ xóm mời xem bắn súng ngựa trời. Tấm đệm phơi lúa được căng giữa hai gốc cao su làm mục tiêu, cách xa độ 30m. Bóp cò, một tiếng nổ lớn phát ra, tấm đệm bị trúng đạn, xuyên lỗ chỗ, trông cũng ớn lạnh.

Du kích Củ Chi trên xác xe tăng Mỹ, năm 1986.

Đến mục bắn thử súng ngắn. Anh Út Rờ, cán bộ ấp, nói với tôi:

“Anh em nói anh Tư là xạ thủ súng ngắn từ ngoài miền Bắc, vậy anh bắn thử khẩu súng của tôi xem có chính xác không?”.

Tôi từ chối khéo: “Tôi quen dùng khẩu súng tôi mang theo đây, chứ súng trong này sản xuất tôi chưa biết sử dụng. Vậy anh Út bắn tôi xem thử”.

Thật ra là tôi ngán, vì theo tôi hiểu việc làm súng, chỉnh thước ngắm, nghiên cứu sức tống viên đạn đi, sức giật lùi của khối cơ bẩm rồi nhờ lò xo đẩy viên đạn khác lên bắn tiếp… là vấn đề khoa học đòi hỏi cơ khí chính xác đến từng li. Ở công trường huyện chưa có kỹ sư, chỉ là những nông dân trong xóm, ấp, vì chiến tranh mà ngưng tay cày, tay cuốc tập họp nhau lại xem mẫu mà làm, máy móc tinh vi không có, chỉ mài mài dũa dũa thì không thể nào đảm bảo độ chính xác cao cho từng công đoạn được.

Vậy là anh Út Rờ bắn thử trước sự chứng kiến của mọi người, ngắm một lúc rồi bóp cò. Đoàng! Khẩu súng văng xuống đất, hai bàn tay anh đưa lên bụm lấy trán. Tôi chạy đến giúp anh. Thì ra cả khối cơ bẩm giật lùi văng đập mạnh vào trán anh. Một khối u trên trán sưng lên và bầm đen. Rất may cho tôi, tôi đã đoán đúng và từ chối khéo. Nhưng không sao, xoa dầu cù là mấy ngày thì hết.

Bộ đội miền Nam ra Bắc tập kết 1954.

Một buổi trưa anh Út Rờ từ bên ruộng chèo xuồng về. Anh vừa thở vừa nói:

“Tức quá anh Tư ơi! Anh Bảy Đế nuôi một bầy gà bên chòi ruộng, ảnh nói ai bắn trúng con gà bằng súng ngắn thì ảnh cho vợ ảnh nấu cháo ăn chơi. Cán bộ xã, cán bộ huyện đến trổ tài mà chưa ai bắn trúng cả. Cha nội ấy còn nói khích: Tao chưa thấy ai dùng súng ngắn mà bắn trúng cái gì bao giờ. Cán bộ mang súng để lòe thiên hạ, chỉ để lấy oai mà thôi”.

Anh Út nắm lấy tay tôi, lay mạnh và nói tiếp:

“Đi anh Tư, xuống xuồng tôi chèo qua bển, bắn cho cha ấy biết tay, bỏ cái thói coi thường cán bộ”.

Anh Út Rờ hăm hở chèo qua sông, đưa tôi lên một gò chòi. Ở đó đã có mấy tay cán bộ rồi. Chắc là họ chờ anh Út Rờ chở tay “xạ thủ súng ngắn” (như lời anh ấy tuyên truyền) qua trổ tài cho họ xem. Anh nông dân Bảy Đế thấy tôi có dáng vẻ “cán bộ mùa thu” cũng hơi ngán (anh em từ miền Bắc vào, được bà con ta thời ấy gọi là cán bộ mùa thu). Anh Bảy hơi dè dặt, ảnh chỉ cho tôi đứng sát gốc xoài, còn dặn:

“Không được bước tới nữa nhé!”.

Rồi ảnh cầm lon lúa đi rải cho đàn gà tập trung lại. Từ chỗ bầy gà đang tranh nhau ăn đến gốc cây xoài (chỗ tôi đứng) cũng trên 20m. Với cự ly này, cán bộ xã bắn không trúng là phải. Anh Bảy nói lớn:

“Con gà giò lông tím có mấy lông đuôi màu đỏ đó, bắn đi!”.

Tôi rút khẩu Browning khỏi bao, lên đạn một cái “rốc”, đưa súng lên ngắm. Mọi người hồi hộp chờ đợi. Nhiều người sợ tiếng nổ, dùng tay bịt tai lại, chị Bảy - vợ anh Bảy chủ trại - cũng vậy. Một ý nghĩ thoáng qua. Tôi chưa vội bóp cò mà hạ cánh tay xuống. Có tiếng “ồ” trong anh em. Tôi chờ một con gà giò nữa cũng to không kém con được chỉ, lúc túc tới tranh ăn, tôi nhanh chóng đưa súng lên và bóp cò. Đối với tôi, mục tiêu con gà ở cự ly 20m thì quá dễ. Sau tiếng nổ, hai con gà tung lên và rơi xuống sân giãy giụa. Đàn gà tan tác chạy đi. Anh em vỗ tay, anh Bảy cũng gượng gạo vỗ tay. Nhưng tiếng chị Bảy tru tréo lên:

“Chỉ cho bắn một con mà bắn tới hai con”.

Tôi khóa súng cho vào bao rồi cười:

“Bên đó, đơn vị tôi chiều nay hết đồ ăn rồi nên tôi bắn thêm một con, coi như tôi mua, trả tiền đúng giá đàng hoàng. Còn con kia, chị Bảy làm ơn đem vô nấu cháo đi, anh em cùng ăn”.

Du kích Củ Chi

Thế là vui vẻ cả làng, chắc đây là lần đầu tiên vợ chồng anh Bảy Đế (và các cán bộ xã, ấp có mặt hôm đó) thấy có người dùng súng ngắn mà bắn trúng mục tiêu và cũng từ việc này mà tăng thêm niềm tin đối với “cán bộ mùa thu”, những người tập kết ra miền Bắc học tập, rèn luyện, xây dựng quân đội sáu, bảy năm trời nay trở về đánh Mỹ góp phần giải phóng quê hương.


* Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân

Đại tá NGUYỄN VĂN TÀO