Cuộc nói chuyện của GS Đinh Xuân Lâm với cháu cụ Lê Hoan
GS Đinh Xuân Lâm:
- Thưa anh Lê Chính(*), tôi chuyên nghiên cứu về lịch sử, dạy ở Trường Đại học Tổng hợp nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Nói chính xác, tôi dạy về lịch sử cận hiện đại, từ thời Pháp đánh chiếm Việt Nam cho đến năm 1945 (1858-1945). Bởi vậy việc nghiên cứu và giảng dạy của tôi cũng đụng chạm tới cụ Lê Hoan nhà ta, và xưa nay, nhận định đánh giá về cụ là nhân vật tiêu cực.
Sau này chúng tôi có nhận được một số tư liệu có trong lưu trữ của Pháp, do nhà báo, nhà sử học Charles Fourniau gửi sang. Trong tài liệu đó có nói là cụ Lê Hoan hoạt động “hai mang”. Bên ngoài, ban ngày thì làm cho Pháp. Ban đêm lại hoạt động cho nghĩa quân. Khi Pháp định tổ chức đánh vào nghĩa quân Đề Thám, cụ Lê Hoan với cương vị của mình đã mật báo trước cho nghĩa quân.
Sau khi chúng tôi nhận được những tư liệu đó và cũng biết mấy anh trong gia đình mình cũng có đọc những tư liệu trên, như anh Lê Tuấn, học trò cũ của tôi, đã gặp anh Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, có đặt vấn đề là muốn tổ chức một cuộc hội thảo để phát biểu, trao đổi về cụ Lê Hoan.
Trong thực tế, Hội Khoa học Lịch sử VN cũng đã từng làm việc này đối với các nhân vật lịch sử “có vấn đề”. Tôi có nói với anh Lê Tuấn, nếu tư liệu thực sự đầy đủ thì chúng tôi sẽ tổ chức cuộc hội thảo để các nhà nghiên cứu quan tâm phát biểu và đánh giá rõ ràng. Có nhiều nhân vật lịch sử chúng tôi đã làm và đã khôi phục được vị trí của họ. Ví dụ như ông Nguyễn Văn Tường, xưa nay cũng bị đánh giá nặng lắm nhưng gần đây đã được khôi phục. Ông Tôn Thất Thuyết cũng được công nhận là một danh tướng, nhà yêu nước... và hàng loạt các nhân vật khác như vậy.
Riêng cụ Lê Hoan, nếu ta có tư liệu đầy đủ, chúng tôi cũng rất mong. Nghề của chúng tôi là làm những chuyện như vậy để khôi phục lại cái chân chính của lịch sử. Về cụ Lê Hoan nhà ta, tư liệu còn ít, nếu chỉ dựa vào tư liệu của ông Charles Fourniau thì chưa đủ, còn ít. Thực tế công việc này phải kết hợp nhiều nguồn tư liệu khác nữa. Anh Lê Tuấn cũng đã nói với tôi nhiều lần và nhân dịp đầu năm 2008 này, đến được gặp anh để muốn biết ngoài những tư liệu chúng tôi đã có về cụ Lê Hoan, gia đình mình còn những tư liệu khác nào đang lưu giữ có thể cung cấp cho chúng tôi. Khi đã có nhiều tư liệu thì trước khi tổ chức một cuộc hội thảo sẽ có thể viết 1, 2 bài báo đăng trước để gây sự chú ý của bạn đọc, rồi việc tổ chức một cuộc hội thảo sẽ tính sau. Ý của tôi là như vậy.
Ông Lê Chính:
- Tôi xin tự giới thiệu, tôi là Lê Chính, con vợ hai của bố tôi là ông Lê Đính, con thứ cụ Lê Hoan. Người làng xưa gọi ông Lê Đính là Huyện Đính. Tôi có tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam ở Sư ba hai chục - F.320.
Riêng về cụ tôi, cụ Lê Hoan, con trai có đến 10 người, nhiều khi điểm lại không nhớ hết. Cụ tôi cũng có đến mấy bà (cười). Muốn biết rõ phải tra gia phả. Cái đó tôi sẽ cung cấp cho các vị sau.
Về việc gia đình cụ Lê Hoan, tôi cũng đã được đọc một số tài liệu viết lại cho bác Cả tôi - ông Phủ Tụng. Bác Cả tôi viết lại cho con trai, cháu nội đích tôn của cụ. Bây giờ các bác, các cháu cụ đã chết cả.
Tôi cũng được xem một số tài liệu. Nhiều chuyện Pháp cũng cho biết về cụ Lê Hoan. Chúng tôi biết từ khi còn trong quân đội. Lúc đó đâu ai dám nói, nếu có nói chẳng qua chỉ là gỡ tội cho ông mình. Thời mà con cái của lý trưởng, hương lý cũng đã gặp biết bao khó khăn về lý lịch gia đình. Đây tôi lại là cháu ông Tổng đốc, liệu sẽ ra sao, nhất là lúc ấy tôi lại ở trong quân đội. Vì vậy chỉ biết mà không dám nói lại...
Tôi còn nhớ có tài liệu của Pháp nói về cụ Lê Hoan “ngoặc” với Đề Thám trong nhiều việc:
- Vụ đầu độc ở Hà Nội.
- Trong khi đình chiến giữa Pháp với cụ Đề Thám, có một thời gian dài, ông tôi đã từng nuôi con cụ Đề Thám (con bà Ba) ở trên đất Mọc này. Đó là bà Hoàng Thị Thế. Bà Hoàng Thị Thế lúc còn nhỏ, ông tôi cũng phải gửi nhiều nơi chăm sóc. Khi cụ Đề Thám mất thì bà Hoàng Thị Thế mới qua Pháp. Còn một việc này nữa, xin kể để các vị cùng nghe.
Lãnh tụ Trung Quốc - Tôn Trung Sơn cũng sang đây, ở đây mấy ngày, cùng ngồi uống chè với cụ Lê Hoan. Sau đó cụ Lê Hoan lại gửi Tôn Trung Sơn về Thái Bình ở tại nhà con rể mình là ông Trần Đình Lượng, Tổng đốc Thái Bình, cùng những tài liệu, súng ống. Ông Trần Đình Lượng hơn cụ Đề Thám 1 tuổi. Cụ Lê Hoan, ông Trần Đình Lượng và Tổng đốc Đỗ Đình Thuật cùng hội hoạt động với nhau. Những việc cụ Lê Hoan làm các ông kia đều biết cả.
Chúng tôi còn biết thế này nữa:
Khi mà các tài liệu và cán bộ cùng Tôn Trung Sơn gửi về Thái Bình, Pháp nó nghi ngờ. Nó cho Giám binh Thái Bình (tương đương tỉnh trưởng) về kiểm tra nhà ông Trần Đình Lượng. Giám binh Thái Bình có đến nhà ông Trần Đình Lượng để tra hỏi. Ông Lượng trả lời:“Tôi ở đây không thấy có ai là người của Tôn Trung Sơn cả” và khẳng định “nếu ông tìm thấy thì ông bắn chết tôi. Nếu không tìm thấy, thì tôi bắn chết ông”. Ông Lượng nói như vậy, nên Giám binh Pháp không kiểm tra nữa. Sau đó các tài liệu, súng ống, người nhà phải chuyển đi chỗ khác. Những tình tiết như vậy trong gia đình chúng tôi đều biết.
Thời gian mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giải phóng vùng biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, bên Trung Quốc có yêu cầu ông Trường Chinh nhờ tìm giúp xem con cháu của cụ Lê Hoan hiện có còn ai không. Lúc đó chỉ còn bố tôi là ông Lê Đính, vào năm 1955 hay 1956 gì đó. Lúc này bố tôi nghiện thuốc phiện nặng, ốm yếu lắm. Biết bố tôi vậy, nên ông Trường Chinh bảo: “Thôi biết vậy, đưa cụ đi xa có chuyện gì thì phiền...”. Ý định là muốn đưa bố tôi sang gặp Quân Giải phóng Trung Quốc để xác minh cụ Tôn Trung Sơn có chạy sang Việt Nam và ở với cụ Lê Hoan một thời gian không?
Cụ Lê Hoan đã mất năm 1915, hưởng thọ 59 tuổi.
Hôm nay các vị đến thăm gia đình, chúng tôi xin cảm ơn và cũng kể lại một số chuyện để các vị biết. Còn về tư liệu, xin để chúng tôi soạn lại, soạn xong sẽ báo để các vị đến đọc.
GS Đinh Xuân Lâm:
- Cám ơn anh Lê Chính. Hẹn gặp anh vào một dịp khác để sớm được tiếp cận với những tư liệu mà gia đình ta còn lưu giữ. Nhân đầu năm 2008, chúng tôi có chút quà gửi tặng gia đình: tạp chí Xưa & Nay, cuốn lịch 2008, chai rượu, và chúc gia đình ta luôn luôn mạnh khỏe!
Ông Lê Chính:
- Xin cảm ơn các vị!
HOÀNG VĂN ghi, 6-1-2008
_____
(*) Ông Lê Chính, 82 tuổi - Thiếu tá Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chuyển ngành, về hưu từ lâu. Ông là cháu nội cụ Lê Hoan. Có mặt trong cuộc gặp này có hai ông Lê Thụ và Lê Thị, em ruột ông Lê Chính; ông Nguyễn Hữu Côn, cựu Đại tá QĐND Việt Nam, bạn cùng quê với ông Lê Chính và nhà báo Hoàng Văn.
Đọc thêm sách của Khổng Đức Thiêm: Hoàng Hoa Thám (1836-1913), NXB Tri Thức, Hà Nội, 2014, dày trên 700 trang. Trong đó có 30 trang, từ trang 529 đến 561, đưa những cứ liệu, chi tiết lịch sử cụ thể, những đánh giá từ nhà cầm quyền Pháp và giới sử học hiện nay đối với Tổng đốc Lê Hoan. Luận án Tiến sĩ Khổng Đức Thiêm đã được một Hội đồng khoa học, trong đó có GS Phan Huy Lê, GS Đinh Xuân Lâm, nhà sử học Dương Trung Quốc… nghiệm thu đánh giá là Tập đại thành về người Anh hùng Hoàng Hoa Thám đã là lời minh oan cho Tổng đốc Lê Hoan.
(Trích sách Gia đình và những người trong tôi của Hoàng Văn, năm 2014)
* * *
Về Tổng đốc Lê Hoan
Tổng đốc Lê Hoan còn có tên gọi Lê Tôn. Ông sinh năm Bính Thìn, 1856, tại làng Mọc Cự Lộc - xã Nhân Mục - tổng Khương Đình - huyện Thanh Trì - phủ Thường Tín - tỉnh Hà Đông (nay là quận Thanh Xuân - thành phố Hà Nội).
Ông là đại thần cuối cùng triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Tổng đốc Lê Hoan được triều đình nhà Nguyễn phong tước Phú Hào Nam.
Thời trẻ đi lính triều Nguyễn đóng ở Sơn Tây. Khi quân Pháp chiếm Bắc Kỳ năm 1884, ông phối hợp với quân Cờ đen Lưu Vĩnh Phúc đánh Pháp, sau vì phạm quân lệnh bị khép án tử hình nhưng được giảm án.
Năm 1886 dưới triều vua Đồng Khánh thân Pháp, Lê Hoan quy thuận Pháp, được bổ nhiệm làm thông phán ở Lạng Sơn rồi Hưng Yên.
Dưới triều Thành Thái, năm 1892 ông được thăng chức Bố chính Sơn Tây rồi lần lượt qua các chức Tuần phủ Hưng Hóa kiêm Tiễu phủ sứ Tam Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang), Tổng đốc Bắc Ninh.
Năm 1896, ông bị cách chức Tổng đốc Bắc Ninh vì để 2 người Pháp bị giết vì tội ăn hối lộ. Người Pháp nghi ngờ ông làm gián điệp hai mang.
Năm 1905, Lê Hoan được lệnh về Huế làm Thượng thư Bộ Binh kiêm Đô sát viện Hữu đô ngự sử.
Dưới triều vua Duy Tân, năm 1909 ông vẫn được trọng dụng và phong Khâm sai Đại thần Bắc Kỳ.
Năm 1909, ông làm Tổng đốc Hải Dương, được phong Khâm sai đi tiễu trừ Đề Thám với 400 lính. Cuối năm đó ông bị người Pháp kết án về tội thương lượng, lấy lòng Đề Thám. Hội đồng điều tra kết luận vô tội, nhưng ông vẫn bị người Pháp gạt ra.
Lê Hoan mất năm 1915, thọ 59 tuổi.
Ông có nhiều vợ, nhiều con:
Người con cả là họa sĩ Lê Phổ, nổi tiếng ở thế kỷ 20. Người Việt, quốc tịch Pháp.
Con trai thứ là ông Lê Tuân, năm 1928 tham gia các hoạt động của An Nam Cộng sản Đảng, về sau là Thư ký cho Chủ tịch Mặt trận liên Việt - Tôn Đức Thắng.
Tên tuổi Lê Hoan còn lưu trong bộ sách Việt Lam xuân thu. Sách gồm 60 hồi, dựng lại cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Trước khi in Lê Hoan đã đề tựa và đổi tên sách là Việt Lam tiểu sử.
Tương truyền, sách do cử nhân năm 1884 Vũ Xuân Mai viết (?), người phường Xuân Yên - Hà Nội. Sau Lê Hoan tình cờ tìm ra được bản thảo này trong hòm sách của một gia đình nổi tiếng, nhân vì thấy “tác phẩm về mặt bút pháp… đều chưa thật xảo diệu tinh kỳ, bởi vậy nhân lúc rỗi rãi đã mạn phép đem sách ra sửa sang trau chuốt rồi đưa in công bố” (trích Lời tựa của Lê Hoan viết năm 1908 đề đầu sách).
Bài tựa, cuốn gia phả 18 đời họ Lê Lưu, do Lê Hoan thảo
Xưa, từ ông Văn Vận Công ta trở về sau, đời nào cũng có phả, là vì nghĩ đến công lao tích lũy của tiền nhân mà đời nối đời cần giữ lấy, và để truyền lại cho con cháu sau được biết.
Hoan tôi thuở nhỏ mồ côi mẹ nên không được học hành. Trong đời lại nhiều lần gặp nước (thuở nhỏ 3 lần suýt chết đuối), lửa (một lần rơi vào cảnh khói lửa ở mặt trận), gươm đao (lúc tôi theo quân ngũ, có lần do lầm lỗi mà bị dẫn ra pháp trường), ở bên bờ vực cái chết. Nhưng rốt cục có thể chuyển nguy thành an, thực là nhờ linh thiêng của tổ tiên vậy. Tiếp đó lại may mắn được đào tạo, trong hơn 20 năm rong ruổi nơi biên cương, bù đầu trong đống văn thư sổ sách, chưa thể rỗi rãi để ngó ngàng tới việc nhà, dù rất mong muốn. Ví như cái cây phải vun xới thì cành lá mới tươi tốt. Hay như con sông, phải nạo vét thì dòng nhánh mới lưu thông. Năm tháng trôi qua, đã từ quan rồi lại phục chức. Trong khoảng thời gian ấy, không phải không có nhiều phen được rồi lại mất, cùng rồi lại thông. May mà được chút của nả, địa vị như ngày hôm nay, tất thảy đều là do tiền nhân để lại.
Nay nhân nhàn rỗi, đem phả cũ biên tập lại. Chỗ nào còn sơ lược thì làm cho đầy đủ thêm, chỗ nào sai thì đính chính lại cho đúng. Lại sắp xếp thứ tự các đời cho rõ ràng, ngôi thờ ở bên phải hay bên trái được phân minh. Ôi! Cũng là “nối chí thuật việc” đấy thôi, đâu dám làm văn!
Mùa đông năm Thành Thái Ất Tỵ (1905). Cháu 18 đời là Hoan, được trao chức:
Tư Thiện đại phu, Binh bộ thượng thư, kiêm Đô sát viện hữu đô ngự sử Ninh Thái - Hưng Yên tỉnh Tổng đốc, tước Phú Hoàn Nam, kính cẩn ký tên.
Đến tháng 7 năm 1909 (Kỷ Dậu) được gia phong Bắc Kỳ Khâm Sai đại thần - Võ hiển điện đại học sĩ - Kim tứ Vinh Lộc đại phu Tấn phong tước Phú Hoàn tử lãnh Hải Dương Tổng đốc.
GS TRẦN NGHĨA dịch,
Hà Nội, mùa thu 1993
(Trích sách Làng tôi - Mọc Chính Kinh của Hoàng Văn, năm 2015)
_____
* Đầu đề do Hồn Việt đặt