Một thời Nam tiến

Cuối tháng 9/1946, cuộc kháng chiến chống Pháp đã lan ra một số tỉnh miền Nam Trung Bộ. Ở Hà Nội, lính Pháp ngày càng giở thêm nhiều trò khiêu khích, không khí kháng chiến chống Pháp ngày càng sôi sục. Sinh viên Cứu Quốc chúng tôi, kẻ bỏ học theo các đoàn quân Nam tiến, kẻ lo hội họp ngày đêm bố trí kế hoạch kháng chiến tại chỗ.

LÊN ĐƯỜNG

Cuối tháng 9/1946, cuộc kháng chiến chống Pháp đã lan ra một số tỉnh miền Nam Trung Bộ. Ở Hà Nội, lính Pháp ngày càng giở thêm nhiều trò khiêu khích, không khí kháng chiến chống Pháp ngày càng sôi sục. Sinh viên Cứu Quốc chúng tôi, kẻ bỏ học theo các đoàn quân Nam tiến, kẻ lo hội họp ngày đêm bố trí kế hoạch kháng chiến tại chỗ.


Dân quân Hà Nội hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Ảnh TL.

Một buổi sáng tháng 10/1946, anh Giếp (1) mang về một giấy của Tổng bộ Việt Minh do anh Lành (2) ký, giới thiệu anh Giếp và tôi đi Nam tiến. Tôi mừng húm, trúng phóc mong muốn của mình lâu nay rồi! Nhưng “Nam tiến” với ai, đến đâu? Giấy giới thiệu hai chúng tôi về Việt Minh Quảng Trị, là quê của anh Giếp…

Giờ đây, sau hơn 60 năm, trải qua bao gian nan vất vả của hai cuộc kháng chiến, bao ngọt đắng vui buồn của đời thường, hồi tưởng lại, tôi vẫn thấy bồi hồi xúc động. Tôi vẫn thấy quyết định của chúng tôi lúc đó có một cái gì rất đẹp, rất hiên ngang, thể hiện rõ tâm lý tuổi trẻ thời bấy giờ: “ra đi không vương thê nhi” (với chúng tôi là không vướng víu gì hết).

Viết đến đây tôi nhớ lại thời Nam tiến, tôi có một người bạn là anh Hoàng Vị, nghe nói là thuộc dòng dõi Hoàng Cao Khải. Anh thuộc loại sinh viên có tiếng ở Hà Nội: học nhiều khoa, khoa nào cũng vào loại khá, giỏi, nhưng không thi lấy bằng nào. Chúng tôi thường đùa anh có đủ “5 tiêu chuẩn” để lọt vào “mắt xanh” của nữ sinh thời bấy giờ: “học giỏi, đẹp trai, con quan, nhà giàu lại làm cách mạng”.

Có một thời anh Vị làm trưởng ban Địch vận (thuộc Bộ tư lệnh Liên khu V) còn tôi là một cán bộ. Sau, anh đi Hạ Lào rồi hy sinh ở đó. Anh đã chiến đấu chống một toán thám báo địch với khẩu súng nhỏ của anh, bắn hạ từng tên, rồi để dành cho mình viên đạn cuối cùng, không chịu để rơi vào tay giặc… Tinh thần quật cường bất khuất của dân tộc ta quả thật ghê gớm và cuộc Cách mạng Tháng Tám, cuộc kháng chiến chống Pháp thời đó đã khơi động đến cao độ tinh thần ấy trong mọi tầng lớp nhân dân.

Tới Huế, chúng tôi gặp anh Nguyễn Chí Thanh (3), đề nghị anh giới thiệu vào mặt trận Tuy Hòa. Anh Thanh bảo: “Các cậu nên vào Đà Nẵng. Đà Nẵng bây giờ là điểm nóng đấy, chiến tranh không còn lâu nữa đâu”. Chúng tôi nhất trí và nghĩ đến việc đổi tên. Tôi lấy tên Trương Tử Hồ vì hồi còn đi học, đọc Hán Sở tranh hùng, tôi phục Trương Tử Phòng tức Trương Lương.

Thế là chúng tôi lại cầm giấy giới thiệu của anh Nguyễn Chí Thanh, ký tên là Thao, lên tàu vào Nam với tên mới, lâng lâng hơn và cũng rộn ràng hơn. Vào tới Đà Nẵng, chúng tôi gặp anh Thuật lúc ấy là Bí thư, Chủ nhiệm Việt Minh Quảng Nam - Đà Nẵng. Anh Thuật bảo: “Các cậu ở lại đây. Đang cần”. Và anh đưa chúng tôi vào Đội Tuyên truyền xung phong do anh Lưu Thọ (4) phụ trách. Chúng tôi bắt đầu cuộc đời mới từ đây.

“CHIẾN TÍCH” ĐẦU TIÊN

Đội Tuyên truyền xung phong Quảng Nam - Đà Nẵng gồm đại bộ phận là học sinh sinh viên và một ít là công chức. Đội trực thuộc Ban Tuyên truyền Quân Dân Chính mà trưởng ban là anh Lưu Thọ, một kỹ sư canh nông trẻ, trắng trẻo, tài hoa. Anh chơi violon những bài cổ điển khá hay, nhất là những bài trữ tình của Schumann, Schubert… đã nhiều lúc làm bọn tôi nghe say mê. Đặc biệt anh có tài tổ chức. Chúng tôi gồm “dân tứ xứ”, phần lớn mới thoát khỏi tuổi “nhất quỷ, nhì ma”, vậy mà anh chỉ huy đâu ra đó, kế hoạch công tác luôn luôn sôi động, đầy hứng thú.

“Anh cả” của chúng tôi là anh Trần Đình Tri (5) lúc đó là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Quảng Nam - Đà Nẵng. Anh cao to, bộ râu quai nón thường cạo nhẵn, phong thái oai vệ nhưng rất hiền. Chúng tôi ai cũng mến thương anh, mà đó hình như là tình cảm chung của tất cả cán bộ, nhân viên Quảng Nam - Đà Nẵng. Riêng tôi với anh, lại có một kỷ niệm sâu sắc: Khi tôi được kết nạp vào Đảng, anh bảo tôi: “Mình bí danh là Năm, cậu hãy lấy bí danh là Sáu”, và Sáu là bí danh đầu tiên tôi viết vào bản lý lịch khi làm đơn xin gia nhập Đảng.

Đội chúng tôi là đội tuyên truyền nhưng xung phong nên gần như việc gì cũng làm: dân vận, địch vận và tất cả những việc gì cần cho kháng chiến.

Với dân, trước ngày kháng chiến toàn quốc, còn ở trong thành phố Đà Nẵng, chúng tôi chia nhau đi nhỏ lẻ, đến từng nhà, tuyên truyền chủ trương tiêu thổ kháng chiến, hy sinh tất cả, làm vườn không nhà trống, quyết không hợp tác với giặc.

Với binh lính địch, chúng tôi làm cũng khá đơn giản: tôi, tay cầm một quyển truyện tiếng Pháp nào đó, đến quanh quẩn nơi chúng đóng quân hoặc các quán ăn, thấy binh lính địch là xáp vô, bất kể Pháp, Đức, Ý, Phi… (dù quốc tịch nào, chúng cũng biết ít nhiều tiếng Pháp). Sau vài câu “hàn huyên”: ở đâu, quê hương ra sao, vợ con thế nào… là vô đề ngay một cách tự nhiên: Thực dân Pháp xâm lược, dân tộc Việt Nam chỉ muốn độc lập tự do, Pháp nhất định thua, Việt Nam nhất định thắng, chiến tranh thế giới đã khổ cực quá rồi, đừng đánh nhau nữa, chết vô ích, cố gắng tìm mọi cách không ra trận, nếu phải ra thì tìm mọi cách giữ lấy mạng sống, nếu chạy sang hàng ngũ Việt Nam sẽ được hoan nghênh…


Phát lệnh toàn quốc kháng chiến 19/12/1946. Ảnh TL.

Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Chúng tôi đã sẵn sàng. Đêm đó, rút khỏi thành phố theo kế hoạch đã có từ trước. Mặt trận lan rộng đến đâu, chúng tôi rút đến đó, xuống phía Tây Nam, thường là cách địch một con sông. Đò Xu, Túy Loan, rồi Ái Nghĩa, mỗi lần qua sông đều có đạn địch bắn theo vèo vèo, chíu chíu, rơi tõm xuống nước, nhiều khi rơi cạnh mạn thuyền, nhưng chúng tôi chẳng ai việc gì, lần đầu tiên nghe đạn bắn, thấy đạn rơi ngay bên cạnh cũng chẳng sợ sệt gì, nhiều người còn thích thú: “Thằng địch bắn dở ẹc”.

Một hôm, chúng tôi đang đóng ở bên bờ nam Ái Nghĩa cách bến đò 5 km về phía Tây thì được lệnh của anh Trần Đình Tri: đi lấy máy in về, đưa lên chiến khu.

Trời tối lờ mờ. Chúng tôi nối đuôi nhau vào một căn nhà ven sông, thắp nến lên. Máy để ngổn ngang, khá lớn, khá nặng. Chúng tôi đang tìm cách khiêng ra thì pháo địch bên kia sông bắt đầu nổ. Lúc đầu còn ít, sau nhiều hơn, ngay sát trên đầu, có lẽ do bọn địch bên bờ Bắc thấy có ánh sáng… Lệnh: tạm tản ra, tìm hầm ẩn núp.

Chúng tôi chạy lên mặt đường. Đường đá, khá rộng. Hai bên lề đường, từng quãng, từng quãng, có hầm cá nhân do dân quân du kích đào để chuẩn bị kháng chiến. Lúc ấy, pháo địch bắn dồn dập. Ầm - víu - đoàng… Chúng tôi nghe rõ từng trái, cảm thấy chúng bay ngay trên đầu và nổ ở gần đâu đó. Tôi nhảy đại xuống một hố cá nhân, khá sâu, ngồi thu lu nghe đạn nổ. Chợt: Bùm - víu, và: bịch, một vật gì rất nặng rơi xuống lưng tôi. Như một phản xạ tự nhiên, tôi hô to: “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Đó là do tôi tưởng một quả pháo đã rơi xuống lưng tôi. Thế là tôi hô khẩu hiệu để “hy sinh một cách anh dũng”.

Ngay lúc đó, tôi lại nghe một viên đạn vừa bay, nổ sát bên cạnh, tóe lửa trên mặt đường, và trên lưng tôi, một cái gì nặng, cựa quậy. Lúc ấy, tôi mới biết là một bạn trong đội tôi nhảy xuống hố tôi đang ngồi, ngay trên lưng tôi. Tôi đứng phắt dậy. Hai người trong một hố cá nhân, khá chật:

- Sao cậu lại nhảy xuống lưng tớ?

- Nào biết, pháo nó bắn, thấy hố, nhảy đại… mà sao cậu lại hô khẩu hiệu thế?

- Tớ tưởng pháo nó bắn trúng hầm

Cả hai không nín được cười. Sau này về kể lại, ai nghe cũng cười mà là một cái cười sảng khoái, và câu chuyện: “Thằng Trương Tử Hồ hô khẩu hiệu” trở thành một “giai thoại” nhưng không ai chế nhạo tôi, mà còn cho đó là một “chiến tích” (chưa phải là chiến công vì chưa lập được công gì).

Giờ đây, đọc câu chuyện này, những ai hiểu được tâm lý thanh niên chúng tôi thời đó? Sẵn sàng hy sinh, chấp nhận hy sinh một cách bình thản và còn tự hào vì được hy sinh. Việc hô khẩu hiệu trước lúc hy sinh không còn là một ý định, mà như đã ăn sâu vào tiềm thức.

VỀ VÙNG TẠM CHIẾM

Hôm ấy, tiểu đội chúng tôi bàn việc vào sâu tận ven thành phố Đà Nẵng. Chúng tôi chưa hình dung được vùng tạm chiếm như thế nào, chỉ mang máng là rất nhiều nguy hiểm. Nhưng chính điều đó lại kích thích chúng tôi nên toàn tiểu đội đều xung phong đòi đi. Bàn đi tính lại, tiểu đội quyết định chỉ đi một tổ ba người. Bình bầu mãi cuối cùng 3 người gồm: tôi là tiểu đội trưởng nhất định phải đi và được đi rồi, anh Đặng Ngọc Nam (sau này là Phó Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết) và anh Lê Khâm (sau này là nhà văn Phan Tứ).

Chiều hôm sau, tổ chúng tôi chuẩn bị lên đường. Ba chúng tôi, mỗi người chỉ mặc một sơ-mi, một quần soọc, tất cả đồ đạc cá nhân để lại, dặn anh em một câu: “Nếu bọn này hy sinh, các cậu chia nhau dùng, không báo tin gì cho gia đình, để sau kháng chiến sẽ hay”.

Kiểu “ra đi” này (đồ đạc cá nhân để lại cho anh em, dặn không báo gia đình) hình như là của hầu hết thanh niên chúng tôi thời bấy giờ: ra đi lòng phơi phới, chỉ nghĩ đến nhiệm vụ. Riêng tôi, hôm ấy, chợt liên tưởng tới chuyện Kinh Kha chuẩn bị vào đất Tần.

Như kế hoạch, chúng tôi rẽ trái, theo bãi cát vào làng. Cũng vẫn những luống khoai nổi tiếng vùng Nam Hòa Vang và Điện Bàn rất rộng, cao, dài, thẳng tắp nhưng bỏ hoang, cỏ mọc. Quanh quẩn một lúc, chúng tôi tìm được một căn nhà nhỏ - một túp lều thì đúng hơn, nghe thoáng có tiếng động của người. Căn nhà tối om. Một bóng người bước ra nhìn chúng tôi.

Dưới ánh trăng mờ mờ, chúng tôi thấy một cụ già mặt hốc hác, người ốm nhom, nhưng đôi mắt thì long lanh linh lợi. Chúng tôi chào cụ, xưng tên và thưa thật là người của Đội Tuyên truyền xung phong tỉnh về thăm đồng bào vùng tạm chiếm. Cụ thoáng nhìn chúng tôi từ đầu đến chân, đột nhiên ôm chầm lấy tôi, rồi Nam, rồi Khâm. Cuộc tiếp xúc thật cảm động. Ôm nhau mà không nói nên lời…

Chúng tôi ngồi ở ngưỡng cửa nói chuyện, không thắp đèn. Cụ cho biết lúc đầu đồng bào tản cư hết; sau vì cuộc sống và cũng để xem tình hình địch thế nào nên một số đã trở về, hầu hết là ông già bà cả; ở vùng gần Đà Nẵng này thì ít hơn. Địch không làm gì đồng bào. Đồng bào cũng chưa ai làm gì cho địch. Ai cũng hướng về kháng chiến, về Cụ Hồ. Chúng tôi cũng không nói gì nhiều, kể sơ qua hoạt động của quân đội, du kích, an ủi động viên cụ, chỉ nhấn mạnh: Ai cũng chống giặc, nhất định kháng chiến sẽ thành công.

Cụ lấy ra một rổ khoai luộc. Khoai lang vùng này thông thường rất to, rất bở và rất ngon, vừa ăn vừa chiêu với nước chè tươi xanh đậm thì tuyệt. Nhưng rổ khoai của cụ toàn những củ nhỏ và vừa, lạnh tanh. Tôi cầm củ khoai vừa ăn vừa thấy một nỗi buồn thương man mác.

Lúc chào cụ ra về, chúng tôi không ai bảo ai mà lẳng lặng lần lượt cởi chiếc quần soọc đang mặc, gấp lại cho gọn ghẽ, mắc vào đầu tấm liếp cửa, để lại cho cụ. Chúng tôi không có gì hơn (mỗi người chỉ còn một cái áo sơ-mi và cái quần đùi). Cuộc chia tay càng cảm động hơn lúc gặp. Chúng tôi bùi ngùi mà hình như cụ còn xúc động hơn.

Chúng tôi rời cụ, đi sâu về phía Tây Bắc. Vẫn không gặp ai. Chúng tôi rải truyền đơn đem theo, dọc đường về hướng Đà Nẵng, rồi ra về. Lúc ấy, chúng tôi chợt nghĩ: Nếu có một lá cờ đỏ sao vàng, trèo lên, treo tít tận ngọn một cây cao nào đó thì hay biết bao nhiêu. Chắc chắn sẽ có nhiều tác động cả trong địch và trong đồng bào.

Chính từ ý nghĩ này mà sau lần đi đó, chúng tôi về cùng tiểu đội bàn kế hoạch treo cờ lên nóc két nước thành phố Đà Nẵng. Chúng tôi đã lấy danh sách những người xung phong và bàn cụ thể: Chúng tôi sẽ về lại vùng Mỹ Khê, tìm cách đột nhập vào Đà Nẵng. Tôi sẽ đi đầu, giắt cờ vào lưng, leo lên, nếu bị lộ, bị bắn ngã, đã phân công ai sẽ thay leo lên tiếp. Nếu người đó lại bị bắn ngã, ai sẽ tiếp tục lên thay… Mục đích của chúng tôi là làm cho địch và đồng bào thấy: Kháng chiến vẫn ở đâu đó, ngay tại thành phố, Việt Minh rất quả cảm, anh dũng…

Và thế là cả tiểu đội chúng tôi, chưa chi đã say sưa với hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trên đỉnh két nước, nơi cao nhất của thành phố Đà Nẵng. Bao nhiêu người xúm xít xung quanh. Bọn địch cuống quít, rít còi, la hét…

Kế hoạch đó, chúng tôi chỉ mới bàn trong tiểu đội, không hiểu bằng con đường nào đã tới tai anh Lưu Thọ và anh Trần Đình Tri. Và chúng tôi chính thức được các anh nhắn tin phê bình là phiêu lưu, tiểu tư sản, ra lệnh cấm không được thực hiện. Cả tiểu đội chúng tôi phải hủy bỏ kế hoạch mà đầy nuối tiếc.

Sau này, chúng tôi còn về vùng tạm chiến nhiều lần. Không chỉ một tổ mà cả tiểu đội, khi phân tán thành từng nhóm, khi tập trung cả tiểu đội. Không chỉ về ban đêm mà cả ban ngày, ở lại nhiều ngày. Không chỉ tuyên truyền từng người, từng nhà, mà nhiều lần họp mít tinh đông người, có diễn thuyết, ca, kịch, có khi thắp đèn măng-sông sáng choang, có dân quân du kích bố trí gác và sẵn sàng chiến đấu…

Dần dần, lớn lên với kháng chiến và tuổi đời, mỗi lần nghĩ lại kế hoạch treo cờ trên nóc két nước Đà Nẵng, tôi không khỏi bật cười cho tuổi trẻ hăng hái mà bồng bột, có chừng nào “anh hùng rơm”. Nhưng với cuộc về vùng tạm chiếm lần đầu, tôi vẫn giữ một kỷ niệm rất sâu đậm. Hình ảnh cụ già ốm yếu, đôi mắt sáng to, túp lều nhỏ dưới ánh trăng mờ, rổ khoai lang với mấy củ nho nhỏ lạnh ngắt, mấy cái quần soọc xanh treo ở đầu liếp…, tất cả gợi lại trong tôi một cái gì vừa xốn xang, vừa xót xa khó tả…


(1)

Tên khai sinh là Phan Giếp, hồi đó đang theo học lớp Toán đại cương (Mathématic général), Đại học Hà Nội. (Tôi theo học ngành Y). Sau này, có lúc anh làm Tham tán Đại sứ quán nước CHXHCN Việt Nam tại Liên Xô (cũ).

(2)

Là bí danh của đồng chí Tố Hữu.

(3)

Đ/c Nguyễn Chí Thanh lúc đó là Bí thư Xứ ủy, chủ nhiệm Việt Minh Trung Bộ.

(4)

Đ/c Lưu Thọ hồi kháng chiến chống Pháp có lúc là Ủy viên Ủy ban kháng chiến Hành chính miền Nam Trung Bộ do đ/c Phạm Văn Đồng lúc đó làm Chủ tịch.

(5)

Đ/c Trần Đình Tri sau hiệp định Genève, tập kết ra Bắc, có lúc làm Ủy viên Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

TRƯƠNG TỬ HỒ