Sau mấy năm tra cứu, tìm tòi, nhóm tác giả Nguyễn Trương Đàn, Lưu Anh Rô, Bùi Văn Tiếng, Võ Hà, do Nguyễn Trương Đàn làm chủ biên đã hoàn thành đề tài khoa học “Khởi nghĩa Thái Phiên - Trần Cao Vân qua các tài liệu mới”. Trong phần kết luận, công trình nghiên cứu này đã đề cập đến các bài học quý giá cho tiến trình cách mạng tương lai. Cũng là một sự trùng hợp với vấn đề thời sự hiện nay, công trình đã nêu ra bài học về sự thất bại cay đắng của đường lối cứu nước mà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh đề xướng lúc bấy giờ. Sau đây là điểm thứ 10 trong phần kết luận của công trình nghiên cứu nói trên.
* * *
10- Như đã nêu ở chương mười bốn, phần ba, cuộc khởi nghĩa tháng 5 năm 1916 đã để lại những bài học quý giá cho tiến trình cách mạng tương lai. Bài học quý giá hàng đầu chính là bài học về tinh thần yêu nước và ý chí bất khuất, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp thiêng liêng giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Suy xét về giai đoạn lịch sử cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, nhà văn hóa - nhà văn Nguyên Ngọc đã viết: “Mấy thập niên cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, do những tích tụ lâu dài, Quảng Nam đã là một trong những trung tâm sôi nổi và quằn quại nhất của các cuộc vùng dậy và trăn trở tìm đường cứu nước, từ Nghĩa hội Cần Vương anh hùng và bi tráng của Trần Văn Dư và Nguyễn Duy Hiệu, cho đến Duy Tân hội của Phan Bội Châu thực ra từng được mưu tính tại trang trại của Tiểu La Nguyễn Thành, rồi phong trào Duy tân của “bộ ba Quảng Nam” đứng đầu là Phan Châu Trinh, sẽ làm rung chuyển cả Trung Kỳ, cả nước, vang dội đến cả bên “chính quốc”, và khởi nghĩa bất thành năm 1916 với danh nghĩa vua Duy Tân dù trù định điểm nổ ra ở Huế, song các yếu nhân trong bộ tham mưu chủ chốt hầu hết là người Quảng Nam… Không gian và thời gian vào loại nóng bỏng và quan trọng nhất trong thời kỳ lịch sử cận đại của nước ta đã được nhiều tác giả nghiên cứu, phân tích, cắt nghĩa, song chắc chắn còn phải được công phu đào xới, nhận diện, lý giải, không chỉ đối với cả giai đoạn, với từng phong trào, mà cả từng nhân vật, đều đặc sắc và độc đáo như vẫn thường thấy trong những khúc quanh ngặt và gấp của lịch sử. Một Nguyễn Duy Hiệu, người có sự hy sinh vào hàng lẫm liệt nhất trong những người anh hùng cận đại, còn chưa được ngay những nhà sử học hiểu biết và đánh giá đầy đủ (thậm chí ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đến nay còn chưa có được một con đường mang tên ông, cạnh những anh hùng chống Mỹ). Một Tiểu La, nhân vật nối kết độc đáo giữa Cần Vương và Duy Tân (cả Duy Tân hội Phan Bội Châu lẫn Duy tân Phan Châu Trinh), mà Phan Bội Châu tôn làm quân sư, có lẽ cũng chưa được đặt đúng vị trí trong nghiên cứu về thời kỳ chuyển động quan trọng này. Ngay cả với Phan Châu Trinh, từng được nói đến nhiều nhất, một luận văn mới đây của Lê Thị Hiền Minh ở đại học Canada bỗng soi sáng một khía cạnh bất ngờ và lại quan trọng đến mức gần như quyết định để thấu hiểu ông. Rồi Trần Cao Vân, Thái Phiên của khởi nghĩa 1916… Đấy là mới kể những nhân vật “hàng đầu”. Còn những khuôn mặt lâu nay vẫn được coi là “hậu cảnh”, “thứ yếu”, có thật họ là thứ yếu không?” (Trích lời giới thiệu cuốn Chí sĩ Lê Cơ trong phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ 20, tác giả Ngô Văn Minh, NXB Đà Nẵng, 2012, tr.7-8).
Cũng chính nhà văn hóa - nhà văn Nguyên Ngọc đã tìm tòi, suy nghĩ và đã phải nhận ra sự thật khắc nghiệt về con đường cứu nước của cụ Phan Châu Trinh. Sách Tìm hiểu con người xứ Quảng do ông chủ biên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam xuất bản tháng 10-2004, đã đưa ra nhận định như sau: “Sự thay đổi cơ bản ở Phan Châu Trinh trong trăn trở suy tìm nguyên nhân mất nước và từ đó khẳng định con đường cứu nước là sự “giác ngộ” to lớn này: sở dĩ chúng ta thua Pháp là vì chúng ta thua họ một thời đại. Muốn cứu nước, phải khắc phục chính cái khoảng cách về thời đại đó, phải tự thay đổi dân tộc, đưa dân tộc vượt lên hẳn một thời đại mới, để từ đó, trong cuộc đối đầu, đọ sức với họ, giữa ta với họ là một đối thủ bình đẳng, ngang bằng với nhau về thời đại xã hội. Đây là một bước tiến vĩ đại, một cuộc cách mạng trong tư duy. Về ý nghĩa, nó đưa công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chính thức bước sang thời kỳ hiện đại. Nó tạo nên một cơ sở văn hóa mới có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam… (sđd, tr.191) …Ngày nay nhìn lại, ta thấy phong trào Duy tân hồi đầu thế kỷ với Quảng Nam là điểm xuất phát và trung tâm đã để lại cho chúng ta bài học sâu sắc về Dân trí. Phan Châu Trinh được coi là bộ óc minh mẫn nhất của đất nước đầu thế kỷ 20 vì ông là người đã nhận ra và đã diễn đạt một cách mãnh liệt và sáng rõ nhất vấn đề chìa khóa đó của vận mệnh dân tộc. Theo một cách nào đó, có thể nói, ông đã chủ trương và đã thực hiện một cuộc cách mạng bằng giáo dục.
Cuộc cách mạng đó còn dở dang. Do những éo le của thời cuộc, lịch sử đã không đi theo con đường họ Phan đã sáng suốt lựa chọn. Các thế lực đế quốc, và cả tình thế quốc tế, đã buộc công cuộc giải phóng dân tộc của chúng ta phải sử dụng bạo lực cách mạng để giành lại độc lập và thống nhất. Nền độc lập dân tộc đã được trả giá bằng vô vàn hy sinh xương máu…” (sđd, tr.204).
Cũng cùng chung nhận định như Nguyên Ngọc, trong cuốn sách của mình - cuốn Chí sĩ Lê Cơ trong phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ 20, NXB Đà Nẵng, 2012), tác giả Ngô Văn Minh phân tích về những suy tư, trăn trở của chí sĩ Lê Cơ để tham gia vào phong trào cứu nước sau thời gian bị tù ra. Tác giả viết: “Lê Cơ cùng các đồng chí của mình bị giam tại nhà lao Hội An suốt 3 năm. Cho đến năm 1911 mới được ra tù trở về quê nhà khi mà bao nhiêu thành quả từ công cuộc duy tân của ông và những người hằng tâm hằng sản trong làng đã bị quân Pháp phá hoại. Rồi quân Pháp chính thức đóng đồn ở Phú Lâm, sát ngay sau vườn nhà của ông để theo dõi mọi đốm lửa yêu nước còn nhen nhóm trong thân sĩ và nhân dân nơi đây. Khi Lê Cơ trở về thì mọi sự theo dõi của chúng đều chủ yếu tập trung vào ông, hòng khuất phục, bắt ông phải chấp nhận cái cảnh quản thúc tại làng quê của mình. Nhưng vốn là người cương cường khí khái nên ông chẳng bao giờ chịu khom mình trước bọn sài lang cướp nước… Là con người hành động, Lê Cơ không thể ngồi im tại làng quê của mình trong khi đất nước đang bị thực dân giày xéo. Cuộc xin xâu khất thuế theo chủ trương của các ông chỉ diễn ra ôn hòa, dừng ở áp lực của quần chúng thôi và đối tượng tấn công cũng chỉ dừng ở các quan lại Nam triều chứ không trực tiếp đối với chính phủ thực dân nhằm giữ phong trào ở thế hợp pháp, thế mà bọn Pháp vẫn thẳng tay đàn áp bắt bớ thân sĩ, một số bị xử chém, phần đông bị tù đày kẻ ra Côn Lôn người lên Lao Bảo, các cơ sở duy tân đều bị phá bỏ. Điều đó khiến cho Lê Cơ và các thân sĩ phải suy nghĩ lại biện pháp đấu tranh của mình. Đã ôn hòa cũng bị đàn áp, vậy thì chi bằng phải dùng đến biện pháp đấu tranh kịch liệt, nhằm thẳng vào bọn thực dân, phải nổi dậy khởi nghĩa đòi lại lợi quyền dân tộc. Chỉ khi nào đuổi được kẻ cướp nước mới có thể tính đến những vấn đề dân sinh, dân chủ.” (sđd, tr.186-187). Chính trên nhận thức mới như vậy, Lê Cơ đã gia nhập hàng ngũ những người chỉ huy tham gia vào cuộc khởi nghĩa tháng 5-1916, sát cánh cùng những đồng chí xứ Quảng như Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phạm Thành Chương, Phan Thành Tài, Lê Đình Dương, Lâm Nhĩ, Đỗ Tự, Lê Cảnh Vận, Lê Châu Hàn…
Sự thật khắc nghiệt về con đường cứu nước của cụ Phan Châu Trinh và nhận thức mới của chí sĩ Lê Cơ chính là bài học quan trọng bậc nhất của cuộc khởi nghĩa tháng 5-1916 đối với cách mạng nước nhà: Lúc mất nước thì phải lo đánh giặc, cứu nước, phải đứng về phía Tổ quốc và Nhân dân. Tuy công việc chưa thành, đời sau sẽ tiếp nối. Vua Duy Tân và các chí sĩ đã làm như vậy. Khi “nước bẩn thì lấy máu mà rửa”. Các thế lực đế quốc, và cả tình thế quốc tế, đã buộc công cuộc giải phóng dân tộc của chúng ta phải sử dụng bạo lực cách mạng để giành lại độc lập và thống nhất. Nền độc lập dân tộc đã được trả giá bằng vô vàn hy sinh xương máu… Nhưng “Chỉ khi nào đuổi được kẻ cướp nước mới có thể tính đến những vấn đề dân chủ, dân sinh”.