Trong đời làm báo, tôi có duyên may, có vinh dự được nhiều dịp, nhiều cơ hội cầm bút phóng viên phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác Hồ muôn vàn tôn kính và yêu mến của nhân dân ta. Tôi coi đó là hạnh phúc cực kỳ to lớn của cuộc đời, một người lính cầm bút.
Chẳng riêng tôi, một số anh chị em khác ở Việt Nam Thông Tấn Xã (nay là Thông Tấn Xã Việt Nam (viết tắt là TTXVN)) cũng được hưởng hạnh phúc này, nhưng may mắn tôi được hưởng nhiều hơn, vì từ những năm 1957, 1958 cho đến những năm 60 của thế kỷ trước, tôi thường được đặc phái phục vụ Bác Hồ, Bác Tôn và nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.
Là phóng viên chính trị đặc phái của TTXVN, hồi đó TTXVN có nhiệm vụ chủ yếu phục vụ các báo, đài, phát tin đối ngoại (thời gian vẫn chưa có truyền hình) nên càng thấy trách nhiệm nặng nề của mình. Quả thật, khi mới được tiếp cận Hồ Chủ Tịch, tôi vừa mừng vui, xúc động nhưng cũng rất run vì biết Bác chẳng những là lãnh tụ tối cao của cách mạng mà Người còn là nhà báo lớn, có uy danh quốc tế, là người Thầy, người sáng lập báo chí Cách mạng Việt Nam.
Nhưng rồi, Bác Hồ cuốn hút tôi ở thái độ ân cần, ở tình cảm nồng ấm của Người. Cách cư xử như Cha với con, như bà mẹ hiền hậu, khoan dung. Tôi không thể nói hết được mọi kỷ niệm lắng sâu trong ký ức và cảm xúc của một người viết báo được đến bên Người, lúc tôi còn trẻ, ở tuổi 30 nay đã bên thềm tuổi 80.
Trong những ngày phản ánh lễ tang Hồ chủ tịch cách đây 36 năm, tôi đã thề trọn đời trung thành với Bác, luôn ôn lời răn dạy của Người giữ gìn phẩm cách trung thực, “cầm bút để phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”, “Cây bút của nhà báo là vũ khí phò chính, trừ tà”. Đã 16 năm nghỉ hưu, tôi cũng còn cầm bút, phần nào phục vụ sự nghiệp chung, tôi cố gắng không phụ lời dạy bảo của Hồ Chí Minh kính yêu, người Thầy của Cách mạng Việt Nam và báo chí Cách mạng Việt Nam. Chỉ xin được kể ở đây vài kỷ niệm trong những năm tháng hạnh phúc được ở bên Bác.
* Đã có dịp tôi kể về chuyện này trên báo, đài. Tôi cứ xin nhắc lại vì đối với tôi bài học về quan điểm quần chúng quá sâu sắc. Tết Mậu Tuất (1958) tôi đi theo Hồ chủ tịch về thăm xã Việt Hùng, ngoại thành Hà Nội và nhà máy cơ khí Trung quy mô và mấy đơn vị khác. Tôi viết tường thuật khá đậm đà, mải mê tả cảnh, tả tình, nhất là tập trung nêu mối quan hệ giữa Bác với dân trong ngày xuân. Khi duyệt tin, Bác cắt đi khá nhiều. Nhìn vào mắt tôi, Bác nói:
Chú viết vậy là nhanh và cũng “văn hoa”!
Tôi đứng lặng và tập trung lắng nghe lời Bác:
- Tết này, còn nhiều đồng chí Trung ương đi thăm đồng bào, chiến sĩ. Chú viết thế này thì Bác “tham quá”! “Ăn phải xem nồi, ngồi xem hướng”. Mình phải kể phần người khác nữa chứ. Bác lại tiếp: “Ngòi bút của chú không công bằng. Chú viết về bác thì đậm đà, còn câu chuyện của cô bí thư chi bộ xã Việt Hưng, công việc nông dân vất vả vượt khó khăn cấy cày, năm nắng mười sương chẳng thấy chú viết được mấy dòng. Lần sau chú ý đến điều này nhé”.
Bác vẫn hiền hoà: - Chắc là tác giả không vui lắm Đâu. Bác phải cắt gọn đi. Chú bằng lòng nhé. Bác cho tôi cái bánh gai, một gói kẹo và hai bông hồng.
- Bánh thì chú ăn đi, đỡ đói bụng vì sáng nay đi sớm. Kẹo mang về cho cháu bé (lúc đó tôi đã có một con trai vừa sinh). Phần chú một bông hồng và đưa tặng cô ấy một bông hoa xuân Bác mừng năm mới.
Nghĩ đến người lao động. Nghĩ đến dân. Nghĩ đến người khác. Chẳng muốn dành cho riêng mình một chút hơn. Bài học “quan điểm quần chúng”, bài học “chống chủ nghĩa cá nhân” của Hồ Chí Minh thật nhẹ nhàng, sâu sắc, đi vào lòng người. Bài học này chẳng riêng cho người cầm bút, người viết báo chúng ta mà cho mọi người. Hôm qua, hôm nay vẫn nóng bỏng tính thời đại.
- Hôm đó có lễ trình quốc thư của một đại sứ đặc mệnh toàn quyền lên Hồ chủ tịch. Từ cơ quan VNTTX đến Phủ chủ tịch có trên 3 km. Đạp xe đến Cột Cờ thì trời đổ mưa. Mưa dày hạt. Oái oăm sao, xe tôi lại tuột xích. Loay hoay mãi cũng đặt được xích vào ổ líp. Tôi đạp vội. Vào cổng, tôi dựng xe vào bờ tường rồi vội bước lên bậc thềm cao phía sau đại sảnh. Một tiếng nói to. - Chú kia đi đâu vậy? Tôi ngẩng lên, Bác Hồ đã ở đó, phía cửa lớn. Tôi đứng sững lại.
- Còn đứng cho ướt hết à? Bước lên mau. Bác gọi vào các nhân viên lễ tân:
- Có rượu cho chú ấy một chén.
Tôi ấp úng: Thưa Bác, cháu không uống được rượu ạ.
- Thì đưa cho chú ấy chén trà nóng.
Bác nghiêm sắc mặt:
- Còn chờ gì nữa. Lấy khăn tay lau kỹ đi. Uớt cả rồi. Tôi ngoan ngoãn làm theo lời Bác như vâng lời mẹ. Tiếng Bác lại dịu dàng:
- Đi đâu phải mang tơi, đội nón. Nắng mưa đều dễ bị cảm. Phải biết giữ gìn sức khoẻ mới làm việc lâu bền, làm việc tốt hơn. Bác còn hỏi:
- Sổ sách có bị ướt không?
- Dạ, thưa không ạ!
Khách đã tới. Bác vào đại sảnh. Tôi sửa sang áo quần, đứng nép vào một chỗ, theo dõi và làm phim. Lòng cứ trào lên xúc động. Cố nén để nước mắt khỏi trào ra.
* Hôm đó, Bác tiếp vị Tổng thống nước bạn Ấn Độ Prasad. Vị khách nói tiếng Anh. Tôi rất kém tiếng Anh. Phải căng tai ra theo dõi qua lời người phiên dịch. Tôi lại đang ở xa vì bên Hồ Chủ tịch và vị Tổng thống là các Bộ trưởng, Thứ trưởng, các vị khách nước bạn đi theo Tổng thống, chưa nói là cán bộ lễ tân, bảo vệ lễ tân. Tôi đứng ở một góc xa. Bác vẫy tay gọi. Tôi nhìn thấy, nhưng không rõ Bác gọi ai. Tôi nhìn ngơ ngác, bác sĩ Trần Duy Hưng, chủ tịch UBHC Hà Nội ghé tai:
-Kìa, Bác gọi anh đấy. Một cán bộ bảo vệ cũng nói:
- Bác gọi đồng chí đó. Nhanh lên ông phóng viên.
Tôi chạy đến, Bác bảo:
Chú đứng gần mà ghi.
Một lát, người phía sau dồn tới, tôi bị đẩy ra xa một đoạn. Một cán bộ lễ tân lại đứng chắn ngay trước mặt tôi Bác vẫy tay, lại gọi tôi và nói nhỏ:
- Chú đứng gần ở đây. Phải ghi chép cẩn thận. Phải nghe cho rõ, suy cho kỹ và viết cho đúng.
Lời Bác ngắn gọn mà sâu xa. Tôi biết Bác đặc biệt quan tâm tới chuyến đi thăm của vị khách đặc biệt này trong bối cảnh đất nước ta còn bị chia cắt đôi miền, cần tranh thủ tiếng nói quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta. Mặt khác, Bác hiểu sâu sắc vai trò của công tác báo chí trong cuộc đấu tranh.
[Nghe cho rõ, suy cho kỹ, viết cho đúng].
Lời dung dị mà thật sâu xa. Điều này dẫn dắt chúng ta khi cầm bút, không thể hời hợt tuỳ tiện, khi nắm bắt sự việc phải cẩn trọng và có trách nhiệm. Khi thể hiện, phản ánh trung thực thực tiễn cuộc sống. Đáng tiếc là trong chúng ta, có chẳng ít người vẫn chưa làm cho cây bút của mình có trách nhiệm và đáng tin cậy. Muốn viết đúng phải suy cho kỹ, cân nhắc điều lợi hại cho nhân dân, cho cuộc sống.
Nhân đây, cũng xin kể thêm vài mẩu chuyện nhỏ để chúng ta biết rõ trái tim bao dung và ý thức trách nhiệm của Hồ Chí Minh trong nghĩ suy, nói và viết.

Bác Hồ nói chuyện với nông dân và các xã viên HTX. Ảnh: TL.
* Tôi nhớ vào khoảng mùa thu 1961, 1962 gì đó, vào dịp kỷ niệm Quốc Khánh vừa xong, tôi làm tin Bác tiếp khách quốc tế. Tôi đang nói chuyện với một cán bộ ngoại giao. Bác gọi lại, mặt nghiêm: - Này, sao cứ mỗi lần kỷ niệm Cách mạng tháng 8, báo đài lại đưa “cụ Phan” ra mà réo? Sự kiện lịch sử khi thật cần thì đưa ra; cách nói, cách viết sao cho phù hợp.
Tôi ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Mà “cụ Phan” là ai, xưa nay chúng ta thường gọi cụ Sào Nam Phan Bội Châu là cụ Phan, cụ Phan Chu Trinh là cụ Tây Hồ. Bác nói tiếp:
- Mà “cụ Phan”, nay đã ở trong chính phủ, trong mặt trận Tổ Quốc, có đóng góp rất quý. Các chú phải biết điều đó. Phải bảo nhau viết lách sao cho có lý, có tình.
Một bận khác, Bác lại phê phán nghiêm khắc việc viết trên báo, nói trên đài, gọi người nọ, người kia ở chế độ Sài Gòn bằng “thằng”.
Bác nói:
- Thiên hạ sẽ nghĩ gì về chúng ta? Nói và viết không phải như thế.
Cho nên, tôi hiểu sâu sắc tấm lòng bao dung, chân thành đức độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm hoá, đã cuốn hút biết bao con người trở về trong cái nôi dân tộc, đồng hành cùng nhân dân trong sự nghiệp giải phóng nhân dân. Tôi nhiều dịp được hầu chuyện Cố Phó Thủ tướng Phan Kế Toại và Cụ đã nói một câu đáng nhớ đời:
- Cụ Hồ như trái núi nam châm, có sức hút kỳ lạ. Người còn có tấm lòng và sức lan toả tới mọi con người, dẫu có hoàn cảnh và số phận khác nhau. Hồ Chí Minh là người rất quý hiếm.
Năm tháng đi qua, tôi vẫn không quên được tiếng nói nghẹn ngào xúc động của cụ Phan Kế Toại, vị đại thần triều Nguyễn, một cán bộ cấp cao của chính quyền cách mạng, một nhân sĩ danh tiếng trong Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Lời răn dạy của Bác Hồ cũng cho ta ý thức trách nhiệm khi nói, khi viết.
* Tết dương lịch 1-1-1960, đại sứ các nước và chuyên gia các nước, một số vị khách nước ngoài đang ở Việt Nam và tới chúc mừng năm mới Hồ Chủ tịch. Sau khi tiếp các đại sứ, Bác lại tiếp chuyên gia và các vị khách quốc tế. Đồng chí phụ trách lễ tân có thiếu sót cho các phiên dịch về trước. Tình huống thật gay cấn. Mọi người lúng túng. Bác nghiêm sắc mặt:
- Mọi việc phải có kế hoạch. Nắm cho thật chắc kế hoạch. Phải cụ thể. Không được qua loa, đại khái.
Rồi Bác mỉm cười:
- Thôi để Bác “cứu nguy” cho. Bây giờ thì chú Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) tiếp khách, Bác tình nguyện làm phiên dịch.
Hôm đó, trong câu chuyện vui xuân với chuyên gia các ngành công nghiệp, nghề in, ngành múa, điện ảnh, báo chí v.v... Bác phiên dịch ra tiếng Nga, Anh, Pháp, Hoa, Đức và Tây Ban Nha ... Mọi người chăm chú lắng nghe và rất thích thú. Tiếng cười dòn tan. Pháo tay từng đợt. Thỉnh thoảng, Bác lại rót câu bông đùa. Tình cảm dâng trào như một gia đình thật nồng nàn, đầm ấm. Có lúc Bác nhắc đồng chí Thủ tướng:
- Nói ngăn ngắn, để mình còn dịch. Dịch đâu có dễ. Một tiếng rưỡi đồng hồ trò chuyện thật khó nói hết niềm vui Xuân từ Bác lan toả tới mọi người bạn quốc tế từ các châu lục khác nhau.
Khách ra về, Bác quay lại dặn dò tôi:
- Đưa một tin gọn thôi. Đừng miêu tả nhé. Nhưng chú thấy Bác dịch có được không?
- Thưa Bác, tiếng Pháp cháu còn võ vẽ. Các tiếng nước ngoài khác cháu không biết ạ.
- Không biết thì học. Học rồi biết thôi. Dốt phải học, đừng dại mà giấu dốt. Biết chữ còn phải biết nghĩa nữa.
* Hồ chủ tịch rất ghét mọi sự gian dối. Bác lên án nghiêm khắc cán bộ, nhân viên nào: “làm thì láo, báo cáo thì hay”.
Tôi đã ba lần được thấy Bác hỏi cặn kẽ, kỹ càng cán bộ lãnh đạo ngành công nghiệp, thuỷ lợi v.v... khi có việc được gặp Bác. Đã có lần tôi thấy Bộ trưởng Bộ thuỷ lợi Hà Kế Tấn (lúc đó phụ trách cả vấn đề chống lụt, bão) báo cáo tình hình lũ lụt ở các triền sông. Bác hỏi kỹ lúc đó là ngày nào, mấy giờ, phải cụ thể. Mức nước lên từng giờ, tình hình chịu đựng của đê đập ra sao. Bác nói: “Thuỷ, hoả, đạo tặc không thể nắm lơ mơ. Thiệt hại vô cùng và khó lường”. Và Bác căn dặn: - Không được nói sai. Không được che dấu những khuyết điểm. Phải thật và cụ thể.
Bác thường lên án tệ: “lừa cha, dối chứ”. Nhân đây xin được kể lại một chuyện có thật xảy ra do tuỳ tiện, vô trách nhiệm của báo chí. Chuyện này tôi cũng nghe các bạn nghề kể lại và rút bài học nghiệp vụ. Năm 1949, khi cả nước làm theo lời kêu gọi “thi đua ái quốc” của Hồ Chí Minh:
Ngày ngày thi đua. Người người thi đua Ngành ngành thi đua. Nhà nhà thi đua Ta nhất định thắng. Địch nhất định thua. |
Một vài Đảng viên ở cơ quan bạn “sáng tác” ra tấm gương điển hình thi đua sản xuất nông nghiệp - mang tên Nguyễn Danh Đàm ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Hồ Chủ tịch gửi thư khen và yêu cầu UBHC tỉnh tổ chức chu đáo khen thưởng. Tỉnh tìm mãi, chẳng có điển hình nào như thế và chẳng ai có tên Nguyễn Danh Đàm. Mọi việc vỡ lở đành xin Bác tha tội. Bác nghiêm khắc phê phán tội “lừa cha, dối chú” và căn dặn người viết báo phải tôn trọng sự thật, phải trung thực trong cuộc sống và nghề nghiệp.
Bài liên quan: