Máu, mồ hôi, nước mắt trong phim Đất mặn

Có một vị rất mặn của nước mắt  lặn sâu trong trái tim người xem khi 49 tập phim Đất mặn vừa khép lại… Chuyện đất đai hiện nay là đề tài nóng với rất nhiều khiếu kiện của nông dân, nhiều bộ phim chính luận đã  đánh vào vấn đề này, phê phán cơ chế, phê phán chính sách đền bù rẻ mạt, đẩy nông dân vào bước đường cùng. Nhưng với Đất mặn, đạo diễn Nguyễn Tường Phương đã đến với nông dân bằng chính tâm tư, tình cảm của họ, bằng sự đồng cảm máu thịt…

Tên phim đã bao quát hết tất cả những điều tác giả muốn nói cùng người xem: Vị thấm sâu trong lòng đất là vị mặn của giọt mồ hôi khai khẩn của những bậc tiền hiền, là giọt nước mắt của hậu hiền khi đối mặt với bọn cường hào thời phong kiến và là máu của nhiều thế hệ đã hy sinh để giữ gìn cho đất khỏi rơi vào tay giặc ngoại xâm.

Mảnh đất Lung Tượng - Vàm sông Cửa Lớn của những người nông dân đã trải qua 4 thế hệ, từ ngày 12 người lực điền từ miền Trung dong chiếc ghe bầu, chống chỏi cùng sóng dữ để đi về phương Nam tìm đất. Và họ đã trụ lại đây, mảnh đất trù phú nhưng hoang vu và đầy hiểm nguy bởi thú dữ.

Họ khai hoang để có đất trồng trọt, nhưng vì dốt nát nên đã bị bọn cường hào chiếm hết đất. Chỉ khi có cách mạng về, mảnh đất của tổ tiên mới về lại với dân cày. Những tưởng sẽ được sống truyền đời với nghề nông, nào ngờ dự án sân gôn đổ về ngốn hết hàng trăm hécta đất của dân cày. Vậy là họ phải ly hương, phải rời khỏi nơi quê cha đất tổ để trôi giạt khắp nơi với kiếp làm thuê làm mướn, vì họ còn biết làm gì ngoài nghề làm nông?!…

Trên mặt báo, vẫn thường thông tin vùng quê này bị cưỡng chế, vùng đất kia dân kiên quyết giữ đất bằng mọi cách, có nơi phải đổ máu, có người đã tự sát trên mảnh đất của mình. Vì sao vậy? Nếu chúng ta chỉ đọc những dòng tin ấy bằng cái nhìn của kẻ chợ, thì không ai có thể hiểu vì sao mà người nông dân bám đất đến cùng như thế. Bởi vì đất đai đối với người nông dân quý còn hơn sinh mạng. Bởi vì nơi đó thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và xương máu của ông cha họ, là nơi cả họ tộc nhiều đời đã sống ở đây, mồ mả ông bà ở đây, vì từng cái cây, từng vạt cỏ đều có hồn thiêng của tổ tông. Vì đó chính là những kỷ niệm gắn liền với cuộc đời họ…

pic
Gia đình Ba Mạnh tế trời đất trước khi ly hương - cảnh trong phim Đất mặn

Cái nếp nhà nông với những sinh hoạt thường ngày, những ngày giỗ chạp, ma chay làng xóm cùng chung vui, cùng chia sẻ. Tình làng nghĩa xóm bao đời nay như khúc ruột gắn liền, nó lặn vào máu thịt của từng người, không thể một ngày một bữa có thể phôi pha. Đó chính là nếp văn hóa lưu truyền từ bao đời nay, nó đã ăn sâu vào tiềm thức của người nông dân. Bứt họ ra khỏi mảnh đất quê hương là bứt lìa cả nguồn cội, là bứt lìa họ ra khỏi nơi mà nhiều thế hệ cha ông đã sống và đã đổ máu trên đó để giữ gìn.

Nhà báo Vĩnh Nguyên trong phim đã nói: Người Việt mình dù sang dù hèn đều có chung cái gốc là người nông dânTổ tiên ông bà đều cất tiếng khóc chào đời ở một vùng quê nào đó. Điều đó quá rõ vì đất nước ta có đến 90% dân số là thành phần nông dân. Rất nhiều người đã rời xa quê và trở thành dân thành thị, nhưng cái gốc vẫn thuộc về một làng quê nào đó. Cái gốc ấy theo thời gian có thể bị phai nhòa đi, nên không phải ai cũng thấu hiểu được nỗi đau của một con người bị bứng ra khỏi nơi chôn nhau cắt rún của mình là như thế nào.

Là nông dân, đất đai đối với họ là sinh mạng, là lẽ sống, nó không đơn thuần là một thứ tài sản thuộc về vật chất mà nó còn là hồn cốt của tổ tiên. Vì thế, những lão nông tri điền ở xóm Lung Tượng đã xem việc rời bỏ làng quê là một tội lỗi lớn đối với tổ tiên, ông bà. Nhưng không thể không đi. Bởi vì đây là lệnh của nhà nước mình. Một nhà  nước đã từng giương ngọn cờ chính nghĩa chống ngoại xâm giành độc lập cho dân tộc mà hầu hết nông dân trong làng, trong đó có Ba Mạnh, Chín Lớn, giáo Thứ, Năm Tất, Bảy Xô, Tư Quỳ, Hai Hiệp… từng đứng dưới ngọn cờ ấy trong đội quân du kích, cùng hát vang bài Giải phóng miền Nam giành giựt từng tấc đất với quân thù.

Họ đã chiến đấu anh dũng, và xương máu bạn bè, đồng chí họ, những người nông dân chân lấm tay bùn đã phải nằm lại vĩnh viễn trong lòng đất quê làng, không kịp nhìn thấy ngọn cờ độc lập tung bay trên bầu trời quê hương. Không chống lệnh nhà nước, không khiếu kiện, nhưng mà đau quá, một nỗi đau tuyệt vọng vì sự bất lực của mình, Ba Mạnh gần như rơi vào nỗi u uất của người không tìm thấy đường ra.

Làng xóm vẫn nhìn thấy ông ung dung xây lại cái cổng nhà, trồng lại hàng rào dâm bụt và hàng ngày ra săm soi, tỉa tót từng chiếc lá. Hành động đó là kỳ dị trong mắt mọi người, ban quản lý dự án lại lo lắng vì cảm thấy như đó là dấu hiệu của một cơn bão, là một hành động đầy khiêu khích. Nhưng không ai hiểu trong nỗi u uất của người “nghĩ hoài không biết mình sai ở chỗ nào, bởi vì cả đời ông cố, ông nội rồi tới ông, có sống hay chết cũng bám lấy đất đai mà đi”. Và giờ thì ông tự ngộ ra trong nỗi đau đớn tột cùng. Cả đời ông chỉ muốn được làm người nông dân sống hiền hòa với đất đai thôi.

Vì thế, đến phút chót ông vẫn muốn được níu lại cho mình cái cảm giác yên bình  của  một lão nông bên ngôi nhà của mình. Hành động đó cũng giống như việc tổ chức một đám giỗ cúng tạ tội với tổ tiên ông bà, mời cả làng đến quây quần, vui vẻ cùng nhau lần sau cùng…

pic
Buổi họp gia đình lần cuối ở nhà Ba Mạnh

Ông đã cố nghĩ rằng mình không sai khi muốn tiếp tục được làm người nông dân. Ông đã từng đấu tranh quyết liệt trong vụ “Lúa-phân-tiền”, dám đối đầu với nhà nước, mà người đại diện lúc bấy giờ là Sáu Trung. Trong cuộc chạm trán ấy, ông đã thắng, vì đó là thời điểm đổi mới, thời điểm của tập đoàn tan rã để nhường chỗ cho những người làm nông giỏi như ông được thỏa chí với đất đai.

Sáu Trung, vốn là một cậu công tử nhà điền chủ có trên 300 mẫu ruộng, nhưng ông sẵn sàng từ bỏ tất cả để đi cách mạng. Đó là lý do vì sao Sáu Trung đối đầu với Ba Mạnh. Một bên chưa từng là nhà nông dù gia sản đất đai kếch xù, một bên phải giành giựt bằng mồ hôi, nước mắt và xương máu mới có đất để được cày trên chính mảnh ruộng của mình.

Cả hai đều có gốc nông dân, nhưng cả hai hoàn toàn khác nhau về xuất thân và  tình yêu với đất. Một bên sẵn sàng từ bỏ hàng trăm mẫu đất để đi cách mạng, chưa từng đổ một giọt mồ hôi nào trên mảnh đất ấy, nên đất đai đối với ông hoàn toàn chỉ là một khái niệm xa lạ. Một bên đi cách mạng chính là để giữ đất và để được cày bừa trên mảnh đất ấy. Vì vậy, Sáu Trung không thể hiểu được vì sao mà Ba Mạnh phải quyết liệt sống chết với cái thứ mà ông đã từ bỏ nhẹ như không ấy. Họ không thể gặp nhau vì hai hoàn cảnh sống hoàn toàn khác nhau.

Sáu Trung đọc nhiều, chỉ lấy lý thuyết làm cái gốc của cuộc sống, vì thế ông bị gò trong mớ công thức giáo điều, còn Ba Mạnh ít học, chỉ lấy thực tế cuộc sống làm thước đo…, lấy cái gốc rễ sống chết cùng mảnh đất mặn chát mồ hôi, nước mắt và xương máu của cha ông làm lẽ sống. Đó là lý do họ không thể gặp nhau…

Nhưng rồi  Sáu Trung cũng đã hiểu. Ông trở lại Lung Tượng, nơi mà suốt 20 năm qua ông không thể nào quên được mối hận vì đã phải thất bại trước một nông dân ít học như Ba Mạnh. Nơi ông đã từng muốn tiêu diệt cái mà ông cho tư tưởng phú nông đang bùng dậy, cái tư tưởng mà ông đã quyết liệt từ bỏ để đi cùng giai cấp vô sản. Đó là lý do vì sao một trí thức tư sản như ông dù yêu Năm Dung –  một cô nữ sinh con nhà giàu đã thoát ly gia đình để theo ông đi kháng chiến – nhưng lại cưới một cô gái nông thôn ít học làm vợ. Đó là cách ông tự cải tạo thành phần của mình. Bây giờ, nhìn lại, chúng ta không khỏi buồn cười vì sự ấu trĩ ấy, nhưng trong trận cuồng phong của cuộc cách mạng vĩ đại giành độc lập dân tộc, những kiểu người như Sáu Trung không phải là hiếm.

Giờ đây, sau 20 năm, Sáu Trung trở lại Lung Tượng khi không còn quyền chức gì, và chứng kiến cơn bão lớn đã giáng xuống đầu mảnh đất bờ xôi ruộng mật ngày xưa. Lung Tượng đã tàn rụi vì chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng thủy sản thất bại và đang trở thành dự án sân gôn. Các hộ dân đã nhận tiền đền bù, chỉ còn lại những lão nông tri điền đang quay quắt đớn đau bên mảnh ruộng nhà mình.

Một cuộc xáo trộn dữ dội đã làm nháo nhào đời sống người nông dân. Từng nhà phải đào xới bốc mộ tổ tiên mà chưa biết phải đi về đâu. Khu tái định cư quá đỗi chật hẹp đối với người nông dân, nhưng bằng số tiền đền bù mấy chục ngàn đồng/m2 đất, làm cách nào họ có thể mua lại đất đai nơi khác để được tiếp tục làm nông? Nhưng không làm nông thì họ còn biết làm gì? Câu hỏi ấy vĩnh viễn sẽ không có lời đáp.

Người xem sa nước mắt khi thấy nhiều người đã hớn hở dùng tiền ấy để mua xe máy, mua điện thoại di động mà không lường trước tương lai mình sẽ đi về đâu. Bởi không phải ai cũng nhìn trước tương lai mờ mịt của mình như Ba Mạnh: “Mồ hôi, xương máu của cả trăm năm bây giờ chỉ còn lại trên mảnh giấy này đây…” . Đó là mảnh giấy kêu án tử nghề làm nông của cả gia đình ông, nghề mà ông coi nó như cái đạo thiêng liêng, sống chết sinh tử cùng nó và truyền lại cho con cháu như một mạch sống không bao giờ tắt  của gia đình, dòng họ…

Cuối cùng cái sân gôn đã thắng, ban quản lý dự án vui mừng hỉ hả vì không gặp một sự chống cự nào từ các lão nông tri điền xóm Lung Tượng. Từng đoàn ghe chất chứa những đồ vật kỷ niệm của từng gia đình nổ máy ra đi, vĩnh biệt xóm làng thân thương và bước vào cuộc đời ly hương…

pic
Hàng trăm mẫu đất ở xóm Lung Tượng đã trở thành sân gôn

Cả trăm nóc nhà ở xóm Lung Tượng giờ đã thành thị dân, những người dân sống bên lề phố phường, bán sức lao động của mình để mua chén cơm manh áo. Họ phiêu bạt khắp nơi để kiếm sống, và phải tự biết quên gốc rễ, quê hương của mình để sống tiếp đời tha hương. Cái cánh đồng bạt ngàn hương lúa ngày xưa đã lui về trong tâm thức bằng bức tranh phóng lớn giữa nhà để nhớ, để thương. Họ cũng trở về quê xưa để nhìn thấy những ông bà quý phái chơi gôn trên cánh đồng của họ và cố gắng tìm kiếm ngôi nhà, gốc ổi của mình đang ở đâu trên bạt ngàn thảm cỏ quý tộc ấy. Nhưng họ hoàn toàn vô vọng. 

Cuối cùng, chính người phải buông câu cảm khái trong đôi mắt buồn thiu là Sáu Trung: “Một ngôi làng như vậy mà biến mất thì tiếc quáCái sân gôn ấy đem lại điều gì thiết thực cho nông dân mà buộc họ phải tách rời môi trường sống, môi trường văn hóa của họ vậy?”. Và cũng cuối cùng, dẫu không một lời phê phán, nhưng cái sân gôn nằm trên đất Lung Tượng đã làm người xem rơi nước mắt khi nhìn lại cảnh những người nông dân xưa lang thang trên phố tìm việc mưu sinh… Không trách, mà là muôn nghìn lời trách cũng như Ba Mạnh đến phút cuối trước khi rời căn nhà 3 thế hệ của mình đã thốt lên: “Cái sai lớn nhất của người ta là không biết mình sai ở chỗ nào”.   

Câu hỏi ấy phải dành cho những sân gôn đang đua nhau mọc như nấm và đang từng ngày xóa sổ những bờ xôi ruộng mật trên đất nước ta, bứt rời người nông dân ra khỏi gốc rễ, quê hương của họ. Những người ký duyệt các dự án sân gôn có ai hiểu và sống cuộc sống của người nông dân để thấu hiểu nỗi đau của họ? Đó chính là nỗi niềm mà những người làm phim đã gióng lên như một tiếng chuông báo động. Sử dụng đất đai để công nghiệp hóa làm giàu đất nước là điều cả nước đang hướng tới, nhưng sử dụng đất đai vô tội vạ mà không biết đến tâm tư tình cảm người nông dân thì đó chính là tội ác…

__________

Phim đã chiếu trên HTV9 lúc 17g30.

Biên kịch: Võ Đắc Dự.

Diễn viên: Thạch Kim Long, Mạnh Hùng, Huỳnh Đông, Trương Minh Quốc Thái, Ánh Hồng, Lê Phương, Hoài An...

Ngô Ngọc Ngũ Long