Mấy suy nghĩ về việc học tập và làm theo đạo đức của Bác Hồ

MAI THÚC LÂN

Cuộc vận động học tập và làm theo tấm guơng đạo đức Hồ Chí Minh được Đảng phát động đến nay đã gần hai năm. Đã có rất nhiều hình thức sôi động đem lại những hiệu quả thiết thực cho phong trào có ý nghĩa sâu sắc này. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều bài viết về đạo đức, tác phong sinh hoạt của Bác; nhiều tin tức phản ảnh sự hưởng ứng rộng khắp cuộc vận động ở các ngành, các địa phương. Đáng chú ý là cuộc thi kể chuyện đạo đức Bác Hồ do Ban Chỉ đạo cuộc vận động Trung Ương phát động, đã làm tăng thêm sự sôi động từ cơ sở đến các ngành ở Trung Ương trong phong trào này. Buổi tổng kết đã được tổ chức trọng thể ở Hà Nội và đích thân đồng chí Tổng Bí thư trao giải thưởng cho những người đoạt giải cũng đã chứng minh tính chất quan trọng của cuộc thi.

Tuy nhiên, dư luận rộng rãi cho là cuộc vận động vẫn còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, còn có tính chất rầm rộ phô trương chứ chưa đi sâu vào thực chất yêu cầu đề ra. Điều mà xã hội quan tâm đã học rồi, nhưng làm theo Bác mới là quan trọng. Và việc làm theo đó, trước hết phải là trong cán bộ, Đảng viên giữ các cương vị lãnh đạo từ Trung Ương đến cơ sở. Mặt khác, những việc làm theo đó đã đạt được những hiệu quả cụ thể, thiết thực như thế nào phải được thông báo rộng rãi để khích lệ phong trào, đưa cuộc vận động đi vào chiều sâu.

Thực ra, đạo đức Bác Hồ đã được Bác cô đọng trong mấy chữ: “Trung với nước, hiếu với dân” và “cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư”. Bác cũng đã giải thích rõ cần, kiệm, liêm, chính là thế nào trong bài viết rất sâu sắc và súc tích từ năm 1949*. Ở Bác Hồ, đạo đức gắn liền với tác phong sinh hoạt, lề lối làm việc, quan hệ ứng xử, văn hoá giao tiếp. Đương nhiên, tình hình kinh tế xã hội thời hoạt động của Bác khác với hiện nay, nhưng tác phong, đạo đức của Bác vẫn luôn là một hình mẫu vừa mang tính bền vững, vừa mang tính thời sự cho mọi đối tượng trong xã hội chúng ta, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cả dân sự và quân sự, cả thế hệ hôm nay và mai sau.

Học tập và làm theo Bác cũng không phải cứng nhắc, làm y như Bác một cách thô thiển. Ngày trước, khi đi công tác, giờ ăn trưa, Bác không vào trụ sở của tỉnh vì ngại phiền địa phương, Bác cùng anh em lái xe, cần vụ, giúp việc đưa cơm nắm ra ăn và trải ni-lông nằm nghỉ dưới gốc cây, sau đó mới vào làm việc. Nay thì các vị nguyên thủ của ta không thể làm thế. Vì nếu làm như thế thì có thể bị cho là giả tạo! Nhưng cái chính là phải học và làm theo cái gương không gây phiền hà cho địa phương của Bác.

Có chuyện kể lại rằng, thời chống Pháp, giấy viết hiếm, Bác thường nhặt các phong bì còn một mặt viết được để sử dụng. Bây giờ thì trong các cơ quan không ai làm như Bác vì giấy viết không phải quá hiếm, nhưng cái cần học tập ở Bác là phải biết tiết kiệm, cái gìvật gì còn dùng được thì sửa sang mà dùng, không tốn tiền nhà nước để mua sắm mới. Nhưng hiện nay thì các cơ quan nhà nước ta còn quá lãng phí: ô tô còn chạy tốt đã thay, bàn ghế còn tốt đã phế đi để đóng mới; vào dịp cuối năm, mừng Tết thì Thiệp chúc mừng và lịch biếu được in vô tội vạ, trong khi nhiều học sinh nghèo không có tiền mua sách giáo khoa.

Những sinh hoạt của Bác như thế có thể coi là chuyện thường ngày. Ở nước ta, trong cuộc đấu tranh chống lãng phí, nếu các cán bộ, công chức đều có ý thức học tập và làm theo tấm gương tiết kiệm như Bác, chắc sẽ đem lại lợi ích không nhỏ. Nước ta còn nghèo, thu nhập bình quân đến nay mới đạt 1.000 USD một đầu người trong một năm, nhưng xem ra việc tiêu xài ở các cơ quan công quyền vẫn còn khá lãng phí.

Vừa qua, trong kỳ họp Quốc hội cuối năm, khi thảo luận về chống lãng phí, có đại biểu đã phát biểu là nước ta đang có bệnh “hoành tráng” nghĩa là cái gì cũng muốn cho oai, phô trương, hình thức, tiêu tiền công không tiếc! Đấy là chưa nói đến việc lãng phí thời gian, công sức. Nếu Bác còn sống, chắc Bác sẽ phê bình nghiêm khắc.

Năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang rất ác liệt, chính quyền còn rất non trẻ, nhưng trong đội ngũ cán bộ đã có biểu hiện quan liêu, cục bộ, hẹp hòi, địa phương…, Bác đã viết tài liệu “Sửa đổi lề lối làm việc” để cho cán bộ Đảng, nhà nước, quân đội học tập nhằm chống các căn bệnh trên. Bác đề cao đạo đức cách mạng là nhân, nghĩa, lễ, trí, dũng. Có thể nói, tất cả những điều Bác viết trong tài liệu này cho đến nay vẫn đậm tính thời sự, đặc biệt trong tình hình mà “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức đang diễn ra nghiêm trọng**.

Do đó,việc phát động cuộc vận động học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh là rất cần thiết, nếu không nói lẽ ra cần phải sớm hơn. Nhưng học chỉ là một vế, còn vế quan trọng hơn là làm theo, vì đây mới là mục tiêu chủ yếu của cuộc vận động. Dư luận cả nước hy vọng là trong thời gian tới, việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác sẽ gặt hái được nhiều kết quả thiết thực, cụ thể, to lớn hơn.

Cuối năm 2008

_______________

*

Hồ Chí Minh toàn tập - Tập 4-5 – NXB Sự thật, năm 1985.

**

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X.