Thủa bé, mẹ thường chiều tôi bằng cách dẫn ra Cầu Liêu mà mua cho dăm xu bánh tẻ. Từ làng tôi qua Kẽm núi rậm rạp, tới Cầu Liêu phải vài cây số đi tắt. Mẹ cõng tôi trên lưng, tôi khẽ nhắm mắt nghe lá tre mai ràn rạt và bập bềnh tưởng tượng cái giây phút được thưởng thức bánh tẻ. Kỷ niệm ấy, giờ không còn nữa chỉ còn con rộc vẫn bền bỉ chảy dưới chân Cầu Liêu, cắt ngang con đường Sơn Tây - Hà Đông, ngay lối đi vào chùa Tây Phương. Bà cụ già bán hàng, tôi cứ gọi là bà vãi, cũng không còn nữa. Cái giọng nói dẻo quẹo quyện cả vào trong chất dẻo của bánh cửa hàng cụ, đến bây giờ, vẫn như gọi cả ấu thơ của tôi.
Lớn lên, thưởng thức bánh tẻ Cầu Liêu lại bằng cách của một du khách là ngẫm nghĩ về xa xưa. Chập chờn từ cái thủa quận Giao Chỉ thời thuộc Hán, gồm mười huyện, thì trong đó có ba huyện thuộc đất Sơn Tây. Đó là huyện Câu Lậu, huyện Mê Linh và huyện Chu Diên. Du khách bóc cái bánh tẻ Cầu Liêu hướng vọng về núi Câu Lậu, mà trên đó, trong chùa Tây Phương, các vị La Hán đang ngẫm ngợi về sự thế. Có cụ già còn kể tôi nghe câu chuyện cứ như thực. Ấy là Phật Tổ thứ tám Ânđê, thân thể béo mập, phanh áo hở ngực, bụng to tròn căng, cặp mắt nheo nheo, miệng cười há rộng và hai cái mũi nở phồng... Người chủ trương tu hành theo con đường lạc quan, thanh thản, phóng khoáng, không câu thúc... Trước khi thành Phật, Người còn tạt qua Cầu Liêu ăn vài cái bánh tẻ rồi mới nhập Niết Bàn. Hóa ra, dứt đường trần kể cũng khó vì sức quyến rũ của loại bánh tẻ này. Vậy bánh tẻ này có gì mà lạ thế? Chữ Cầu Liêu và Câu Lậu có gắn gì với nhau?
Điều khác hẳn của bánh tẻ này là cỡ bánh. Nó chỉ to bằng con cúi bông kéo sợi. Gạo trắng bông. Bánh tẻ nơi khác to bằng bắp tay. Lịch sự thì khi ăn, bóc để ra đĩa, lấy con dao bằng nứa khía hai nhát là vừa ba miếng. Mẩu tre già được vót chạc đôi như chạc gảy rơm. Khách cắm vào miếng bánh để chấm vào nước chấm. Nhưng thường, để giữ được vẻ tự nhiên nguyên sơ, khách thường cầm cả cái bánh mà chấm theo tùy thích đậm nhạt. Cách tự do thư thái này gợi hứng mạnh hơn sự trân trọng khuôn phép. Nước chấm được rót vào một cái đọi xinh xinh. Cái kiểu nửa bát nửa đĩa này nung bằng sứ thô màu vàng đục. Bát kiểu này người ta còn dùng làm đĩa thắp đèn, gọi là đọi đèn, đựng lưng dầu lạc. Cái lợi của đọi nước chấm này là bánh chấm không quá sâu, miếng bánh ngập vừa phải. Bánh ngập nông quá thì độ đậm của nước chấm chưa tới. Nước chấm chọn loại nước mắm Vạn Vân để lưu cữu lâu ngày càng thơm. Vắt một phần tám quả chanh, đừng chua quá, gắt. Và chỉ cần lất phất tí bụi hạt tiêu trên mặt bát hình tròn như váng mây trời là được. Đặc biệt nữa, lá gói bánh là lá tre mai lấy tận trong đồi Gượm - làng Cần Kiệm - Thạch Thất, quê tôi, lá to gần bằng lá dong.
Mùng tám tháng ba, hội chùa Tây Phương. Khách thập phương kéo về bảo nhau đến Cầu Liêu dừng lại. Nhớ, dừng lại! Ăn đừng cầu no. Đầu lưỡi vương vấn cái nhẹ mát của bột bánh “siêu hình” này hài hòa với một chút mặn cay. Thơ đã như sẵn có để chuẩn bị leo lên hàng trăm bậc đá ong lên chùa Tây Phương niệm Phật. Thì, nơi đây, Cầu Liêu đã là một phần của Niết Bàn? Người ăn bánh tẻ, thủng thẳng ngâm thơ Phan Huy Ích: “Mái chùa ẩn bóng tre xanh/ Đan sa họ Cát lưu thành đồi son” (Cát lệnh hoàng).
Cát Hông, đời nhà Tấn - Trung Hoa, nghe nói Giao Chỉ nhiều đan sa ở vùng núi Câu Lậu, muốn đến luyện đan trường sinh. Cái loại linh đan hay nhất có lẽ là bánh tẻ Cầu Liêu …