Ở quê tôi, không hiếm những cô gái trẻ trung xinh đẹp nhưng chỉ sau mấy năm lấy chồng trông như cái… mền rách. Việc ruộng vườn họ cũng phải làm như chồng. Việc nhà cửa, con cái, giỗ chạp… thì trăm dâu đổ đầu tằm, họ phải gánh vác hết, nếu không xong còn bị chồng cằn nhằn, mắng nhiếc hay đánh đập. Đó còn chưa kể chồng đi nhậu về kiếm cớ đánh vợ là một trong những nguyên nhân của bạo hành gia đình, mà ở nông thôn (lẫn ở thành phố) không hiếm ông chồng nhậu như cơm bữa.
Mà đâu chỉ những ông chồng thô lậu, ít học mới bạo hành vợ - một ông giám đốc ở một thành phố vùng cao nguyên giàu có cứ đi nhậu về là kiếm cớ gây với vợ, người vợ hiền lành, đảm đang, biết làm ra tiền và quen nhịn nhục, chị thấy không có lý do gì để gây lại với chồng nên im lặng. Thế là ông ta nhào vô đánh vợ, đến khi thấy vợ chảy máu đầu thì ông ta mới hoảng hồn đưa đi bệnh viện. Thường ngày ông ta vẫn gọi vợ là “con” xưng “mày tao” và khi vợ nói gì không ưng ý liền kết luận “biết gì mà nói” hoặc “ngu như bò”. Cho nên, người phụ nữ này dù có đủ con trai, con gái được ở nhà cao cửa rộng, có xe hơi và thỉnh thoảng được chồng dẫn đi du lịch nước ngoài nhưng lúc nào chị cũng khổ tâm, căng thẳng khi ở bên chồng.
Bạo hành tinh thần là thứ vũ khí của quý ông trí thức thường dùng để tra tấn vợ, chẳng hạn như chê vụng, chê già, chê dở… và cả chê không biết sinh… con trai! Và cũng không ít ông ganh tỵ với những thành công của vợ, không muốn vợ hơn mình, luôn tìm cách kìm hãm sự vươn lên của vợ.
Chị H. là một phụ nữ thông minh, xinh đẹp và có năng lực. Có bằng thạc sĩ xong, nơi chị công tác muốn tạo điều kiện cho chị ra nước ngoài học để lấy bằng tiến sĩ, lập tức người chồng chị (có trình độ đại học) liền đưa ra “điều kiện”: - Muốn lấy bằng tiến sĩ thì hãy ký vào đơn ly hôn! Thật ra chị H. không nhất thiết phải lấy bằng tiến sĩ nhưng cách đối xử của chồng đã khoét thành một vết thương sâu trong lòng chị.
Bạo hành tình dục thường được các bà vợ dấu kín thế, nhưng cũng có chị kể thật về chuyện của mình. Chị N. là một giáo viên dạy văn, còn chồng chị tốt nghiệp đại học văn hóa, từng làm việc ở một bộ nọ cũng rất… văn hóa. Và mỗi lần tiếp xúc với ai, anh ta cũng luôn tỏ rõ cái gốc “văn hóa” ấy của mình. Thế nhưng, mỗi lần muốn gần gũi vợ anh ta lại bảo “hầu tao đi” nếu chị đang bận soạn bài, chấm bài chưa vào kịp anh ta có thể xách dép ném trúng chị, trúng bóng đèn hay một vật nào đó cho chị sợ để vào “phục vụ”. Người phụ nữ đa cảm tội nghiệp ấy có lần phải nhảy xuống sông Sài Gòn tự tử, chồng chị mừng vì vợ được cứu kịp nhưng cũng “mắng yêu” vợ bằng một cái tát: “Sao ngu thế, định bỏ chồng con đi à?”
Một điều đặc biệt, không biết ở đâu có một dòng “văn học truyền khẩu” với đủ các thể loại từ hò vè, ca dao, câu đố chuyên về… nói xấu “cơm nguội” như ở xứ ta hay không, có nhiều vô số mà các ông hay mang ra kể những lúc trà dư tửu hậu để cười vui với nhau… Kiểu như “Đời ta nghĩ chẳng ra chi, vợ thì đời cũ tivi đời đầu…”.
Hiện nay, không ít phụ nữ giỏi giang, thành đạt, bận rộn với trăm công nghìn việc nhưng ở nhà không mấy được chồng chia sẻ về nhiều phương diện, từ việc nhà, dạy dỗ con cái đến thâm nhập vào đời sống tinh thần của nhau.
“Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đôi gánh quá nặng với bờ vai của phái nữ. Nhiều người có dịp đến được những nước phát triển, nhất là những cường quốc văn minh đều nhận ra một điều: Phụ nữ xứ họ sung sướng thật, không chỉ được bình đẳng, được tôn trọng mà còn được ưu ái, nâng niu, được bênh vực. Nhiều phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài rồi mới cảm thấy “Nghĩ mình mình lại thương mình xót xa” nhưng cũng có không ít ông chồng đi Tây về rồi mới biết thương vợ hơn, biết chăm sóc và chia sẻ với vợ hơn.
Có một nhà báo sang Thụy Điển công tác một thời gian về nói vui: “Không nên để phụ nữ Việt Nam đi du lịch Thụy Điển, bởi đó là thiên đường của phụ nữ, họ sẽ so sánh… ” . Anh thấy phụ nữ xứ ấy quá hạnh phúc, đặc biệt là được chồng cưng quý, hình ảnh ấy nhan nhản từ ngoài đường như chồng bế con còn vợ đi thảnh thơi cho đến trong từng ngôi nhà, vợ ngồi xem tivi, làm việc trước máy tính trong khi chồng nấu ăn...
Ngay cả cậu con trai sang Mỹ du học một thời gian, khi về thăm nhà, cậu nhận ra cách cha mình cư xử với mẹ là “không thể chấp nhận được”. Mẹ cậu bị “ăn hiếp”, bị thiệt thòi còn cha cậu như một “ông thần” trong nhà dù cả hai đều là giáo viên.
Mà nhiều khi chẳng cần phải đi đâu xa, chỉ cần đọc sách, đọc báo và quan sát chung quanh ai cũng có thể nhận ra rằng gia đình nào, xứ sở nào càng văn minh thì nơi ấy người phụ nữ càng được bình đẳng, nâng niu và tôn trọng.
Hiện nay, bạo hành gia đình, với nhiều hình thức khác nhau như bạo hành thể xác, bạo hành tinh thần, bạo hành tình dục vẫn đang tiếp diễn ở nước ta và đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của người phụ nữ, đến sự phát triển bền vững của xã hội. Nữ nhà văn Mỹ là Pearl Buck viết: “Người phụ nữ là trái tim của gia đình”. Nếu trái tim ấy phải luôn chịu tổn thương, đau đớn thì cái cơ thể gia đình ấy làm sao khỏe mạnh và hạnh phúc?
Người viết bài này không dám “quơ đũa cả nắm”, vì bên cạnh những người đàn ông coi rẻ phụ nữ thì cũng có nhiều người đàn ông văn minh, đôn hậu, sống có trước có sau, biết quý người bạn đời của mình. Để rộng đường dư luận, mong rằng sau bài viết này sẽ nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc để tìm một giải pháp cho những gia đình Việt trong thời kỳ phát triển, giao lưu và hội nhập quốc tế.