Lúc nào có dịp là tôi tìm cách “tiếp cận” với các tác giả thuộc nhiều loại hình nghệ thuật để có thể biết thêm về văn hóa - văn học Nhật Bản.
Năm 2001, tôi đã có dịp theo đoàn du khảo quốc tế trở về cố đô Huế trong chuyến đi “Gặp gỡ thiên niên kỷ mới” do ngành Du lịch TP.HCM tổ chức với sự tham gia của các nhà báo đại diện 35 hãng thông tấn báo chí quốc tế và các nhà hoạt động du lịch của 50 hãng lữ hành quốc tế.
Trong một buổi tiệc khoản đãi của địa phương, một nhà báo Nhật Bản, công tác với nhiều tạp chí chuyên đề du lịch trên thế giới cho biết ông đã bị thu hút thật sự trước nét cổ kính, trầm mặc, rêu phong của cố đô Huế và nêu một nhận xét thật thú vị: “Huế thơ mộng hơn Tử Cấm Thành của Trung Quốc vì có các hồ nước và có dòng sông Hương”.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành Takaiwa Shin làm việc trong ngành điện ảnh tại Công ty liên doanh Toei đã có nhiều kỷ niệm đẹp về Việt Nam. Ông đã tìm đến Việt Nam để sáng tác ảnh thời sự nghệ thuật. Ông đã đến các làng quê, đi xuyên Việt để săn tìm những hình ảnh về công việc mưu sinh nhọc nhằn, cam khổ hằng ngày của người Việt Nam. Ông đã có nhiều cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật tại Việt Nam với chủ đề Việt Nam - con người và đất nước tôi yêu và đã xuất bản hai tập sách ảnh về Việt Nam: Mang giày xăng-đan ở thăm Việt Nam và Trẻ em ở làng bị rải chất độc da cam.
Theo lời kể của TS. Yoshi Michiko - tốt nghiệp Đại học Kyoto, đã bảo vệ thành công luận án Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn tại Đại học Paris 7, thì chỉ ở Nhật Bản, bài hát của Trịnh Công Sơn mới được giới thiệu và dịch ra tiếng Nhật qua tiếng hát của ca sĩ Nhật Takaishi Tomoya, cả nước được nghe qua radio phát mỗi đêm khuya, và Trịnh Công Sơn đã nhận “Golden Disc Prix” (Giải đĩa vàng năm 1969 tại Nhật). Và khi được tin Trịnh Công Sơn mất, các tờ báo ở Nhật đều đăng tin buồn đó, và radio phát lại bài Diễm xưa theo yêu cầu của thính giả.

Mùa hoa Anh Đào - Nhật Bản.
Những năm tháng còn chiến tranh, tôi đã say mê đọc những tác phẩm (qua bản dịch tiếng Việt) của văn hào Kawabata Yasunari, giải Nobel văn học năm 1968. Với các tác phẩm Ngàn cánh hạc, Xứ tuyết và Cố đô cùng 20 tác phẩm khác của ông, có thể cảm nhận rằng: “Ông đã kết hợp nhuần nhuyễn truyền thống nghệ thuật Nhật Bản với các thủ pháp cách tân hiện đại của phương Tây để truyền tải bản chất của ý thức Nhật Bản”. Có thể khẳng định, ba tác phẩm đã nêu trên của ông được đánh giá là ba kiệt tác tiêu biểu cho sáng tác của ông, lấy “nỗi cô đơn của con người làm chủ đề chính”.
Trong nền văn học Nhật Bản cận đại và hiện đại, nhiều nhà thơ, nhà văn đã nổi tiếng ở trong nước và nước ngoài. Trên lĩnh vực thơ, có các nhà thơ nổi tiếng như Tanikawo Shunta với tập thơ Nỗi cô đơn của hai tỷ năm, Yoshimasu Gozo với tập thơ Cháy, Tsujii Takashi với Bản nháp dành cho tự truyện thơ…
Các nhà văn Nhật Bản như Kenzaburo Ôé đã đoạt giải Nobel văn chương năm 1994 và nhiều giải thưởng cao quý của Nhật Bản. Ông đã xuất bản 60 tác phẩm trong đó nổi tiếng là các tiểu thuyết Lộn nhào, Đứa trẻ hai trăm năm và nhà văn Abe Kobo với các tiểu thuyết Cô gái cát, Khuôn mặt người khác… Và một nhà văn khác là Haruki Murakami, tác giả các tiểu thuyết Rừng Na Uy, Hãy nghe bài ca của gió, ZQ84… được bán chạy nhất ở Nhật và trên thế giới. Hai nhà văn đương đại Kenzaburo Ôé và Haruki Murakami và các nhà văn, nhà thơ đã nêu trên đã được giới phê bình văn học xem đấy là “cái nhìn tổng quát về nền văn học hiện đại”.
Tuy nhiên, trên thực tế, các tác phẩm văn học của Nhật Bản đang có mặt trên thị trường sách nước ta thì chưa mang tính toàn diện của văn học nước này. Các bản dịch ra tiếng Việt còn nhiều hạn chế. Đổi lại, chỉ khoảng 20 đầu sách Việt được dịch ra tiếng Nhật, trong đó có không ít tác phẩm không hề tiêu biểu cho nền văn học Việt Nam đương đại nếu không muốn nói là từng bị dư luận trong nước phê phán. Hầu hết sách phát hành và giao lưu tại Nhật đều do các công ty, tổ chức tư nhân trong nước đã tự chọn dịch và quảng bá.
Trong thập niên cuối của thế kỷ XX, nhiều cuộc giao lưu văn hóa, nổi bật là “Những ngày văn hóa Việt - Nhật” được tổ chức hằng năm tại Hà Nội, Huế, Hội An, TP.Hồ Chí Minh… thì giao lưu văn học chưa có cơ hội. Các loại hình nghệ thuật như âm nhạc, múa, hội họa, nhiếp ảnh, sân khấu, thời trang và văn hóa ẩm thực đã được giao lưu hằng năm và tạo được ấn tượng, tuy nhiên văn học vẫn chưa có sự giao lưu chính thức và xứng tầm. Dù vậy, những độc giả Việt Nam vẫn tìm đọc qua các bản dịch dù chưa được chọn lựa và thẩm định giá trị của nền văn học đương đại của Nhật Bản.

Một tác phẩm trong Việt Nam - Con người và đất nước tôi yêu
của Takaiwa Shin.
Với mối giao hảo truyền thống của hai dân tộc vốn hoà hiếu, thân thiện, hỗ trợ và trân trọng lẫn nhau, giao lưu văn học giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản sẽ được quan tâm nhiều hơn. Tôi nghĩ đã đến thời điểm thích hợp để tiến hành các cuộc giao lưu văn học chính thức:
+ Trong “Những ngày văn hóa Việt - Nhật” hoặc “Lễ hội hoa Anh Đào” hằng năm tổ chức tại các thành phố của Việt Nam như Hà Nội, Huế, Hội An, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ - Mê Kông… cần thiết phải đưa nội dung giao lưu văn học của hai nước vào lễ hội này. Nếu có tổ chức tại các thành phố của Nhật Bản thì nội dung giao lưu sẽ được hai bên bàn thảo để có chủ đề, các bước thực hiện, chương trình giao lưu cụ thể.
+ Hai bên có thể tổ chức hằng năm (hoặc hai năm một lần) và trao giải sáng tác, hoặc tìm hiểu về văn học (người Việt viết về Nhật Bản; người Nhật viết về Việt Nam). Đồng hành với các giải sáng tác này nên tổ chức nhiều chuyến đi thực tế sáng tác ở mỗi đất nước. Trong những năm chiến tranh rồi Việt Nam sau năm 1975 hòa bình, thống nhất thì đã có nhiều nhà báo, nhà văn và nghệ sĩ Nhật Bản đã đến Việt Nam tìm hiểu về đất nước, cuộc sống và con người Việt Nam để sáng tác và phản ánh nhưng phía Việt Nam thì chưa làm được như vậy.
Xin được nói lời kết bằng hình ảnh của nhiếp ảnh gia lão thành Takaiwa Shin với chiếc xe Honda, ông đã một mình làm những chuyến viễn hành qua các làng quê Việt Nam. Các cuộc xuyên Việt ấy đã giúp ông hiểu cặn kẽ hơn về số phận người dân Việt Nam sau chiến tranh, về sự chuyển mình và nhịp điệu đổi mới của thành thị, nông thôn, miền núi Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập…
Ông đã săn tìm và chộp được những góc nhìn sinh động, chân thật, những khoảnh khắc đẹp, linh hoạt và trung thực. Mong sẽ sớm có nhiều chuyến xuyên Việt và xuyên Nhật như thế. Ông là một trong số ít người đi tìm “hái những bông hoa” như trong thơ của Akahito: Tôi đi hái / Những bông hoa tím / Trên cánh đồng / Và tôi ở lại / Ngủ giữa mùa xuân. Tín hiệu tích cực là những ngày giao lưu văn học Việt Nam - Nhật Bản sẽ “sang mùa”...