Xưa nay, thú ăn chơi chỉ dành cho tầng lớp quý tộc, đại gia, với những khoản tiền kếch xù nên mới “phú quý sinh lễ nghĩa”. Nhưng riêng ở Hà Nội, “ăn chơi” dường như đã ngấm vào máu ngay cả những người bình dân mà người ta vẫn gọi bằng cái tên chung là dân Kẻ Chợ.
MÓN NGON DÂN KẺ CHỢ
Trên thế giới, thủ đô nước nào cũng có các món ăn đặc trưng. Bắc Kinh có vịt quay…, Ý có bánh Pizza và mì Spaghetti…, Pháp có Bít-tết bò, Pate gan ngỗng… đều là những món đặc sản cho giới quý tộc. Thế nhưng, riêng ở đất Hà Thành, các món đặc sản lại thuộc về giới bình dân.

Quán ăn vỉa hè có thể mang đến cho bạn cơ hội
thưởng thức các món ăn ngon đậm chất Việt Nam.
Nguồn: New York Times.
Các món ngon Hà Nội có thể xếp thành một dòng văn hóa ẩm thực với những hương vị, chuẩn mực đặc trưng, không lẫn đi đâu được.
Người thưởng thức những món ăn này không ngồi ở chốn cao lâu với người phục vụ lịch sự, ăn mặc chỉnh tề; mà buộc phải ngồi chỗ quán xá vỉa hè đông đúc, chộn rộn. Là thức ăn đường phố, nhưng đồ ăn của dân Hà Nội không “chém to kho mặn” như ở những vùng đất khác, cũng không phải thứ hàng công nghiệp ăn ngấy đến tận cổ tại các nước văn minh… mà ngược lại, chúng thanh cảnh, nền tính, cái gì cũng thoang thoảng, nhã nhặn.
Nếu đồ ăn sáng ở phương Tây hầu như chỉ có các loại bánh: bánh mì, bánh ngọt kèm với một ly sữa, cà phê; hoặc ít súp nóng lót bụng; ở Trung Quốc người dân chủ yếu ăn cháo hay bánh bao, màn thầu; nhưng nếu bạn ăn sáng ở Hà Nội thì thật khó khăn khi phải lựa chọn món ăn. Riêng bún thôi thì đã bao nhiêu mà kể: bún riêu, bún ốc, bún bung, bún móng giò, bún thang; rồi phở - phở bò, phở gà. Cái thứ phở mới thật là tinh túy của xứ sở này. Kỳ quặc là bánh phở chỉ ăn được với thịt bò, thịt gà chứ chẳng thấy ai ăn phở lợn, phở cá, phở tôm!
Đã có thời, người ta thử nghiệm nấu phở với các loại thịt khác, thậm chí giờ còn có cả phở đà điểu, nhưng tựu chung lại, người dân Hà Nội chỉ trung thành với phở bò, phở gà. Thời đại công nghiệp hóa, nhiều doanh nghiệp đưa phở vào nhà hàng sang trọng, có cả kết nối wifi, điều hòa, bát đũa sạch sẽ, trắng tinh, vậy mà vẫn không đắt khách bằng mấy quán xập xệ với nồi nước dùng khói nghi ngút, và muốn ăn cũng phải xếp hàng.
Ngoài phở, bún còn có các món xôi. Nếu so với xôi ở các vùng khác thì xôi đất Hà Thành vào loại bậc nhất! Trong số các “làng trong phố”, Hà Nội có một làng với hơn 1.700 người làm nghề nấu xôi “chuyên nghiệp”, đem đi rao bán khắp các phố phường nội ngoại thành, đó là làng Phú Thượng (hay còn gọi là làng Kẻ Gạ) nằm ở bờ Nam sông Hồng, phía Bắc của Hồ Tây. Buổi sáng mà thưởng thức nắm xôi nóng hổi được gói trong lá sen thì có thể an tâm đi làm suốt buổi mà không phải lo nghĩ gì.
Bên cạnh đó còn nhiều món ăn sáng khác như xôi chè, cháo sườn, bánh giò nóng, bánh cuốn Thanh Trì… món nào cũng đặc sắc. Đôi khi phải mất cả buổi sáng để chọn lựa xem nên ăn gì.
Bữa cơm trưa, bữa tối của người Hà Nội, hương vị chủ đạo không ngọt như miền Nam, cũng không mặn như miền Trung. Món ăn khác mà người dân Hà Nội vẫn thường ăn vào các bữa trưa để thay cơm là bún chả và bún đậu mắm tôm. Hai loại bún này không ngấy mà là sự kết hợp giữa rất nhiều các hương vị: chua, cay, mặn, ngọt. Cho dù là mắm, hay mắm tôm đều là thứ chất lỏng có được do cá, tôm phân hủy, vậy mà nhờ sự pha chế với các loại gia vị khác lại thành thứ nước chấm tuyệt hảo, hấp dẫn, đã một lần ăn thì không thể quên được.
Đặc sắc hơn cả là các món điểm tâm. Chỉ có thể đi trên phố phường Hà Nội, người ta mới có thể thưởng thức một loạt các món điểm tâm như bánh khoai, bánh chuối, bánh rán ngọt - mặn, bánh đúc nộm - bánh đúc lạc - bánh đúc nóng… Người Hà Nội gọi chúng bằng một cái tên chung: “quà”.
Nhưng thứ quà nổi tiếng nhất phải kể đến là cốm làng Vòng. Cốm xanh thơm mùi nếp và thoang thoảng hương lá sen. Ăn cốm không ai bốc nắm to cho vào mồm mà chỉ từng dúm nhỏ. Thật đúng kiểu ăn của người Tràng An thanh lịch. Ăn quà vặt đã thành thói quen không phải chỉ của các bà, các cô mà cả các ông, các cậu cũng lê la vỉa hè.
Nói về thức uống, ở Hà Nội có một loại nước uống không có gì là đặc biệt, bình thường không có gì là hấp dẫn, nhưng nếu đi xa thì lại nhớ vô cùng, đó là nước chè vỉa hè. Trung Quốc, Nhật Bản đều chế biến lá chè thành nước trà và thiết lập thành một nền văn hóa: Trung Quốc có trà nghệ, Nhật Bản có trà đạo. Nhưng ở Việt Nam mà cụ thể là Hà Nội, bên cạnh cách uống trà Tàu dành cho những nhà gia giáo, quý tộc; dân Kẻ Chợ đem nước chè ra vỉa hè bên cạnh điếu thuốc lào, chút kẹo lạc, kẹo dồi.
Quán chè vỉa hè không chỉ là chốn dừng chân uống ngụm nước, ăn miếng bánh lót dạ, mà còn là chỗ giao lưu, trò chuyện của hàng xóm, anh em bạn bè, thậm chí là cả những người không quen biết một khi đã ngồi xuống ghế, nâng ly chè nóng vào giữa mùa đông cũng cởi mở mà góp cùng câu chuyện.
Nước chè ở quán có thể không ngon, vì chỉ có 500 đến 1000 đồng một chén chè mà muốn chủ bán chè thượng hạng thì chủ lấy gì làm lãi! Vậy mà khách vẫn đông! Như vậy những người hay la cà chè chén chắc chắn không phải vì chuyện ăn mà chủ yếu là vì chuyện chơi. Có thể nói, lang thang đường phố và ngồi uống chén chè, làm điếu thuốc lào chính là thú chơi của dân Hà Nội.
THÚ CHƠI DÂN DÃ
Mùa nào hoa ấy. Mỗi mùa Hà Nội lại có một loại hoa đặc trưng để mỗi gia đình mua về trang hoàng thêm cho tổ ấm của mình. Mùa xuân có hoa đào. Thuở trước có làng đào Nhật Tân. Bây giờ làng đào Nhật Tân chẳng còn nữa. Người dân Nhật Tân đem giống đào về đất La Cả - Hà Đông. Nhưng Tết năm nay đã trở thành Tết cuối cùng của làng đào La Cả, vì vùng La Cả đã bị di dời để xây khu đô thị mới và được đền bù với giá 72 triệu - 92 triệu đồng/sào.
Nhớ khi xưa vua Quang Trung lúc lâm chung chỉ muốn được thấy cành đào phương Bắc. Cành đào trở thành biểu tượng của Hà Nội, nhưng giờ đang mất dần đất trồng đào thì liệu biểu tượng ấy có biến mất hay không?

Ca trù là thú chơi của giai nhân - tài tử đất Hà Thành thuở trước.
Nếu Bắc Ninh có quan họ, Thái Bình có chèo, miền Tây Nam Bộ có cải lương thì Hà Nội có ca trù. Ca trù là thú chơi của giai nhân tài tử từ thuở trước. Các nhà thơ, nhạc sĩ những thế kỷ trước vẫn qua lại diễn tấu, trao nhau tiếng đàn giọng hát…
Tiếc rằng, đa phần nghệ sĩ thời nay mải chạy theo nghệ thuật phương Tây mà quên đi các giá trị truyền thống. Ca trù chỉ còn giữ lại được phần xác bởi các nghệ nhân ở làng Lỗ Khê - Đông Anh và câu lạc bộ ở Bích Câu đạo quán. Khách du lịch tới thưởng thức ca trù ở các chiếu chỉ còn được nghe lại các khúc hát cổ chứ không có được cái không khí từng được các nhà văn, nhà thơ thời 30 - 45 của thế kỷ trước.
Hiện nay, biết bao vườn hoa bị thu hẹp dần, nhiều món ăn cổ truyền cũng bị Tây hóa. Giờ người ta bắt đầu gói xôi, gói cốm bằng nilon; bún riêu, bún ốc thì thêm đủ thứ chẳng khác bún bò giò heo của người Nam Bộ; âm nhạc cổ truyền lại sử dụng hệ thống thanh âm hiện đại…
Nếu cứ tiếp tục như vậy, không hiểu những nét văn hóa này có còn được giữ 10 đến 20 năm nữa hay không. Cũng thật buồn khi nghĩ đến việc năm 2010 là năm kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long - Hà Nội lại là năm đánh dấu những ngày cuối cùng của vườn đào La Cả - vùng đất kế thừa vườn đào Nhật Tân truyền thống. Thiết nghĩ, việc gìn giữ những giá trị truyền thống không phải chỉ là việc bảo vệ những di tích lịch sử mà còn là gìn giữ những nề nếp, những nét đẹp trong đời sống hàng ngày.