Một doanh nhân giàu nảy ý định dựng một ngôi đền để thờ những nhân vật có công với việc mở mang bờ cõi, gìn giữ và làm rạng danh vùng đất phương Nam. Ngôi đền ấy được đặt tên là Nam Phương Linh Từ, được xây trên 509m2 tại xã Long Hưng A - huyện Lấp Vò - tỉnh Đồng Tháp.
Là doanh nhân, ông ấy không biết cụ thể những nhân vật đó là ai, nên mời ông Dương Trung Quốc (Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Xưa và Nay) cùng một số nhà nghiên cứu chọn giùm. Ngày 1-4-2014, tại tòa soạn tạp chí Xưa và Nay, ông Quốc cùng 7 người nữa đã họp và chọn được 125 nhân vật.
Sau đó, với sự tài trợ của doanh nhân nói trên, 500 cuốn Sơ lược tiểu sử 125 nhân vật đó được ấn hành (với giấy phép xuất bản do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp cấp) để lưu hành nội bộ. Đọc cuốn sách ấy, độc giả mới ngã ngửa khi biết, bên cạnh những người yêu nước, những nhà cách mạng, còn có nhiều người mà công luận chưa nhất trí trong việc đánh giá công - tội, chẳng hạn nhân vật Nguyễn Liên Phong (NLP).
Ở trang 62, tiểu sử của NLP được tóm tắt như sau:
“Năm sinh, mất: 1821 - ?
Nơi sinh: Nghệ An
Trình độ học vấn: Cử nhân
Nghề nghiệp, chức vụ: Tuần phủ, nhà thơ
Đặc điểm về sự nghiệp văn hóa, chính trị, quân sự: Nguyễn Liên Phong đậu Cử nhân tại Nghệ An năm 1867 và làm quan đến chức Tuần phủ. Khi thực dân Pháp đang tiến hành cuộc xâm lược Việt Nam, ông tham gia phong trào Cần Vương. Sau khi phong trào Cần Vương thất bại, ông bị quân Pháp bắt đày vào Bình Định một thời gian, rồi cuối cùng đưa vào sống tại Sài Gòn. Tại đây, ông ngao du khắp Nam Kỳ và sáng tác thơ văn.
Tác phẩm của ông: Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, Án Túy Kiều, Từ Dũ Hoàng thái hậu, Điếu cổ hạ kim thi tập…”.
Chúng tôi tìm trong danh sách những người đỗ Cử nhân khoa Đinh Mùi (1867) tại trường thi Nghệ An thì không thấy có ai tên Nguyễn Liên Phong, chỉ có Nguyễn Phong đỗ thứ 21 trong tổng số 22 người thi đỗ, “người xã Đan Nhiễm, huyện Nam Đường…, làm quan tới chức Tri phủ, bị cách, được phục hàm Biên tu”(1).
Thật ra, NLP và Nguyễn Phong là hai người khác nhau hoàn toàn, như hai nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh và Trương Ngọc Tường đã chứng minh:
“Thứ nhất, nhân vật Nguyễn Phong nói trên là 阮豐, chứ không phải Nguyễn Liên Phong 阮蓮峰, cho dù có lược đi chữ Liên thì vẫn là hai người khác nhau.
Thứ hai, Nguyễn Liên Phong không phải là người Nghệ An, bằng chứng là trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca ông đã cho in bài thơ ngũ ngôn chữ Hán của Nguyễn Trại Lượng ca ngợi quyển sách với hai câu mở đầu là:
Bình Định đa anh tuấn
Nguyễn Liên Phong dật tài
(Bình Định nhiều anh tuấn,
Nguyễn Liên Phong dật tài)
tức ít nhất là chính ông đã tự nhận mình là người Bình Định.
Thứ ba, nhân vật nói trên sinh năm 1821 thì qua đầu thế kỷ 20 đã hơn 80 tuổi, khó còn sức lực và tinh lực mà “Dạo Nam Kỳ sáu tỉnh sơn xuyên/ Xem nhơn vật khắp miền mọi chỗ” để thu thập tài liệu viết quyển Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca gần 7.000 câu thơ”.
Căn cứ vào các báo Nông Cổ mín đàm (ngày 7-6-1917) và Nam Trung nhựt báo (ngày 12-6-1917), hai nhà nghiên cứu họ Cao và họ Trương xác quyết: NLP “sinh khoảng 1843-1847 và mất ngày 30-5-1917, thọ hơn 70 tuổi”(2).
Về chi tiết “NLP tham gia phong trào Cần Vương”, các tác giả Sơ lược tiểu sử không cho biết cụ thể NLP tham gia ở đâu, lúc nào, phong trào do ai cầm đầu v.v… nên thông tin này còn mơ hồ, không đáng tin.
Căn cứ vào nội dung các tác phẩm của NLP, các nhà nghiên cứu đưa ra những nhận xét về lập trường chính trị của nhân vật này.
Cụ Ca Văn Thỉnh viết: “…ông Phong viết Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca (7.000 câu thơ lục bát) và Điếu cổ hạ kim là nhằm đề cao những nhân vật trung thành với chế độ thực dân Pháp”(3). Ba nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Khuê và Trần Khuê cũng có nhận xét tương tự: NLP viết hai cuốn trên “nhằm đề cao công lao khai hóa của nước “Đại Pháp” và đề cao các nhân vật làm tay sai đắc lực cho thực dân Pháp như Huỳnh Văn Tấn, Tôn Thọ Tường, Phủ Kiệt, Phủ Ca v.v…”(4).
Hai nhà nghiên cứu họ Cao và họ Trương trên đây nhận định NLP “vừa cực lực tán dương “tân trào”, …vừa đề cao đám người cộng tác với Pháp - cả những kẻ có nợ máu với dân tộc như Huỳnh Công Tấn, Trần Bá Lộc, Đỗ Hữu Phương nửa sau thế kỷ 19 lẫn các viên chức người Việt từ cấp cao tới cấp thấp trong chính quyền thuộc địa đầu thế kỷ 20”, nhưng hai ông cũng ghi nhận NLP “tỏ thái độ khâm phục, thương tiếc hay ít nhất cũng không thật lòng lên án các anh hùng chống Pháp như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân…”. Hai ông cho đó là “thái độ chính trị mâu thuẫn”(5).
Gần đây, hai nhà nghiên cứu trẻ Lê Công Lý và Nguyễn Thanh Lợi không đưa ra nhận xét một cách chung chung mà có minh chứng bằng thơ của NLP.
“Chẳng hạn, ngòi bút đanh thép của Cử nhân Phan Văn Trị vạch mặt kẻ theo Tây là Tôn Thọ Tường lại bị NLP nhìn nhận:
Cử Trị ăn nói lạ lùng
Áo quần xịt xạc điên khùng quá tay.
Trần Chánh Chiếu chủ trương khuếch trương thương mại và chống Pháp trên báo Nông Cổ mín đàm, bị Pháp bắt, thì NLP nhìn nhận:
Bởi vì biếm nhẽ lằng xằng
Khua ba tấc lưỡi họa căng nhương thành.
Ngược lại, những kẻ Việt gian theo Tây đàn áp đồng bào như Tổng đốc Phương (Đỗ Hữu Phương) lại được NLP ca ngợi:
Vẹn tròn danh giá tiếng xa
Huyện Sĩ (Lê Phát Đạt) dạy con trai đều “theo dân Tây” (nhập quốc tịch Pháp) được NLP khen:
Khen cho phú quý mưu sâu,
Dạy con một cách nhiệm mầu đều nên.
Thậm chí thuốc phiện của thực dân Pháp đầu độc dân ta lại được NLP ca ngợi:
Mùi hương thơm ngát ngoài trong…
Yên hà thích thú người càng vui say.
Có đoạn còn trực tiếp ca ngợi Toàn quyền Đông Dương Klobukowski:
Ngài hay độ lượng khoan nhường…
Mở lòng cha mẹ đoái phần tôi con.
Từ đó, NLP nhận định chung về chế độ thực dân Pháp ở nước ta:
Từ khi thâu thủ nước ta
Triều đình Đại Pháp ra ơn bảo toàn”.
Rõ ràng, thái độ chính trị nhất quán của NLP thể hiện xuyên suốt trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca là “a dua với thực dân Pháp, chế giễu những người chống Pháp và ca ngợi những kẻ a tòng với giặc”(6).
Trước đề nghị của nhóm nghiên cứu do ông Dương Trung Quốc đứng đầu (thờ Nguyễn Liên Phong bên cạnh Nguyễn Trung Trực, Trương Định, Nguyễn An Ninh, Châu Văn Liêm…), chúng tôi liên tưởng tới chuyện xảy ra cách nay khoảng một thế kỷ.
Chả là, Hoàng Cao Khải (một kẻ theo thực dân Pháp, chỉ huy đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược) mớm cho một nhà Nho “thoái hóa biến chất” nào đó đề nghị đổi tên đền Trung Liệt ở Hà Nội (nơi thờ các vị trung thần liệt sĩ như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu…) thành đền Trung Lương để có thể đưa họ Hoàng vào thờ sau khi ông ta chết. Nhà thơ Phan Điện đã làm bài thơ Đề đền Trung Liệt:
Các cụ đem thân bỏ chiến trường
Ai đem Trung Liệt đổi Trung Lương?
Thờ bên trung trực, bên gian nịnh
Thế cũng đền đài, cũng miếu hương.
Thơm thúi lẫn nhau mùi tắc họng
Ngọt ngào đầu miệng lưỡi không xương.
Nhà Nho lại có thằng nào đó
Luồn cúi vào ra nịnh cụ Hoàng(7)
Bị dư luận phản đối, ý đồ của họ Hoàng không thành.
Nguyễn Liên Phong không phải là trường hợp duy nhất trong danh sách do nhóm Dương Trung Quốc đề nghị.
Ban lãnh đạo Đồng Tháp nghĩ gì khi cảnh “thờ bên trung trực, bên gian nịnh” tái diễn trên tỉnh của mình?
_____
(1) Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khóa lục, bản dịch, NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 1993, tr.379.
(2) Nguyễn Liên Phong, Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca – Chú thích; Cao Tự Thanh và Trương Ngọc Tường chỉnh lý, chú thích và giới thiệu, NXB Văn Hóa Văn Nghệ, TP.HCM, 2014, tr.12, 13 và 15.
(3) Ca Văn Thỉnh, Hào khí Đồng Nai, NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 1983, tr.75.
(4) Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Khuê và Trần Khuê, Sài Gòn - Gia Định qua thơ văn xưa, NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, 1987, tr.404.
(5) Như chú thích số (2), tr.27.
(6) www.sugia.vn/assets/file/Phe-binh-NQT2.pdf.
(7) Thơ văn yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ 20 (1900-1930), NXB Văn Học, Hà Nội, 1976, tr.617-618.