Nước Nga trong tôi...

Chỉ có 1 tuần đến với đất nước trong mơ, giống như một cuộc cưỡi ngựa xem hoa, nhưng tất cả đều có sức cuốn hút mãnh liệt, có lẽ vì từ lâu lắm nước Nga đã ngự trị trong trái tim tôi bằng những trang văn lãng mạn, hào sảng, thấm đẫm tình yêu con người… Tôi đến nước Nga như để tìm lại tình yêu của mình trong những tháng ngày bay bổng với nàng Natasa thuần khiết, nông nổi của Lev Tolstoy, đến với nỗi đau của Dostoyevsky, và với Chekhov, những ẩn lấp sâu xa của những con người bình thường mà dường như chỉ có nhà văn mới thấu hiểu…

Cuối tháng tư, thời tiết ở Moskva vẫn lạnh ở mức 7-10 độ C, mùa đông vẫn còn vướng lại một màu xám lạnh trên từng cành cây trơ trụi lá. Cả rừng bạch dương, huyền thoại của nước Nga dường như vẫn còn ngủ đông, cảm giác đầu tiên khi chạm ngõ với nước Nga là sự thô mộc của hàng trăm bloc nhà chung cư phủ một màu xám giữa những cành cây trơ trụi. Đường phố thiếu bóng cây, và cái màu xám buồn tẻ ấy đã xâm lấn vào trong tôi một nỗi thất vọng…

Nhưng cảm giác ấy thực sự đã lụi dần và tan đi nhường chỗ cho cảm xúc ngập tràn trong suốt cuộc hành trình khám phá nước Nga.

Những công trình xây dựng kỳ vĩ

Từ đồi Lenin, có thể nhìn thấy cả thành phố Moskva lẩn khuất trong làn sương mù mờ ảo. Và trường Đại học Tổng hợp quốc gia Lomonosov (MGU) giống như một tòa lâu đài vươn thẳng giữa trời. Thực sự nếu không nói đây là khu nhà mới của trường, không ai có thể tưởng tượng được tòa lâu đài xinh đẹp ấy là một trường đại học. Đây là trường đại học lớn nhất và lâu đời nhất ở Nga, thành lập từ năm 1755. Cho đến nay, đã có 11 người tốt nghiệp ở đây nhận giải Nobel và 5 người khác nhận giải Fields. Trường đã đào tạo hơn 11 nghìn chuyên gia cao cấp cho 150 nước, trong đó có hàng nghìn chuyên gia Việt Nam. Đã có rất nhiều nhà khoa học lớn của Việt Nam từng học tập và nghiên cứu tại MGU như: GS-VS Nguyễn Văn Hiệu, GS Đàm Thanh Sơn... Tòa nhà chọc trời mang phong cách kiến trúc gôtích to lớn này được xây dựng bởi chỉ thị của Stalin, cùng với 6 công trình khác vàđược biết đến như một trong “Bảy chị em gái” của thành phố Moskva(*).

pic

Trường Đại học Lomonosov

Từ trên đỉnh cao của thành phố, chúng tôi bước vào lòng đất Moskva và thực sự choáng ngợp trước những cung điện ngầm dưới lòng đất. Khi đến Paris, tôi đã từng rất ngưỡng mộ mạng lưới tàu điện ngầm ở đây, nhưng bây giờ đi dưới lòng đất sâu đến hơn 70m, được ngắm những công trình nghệ thuật của từng trạm tàu điện mới hiểu thế nào là sự vĩ đại của nước Nga.

Bắt đầu hoạt động vào năm 1935, nghĩa là sau Paris đến 35 năm, tàu điện ngầm Moskva là một trong những công trình kiến trúc lộng lẫy nhất của Nga, với các ga tàu được xây dựng sang trọng như “cung điện dành cho nhân dân”. Với tổng chiều dài các tuyến đường là 325,4km, 12 tuyến đường cùng với 194 nhà ga…, hằng ngày có hơn 7 triệu hành khách đi lại trong hệ thống này. Toàn bộ hệ thống tàu điện ngầm được xây dựng dưới sự giám sát của Stalin với những bức tường bằng đá cẩm thạch phản chiếu ánh sáng, trần cao và những chiếc đèn chùm hùng vĩ, nhiều ga tàu ngầm Moskva đã được so sánh như “mặt trời nhân tạo dưới lòng đất”.

Nhà ga Ploshchad được trang trí bằng 76 tác phẩm điêu khắc, nạm vào mỗi góc cột, được sắp xếp theo chủ đề từ cha mẹ với con cái, tới các vận động viên, sinh viên, nông dân, công nhân công nghiệp và những người lính. Đặc biệt đầu chú chó bên bức tượng người lính bảo vệ biên giới sáng ánh lên, có lẽ vì lời tương truyền về sự may mắn khi sờ tay vào đó. Tuy không tin, nhưng chúng tôi ai cũng làm một kiểu ảnh trong nụ cười đầy khích lệ của người dân Nga. Dù chỉ khám phá 3 trạm trong số 194 nhà ga dưới lòng đất này, nhưng có thể cảm nhận được sự tất bật trong đời sống thường nhật nơi đây. Có trạm sâu đến 70m nên không thể đi bằng bậc thang gạch bình thường như ở Paris (Pháp) hay Boston (Mỹ) mà phải đi bằng cầu thang cuốn, nhưng những người trẻ Nga không ai chịu đứng yên trên thang mà chỉ chạy. Trong niềm tự hào không che giấu trong ánh mắt, dường như họ đã quá quen với cảnh các du khách nước ngoài sững sờ trước vẻ đẹp tráng lệ nơi đây, nên dù đang rất vội, nhưng ai cũng sẵn sàng đứng lại nhường chỗ khi khách chụp ảnh…