Nước vối quê hương

NGUYỄN XUÂN THẤU
(Du học sinh tại Moskva, Nga)

Tôi men theo triền ký ức để trở về với những tháng năm thơ bé nơi làng quê yên ả. Nơi những trưa hè lao xao gió rặng tre và mặt nước ao bèo vương một vài tăm cá. Nơi tôi gửi tất cả những tháng năm hồn nhiên trong những trò vui con trẻ: chân đất, đầu trần, đánh khăng, đánh đáo… để bất chợt nhận ra, rằng tất cả đã đi qua, thoáng đó, thoáng đây, ngỡ chỉ như một giấc mộng lành.

Giữa trời Âu, một buổi đầu hè, tôi mang nụ vối ra pha ủ. Cái màu vàng trong sóng sánh, cái hương thơm dịu dàng, ngai ngái, cái vị đăng đắng nhưng vẫn ngọt ngào sao mà thân thuộc. Tưởng như quanh đây, tất cả những gì của ấu thơ lại đang lần lượt hiện về. Cây vối ngoài đầu ngõ mùa này có lẽ đang đơm nụ. Ông nội đã già, vẫn cặm cụi hái từng chùm nụ nhỏ, rải những nụ hoa vàng như ngọc trên chiếc mâm phơi. Nắng, gió và có lẽ cả tình người chắt chiu nơi đôi bàn tay già nua của ông tôi đã làm cho những nụ vối vàng hơn, thơm hơn và đương nhiên ngọt ngào hơn.


Những bát nước ngọt lành của quê hương đã nuôi lớn tôi…
Ảnh minh họa.

Tôi không rõ cây vối nhà mình có tự bao giờ, nhưng vẫn nhớ như in từ lúc cây còn nhỏ và chưa cho nụ, ông nội vẫn sai anh em tôi bẻ lá để pha nước uống. Lá để pha nước phải là thứ lá vối nếp, màu xanh vàng thì mới có hương thơm đậm đà, vị ngọt mới thật dịu hơn. Ông nội không ưa uống trà, ông chỉ pha trà mỗi khi nhà có khách, cho đúng phép lịch sự. Thứ đồ uống hàng ngày của ông là nước vối. Và tôi, thằng bé ngày xưa, những lúc ngồi đọc sách cùng ông cũng luôn có một ấm nước vối thật đặc ở bên mình. Ông nội đã truyền cho tôi tình yêu sách vở, yêu lịch sử Việt Nam, yêu văn thơ và yêu tất cả những gì thân thuộc.

Nhà văn Xô Viết llia Erenburg từng viết: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh”. Mọi tình yêu lớn đều bắt nguồn từ những gì nhỏ bé nhất, và những tình yêu lớn của tôi có lẽ cũng bắt đầu như thế, từ ấm nước vối thơm mà ông nội vẫn thường pha mỗi sáng ngọt ngào. Uống nước vối không cần nhâm nhi như uống trà, nên tôi thích rót một chén thật đầy rồi uống một hơi cạn, để thấy như lòng mình được tưới mát bởi tất cả tình yêu thương trọn vẹn.

Nước vối hợp với nhà quê hơn cả, không cần gượng ép, nghi thức như khi uống trà. Cái thô kệch, mộc mạc của người nhà quê là thứ mà tôi trân quý nhất. Giữa mùa nóng nực, sau buổi làm đồng vất vả, ngồi ghé trên chiếc chõng tre, áo quần vẫn lấm lem bùn đất, người quê rót bát nước vối mát lạnh từ trong ấm tích, bưng cái bát chiết yêu và làm một ngụm liền hơi. Chẳng có thứ trà đạo nào sảng khoái được như thế.

Một buổi trưa hè, hàng xóm sang xin một nắm lá vối về pha nước uống. Nước vối tươi ngái hơn nước lá và nụ vối phơi khô, nhưng nó vẫn thơm, vẫn nồng, và vẫn thanh khiết như chính tình làng nghĩa xóm. Chẳng thế mà bao nhiêu người đến hỏi mua lá, ông nội đều không bán, chỉ cười hiền từ và nói: “Uống bao nhiêu thì vào mà bẻ, có gì mà mua với chả bán”. Tôi chợt nhớ đến câu thơ của nhà thơ - liệt sĩ Nguyễn Trọng Định:

… “Chén nước ấm nồng ngai ngái vị thuốc ta
Mà nhấp khỏi cứ ngọt hoài đầu lưỡi”…

Không ngọt hoài sao được, khi đối với tôi, nước vối quê hương gắn cùng bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu tình yêu mà ông nội đã dành cho, ấu thơ trong tôi mãi mãi là một vùng hoài niệm chẳng thể phai nhòa.

Tôi lớn lên, đã đi xa, và cũng xa luôn cả cái yêu thương giấu kín trong hương thơm, vị ngọt của nước vối quê nhà. Ngày tôi đi, ông nội nói gia tài của ông để lại cho tôi là một tủ đầy sách quý. Tôi nức nở khóc và ôm từ biệt ông trước lúc lên máy bay xa nhà du học. Tôi khóc khi tôi đã 20 tuổi! Tôi khóc vì sợ rằng, ngày về của tôi, gốc vối vẫn còn nơi đầu ngõ, những cuốn sách còn kia mà không còn được thấy ông.

Thời gian lại thấm thoát trôi đi, và tôi được về thăm nhà sau mấy năm xa cách. Vui làm sao khi ông nội vẫn còn khỏe mạnh. Ông lại chỉ cho tôi những gì nên đọc, nên xem, ông lại pha nước vối vào mỗi buổi sáng hè. Cây vối ngày nào bây giờ đã lớn hơn nhiều, tỏa bóng mát xuống mặt ao và treo trên cành những chùm quả mọng.


Những kỷ niệm bên ông nội thời thơ ấu, luôn sống cùng tôi giữa trời Âu…
Ảnh minh họa.

Người dân quê tôi cũng dần quen với cuộc sống hiện đại, chẳng còn mấy ai đến xin lá vối về pha nước nữa. Một cái xóm con con mà mọc lên hai quán cà phê - sinh tố, nhạc xập xình đến tận khuya. Những quán bia nho nhỏ hệt như thành phố cũng đã kịp chen chân vào nhịp sống thôn làng. Chỉ có ông tôi, mỗi sáng vẫn thức dậy sớm để bắc ấm nước mưa trong ngần, pha một bình nước vối ngát thơm. Lũ trẻ làng tôi rủ nhau ngồi quán, uống sinh tố, nhâm nhi cà phê và ăn kem ốc quế, người lớn thì giải khát bằng vài ba vại bia rồi cà kê câu chuyện. Chỉ còn hai ông cháu tôi vẫn giữ lại cho mình những khoảng lặng bình yên bên ấm vối nóng và những trang sách cổ.

Hết kỳ nghỉ hè, tôi lại phải ra đi. Trong hành trang lên đường của tôi là một chai nhựa đựng đầy nụ vối. Những nụ - khô giòn được ông tôi phơi thật kỹ. Tôi mang theo hương vị quê nhà sang tận trời Âu, để giữ cho mình một niềm tin ngày trở lại. Trong bộn bề, tất bật của công việc hôm nay, tôi đã dùng những Lipton, Dihma, Trung Nguyên, Cappuccino và bao nhiêu thứ trà, cà phê khác, nhưng chẳng có gì để lại trong tôi sự ngọt ngào vơi đầy bằng chén nước vối. Giờ đây, tôi đang ngồi đợi ấm nước vối ngấm dần mà thấy lòng thảnh thơi vô hạn. Tôi thấy như nụ cười của ông đang ở kề bên và cây vối ngoài đầu ngõ mùa này đang kết nụ. Nắng vẫn thanh bình như những mùa xưa.

Moskva, 2009