Ông già và biển cả thuộc về ai?

Cuối tháng 2/2012 vừa qua, sau khi bản dịch tiếng Pháp tác phẩm Ông già và biển cả (The Old Man and the Sea) của nhà văn Mỹ nổi tiếng Ernest Hemingway được Nhà xuất bản Publie.net (Pháp) phát hành trên mạng, dịch giả François Bon đã rất ngạc nhiên khi nhận được một bức “tối hậu thư” của Nhà xuất bản Gallimard (cũng của Pháp) yêu cầu ông và Publie.net phải ngưng ngay tức khắc việc thương mại hóa “phiên bản số” tác phẩm nói trên với lý do “Gallimard là người sở hữu quyền xuất bản Ông già và biển cả ở Pháp, kể cả phiên bản số”.

Sự kiện này khiến cộng đồng mạng bình luận sôi nổi. Người “bênh” François Bon thì nói rằng, vì độc quyền sở hữu Ông già và biển cả ở Pháp cho nên hơn nửa thế kỷ nay (từ năm 1954) Gallimard chỉ “tái đi tái lại” mỗi một bản dịch có phần sơ lược đã “nhuốm màu thời gian”, từ ngữ có phần “lỗi thời”, không có phiên bản số để phát hành trên mạng, làm cho độc giả bị thiệt thòi vô cùng; lại càng không thể nói là tôn trọng tác giả, muốn khuếch trương tầm ảnh hưởng của tác phẩm với một bản dịch “lạc hậu” như thế… Nhưng nói chung mọi người đều nhìn nhận rằng, quyền sở hữu (quyền thừa kế, quyền tác giả) của các tác phẩm văn chương - nhất là những tác phẩm “xuyên biên giới” như Ông già và biển cả - là một lĩnh vực rất phức tạp…

Ông già và biển cả được xuất bản ở Mỹ năm 1952. Hemingway mất năm 1961. Theo luật Canada, 50 năm sau ngày tác giả mất thì tác phẩm sẽ thuộc về công chúng. Như vậy, kể từ năm ngoái, ở nước này, Ông già và biển cả không còn là của riêng ai nữa. Nhưng trên chính quê hương Hemingway thì lại khác.

Theo luật Mỹ, tại thời điểm mà Ông già và biển cả ra mắt lần đầu tiên thì tác giả có quyền sở hữu tác phẩm của mình trong vòng 28 năm kể từ lần xuất bản thứ nhất (tức tới năm 1980 = 1952 + 28); khi thời hạn 28 năm này (sắp) hết, nếu tác giả (hoặc những người thừa kế) một lần nữa “đăng ký lại” quyền sở hữu thì thời hạn lần này nhiều nhất không vượt quá 67 năm (tổng cộng là 95 năm).

pic
Tượng đồng của Ernest Hemingway trong một quán bar mà ông từng lui tới ở thủ đô Cuba, bên cạnh tấm hình ông chụp với Chủ tịch Fidel Castro. Ảnh: Reuter

Năm 1980, bà Mary - vợ thứ tư và cũng là người vợ cuối cùng của Hemingway - đã đăng ký lại quyền sở hữu Ông già và biển cả. Như thế, phải tới năm 2047 (tức 1980 + 67 = 2047), ở Mỹ, tác phẩm này mới trở thành “của chung”. Giờ đây, nếu ở Canada ai cũng có thể sử dụng được Ông già và biển cả, thì ở Mỹ cần phải kiên nhẫn chờ đợi thêm vài chục năm nữa…

Ernest Hemingway sinh ngày 21/7/1899 tại Oak Park, gần Chicago, bang Illinois, Mỹ. Ông là nhà văn, nhà báo, phóng viên chiến trường tại Ý, Pháp, Tây Ban Nha... trong chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai. Cuốn tiểu thuyết ngắn Ông già và biển cả được ông viết năm 1951 ở Cuba, do tạp chí Life xuất bản ở Mỹ năm 1952 (trong 2 ngày đầu bán được 5 triệu bản), mang lại cho ông giải thưởng Pulitzer năm 1953. Năm 1954, Hemingway được trao tặng giải thưởng Nobel văn chương. Ông mất năm 1961.

Còn ở Pháp, quyền thừa kế kéo dài 70 năm sau khi tác giả qua đời. Nhưng Hemingway là người Mỹ, đối với tác giả là người nước ngoài, luật pháp Pháp quy định rõ, khi nào ở Mỹ Ông già và biển cả thuộc về công chúng thì ở Pháp mặc nhiên cũng như vậy. Tức cũng vào năm 2047? Câu trả lời là không! Sự rắc rối nằm ở chỗ này. Vì chiếu theo luật Pháp, quyền thừa kế (chỉ) “kéo dài 70 năm kể từ ngày 1 tháng 1 (đầu tiên) sau khi tác giả qua đời”, ngay cả khi “thời hạn sở hữu tác phẩm ở nước mẹ đẻ của nó vượt quá thời hạn này”. Do “thời hạn Mỹ” dài hơn “thời hạn Pháp”, nên ở Pháp Ông già và biển cả trở thành của chung bắt đầu từ năm 2032 (1961 + 70 = 2031) chứ không phải năm 2047 như ở Mỹ! Hiệp ước Berne về quyền sở hữu trí tuệ nhằm làm hài hòa quy định của các nước với nhau dựa trên thời hạn chung là 50 năm, nhưng từ sau 50 năm trở đi thì gần như “mạnh nước nào nước ấy làm”.

Ở đây cần phân biệt “quyền tác giả tinh thần” – lúc nào cũng thuộc về người sáng tạo ra tác phẩm -  và “quyền tác giả vật chất” – quyền thụ hưởng những lợi ích kinh tế do việc kinh doanh tác phẩm mang lại. Trường hợp của Ông già và biển cả tuy phức tạp nhưng còn “tính” được. Điều đau đầu nhất đối với những người kinh doanh nghề xuất bản (hay các lĩnh vực liên quan) là làm sao biết được một tác phẩm khi nào hết hạn sở hữu tư nhân, để có thể xuất bản tác phẩm và tiết kiệm được chi phí (để mua lại bản quyền một tác phẩm, có khi phải trả rất nhiều tiền – tác giả Umberto Eco đã bán bản quyền cuốn Tên của hoa hồng với giá hơn 10 triệu euro). Đây quả là một “mê hồn trận”. Những quy định của luật pháp có thể giúp phần nào. “Quy tắc 70 năm” vốn là quy định chung của châu Âu, được Pháp áp dụng từ năm 1997, thay thế cho “quy tắc 50 năm” mà nước này thực thi trước đó. Nhưng cũng có quá nhiều trường hợp “ngoại lệ”.

Ngày 12/9/2011, sau 2 năm tranh cãi, 27 nước thành viên Liên minh châu Âu đã bỏ phiếu tán thành kéo dài thời hạn bảo vệ “quyền tác giả ghi âm” từ 50 năm lên 70 năm. Như vậy, bài hát đầu tiên của nhóm The Beatles Love me do ra đời năm 1962 trong năm nay sẽ vẫn chưa thuộc về công chúng, hãng đĩa hát EMI tiếp tục sở hữu nó tới năm 2032. Đấy cũng là thời hạn mà hãng Universal Music còn được “khai thác” các bài hát của nhóm Rolling Stones… Quy định mới này “làm lợi” cho các ca sĩ, nghệ sĩ trình diễn thuộc các thế hệ trước, nhưng “bất lợi” cho các ca sĩ, nghệ sĩ hay đài phát thanh hiện tại, những người hy vọng kể từ năm 2012 sẽ được trình diễn, sử dụng các bài hát, bản nhạc của những năm 1960 (thường được gọi là “những tháng năm của nhạc pop” hay “mỏ vàng âm nhạc khổng lồ”) mà không phải trả tiền sử dụng bản quyền…

Tác giả Louis Pergaud với cuốn truyện La guerre des boutons (Cuộc chiến của những chiếc nút áo, xuất bản năm 1912, viết về “cuộc chiến” giữa hai đám trẻ con của hai ngôi làng láng giềng) là ví dụ điển hình. Pergaud mất năm 1915 trên chiến trường. Theo luật Pháp (trước đây), những người thừa kế của ông được sở hữu tác phẩm trong 50 năm kể từ sau khi ông mất (tức tới năm 1965), cộng thêm 30 năm do ông đã hy sinh cho nước Pháp (tới năm 1995). Ngoài ra, quyền này còn được kéo dài thêm 14 năm 272 ngày vì lý do hai cuộc chiến tranh thế giới. Như thế, thời hạn thực sự mà những người thừa kế của ông được hưởng là 50 + 30 + 14 năm + 272 ngày = 94 năm 272 ngày, tức tới năm 2010. Tương tự như vậy, các tác phẩm của nhà thơ nổi tiếng Apollinaire, mất năm 1918 do vết thương chiến tranh, cũng sẽ chỉ thuộc về công chúng bắt đầu từ năm 2013…

Trường hợp đặc biệt khác liên quan tới những tác phẩm sinh ra từ sự hợp tác giữa nhiều người, của một nhóm tác giả, như các bộ phim, nhạc kịch opera, ballet… Luật Pháp cũng quy định thời hạn 70 năm nhưng “kể từ sau khi tác giả cuối cùng của nhóm qua đời”.  Hoặc trường hợp của những tác phẩm ra mắt khi người sinh ra chúng không còn trên dương thế, cũng có thời hạn thừa kế 70 năm (luôn luôn kể từ khi tác giả qua đời), nhưng nếu nó được xuất bản sau thời hạn này thì chỉ còn 25 năm mà thôi.

Các tác phẩm âm nhạc cũng là trường hợp đặc biệt. Luật phân biệt “quyền tác giả” của người sáng tác và “quyền ghi âm” của người trình diễn. “Quyền sáng tác” được bảo vệ trong 70 năm như thông thường, nhưng “quyền ghi âm” chỉ được bảo vệ trong 50 năm kể từ khi nó được phát hành lần đầu tiên. Thời hạn này mới đây đã được Quốc hội châu Âu kéo dài thành 70 năm, sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống âm nhạc và ngành kinh doanh xuất bản sắp tới ở các nước này…

Ninh Hà - Nguyễn Quốc giới thiệu