Đồng ơi!

(Nhớ bạn văn Nguyễn Văn Đồng ngày giỗ đầu)

Tiếng gọi bạn của tôi sẽ vọng vào nơi xa khuất nào, vào miền - không - có - ai; nhưng hiển hiện trước mắt tôi đây là dáng thân thương của Đồng đen, một người bạn của tôi và Bích Tiên… Tôi gặp Đồng sau 1975, lúc đó gia đình anh đang ở trước chợ Đa Kao, quận 1, còn gia đình tôi ở chung cư Phan Kế Bính, cách nhau chỉ vài ba trăm mét. Đồng làm việc ở Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam, với Lê Khánh Căn, Trần Nguyên Vấn, Hà Cận, Đỗ Nam Cao, Lê Điệp… toàn những anh em từ chiến trận về.

Dạo ấy túng lắm, viết bài cho Đài mong được ít nhuận bút bù vào tiền lương… Nhiều khi Bích Tiên qua Đài hy vọng lãnh được nhuận bút thì lại chưa có, thật não nề… Những ngày ăn bo bo sau đó, nó cũng găng như hồi ở Hà Nội ăn bánh bột mì “nắp hầm”. Cũng quen rồi, chịu đựng thôi. Và vẫn mơ giấc mơ làm văn nghệ.

Đồng đến chơi, chuyện trò rồi mới biết “lão” cũng là dân Tổng hợp Văn. Mà không chỉ Văn. Trước đó “lão” đã vào Khoa Toán. Mình vốn dân “tồi toán pháp” nên nể dân Toán lắm, nhất là Toán Tổng hợp! Bọn này là “siêu nhân”! Thế rồi chẳng biết làm sao, Đồng lại bỏ Toán sang Văn mới lạ. Con đường văn tưởng bình yên, rải toàn hoa, nhưng khúc khuỷu, gai chông, khó ăn lắm, Đồng ơi! Nhưng mà cái con người này chẳng phải tầm thường đâu. Anh đã từ giã Hà Nội vào chiến trường Trị Thiên tột cùng gian khổ lúc ấy để công tác, cống hiến và cũng để nuôi mộng tích lũy vốn sống mà viết văn!

Đồng đã tâm sự với bạn bè bao nhiêu là dự định viết. Và đã viết. Những trang viết sâu đằm như tính cách của anh. Cái con người này là toán, là văn, là luật sư; đối với cuộc đời lúc nào cũng muốn nghĩ cho “chết lý”, đọc cũng nhiều, lăn lộn cũng lắm, thế thì viết văn là “chắc ăn”. Thế mà vì cầu toàn hay sao, Đồng viết không nhiều. Thật tiếc! Hóa ra văn cũng có duyên, có số, như người!

Cái số của anh nếu nói là không may cả, thì cũng vừa đúng, vừa không đúng. Lấy được Hồng, hiền hậu, yêu chồng con, con một gia đình “quý phái - cách mạng”, là cái may lớn nhất! Ông bố, bà mẹ vợ quả là có mắt nhìn ra chàng rể có tài mà số chưa đến! Rồi gia đình, “thê tróc tử phọc” giữa cái thời khủng hoảng sau chiến thắng, nó bắt Đồng phải tính! Anh phải rời cơ quan; lãnh một cục lương hưu non mà về cùng vợ lo toan. Làm đủ thứ việc: Hồng đi bỏ sách, Đồng làm dầu gội đầu, Hồng bán bánh cuốn và Đồng phụ giúp vợ…

Kỷ niệm không thể quên với tôi là lúc Đồng làm dầu gội đầu, Hồng đem bỏ mối cho các hiệu gội đầu… Không biết Đồng học được công thức làm ở đâu mà quyết liệt làm lắm. Mua vật liệu, pha chế, vô chai… Đem gội thì thấy cũng ổn. Một vài hiệu “chịu giá”, Đồng có rủ tụi tui chung vốn, nên có được một số chai thành phẩm.

Nhân dịp các thầy Đại học Tổng Hợp Hà Nội vào TP.HCM dạy, tôi đem một chai biếu thầy Nguyễn Tài Cẩn làm quà cho cô Nona Stankyevich - giáo sư người Nga, vợ thầy! Không thấy hồi âm về chất lượng sản phẩm! Liều thật! Bà Nonna quý phái thì phải dùng dầu gội đầu nhãn hiệu Paris, chứ thứ này tự chế! Sau đó, dĩ nhiên là ế, là tan, là mất vốn. Nhưng được một kỷ niệm. Và, đôi lúc ngồi lại với nhau, nhắc lại, cười vỡ bụng! “Kỹ sư - thẩm mỹ” Đồng làm dầu gội đầu giữa Sài thành!

Cái kiếp cái số của Đồng là vậy! Là không thua ai, là hơn người nữa ấy chứ, mà không nên việc gì. Tức mình, uống rượu. Cứ lúc nào buồn, hay Tết là đến tôi uống rượu. Tôi không biết uống, về sau lại kiêng rượu, nhưng ngồi hầu rượu, nghe Đồng nói chuyện bao đồng, suốt cả buổi, suốt cả ngày chẳng bao giờ hết chuyện. Chuyện từ thời Đại học Tổng Hợp, bên Tự Nhiên, bên Sinh, bên Lý, bên Toán (lúc đó giảng đường ở đường Hai Bà Trưng), có các cô nàng đẹp tuyệt trần: Hồng Ánh, Ngọc Anh, Thu Hà, Nguyệt Tú…


Từ trái sang phải: Văn Thái, Trương Công Đôn, Nguyễn Văn Đồng
ở hang Đá Nhà, Hòn Dòn, xã Lộc Vĩnh, Phú Lộc, Thừa Thiên (1972).
Ảnh: Văn Thái.

Học chung một nơi, tuy khác khoa, giờ giải lao, tình cờ sao là lòng “nghệ sĩ”, Đồng bên Toán liếc qua, tôi bên Văn liếc lại, cùng nhìn vào cô nàng Nguyệt Tú đang di di ngón chân xuống sân trường rụng đầy lá mùa thu… Cái hình ảnh người nữ sinh ấy đã theo Đồng ra chiến trường và theo tôi cho đến tuổi “cổ lai hi”! Nguyệt Tú sau này ra trường, dù rất xuất sắc nhưng vẫn không được bố trí công tác, và lưu lạc đâu xa… Đồng kín kín hở hở nói ra là anh có biết nàng về dạy Phổ thông ở vùng quê nào đó, nhưng không “tiết lậu thiên cơ”! Giấc mộng giai nhân của những anh chàng sinh viên Văn lãng mạn một thời, đã bị cơn lốc của cuộc đời cuốn bay…

Đồng vẫn ngồi đó, uống nhiều, nhắm ít, càng nói càng say… Những kỷ niệm chiến trường… Những thằng bạn… Chao ôi, không tin vào số mệnh, vận mệnh không được! Tại sao cùng công tác ở một chỗ, cùng thời, tài năng tâm huyết suýt soát nhau mà người lên cao tột đỉnh, kẻ lại ở dưới đất đen. Quy luật nào ở đây? Tính cách, tướng mạo, âm công, vận hội… Có đủ cả. Trừ sự công bằng!

Vợ Đồng ốm, bệnh ngặt nghèo, trên cái gác tối 143 Lê Thánh Tông, nơi cái rốn của thị trường và cả của một vụ cháy lớn cạnh bên, Đồng và gia đình vẫn lếch thếch sống qua ngày như vậy. Rồi trời cũng ngó lại. Bên vợ bán nhà cho một ít, cái gác Lê Thánh Tông ấy hóa giá cũng được vài tỉ… Đồng mua nhà mới, rủng rỉnh, và ngày nào cũng nhậu.

Anh đến nhà, nói: Tôi bây giờ giàu rồi! Ngỡ như anh sẽ nâng cốc rượu mà la lớn: Tôi hết kiếp nghèo cực rồi, tôi giàu đây! Nhưng rượu liên tiếp hành anh, kéo anh đi, mặc dù anh vẫn còn bao mộng ước, lúc cơn say chợt tỉnh.

Anh bảo tôi: Tôi may biếu ông một bộ complet. Ông ra hiệu với tôi. (Có Biên, thợ may, người bạn rượu chí cốt cùng đi hướng dẫn).

Tôi nhất mực từ chối. Complet mà làm gì! Ai nỡ bấu xấu vào cái chỗ tiền may mắn ấy của Đồng! Nhưng hỡi ôi là tấm lòng quý bạn, hào phóng với bạn thuở nghèo! Đỗ Phủ làm thơ nói về cái tình bạn nghèo ấy không còn trên đời này nữa: “Nhớ chăng Quản - Thúc (*) bạn thuở nghèo/ Đạo ấy chừ coi như đất thó!”.

Ôi! Đồng đen, người bạn vất vả mà cao quý của tôi ơi! Anh đã quý mến vợ chồng tôi, luôn luôn ca ngợi Bích Tiên của tôi, cũng là một “Nguyệt Tú” thuở xưa không bao giờ trở lại…

10/06/2010


(*)

Quản Trọng và Bão Thúc Nha thời Chiến Quốc, nghèo, sẻ chia nhau một cách vô cùng cao thượng tiền bạc để nuôi mẹ già.

MAI QUỐC LIÊN