Sau năm 1954, anh ở thành, tôi ở rừng, tôi vẫn đọc bài vở, sách báo của anh tì tì. Bấy giờ chắc chắn anh Ba không biết tôi là thằng khỉ gió nào!
Nhưng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi và anh Ba Tày mới có dịp gặp nhau. Có lẽ lúc đó khoảng tháng 5/1977, sau khi danh sách Hội viên Hội nhà văn Việt Nam được công bố.

Nhà văn Sơn Nam
Anh mừng trước:
- Tao tưởng mầy là một cán bộ “cốm” lắm chớ. Ai dè…
- Em cũng tưởng anh là nhà văn quắc thước, đẹp trai và “oách” lắm chớ. Ai dè… ốm nhách, lé xẹ, bận bộ đồ tuần lễ chưa chịu giặt.
Anh không phật ý, mà vẫn cười khề khà, nói lảng:
- Tao thấy danh sách Hội nhà văn có thêm một thằng ở U Minh, mừng quá!…
- Em thì buồn… Cái đám “khỉ ho cò gáy” tụi mình người ta dị bụng “hốt ổ” bỏ vô loại “dự bị” cho vui vậy. Em thì không nói, loại vô danh tiểu tốt mà. Anh cũng “dự bị” thật buồn cười! Có mà “dự bị” là đúng hơn.
Anh Ba trợn mắt nhìn tôi:
Đừng có ngữ điệu như anh Ba mầy, suốt đời trồi đầu không nổi.
Cái từ “ngữ điệu” anh Ba Sơn Nam dùng cho tôi từ dạo ấy…
***
Anh Ba có cái tật “ghiền giải thích cái này cái kia” cho em út. Nói một chút anh ngừng lại, nhấn mạnh:
- Mầy hiểu hông?… Ông hiểu hông? Tên Sơn Nam ý mình muốn nói người Khmer ở phía Nam. Dưới triều Nguyễn, nhà vua cho người Khmer Nam bộ 5 họ, có tên có họ để làm quan nối giòng, bởi vì mấy cha chỉ có tên thôi. Năm họ đó là: Thạch, Kim, Sơn, Lâm, Châu. Ông hiểu hông? Bà Tế họ Châu lót chữ Vĩnh để Việt Nam hóa theo hiệu nhà vua Việt. Vậy mà nhiều tài liệu sau này nói bà ấy là em gái vua Gia Long. Vua chúa thấy người con gái nào họ thích thì “kết nạp” làm công chúa vậy thôi. Công chúa Ngọc Vạn của mình gả cho vua Chân Lạp được thì bà Châu Thị Tế cũng gả cho người An Nam mình được vậy. Muốn nói lịch sử phải nghiên cứu cho kỹ… Ông hiểu hông?
Trong đám em út ở Kiên Giang, anh Ba thích nhất là Phạm Thường Gia. Anh nói: cái thằng này chơi bời điệu đàn, viết lách sáng sủa, không phải như tụi mình vừa viết vừa nói vậy. Tôi biết anh nói cái điệu đàn của Phạm Thường Gia là bậc thầy “sống bụi:, “đi bụi” và “nhậu bụi”.

Hoa Tràm rừng U Minh
Chiều hôm ấy, anh vị bụng tôi, bởi anh Hai Trinh, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy tổ chức “bữa cơm thân mật” chỉ mời riêng tôi và anh, nên anh cùng đi. Trong tiệc, có thêm vợ chồng ông Hai Dẫu, nguyên Phó bí thư tỉnh ủy Rạch Giá thời tiền khởi nghĩa, cùng gốc U Minh.
Trên mâm có 5 món ăn: Cá lóc nướng trui, canh chua trái dác, mắm kho rau dừa, rùa rang muối và cá rô kho tộ. Hai Trinh rót rượu Tây mời khai vị. Anh Ba bảo xin chút rượu đế, không quen thức “Tây tà” đó. Tôi biết rằng anh “chơi” Hai Trinh. Chuyện vãn, ông Dẫu nói theo giọng Bắc rằng con ông có nuôi một con lợn mới sáu tháng mà được trăm cân. Nghe vậy, anh Ba giải thích cho tôi: “Con heo một trăm ký đó, ông hiểu hông?”. Anh lại “chơi” ông Hai Dẫu. Ăn một chút, anh Ba Sơn Nam bước ra khỏi ghế. Anh Hai Trinh vội vã bảo:
- Ăn ít vậy? Thức ăn còn nhiều lắm đó.
Anh Ba đáp tỉnh bơ:
- Để nới cái dây nịt cái đã. Mấy thuở mới ăn được một bữa như vầy, ráng chứa cho nhiều tích lũy ca-lo phòng bị cho mấy ngày sau…
***
Năm 1983, Hội văn nghệ Kiên Giang chúng tôi tổ chức một trại sáng tác về đề tài của địa phương. Thầy giảng mời người Sài Gòn, chỉ có anh Ba Sơn Nam, Nhật Tuấn và Lý Lan xin làm trại viên. Chúng tôi dặn tất cả chờ xe Kiên Giang lên rước. Nhưng khi xe lên thì anh Ba đã nhảy xe đò xuống Rạch Giá trước rồi. Khi đoàn tới mới hay như vậy, tôi chạy qua nhà Phạm Thường Gia thì gặp anh đang ngồi nhậu “cóc ổi” với chủ nhà. Anh bảo là đi xe đò lang thang bến chợ, cầu bắc mới thu thập được nhiều thông tin.
Lý Lan lúc ấy gọi anh Ba bằng tía. Theo yêu cầu của tía con họ, tôi cho Phạm Thường Gia dẫn hai người về quê Đông Thái của anh và “tảo thanh” một số vùng rừng U Minh. Họ đi một tuần lễ trở về. Lý Lan bị muỗi rừng U Minh cắn sốt, mặt mày đỏ gừ, phải nghỉ tại Hội văn nghệ Kiên Giang mất mấy ngày. Trước khi hai tía con họ về Sài Gòn, anh Ba nói:
- Tụi bây yên chí! Tao sẽ nộp đủ bài, không để tài chánh “cạo đầu” tụi bây bằng vỏ ốc đâu.
Vài tuần sau, anh Ba gửi xuống cho tụi tôi một xấp bài đánh máy cò, không có tựa đề. Chúng tôi tự đặt tên là Dọc đường Miệt Thứ, đăng 6 kỳ trên Văn nghệ Kiên Giang. Người Miệt Thứ đọc qua một loạt bài của Sơn Nam mới hiểu thêm bao nhiêu điều mới lạ xưa và nay trên vùng đất mình đang sống…
***
Một lần tỉnh An Giang đăng cai cuộc hội thảo về lịch sử và lợi ích của kinh Vĩnh Tế. Anh Ba có đăng ký một bài tham luận, tôi một bài. Sau có mấy vị giáo sư mời tôi và anh đến một chiếc bàn, người trải bản đồ, người kéo thước dây đo từ điểm vàm Ca Âm Nao (Châu Đốc) đến hòn Pháo Đài (Hà Tiên) và thắc mắc:
- Trên bản đồ tỉ-lệ-xích đã chỉ rõ, chúng tôi đều viết kinh Vĩnh Tế có chiều dài khoảng một trăm kilômét là chính xác. Tại sao hai ông, một ông thì viết 65,5 kilômét, một ông thì ghi 65 kilômét?
Tôi cười:
Tôi lấy số liệu từ ban biên giới ghi vào năm 1978. Tính theo chiều dài của con kinh đào, trừ ra khúc sông Giang Thành khoảng trên 30 kilômét. Bởi đó là sông tự nhiên.
Còn anh Ba Sơn Nam lại cười, bảo:
- Còn tôi thì mới ghi gần đây. Chắc có lẽ đầu trên và đầu dưới của con kinh bị nước đạp lở mất khoảng 500 mét - Rồi anh quay sang nhìn tôi, cười – Hèn gì có người ghi bà Vĩnh Tế là em gái vua Gia Long cũng phải…