Tôi đã học các kỹ năng lều trại, thắt nút, thông tin, cấp cứu thoát hiểm…Vượt qua được chương trình thí sinh, tuyên lời hứa rồi tiếp tục chương trình hướng đạo hạng nhì, hạng nhất. Những thành tích nói trên đã tạo cho tôi ảo tưởng rằng mình đã trở nên người tháo vát, có đủ bản lĩnh đối phó với những hoàn cảnh khó khăn. Vào đại học, chúng tôi tự lập thành một toán hướng đạo sinh viên.
Lúc đầu được các cấp trưởng trong ngành chú ý hoan nghênh. Nhưng vào mùa hè 63, các trường Đại học ở Huế nổ bùng phong trào đấu tranh chống chế độ Diệm. Với danh nghĩa toán hướng đạo sinh viên, chúng tôi cũng tích cực tham gia xuống đường, bãi khóa, tuyên ngôn, tuyệt thực…
Sau đó, thật bất ngờ là toán hướng đạo của chúng tôi bị các cấp trưởng trong ngành thi hành kỷ luật, khai trừ ra khỏi Hội hướng đạo vì đã có chỉ thị cấm các hướng đạo sinh hoạt động chính trị. Tôi bèn nhớ lại cái đêm thiêng liêng nhất trong cuộc đời hướng đạo của mình – cái đêm mà tôi được đưa ba ngón tay lên trước ngọn lửa bập bùng mà tuyên hứa. Lời hứa đầu tiên là “Trung thành với Tổ quốc”. Trung thành với Tổ quốc mà không được hoạt động chính trị, thì hóa ra hai chữ Tổ quốc ở đây, chỉ là thứ chữ mật mã dùng trong các trò chơi lớn thôi sao?
Nhân đấy tôi còn nghiệm ra mấy điều không ổn khác. Đó là về lý lịch của Huân tước Baden Powell, người sáng lập ra phong trào hướng đạo, mà chúng tôi gọi một cách thành kính là cụ BiPi. Tiểu sử của cụ được ghi rõ trong trong tự điển Larousse thế kỷ 20: “Sir Robert Stephenson Smyth Baden Powell, gia nhập lính khinh kỵ của hoàng gia Anh từ năm 19 tuổi và phục vụ liên tục trong quân ngũ cho đến khi về già được phong Trung tướng. Ông đã lập nhiều chiến công xuất sắc ở các thuộc địa Ấn Độ và Nam Phi”.
Cần nói thêm một lần, đội quân Anh do cụ BiPi chỉ huy bị vây khốn trong thành Ma-phê-king ở Ấn Độ. Không hiểu cụ BiPi khéo dụ dỗ sao đó mà tập hợp và huấn luyện một băng thiếu nhi ở địa phương. Bọn này làm giao thông, liên lạc, tiếp tế và dẫn đường cho viện binh Anh đến giải vây được cho cụ. Đây là những hướng đạo sinh đầu tiên do cụ BiPi đào tạo.
Những trẻ em Ấn Độ cam tâm làm tay sai cho giặc này, chắc được miễn cái vụ tuyên lời hứa “trung thành với Tổ quốc”. Hướng đạo sinh còn có tục lệ cài hoa đỏ vào ngực để “tưởng niệm… thánh George”, một hiệp sĩ trong cổ tích phương Tây, đã diệt một con rồng ác để cứu nàng công chúa. Xét cho cùng thì từ cụ BiPi (thực dân chuyên nghiệp cỡ bự) cho đến thánh George của cụ, đều chẳng ăn nhập gì đến tổ quốc Việt Nam này. Về phần tôi, từ khi nghiệm ra những điều không ổn nói trên thì đối với tôi câu châm ngôn “Hướng đạo một ngày, Hướng đạo mãi mãi” không còn giá trị định hướng như chiếc kim chỉ Nam nữa.

Cũng trong lứa tuổi hai mươi, có lúc tôi muốn trở thành con chiên của Chúa. Lạy Chúa. Tôi chỉ là người ngoại đạo, không tin có chúa ở trên trời. Nhưng mỗi mùa Giáng sinh được nghe khúc nhạc Jingle Bells và những câu tình ca dịu ngọt kiểu “Giáo đường in bóng”:
“… Dáng xinh xinh bao tiên kiều.
Quì dâng thánh kinh ban chiều.
Trong giáo đường đêm Noen ấy.
Ngàn đời tôi mến yêu…
hay kiểu “Hận Tha La”:
“Trong đám chiên hiền thương áo trắng
Nghe trời trở gió nhớ quanh quanh…”
tôi bỗng thấy lòng xôn xao những cảm giác lạ. Rồi một cô bạn trong đội Binh xanh của Đức mẹ đã khuyến khích tôi: “Hãy thử tìm hiểu và sống đạo, biết đâu anh sẽ đến được với Chúa.” Tôi bèn tìm đọc kinh Cựu Ước, Tân Ước, theo bạn bè đi xem lễ thuộc được vài bài kinh cầu nguyện.
Có lần vì tò mò, tôi cả gan trà trộn vào đám con chiên thực thụ, quy ở hàng ghế đầu chịu lễ mình thánh. Khi chiếc bánh thánh dính chặt vào đầu lưỡi tôi bối rối chưa biết nên nhai hay nuốt thời may, bánh đã tiêu tan đi rất nhanh chóng. Đến với Chúa theo cách của tôi thật là không nên không phải, nhưng thật tình trong đó cũng có tấc lòng mến đạo.
Có thể tôi sẽ đi xa hơn nữa để trở thành một tín hữu Ki-tô giáo nếu không xảy ra vụ những người Thiên chúa trong bộ máy chính quyền Diệm tàn sát dã man những thiếu nhi Phật tử ở đài Phát thanh Huế vào mùa Phật đản năm 1963. Tình cờ được chứng kiến tận mắt cuộc tàn sát này, tôi đã tự nguyện đứng vào hàng ngũ Phật giáo để chống lại những cuộc đàn áp của Ngô triều.
Trong giai đoạn ấy, tôi cảm thấy vinh dự được làm Phật tử. Chỉ có một điều trước sau vẫn không thể nhất trí được với các Thầy. Đó là đường lối đấu tranh bất bạo động, được đề cao thành đạo lý, ít nhiều đã đi vào phong trào tranh đấu như một thứ ngụy tín.
Ở chùa thường phải niệm Phật. Trong hơn 100 danh hiệu các vị Phật, lúc ấy tôi chỉ tâm đắc có một câu “Nam Mô Đấu Chiến Thắng Phật”. Tuy kiến thức về giáo lý rất lem nhem, tôi cũng biết rằng “Đấu Chiến Thắng Phật” là danh hiệu của Tôn Ngộ Không. Đọc Tây Du, ai cũng biết, Ngộ Không rất bất mãn trước chủ trương bất bạo động của Đường Tăng. Trong vô lượng pháp môn của nhà Phật, Ngộ Không đã chọn cây Như Ý bỗng để mở đường đi đến Niết Bàn và đã thành chính quả.
Vì vậy, khi máy bay B52 của giặc Mỹ rải thảm trên núi rừng làng mạc, và khi xe tăng súng đạn của của bọn Thiệu Kỳ đã thẳng tay đàn áp đồng bào ở đô thị… tôi đâu có đủ định lực để đọc bài Trầm hương đốt hay Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện. Khi ấy những ai không chịu đầu hàng hoặc chấp nhận thất bại một cách dễ dàng, chỉ còn một con đường là chiến đấu với cây súng và lá cờ đỏ trên tay. Tôi đã chọn con đường đó.

Thế là một hôm tôi bí mật thoát ly ra vùng căn cứ. Cô giao liên đưa tôi đến một hang đá trên ngọn núi Kim Phụng, ở phía tây thành phố Huế. Mùa hè xứ Huế, trời nước trong xanh dòng sông trôi bóng phượng hồng rực rỡ. Nhưng trên đỉnh núi này, sớm chiều vẫn chập chùng mây giăng sương phủ. Núi có vẻ đẹp hùng tráng, cô đơn và bí ẩn. Hồi tôi còn hoạt động hướng đạo, đã có lần vào cắm trại ở gần chân núi Kim Phụng.
Ban đêm chúng tôi đốt lửa,gậy hướng đạo bịt sắt hướng mũi nhọn ra bốn phía để đề phòng thú dữ. Tuy chưa đến chân núi, cũng lấy làm tự hào là một thành tích mạo hiểm.Thế mà giờ đây cô giao liên dẩn tôi đi lên núi với những bước chân nhẹ nhàng thoăn thoắt, coi như chuyện nhỏ thường ngày.
Điều làm cho tôi rất ngạc nhiên và thích thú là đồng chí cán bộ cách mạng đón tiếp tôi chẳng ai xa lạ. Đó là anh T. trước đây cũng là một huynh trưởng hướng đạo. Chính anh đã chỉ đường cho chúng tôi vào cắm trại ở núi Kim Phụng. Anh là một tráng sinh lên đường, có tên rừng là “Beo kiên nhẫn”.
Anh T. có một bộ sưu tầm các dấu chân thú rừng, đúc bằng thạch cao hoặc sáp đèn cầy, gồm các lọai voi, cọp, hươu, heo rừng, khỉ, sóc… Ai đến xem bộ sưu tầm này thì anh giải thích “Trong một năm trời, tuần nào mình cũng theo chân những người làm than, củi lặn lội vào rừng mới lấy được dấu chân của bấy nhiêu loài thú”. Cho đến hôm nay, T. mới nói cho tôi biết rằng đi sưu tầm dấu chân thú chỉ là cái cớ để vào rừng mà không bị nghi ngờ.Mục đích chính của anh là sưu tầm dấu chân của những người cách mạng –tức “ Việt Cộng” – để bắt liên lạc với tổ chức.
Rồi làm sao mà bắt được liên lạc?
Cậu biết không? Hễ phát hiện được một con đường mòn nào trong rừng là mình xếp ngay giữa đường một đống củi, chỗ nào có dấu hiệu đống củi bị thay chứng tỏ có người đi qua, thì mình ngồi rình trong bụi hết ngày này qua ngày khác. Quả nhiên cuối cùng đã gặp được các đồng chí.
Nghe anh kể, tôi chợt rùng mình vừa xít xa vừa thán phục. Tôi buộc miệng khen:
-Đúng là Beo Kiên Nhẫn.
Anh T. kết luận bằng một giọng cảm khái: Cậu thấy không? Vào hướng đạo, tụi mình chỉ đến được chân núi là cùng. Phải vào đội ngũ cách mạng mới lên đến được đỉnh núi này.
Hai chữ “đỉnh núi” làm tôi liên tưởng đến một câu mở đầu cuốn tiểu thuyết “Núi tuyết Kilimandjaro” của nhà văn Mỹ Hemingway:
“Trên đỉnh núi Kilimandjaro, núi cao nhất của châu Phi- người ta tìm thấy xác của một con beo nằm chết vùi dưới băng tuyết. Không ai hiểu con beo kia làm gì mà leo cao đến độ đó để rồi chết như vậy”
Trong tác phẩm này, Hemingway mô tả một cuộc sống rất phong phú và sôi nổi của một nhà văn trẻ. Bị hấp dẫn bởi huyền thoại con beo chết trên núi tuyết, chàng qua châu Phi lặn lội tìm đến ngọn núi trên, nhưng không lên được đến đỉnh. Trong cơn thất bại rã rời, chàng nghiệm ra rằng mình đã uổng phí rất nhiều thì giờ đuổi theo những ảo ảnh.
Tuổi hai mươi của tôi, cũng đã để uổng phí rất nhiều thì giờ, tìm tòi, thử nghiệm để xác định cho mình một con đường. Nhưng khác với con beo mù quáng và cô đơn của Hemingway, những con Beo kiên nhẫn của cách mạng biết rõ con đường mình đi và cái đích mình phải tới. Khác với anh chàng nhà văn người hùng mệt mỏi trong tiểu thuyết của Heminway. Chúng tôi đã đi, đã đến và tin rằng mình sẽ thắng.
Các bạn trẻ xứ Huế thân mến! Chắc các bạn không ai lạ gì hòn núi Kim Phụng hay còn gọi núi Thiên Thọ. Đứng dưới Huế nhìn lên ni quanh năm chỉ thấy mây che sương phủ.Nhưng các bạn biết không-ở trên ấy có một cái hang đầy rêu phong và thạch nhũ nhưng cũng rất nhiều ánh sáng. Chính nguồn ánh sáng ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn và dẩn dắt bước chân tôi qua những tháng năm dài trên đường chiến đấu...
(Trích từ: "Hoài ký" Dưới ánh hỏa châu của Hoàng Phủ Ngọc Phan)