Đằng mình

Từ “đằng mình” chỉ nhân vật trong câu chuyện chiến đấu của dân Nam Bộ Khu 8, Khu 9 hay dùng, có từ Nam Bộ kháng chiến. Đi kháng chiến, đã xa quê hương “đằng mình” 20 năm. Sau ngày toàn thắng 30/4/1975, được trở về, tôi đến tiếp quản Trung tâm Cấp thủy Cần Thơ. Công nhân lưu dung ở lại làm việc có anh Dương Văn Chè, trước là thượng sĩ quân đội Sài Gòn đã ra quân rồi vào làm công nhân lái xe cho Trung tâm Cấp thủy đến nay.

Biết tôi ở gần nhà Thiếu tá On, anh Chè hỏi tôi biết Thiếu tá On không? -Biết, chú On nhỏ hơn tôi 5-6 tuổi, gia đình cùng xóm gần gũi, đi lâu quá mới về chưa biết hết chuyện xóm giềng. Anh Chè kể: “Hơn 7 giờ tối, đi lãnh lương cho đơn vị, xe chạy gần tới đồn Cây Méc thì bị phục kích chết hết. Đồn tri hô lên là Việt cộng phục kích. Gần giải phóng người ta cho biết Thiếu tá On là người đằng mình. Đi lãnh lương về cho đơn vị nhiều tiền, nhiều lần tụi nó biết, tổ chức dứt ổng để giựt tiền”. Hơn 20 năm tôi mới nghe lại tiếng “đằng mình”. Nó đã thành ký ức gợi nhớ ngay những câu chuyện xa xưa. Chị Ba đi chợ về (chợ ngoài vùng tạm chiếm) kể lại: “Hôm qua tàu binh nó vô trỏng đụng thủy lôi, Tây chết nhiều lắm, đằng mình thắng lớn lắm”. Những trận ta thua, bị tổn thất cũng dùng chữ “đằng mình”: “Hồi hôm đằng mình qua lộ bị tụi nó phục kích, chết mấy người”. Người ta phát âm một cách rất tự nhiên, không một chút ngượng nghịu, không có vẻ bắt chước hay phô trương. Dân có thân với cách mạng, có thân với bên kia, có khi vợ lính hay lính ngụy cũng nói “đằng mình” để ám chỉ người cách mạng.

Chữ “đằng mình” tiếng Việt nó phong phú làm sao! Ngữ nghĩa thì xác định là người của phe mình rồi mà còn ẩn chứa bao nỗi niềm thâm thúy. Không cầm vũ khí bảo vệ Tổ quốc được thì cũng cầu xin đấng linh thiêng hộ tống cho người cách mạng được chiến thắng, có hy sinh thì linh hồn được về chốn vinh quang.

Chống xâm lăng gian nguy nhất trong lịch sử, phải đánh 2 đế quốc nối tiếp 30 năm, được ngày toàn thắng là cuộc chiến đấu của lòng người, cả đồng bào là đằng mình.

Huỳnh Kim Bản