Đừng để mất uy tín giải thưởng và danh hiệu

Việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) cũng như Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật dường như chưa bao giờ hết “sóng gió”. Dẫu những quy định pháp lý về việc này liên tục được bổ sung, sửa đổi nhưng thực tế xét tặng luôn gặp phải không ít bất cập…

Hết nạc thì vạc đến xương?

Nhìn vào danh sách các nghệ sĩ được Hội đồng cấp Bộ đề nghị Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND năm 2011 lĩnh vực điện ảnh, thấy có nhiều cái tên… quen quen. Hóa ra, có người những lần trước “trượt” thì lần này tiếp tục làm hồ sơ và ít ra cũng qua hai “cửa” là hội đồng cơ sở và hội đồng cấp Bộ.

Điều đáng nói là mặc dù Thông tư số 06/2010/TT-BVHTTDL ngày 16/7/2010 quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: “Đơn vị cơ sở không giới thiệu và đề nghị xét danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú cho các cá nhân đã nghỉ hưu mà trước đó đã được tham gia xét tặng nhưng không đạt và trong thời gian nghỉ hưu không có những hoạt động nghệ thuật tiêu biểu, xuất sắc theo quy định về tiêu chuẩn NSND, NSƯT”, thế nhưng trong danh sách vẫn còn không ít người được các hội đồng bỏ phiếu 100% (!).

Chưa kể, người đương công tác nhưng từ lúc phong tặng NSƯT đến khi được đề xuất xét tặng NSND vẫn… dậm chân tại chỗ, thậm chí còn… thụt lùi… Dĩ nhiên, việc này không chỉ đợt xét duyệt này mới có mà các đợt trước đều tồn tại nhưng là việc... “biết rồi, khổ lắm”.

Diễn viên Trà Giang được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đợt đầu tiên năm 1984, cùng với đạo diễn Hồng Sến, Tào Mạt...

Trong danh sách các tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình được Hội đồng cấp Bộ đề nghị Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật cũng có những tác phẩm chưa xứng tầm vẫn được đưa vào.

Vừa qua, vụ lùm xùm giữa hai nhà biên kịch Phan Thanh Tú và Phan Huyền Thư với đạo diễn Nguyễn Thước xung quanh bộ ba tác phẩm mà đạo diễn Nguyễn Thước đưa vào danh sách đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước là một thí dụ cho sự thiếu nhất quán về tiêu chí xét duyệt.

Và cách giải quyết của Hội đồng xét tặng giải thưởng buộc đạo diễn Nguyễn Thước phải bổ sung ý kiến đồng thuận của các tác giả trên đã cho thấy sự lúng túng của Hội đồng xét duyệt, bởi các tác phẩm điện ảnh từ trước đến nay khi được đưa xét duyệt chưa hề có tiền lệ này.

Dĩ nhiên, vẫn có những tác phẩm, cụm tác phẩm… xứng đáng, nhưng bên cạnh đó, danh sách dài dằng dặc lần này cho thấy các đợt trước đã “vét” những tác phẩm nổi trội nên lần này còn lại thì… duyệt nốt vậy.

Quy định còn nhiều bất cập

Về mặt pháp lý, từ năm 2011, cùng với Luật Thi đua - Khen thưởng chính thức ban hành và sau đó có các thông tư hướng dẫn xét tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, NSND, NSƯT…, có thể coi đây là bước tiến tạo thuận lợi cho việc xét tặng so với các lần trước.

Tuy nhiên, từ thực tế những vụ việc xảy ra cho thấy cần những quy định chi tiết, cụ thể và rõ ràng hơn trong các văn pháp lý làm hành lang thực hiện công tác này.

Chẳng hạn, Thông tư số 06/2010/TT-BVHTTDL 1 quy định tiêu chuẩn để xét tặng NSƯT: “1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; 2. Có phẩm chất đạo đức tốt, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có uy tín nghề nghiệp, gương mẫu, tận tụy với nghề, có tinh thần phục vụ nhân dân, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ; 3. Có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 15 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật xiếc, thời gian hoạt động từ 10 năm trở lên; 4. Có nhiều giải thưởng nghệ thuật Vàng và Bạc, trong đó có ít nhất 2 Giải Vàng quốc gia hoặc quốc tế; 5. Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.

Rõ ràng, những tiêu chuẩn như vậy có vẻ như không còn phù hợp, nếu như không nói là có tiêu chuẩn trở thành cứng nhắc và rập khuôn khi xét tặng với nghệ sĩ.

Các quy định hiện nay vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa là đưa vào những nội dung không cần thiết và ý nghĩa xã hội nhiều hơn tính chất nghề nghiệp.

Thiếu là có những quy định cho tác phẩm đưa vào xét duyệt giải thưởng mà như thách đố bất kỳ hội đồng nào: “xuất sắc, có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật; có tác dụng tốt trong việc giáo dục, xây dựng con người mới, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân; góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển nền văn học, nghệ thuật của đất nước; quảng bá hình ảnh tốt đẹp của đất nước, dân tộc, con người Việt Nam; xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước trên thế giới”.

Ngoài việc hoàn thiện các quy định sao cho sát sao với thực tế và có thể dễ dàng vận dụng thì vấn đề quan trọng không kém là những người có trách nhiệm ở hội chuyên ngành, các Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch... càng phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm khi xét duyệt hồ sơ nghệ sĩ gửi lên cấp trên.

Những tác phẩm được Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ảnh: Viện KHXHVN

Các thành phần hội đồng cấp Bộ hay cấp quốc gia cũng phải chọn lựa được người có kinh nghiệm chuyên môn và uy tín làm nghề, đồng thời quy chế xét giải sao cho người có chuyên môn nào thì xét tác phẩm hay tác giả ở lĩnh vực đó…

Việc này không chỉ đòi hỏi “tầm” của người quản lý mà cả cái “tâm” đối với những người làm nghề, sao cho tôn vinh đúng người, đúng tác phẩm, nếu không thì việc làm ý nghĩa thành ra phản tác dụng với chính bản thân người đề xuất xét tặng danh hiệu hay có tác phẩm đề nghị xét tặng, chưa nói đến việc gây mất niềm tin trong công chúng và sự tôn trọng lẫn nhau giữa những người làm nghề.

Đã đến lúc cần nghiên cứu đưa ra những cách thức vinh danh nghệ sĩ một cách đàng hoàng, trang trọng hơn, “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, để giải thưởng và danh hiệu trở về với đúng ý nghĩa của nó... Với thực trạng của việc xét tặng như hiện nay thì “lành ít, dữ nhiều”, không ít người được xét tặng danh hiệu hay được xét tặng giải thưởng lẫn người không được đều không thấy thoả mãn và hài lòng.

Vậy nên lời cảnh báo của nhà thơ Vũ Duy Thông với báo giới từ lần xét giải thưởng trước xem ra vẫn còn nguyên ý nghĩa: “Không nên để các giải thưởng cao quý này bị mờ đục bởi những cơ chế, cách làm và cả những toan tính phi văn hóa. Thực tế đã xuất hiện dấu hiệu có cuộc vận động quyết liệt ở bên trong. Xu hướng trung thực, thẳng thắn và kiên quyết đề cao những giá trị đích thực không phải lúc nào cũng thắng thế. Cứ đà ấy, những lần tiếp theo, giải sẽ tới đâu?

Theo tôi, vẫn cần có những hội đồng, nhưng tại sao chúng ta lại bỏ qua một "hội đồng thẩm định” rất quan trọng và khách quan là công chúng nghệ thuật qua thăm dò rộng rãi ý kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng? Điều đó chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều cách đánh giá cảm tính, hành chính của những hội đồng.

Dân chủ và công khai hóa việc xét chọn sẽ khắc phục được tình trạng Nhà nước bầu một đằng, công chúng thích một nẻo”.

Hoàng Đăng