Sau Mậu Thân 1968, tình hình Khu 5 khó khăn đến mức chỉ gọn trong bốn từ “đói, đau, đạn, địch”. Đói, là thiếu gạo. Đau là sức khỏe, bệnh sốt rét ác tính bùng phát làm chết nhiều người vì không có thuốc chữa. Đạn thiếu, không đủ trang bị cho bộ đội chiến đấu. Còn địch, sau khi bị bất ngờ, chúng chuyển sang thế phản công, mở nhiều cuộc càn quét quy mô lớn từ đồng bằng lên các vùng căn cứ của ta ở miền Tây. Trên đường mòn Trường Sơn, địch dùng không quân, có cả B-52 đánh phá ác liệt suốt ngày đêm, nhằm cắt đứt nguồn chi viện của ta từ miền Bắc hậu phương lớn vào. Đói, đau, đạn thiếu, chiến trường Khu 5 phải điều chỉnh lớn về lực lượng. Sư đoàn 2 ở Quảng Đà, Quảng Nam tạm rời địa bàn ra đường 9 Quảng Trị để củng cố, thực chất là để bộ đội có gạo ăn lấy lại sức chiến đấu. Sư đoàn 3 hoạt động ở chiến trường Nam Quảng Ngãi, Bắc Bình Định cũng phải “xóa sổ”, biên chế rút gọn chỉ còn hai trung đoàn độc lập. Mặt trận 4 Quảng Đà cũng cùng chung cảnh ngộ, giải thể trung đoàn 36. Chiến trường B3 (Tây Nguyên), Bộ rút một sư đoàn vào miền Đông Nam Bộ, tổ chức lại còn 4 trung đoàn cũng chỉ vì đói! Để “giải nguy”, cuối năm 1969, Cục Hậu cần thành lập 10 tiểu đoàn sản xuất trồng cây củ mì, làm nguồn cung cấp lương thực thay cho gạo. Các đơn vị trong toàn quân khu, mỗi cơ quan cũng tổ chức một cơ sở sản xuất để tự cung tự cấp. Khẩu hiệu kêu gọi “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến, tìm hàng mà chuyển”, với tinh thần quyết tâm như một trận đánh, trong đó “tìm hàng mà chuyển” có ý nghĩa sống còn. Tháng 1-1972, quân khu thành lập 5 đơn vị hậu cần khu vực lấy phiên hiệu H1, H2, H3, H4 và H5, trải dài trên khắp chiến trường Khu 5, và bố trí đứng chân bên cạnh các hội đồng chi viện tiền tuyến tỉnh. Trong số 5 đơn vị ấy, H1 cắm chân ở Quảng Đà và H2 tại tỉnh Quảng Nam.
Tôi vào chiến trường đúng thời kỳ “đói, đau, đạn, địch” ấy, rồi đơn vị bị xẻ chia phần lớn bổ sung về các tiểu đoàn sản xuất, nhưng một bộ phận nhỏ trong đó có tôi lại rẽ ngang chuyển về H1 hậu cần khu vực tại Quảng Đà. H1 đứng chân trong một khu rừng già có nhiều cây săng lẻ, cây gỗ dầu cao vút, cành lá xum xuê xanh ngăn ngắt như một chiếc ô khổng lồ phủ kín mặt đất. Một địa điểm lý tưởng cho một đơn vị hậu cần, phía bắc gần sông Thành Mỹ, phía tây giáp huyện Giằng, huyện Hiên, phía nam là huyện Nam Giang và phía đông có dãy núi Hòn Tàu. Quân số H1 gần 200 cán bộ, chiến sĩ cả nam lẫn nữ, nòng cốt từ một tiểu đoàn vận tải từng đứng chân ngoài cửa khẩu Chao, sát đường Trường Sơn bên cạnh binh trạm Đoàn 559, nơi phải hứng chịu máy bay B-52 cùng các loại máy bay khác ngày đêm bắn phá và ném bom rải thảm. Tôi đã được nghe các anh chị kể lại, đã có hằng trăm cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, vừa chiến đấu vừa để bảo vệ cung đường hành lang vận tải. Họ đã trở về lại Khu 5 và giờ đây con đường của họ chính là mở cửa khẩu về hướng đông, xuống đồng bằng sẽ phải vượt qua dãy núi Hòn Tàu.
Đường dài nên tờ mờ sáng đội hình đã xuất phát, từ nơi đóng quân sang đến bên kia chân núi Hòn Tàu trời đã xế chiều. Chúng tôi được tạm nghỉ ăn chiều bằng củ mì, cũng là thời gian chờ giao vận tiền tuyến cơ sở lên dẫn đường khi trời vừa tối. Cung đường này giáp ranh với đồng bằng, chúng tôi phải đi trong đêm, dù địa hình không vất vả như vượt núi Hòn Tàu, nhưng nguy hiểm lại luôn rình rập. Càng tiến sâu, đường càng có nhiều truông đồi bãi trống, đồn địch bố phòng hai bên và chúng vẫn đưa quân ngày đêm lùng sục. Đêm mênh mang trống vắng, gió từ đồng bằng thổi lên réo bên tai nghe vù vù rờn rợn. Chốc chốc lại nghe tiếng “ùng oàng” pháo địch bắn ra từ đâu đó về phía Hòn Tàu, dộng vào vách núi sôi lên như tiếng sấm rền. Mặc, chúng tôi vẫn đi, đi trong im lặng, đội hình thành hàng dọc, người trước nhìn người sau là những bóng đen chuyển động. Chừng đến nửa đêm có lệnh dừng quân. “Đến rồi”, cô giao vận cơ sở hội chi viện tiền phương Quảng Đà thông báo. Mừng quá, một ai đó bỗng reo lên khe khẽ “Gạo!”. Tôi cũng vậy. Lần đầu tiên đi đồng bằng lấy gạo, cái đói làm tôi mơ về một bữa cơm, chợt nghe từ “gạo” sao không mừng không sướng? Cảm giác mệt nhọc, bồi hồi, lo sợ cũng bay biến đi đâu hết. Nhưng rồi lại rơi vào một cảm giác bất an khác, chúng tôi đang lọt thỏm giữa một vùng cát trắng, một khu nghĩa địa, màu cát mênh mang như một tấm vải tang khổng lồ chập chờn bay giữa trời đêm. Nhìn ra xa về phía Bắc trong đêm mù mù, tôi nhìn thấy có một tháp chuông màu xám xịt cao vút, dưới chân nó lấp lóa cao thấp là những mái nhà xiên xiên. “Gạo đâu đồng chí?” - Lê Anh Tuấn, chỉ huy của đơn vị của tôi, hỏi. Giọng Quảng nhỏ nhẹ của cô giao vận tiền tuyến đáp: “Gạo đây!”. Nói rồi cô chỉ tay vào một nấm mồ. Tôi kinh ngạc, cảm giác thật sự sợ hãi và tim như muốn ngừng đập. Ngôi mộ bề ngang và độ cao chỉ hơn một mét, chiều dài gần bốn bước chân, bên trên có mấy vòng hoa vẫn còn tươi mới. “Đây, đây nữa…”. Cô giao vận vẫn tiếp tục vừa đi vừa chỉ thêm nhiều ngôi mộ khác, nằm rải rác trong khu nghĩa địa có hàng trăm nấm mồ như thế. Đêm về khuya, tiếng côn trùng réo dài lê thê nghe thật bí hiểm, trên bầu trời từ phía nam thi thoảng lại vút lên những vệt đạn lửa đỏ lòm như máu. Cách đó vài ba bước chân có một bụi cây dúi, cô giao vận đi tới đó, rồi móc lên hai chiếc xẻng Mỹ hình như cô đã vùi sẵn từ lâu. Cô quay lại đưa cho Lê Anh Tuấn một chiếc, rồi cúi xuống đào cái mồ cát trắng nhanh thoăn thoắt, chỉ một lát sau dưới lớp cát bên trên lộ ra một lớp ni lông phủ màu đen bóng. Trời đất, gạo! Gạo hiện ra như một phép màu, cũng không phải giấc mơ, đấy là hiện thực! Gạo đóng trong những chiếc bao cát Mỹ xếp chồng lên nhau thành nhiều lớp. “Gạo đó các anh!”, cô nói thản nhiên nhưng nghe như giục. Kỳ diệu, đúng là kỳ diệu! Tôi muốn thốt lên như thế, trong đêm đầu tiên đi xuống đồng bằng. Chúng tôi thay nhau đào, thay nhau đóng gạo vào gùi, rồi quay trở lên ngay trong đêm, rạng sáng chúng tôi đã đến được chân núi Hòn Tàu.
Tôi đã đi qua núi Hòn Tàu nhiều lần nữa, nhưng mỗi lần là một câu chuyện. Một câu chuyện vui khi đi qua bình yên. Một câu chuyện buồn khi lên đến đỉnh Hòn Tàu bất ngờ bị pháo bầy, pháo chụp bắn trúng vào đội hình. Lại có lần qua được Hòn Tàu đi trong đêm bị địch phục kích, nhiều đồng đội tôi hy sinh. Giữa năm 1972, tình hình bảo đảm hậu cần đã có những chuyển biến tích cực. Sư đoàn 3 được tái thành lập. Sư đoàn 2 từ Quảng Trị cũng trở về. Quân khu thành lập thêm sư đoàn 711 mới. Lực lượng phát triển mạnh, công tác bảo đảm hậu cần cũng nặng nề thêm. Ở Quảng Đà, hội đồng chi viện tiền tuyến cùng hậu cần H1 táo bạo mở tuyến phát triển thu mua gạo sang cả phía đông quốc lộ 1, địa bàn nằm trong sự kiểm soát của địch cực kỳ khó khăn và nguy hiểm. Vậy là đường về đồng bằng giờ đây phải dài thêm một cung nữa. Chập tối đi từ chân Hòn Tàu xuống, chúng tôi phải trú trong hầm hết ngày hôm sau, rồi đến tối vượt đường sang phía đông nhận gạo. Chúng tôi vẫn lấy gạo thông qua cơ sở tiền tuyến địa phương giấu trong những nấm mồ, trong các căn hầm bí mật ngoài rừng dương, trong nhà thờ, trong vườn cây, rồi nửa đêm lại ngược trở về băng qua quốc lộ 1, rúc hầm tránh địch thêm ngày nữa chờ trời tối lên núi Hòn Tàu.
* * *
40 năm sau giải phóng tôi đã xa Quảng Nam, nhưng tôi vẫn nhớ Hòn Tàu. Nhớ con đường một thời chiến tranh máu lửa đường qua Hòn Tàu và luôn tự hỏi, vì sao gọi là Hòn Tàu? Nhưng hình như chưa có một giải đáp nào chuẩn xác, ngoài hình tượng mà người dân xứ Quảng trông dãy núi giống như một con tàu. Phải chăng là như thế?! Một con tàu lớn, uy nghi, lừng lững đang rẽ sóng chạy băng băng trên biển. Hòn Tàu giáp ranh với ba huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Nông Sơn, với nhiều đỉnh cao hiểm trở Nhà Muỗi, Cù Hang, Mặt Rạng và hàng chục hang động rộng lớn Trầm Xác Máu, Bà Sáu, Hóc Xôi, Mũi Thuyền… Hòn Tàu còn được ví như một bức trường thành án ngữ về phía đông, che chở cho quân và dân Quảng Nam qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, lập nên nhiều kỳ tích, nhiều chiến công góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại 30-4-1975.
----------------------------
* Đại tá, nhà văn.