Trong số hàng ngàn người lao động mưu sinh bằng nghề hớt tóc trên mọi ngõ ngách của “Tây Đô”, có lẽ không ai hơn tay kéo Võ Văn Vân về cái khoản... “mê tín” văn hóa đọc.
Từ năm học lớp đệ ngũ (lớp 8), cậu bé Vân đã bắt đầu “se duyên” với sách và cho đến bây giờ, khi đã bước vào tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, không vợ không con, sống chung trong đại gia đình cùng với 2 em trai tại số 180/8F, đường 30.4, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, đối với ông, đọc sách vẫn là niềm đam mê, là thú tiêu khiển không gì thay thế được.
“Đọc sách để tự làm giàu tri thức”, suy nghĩ như vậy nên từ hồi còn nhỏ, ông thợ hớt tóc Võ Văn Vân ít khi chịu đi chơi hay xem xi-nê giống như chúng bạn. Với cậu bé, không nơi nào trên đất “Tây Đô” hấp dẫn hơn các nhà sách. Hễ được cha mẹ cho tiền ăn sáng, cậu bé đều để dành mua sách mang về đọc ngấu nghiến, từ tiểu thuyết Tàu cho đến các loại sách “tuổi hồng” của Nhà xuất bản Khai Trí dành cho học sinh phổ thông, từ các tác phẩm thơ mới cho đến các truyện ngắn, tiểu thuyết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn...

Thợ hớt tóc Võ Văn Vân (bên trái) chia sẻ thú vui với khách bằng những quyển sách thuộc loại “hàng độc”. Ảnh: N.H.P
Rời làng quê Yên Thượng - Cái Răng vì không thích hợp với công việc đồng áng, cha Vân - ông Võ Văn Bảy - dọn nhà đến phường Hưng Lợi hành nghề hớt tóc để mưu sinh. Hồi ấy, mỗi tiệm hớt tóc đều trưng bày chiếc đàn sến hoặc đàn mandolin treo trên vách. Sau này, khi đọc các sách nghiên cứu về văn hóa Nam Bộ của Sơn Nam, ông Vân nhận thấy tác giả “nói như in” nên thích thú tìm mua đủ bộ 20 cuốn của nhà văn này. Cũng có lúc ông thợ hớt tóc Võ Văn Bảy la rầy, quở phạt con trai, dọa sẽ đốt hết sách vì sợ cậu bé quá mê đọc mà lơ là việc học. Theo thời gian, số lượng sách “nhịn ăn sáng” của cậu bé Võ Văn Vân ngày càng gia tăng, đến nay đã có thể gọi là “thư viện mini” với rất nhiều sách.
Nghệ sĩ Ưu tú Trần Phương, cựu phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam, là một trong những khách hàng “ruột” của ông Võ Văn Vân, cho rằng đây là người thợ hớt tóc “có tâm hồn tài tử”. Còn ông Nguyễn, giáo viên Trường THPT Lưu Hữu Phước, thì kể lại câu chuyện khó tin, nhưng có thật diễn ra cách nay không lâu. Hôm ấy, có một cựu giáo viên quê ở Hưng Yên rất thích tìm hiểu văn hóa Nam Bộ ngỏ ý tìm đọc các tác phẩm của nhà văn Phi Vân (Lâm Thế Nhơn) quê ở Bạc Liêu. Ai dè ông thợ tóc nghe vị khách bảo Phi Vân chỉ có 3 tác phẩm, trong đó có quyển phóng sự “Đồng quê” để đời, lập tức tranh luận ngay: "Tôi đọc trong cuốn “Từ điển văn học” bộ mới của Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành, tác giả Nguyễn Huệ Chi viết: Phi Vân không chỉ có 3 truyện, mà trước đó đã có “Trên bãi cát vàng” và “Chim trời bạt gió” được đăng báo. Ngoài ra, nhà văn đồng hương với “công tử Bạc Liêu” này còn cho ra mắt độc giả: “Cô gái quê”, “Tình quê”, “Dân quê” và “Tình quê trong khói lửa”". Quả là đáng nể!
Bản tính chững chạc, hớt tóc kỹ càng, khách hàng của ông Vân gồm đủ mọi thành phần, trong đó có không ít cán bộ cách mạng lão thành, giảng viên đại học, cao đẳng, giáo viên, nhà báo, văn nghệ sĩ... Vừa hớt tóc, vừa đàm luận chuyện thời sự, văn chương, nhiều người khâm phục vốn tri thức phong phú và sự trải đời của ông thợ hớt tóc “mê tín” văn hóa đọc. Cách nay vài tháng, ông Đoàn Hồng Nguyên, giảng viên Khoa Chính trị-xã hội, Trường Cao Đẳng Cần Thơ, vì mến mộ đã ký tặng ông Vân quyển “Tú Xương toàn tập”, được thực hiện hoàn chỉnh từ luận án tiến sĩ của mình.
Theo Lao Động