 |
Ngô Thị Liễu |
Nghệ sĩ Ngô Thị Liễu, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, là người đi qua cả thời con hát và nghệ sĩ-chiến sĩ. GS Lê Ngọc Cầu kể, quê bà Ngô Thị Liễu ở Quảng Trị, gió Lào, cát cháy. Nhà nghèo, bà được thầy mạ cho đi học nửa buổi, còn nửa buổi ẵm em. Chả có đồ chơi gì để dỗ em, cô chị phải vừa hát vừa diễn tuồng cho em nghe, em xem. Những mảnh tuồng đầu tiên như Bạch xà nương, Liễu Nguyệt Tiêm - Đào Phi Phụng giáp chiến Liễu học mót được từ gánh hát Thanh Bình, từ Huế ra Quảng Trị biểu diễn. Xem lén, học lén mà Liễu thuộc rất nhanh. Có hôm em đã ngủ yên Liễu vẫn vào vai, cất tiếng:
Đó dù khoe hăm hở tài hoa
Đây cũng biết lẫy lừng sức gái (chớ!)
Liễu hét to quá, làm em giật mình khóc thét. Mạ hốt hoảng từ ngoài sân chạy vô, ôm lấy em, nhìn cô chị mặt mũi lem luốc hóa trang bằng phẩm màu, mắng, “mồ tổ đồ hư, đam mê hát xướng cho lắm, chỉ hư thân. Tau thì cấm cửa. Từ bữa ni còn lê la đến chỗ hát bội, tau bảo thầy mi cho trôi sông”.
Bị thầy mạ cấm, Liễu không dám lén đi coi hát nữa. Nhưng Liễu mê hát, mê diễn nên nhân dịp ba đi làm ăn trên sông Ba Lòng cả tháng cô lại bí mật tụ tập đám bạn cùng tuổi được mươi đứa có giọng hát tập vở tuồng Dương Chấn Tử để vui chơi với nhau. Khó nhất trong vở tuồng này là vai Mai Xuân giả điên thì Liễu nhận đóng. Tất cả hào hứng tập luyện, chừng nửa tháng thì có thể diễn từ đầu đến cuối, nên ai cũng muốn công diễn cho mọi người xem. Để công diễn bọn trẻ phải cùng nhau làm phục trang. Đứa nào có tiền thì góp nửa xu mua nến bạch lạp. Đứa không có tiền phải nhặt nhạnh giấy màu làm phục trang, rồi làm gươm giáo, đao cung. Cuối cùng thì “gánh” hát trẻ nhỏ cũng ra mắt vở Dương Chấn Tử tại một gian nhà cũ vốn để tạp hóa, nhưng chủ mới dẹp đi, chưa kịp phá. Nến bạch lạp thắp sáng. Kèn trống inh ỏi. Trẻ con kéo đến chật cả gian nhà vừa xem vừa la hét ầm ĩ, khiến người lớn tò mò, kéo đến xem bọn trẻ làm trò. Thấy đông khán giả bọn trẻ càng cao hứng, hát lạc cả giọng.
Gánh hát trẻ nhỏ của Liễu diễn được bốn đêm thì thầy mạ một số cô cậu trong gánh cấm không cho con đi diễn nữa. Thời ấy ai cũng sợ con cái làm cái nghề “vô loài”, chỉ hư thân mất nết: Trồng trầu mà lẫn với tiêu/ Con đi hát bội, mạ liều con hư.
Nhưng vì yêu hát múa, thích dựng tuồng để tự khẳng định nên gánh của Liễu vẫn kín đáo dựng vở mới: Diễn Võ Đình, rồi lại ra mắt khán giả trẻ con. Lần này do gánh hát luyện tập công phu, có hẳn ban nhạc, lại có người thương quý cho tiền mua sắm phục trang, tổ chức ra mắt chu đáo nên ba má các đào kép trong gánh đâm ra hoảng sợ, không coi là trò chơi bọn trẻ nữa, mà lo con cái theo nghề hát, nên các vị mạnh tay. Vở diễn bắt đầu, anh chàng đóng vai Triệu Khánh Sanh vừa bước ra sân khấu, cất lên ba tiếng: “Khổ tâm à...” thì bỗng ông bố hầm hầm cầm roi bước lên sàn, quất vào mông Triệu Khánh Sanh, quát: “À… ông bay đây chứ còn à cái chi rứa!”. Vở diễn dừng lại đột ngột. Khán giả hoảng vía chạy tán loạn. Những Bao Công, Vương Quý, thái sư Hồng Bàng không kịp trút bỏ phục trang, chạy tứ tung. Còn Liễu vừa diễn vai chính Kiều Quang, vừa chủ gánh hát chỉ còn biết đứng giữa sân khấu mà khóc.
Gánh hát trẻ con bị vỡ, Liễu nằm nhà khóc mấy ngày. May sao, chỉ sau đó ít lâu có gánh hát Mỹ Lợi của ông bầu Hai Neo từ Huế ra Quảng Trị biểu diễn. Nhớ tuồng quá, Liễu bí mật trốn nhà tìm đến gánh hát, xin được thử vai với ông bầu Hai Neo. Có giọng hát, vũ đạo không tồi, lại xinh xẻo nên sau khi xem Liễu thử vai ông bầu Hai Neo đến tận nhà xin cho cô đi theo gánh hát. Thầy mạ Liễu không những mời ông bầu ra khỏi nhà như xúc đất bỏ đi, mà cho Liễu một trận đòn ra trò. Cứ mỗi lần roi quất xuống lưng, ba lại gầm lên: “Mi làm điếm nhục gia phong! Mi bôi tro trát trấu vào mặt tổ tiên ông bà! Thà cho mi đi ăn mày, chứ không cho mi làm con hát! Đi hát chỉ tổ hư đời, nghe chưa!”.
Liễu nghe lời thầy mạ, thương thầy mạ nhưng vì si mê tuồng, không được diễn tuồng, hát tuồng thì như Hồ Nguyệt Cô mất ngọc, nên sau trận đòn Liễu trốn nhà đi tìm gánh hát Mỹ Lợi đang diễn ở Đông Hà. Gặp được Liễu tìm đến, ông bầu gánh Hai Neo như bắt được của. Chả là mấy bữa nay quan huyện đòi Mỹ Lợi diễn tuồng Hoa Dung Tiểu Lộ, nhưng gánh chưa thực hiện được vì thiếu người đóng vai Triệu Tử Cán. Liễu được mấy anh, mấy chị tập cho vai này. Chỉ một sáng một chiều học vai là Liễu bước lên sân khấu cùng các anh chị. Buổi đầu đứng dưới ánh đèn sân khấu với Liễu thật nhớ đời. Mình đẹp hay mình xấu? Mình có duyên hay vô duyên? Liễu chỉ thấy run lên, choáng ngợp vì hàng trăm đôi mắt đổ nhìn. Cuối cùng thì Liễu cũng diễn hết vai. Ông bầu Hai Neo nói với Liễu, mần tuồng chi mà như ăn cướp. Có lẽ Liễu hồi hộp quá mà nói nhanh, nói líu lưỡi. Dù sao thì những đêm sau Liễu vẫn được diễn. Những đêm bước lên sân khấu hút hồn, Liễu cứ như mơ.
Lưu lại ở gánh Mỹ Lợi chừng mươi hôm, Liễu vô cùng phấn chấn. Nhưng, ngần đó ngày xa nhà, Liễu lại thương thầy mạ, phải dứt áo ra về. Gánh thưởng cho cô 60 đồng kẽm. Đó là món tiền lớn đầu tiên mà Liễu có. Cô mua quà cho cả nhà. Thầy mạ thấy Liễu về thì thương, chỉ nhẹ nhàng dạy, “từ nay đừng trốn nhà theo hát nữa, nghe”. Liễu vâng lời dù trong lòng nhớ những đêm lên sân khấu đầy cuốn hút.
May quá, bấy giờ có cái nơi để Liễu dồn nỗi nhớ gánh hát, nhớ các vai diễn vào đó. Ấy là ngoài cổng chợ có anh chàng nặn tò he, có thể nặn các hình ông Phỗng, Quan Công, ông Phúc, ông Lộc, ông Thọ rồi quân tướng giáp trụ uy nghi cùng hoàng tử, công chúa... bằng bột nhuộm phẩm màu sặc sỡ, bán nửa xu một ông. Có tiền trong túi Liễu đặt anh nặn hơn một trăm hình là các nhân vật trong các vở tuồng mà cô yêu thích: Sơn Hậu, Đào Phi Phụng, Ngự Văn Quân, Giác Sanh Duyên, Ngũ Hổ... Đem bộ nhân vật tuồng về nhà, đêm đêm với những nhân vật tuồng nặn bằng bột nhuộm Liễu diễn tuồng một mình...
Rồi một đêm thị xã Quảng Trị lại tưng bừng tiếng trống của gánh hát Tá Heo từ Huế ra diễn tuồng Đào Phi Phụng. Nỗi nhớ sân khấu lại kéo Liễu ra khỏi nhà. Gánh hát Tá Heo là gánh gia đình, đào kép toàn con cháu trong nhà. Họ không có nhiều tiết mục. Với Liễu điều đó có hề chi. Dăm bảy đêm chỉ xem một tuồng tích Liễu cũng không bỏ. Liễu xem cho đến thuộc hết lời của các vai diễn.
Khi gánh Tá Heo rời khỏi Quảng Trị cũng là lúc Liễu gặp nạn.
Không biết vì đã xem Liễu diễn hay do ai đó mai mối mà thằng Tây làm Phó sứ Quảng Trị sai bồi đến tận nhà đòi “mua con Liễu” với giá 500 đồng. Năm đó Liễu mới 15 tuổi, nên tin này làm nhà cô như có đám ma. Mạ Liễu kêu trời, “tôi đẻ ra me Tây răng trời!”. Thầy Liễu đi ra đi vào không yên, nói, “Mần răng bây chừ! Mần răng?”. Nghĩ đến cảnh mới 15 tuổi mà phải làm vợ tên Tây Phó sứ già, Liễu sợ phát khiếp. Nỗi sợ càng thúc giục cô phải chạy trốn. Một sáng, Liễu ra chợ bán bộ quần áo mặc Tết đẹp nhất của mình được 2 đồng, mua quà cho em 2 hào, còn đem theo người vào Huế tìm gánh hát Mỹ Lợi. Không gặp được gánh Mỹ Lợi, Liễu tìm gánh Tá Heo. Ông bầu Tá Heo đồng ý cho nhập gánh, nhưng với yêu cầu Liễu kết duyên với anh kép tuồng là con trai của ông. Liễu buồn hay vui đây? Sau này, Liễu nói, đó là cú sẩy chân vì yêu tuồng, mê tuồng. Cú sẩy chân cô nhận ra sau khi biết gánh Tá Heo hoạt động theo các khuôn phép của hoàng gia. Khuôn phép ấy, đào và kép bị rẻ rúng. Theo phép hoàng gia thì khi bề trên trong triều đình đòi hỏi điều gì ở gánh hát thì đào kép phải tuân, không được sai lời. Vì thế trong gánh hát có kép đem cả vợ dâng cho bề trên, bắt vợ phải hầu quan lớn. Người vợ nào trọng nhân cách không chịu khuất phục thì bị đánh đòn, bị đuổi khỏi gánh.
 |
Vở tuồng Sơn Hậu |
Liễu không may mắc vào vòng oan trái này. Một cụ lớn trong triều gọi Liễu vào hầu hát. Cụ đã lớn tuổi mà làm xằng. Liễu nổi giận mắng thét vào mặt cụ. Thế là mọi người trong gánh hát hoảng cả lên vì sợ cụ lớn trả thù. Người ta nọc Liễu ra đánh đòn làm da thịt cô rớm máu để cụ lớn tha cho. Đánh đòn xong, Liễu bị bỏ đói. Liễu ốm lên ốm xuống đúng mươi ngày. Cho đến khi tỉnh dậy được cô lén ôm con trốn khỏi nhà, hướng về Nam tìm gánh hát để rồi suốt đời nhục vinh cười khóc với tuồng...
Liễu theo các gánh hát ở Sài Gòn diễn cho đến ngày Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Các gánh hát chưa kịp làm gì để theo kịp cách mạng thì Pháp quay lại chiếm đóng. Đào kép mỗi người chạy một ngả. Liễu dắt con trở về Đà Nẵng rồi lên Quế Sơn, Tiên Phước tham gia Hội mẹ và chị chiến sĩ, để rồi từ đây Liễu trở thành một trong những thành viên đầu tiên của Đoàn Tuồng Khu V phục vụ kháng chiến. Cũng từ đây Liễu bước sang cuộc đời mới, cuộc đời của người làm nghệ thuật sống giữa lòng nhân dân và chiến sĩ. Cô được yêu thương, đùm bọc, quý trọng. Những vai tuồng yêu nước, thương dân và son sắt tình nghĩa con người của cô không chỉ diễn trong rừng kháng chiến mà theo cô đi xa hơn, đến nhiều nước châu Âu, châu Á. Từ bề dày nghệ thuật với 94 vai diễn xuất sắc trong các vở tuồng, Liễu được giao trọng trách làm Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam - một trong những giám đốc đầu tiên của nhà hát ngành tuồng cả nước.
Ấn tượng đặc biệt sâu sắc với Liễu là lần diễn tuồng Chị Ngộ cho Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh xem. Liễu đóng vai chính, vai chị Ngộ. Khi diễn đến lớp chị Ngộ bị giặc ép phải ôm đầu anh Tài, một đồng chí của mình, quăng xuống cống, Liễu thấy Bác nghiêng đầu cúi xuống. Đến khi vở diễn kết thúc, Bác nói, thấy chị Ngộ bị giặc ép phải quăng đầu đồng chí của mình, Bác đau nhói trong tim, không chịu nổi. Từ đấy, cảnh diễn quăng đầu bị cắt bỏ. Chỉ một nhận xét ngắn, Bác đã dạy cho các nghệ sĩ về xúc cảm thẩm mỹ là làm cho người xem tự hào, căm thù, phẫn uất nhưng không ghê sợ...
_____
* Nhà văn, nguyên Tổng biên tập tạp chí Sân Khấu, Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật.
(Hồn Việt số 83, 7/2014, tr. 49)