Bố đi Hà Nội có đến thăm bà Cả. Đó là việc không thể thiếu mỗi khi bố ra Bắc. Bà Cả thương yêu bế ẵm bố, chăm nom bố từ tấm bé. Bố cũng yêu quý bà như cha mẹ mình.
Lần này gặp bà, thấy đôi mắt bà như mất hết tinh thần, bà khóc lóc kể đến sự ăn ở tệ bạc của con dâu, của cháu, của chắt nội đối với mình. Bà nhờ bố đưa bà về quê, cõng bà ra thăm mộ ông bà nội của bố rồi thảm thiết khóc “Bố mẹ cho con đi theo với! Đời con khổ quá!”.
Bố nhớ lại thời “bao cấp”, gia đình bà rất nghèo nhưng yêu thương nhau lắm, đối với gia đình mình cũng rất đằm thắm. Nuôi bốn con còn nhỏ, vợ chồng chú K. con bà sẵn sàng làm ngoài giờ mọi việc, kể cả đi kéo xe thuê để nuôi con. Bà Cả thì đi mót nhặt thóc khoai… sau khi chủ ruộng đã thu hoạch để thêm thức ăn cho gia đình. Khi có con cá ngon do đi câu được cũng cắt khúc ngon nhất đem ra biếu nhà mình. Nghèo nhưng thảo tính lắm…
Mọi việc chỉ xảy ra sau năm 1975, khi thống nhất đất nước. Bà Cả liên lạc lại được với cô con gái tên T. đã vào Nam năm 1954, bây giờ giàu có khá giả. Tất nhiên, thương mẹ, thương anh, cô T. gửi tiền của giúp đỡ với giá trị lớn. Thế là mọi sự thay đổi nhanh chóng. Họ xa lánh mọi người, kể cả nhà mình là chỗ thân thiết, những để tránh nhờ vả vay mượn(!). Các con chú K. có tiền, bèn ăn chơi trụy lạc, mới 17 tuổi đã mắc bệnh lậu.
Họ nịnh hót bà để khai thác tiền, nghi ngờ nhau người này được “cho” nhiều ít khác nhau. Sau này, bà hết tiền thì tình cũng cạn. Anh em vác dao đâm chém nhau. Chơi bời cờ bạc, số đề… cuối cùng thì hai căn nhà 2, 3 tầng cũng bán đi để trả nợ. Sự tụt dốc hết cỡ.
Nhìn ngoài xã hội thì cũng không biết bao nhiêu cảnh gia đình giàu có, con cái quan chức lắm tiền nhiều của nhưng con cái hư hỏng, trở thành một nguy cơ lớn cho xã hội…
Nguyên nhận hiện tượng kể trên là, tiền không do mồ hôi nước mắt mình làm ra, hoặc dễ dàng có được, lại không được dạy dỗ giáo dục chu đáo. Đồng tiền khi đó là liều thuốc độc giết dần hoặc giết chết ngay con người, thật chua xót.
Là người, phải biết quý trọng đồng tiền, vì có được là do ông bà cha mẹ đem mồ hôi nước mắt cật lực làm ra, hoặc do chính mình vất vả mới có được. Khi có tiền của, phải biết chia sẻ giúp đỡ họ hàng, bạn bè, những người nghèo khổ hoạn nạn, những người gặp cảnh không may. Phải biết tiêu pha đúng mức, biết tiết kiệm phòng khi khó khăn, nhất là biết dùng đồng vốn đó để sinh sôi nảy nở… khi đó, đồng tiền là liều thuốc bổ, giúp con người sống có ý nghĩa, được mọi người kính trọng. Bố chỉ nhắc con và hy vọng con sẽ có nếp sống cần cù, tiết kiệm, luôn nghĩ đến mọi người, không biến thuốc bổ thành thuốc độc!
Bài liên quan: