Gần ba phần tư bề mặt trái đất là biển. Biển nuôi dưỡng con người và đưa họ từ các lục địa đến với nhau. Toàn cầu hóa dường như được bắt đầu bằng chuyến thám hiểm năm 1492 để tìm con đường biển sang châu Á của Columbus, nhưng duyên phận đã đưa đẩy ông đến với một vùng đất hứa của châu Mỹ mà khi đó người châu Âu chưa từng biết tới.
Họ gọi đó là Tân Thế Giới. Mơ ước tự do và giàu có đã thôi thúc những dòng người di cư từ châu Âu sang bắc Mỹ và rồi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ xuất hiện trên địa cầu.
Hoa Kỳ đã có mối quan hệ từ lâu với châu Á. Mối bang giao kinh tế và tương tác văn minh Mỹ-Á là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng của châu Á từ sau thế chiến thứ hai tới nay. Tiếp theo sau sự trỗi dậy về kinh tế của Nhật Bản cùng các “con hổ” khác sau thế chiến thứ hai là sự xuất hiện của Trung Quốc và Ấn Độ trên võ đài kinh tế thế giới sau Chiến tranh lạnh.
Nga cũng có mối quan hệ lịch sử dài lâu với châu Á, đặc biệt là với Việt Nam. Bài thơ Đợi anh về của C.Ximonov và bộ phim Bài ca người lính của Grigori Chukhrai cùng nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật Xô viết khác đã trở thành hành trang tinh thần của các thế hệ Việt Nam thời kháng chiến.
Sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Barak Obama và đại diện của Tổng thống Nga - Ngoại trưởng S.Lavrov - tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần VI ngày 19/11 vừa qua ở Indonesia có thể coi là “sự trả nợ duyên” cho Columbus vì ông đã từ châu Âu, định tìm đường biển sang châu Á nhưng lại phát hiện ra châu Mỹ. Đã là duyên thì “đúng hẹn mới tới”, không thể sớm hơn và cũng không thể muộn hơn. EAS ra đời từ 2005 tại Kuala Lumpur (Malaysia) với sự tham gia của 16 nước: 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Nga cũng tham gia EAS I với tư cách quan sát viên.
Tới năm 2010, tại EAS V ở Hà Nội, với vai trò Chủ tịch, Việt Nam đã mời Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton và Ngoại trưởng Nga S. Lavrov tham gia với tư cách là khách mời. Hội nghị này cũng đã nhất trí mời Mỹ và Nga tham gia chính thức EAS VI năm sau ở Indonesia - điều mà Trung Quốc không mấy hài lòng nhưng đành phải chấp nhận vì ASEAN quyết tâm cổ vũ.

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 19 tổ chức ở Indonesia năm 2011.
Việc Tổng thống Mỹ Barak Obama tham dự EAS VI cũng là hệ quả tất yếu của sự điều chỉnh chính sách châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ theo hướng “trở lại Đông Nam Á” khi Trung Quốc đang “trỗi dậy” toàn diện mạnh mẽ và ngày càng tỏ ra quyết đoán hơn, đặc biệt là ở khu vực biển Đông. Đây là vùng biển rộng lớn có diện tích khoảng 3,5 triệu km2 và có tầm quan trọng đặc biệt về cả an ninh chiến lược, kinh tế biển và hàng hải quốc tế. Nó được xem là một trong năm “bồn trũng” chứa dầu khí lớn nhất thế giới (có thể chỉ sau Trung Đông). Biển Đông còn có nguồn tài nguyên sinh vật lớn, có vai trò rất quan trọng tới phát triển kinh tế biển của các nước xung quanh.
Biển Đông nằm trên các tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền Thái Bình Dương với Đại Tây Dương, châu Á với châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Hơn 90% thương mại quốc tế được vận chuyển bằng đường biển, trong đó có 45% đi qua biển Đông. Eo biển Malacca có tầm quan trọng đặc biệt. 1/3 thương mại toàn cầu và 66% lượng dầu lửa cùng khí đốt hóa lỏng được vận chuyển qua eo biển này hằng năm.
Năng lượng được vận chuyển qua eo biển Malacca lớn gấp 3 lần qua kênh đào Suez và lớn gấp 15 lần qua kênh Panama. Hơn 80% lượng dầu nhập khẩu và 42% hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản, 90% lượng dầu nhập khẩu và 60% hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, 95% hàng xuất khẩu của Việt Nam được vận chuyển qua các đường hàng hải đi qua biển Đông.
Đối với Mỹ, biển Đông là mắt xích quan trọng trong tuyến phòng thủ chiến lược chạy từ Vịnh Pécxích qua biển Đông tới bán đảo Triều Tiên. Tháng 7/2010, Chính quyền B.Obama đã thông qua kế hoạch đầu tư 11 tỉ USD nhằm xây dựng Guam thành một căn cứ “siêu quân sự” với diện tích 16.000ha (1/3 đảo Guam) ở bờ tây Thái Bình Dương. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ tới châu Á là 320 tỉ USD, tạo ra 850.000 việc làm.
Ngày 12/11/2011, tại Honolulu, cuộc họp cấp cao các thành viên “Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương” (TPP) bao gồm Australia, Brunei, Chile, New Zealand, Malaysia, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam do Tổng thống Mỹ B.Obama chủ trì đã đạt thỏa thuận về khung tổng thể của hiệp định và nhất trí tiếp tục nỗ lực để có thể cơ bản hoàn tất văn bản pháp lý của hiệp định.
Cuộc họp cũng đã hoan nghênh nguyện vọng của Nhật Bản và một số nước trong khu vực mong muốn tham gia tiến trình đàm phán. Sự phục hồi kinh tế trong nước của Mỹ sẽ phụ thuộc vào xuất khẩu và khả năng khai thác thị trường tiêu dùng rộng lớn đang ngày càng phát triển mạnh mẽ ở khu vực châu Á của các công ty Mỹ. Với TPP, Mỹ muốn tạo ra tăng trưởng kinh tế lâu dài với chất lượng cao hơn.
Trong bài Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ (America’s Pacific Century) đăng trên tạp chí Chính Sách Đối Ngoại (Foreign Policy) số tháng 11/2011, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng: khi cuộc chiến Iraq đã lắng xuống và quân Mỹ bắt đầu rút khỏi Afghanistan, nước Mỹ đang đứng ở một cột mốc quan trọng.

Bản đồ Đông Á.
Hơn 10 năm qua, Mỹ đã dành nhiều nguồn lực to lớn cho hai sân khấu này nhưng trong 10 năm tới, Mỹ cần phải khôn khéo và cân nhắc một cách có hệ thống về nơi mà Mỹ sẽ đầu tư thời gian và sức lực, để đặt mình vào vị trí tốt nhất nhằm duy trì sự lãnh đạo, đảm bảo lợi ích và thúc đẩy các giá trị của Mỹ. Nơi đó là châu Á-Thái Bình Dương vì khu vực này đã trở thành một động lực chính của nền chính trị toàn cầu.
Trong hai năm rưỡi qua, Chính quyền B.Obama đã tiến hành những bước đi mở đường cho việc hướng tới chính sách can dự tại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ trong 6 thập niên tới với sự kế thừa những thành tựu của 6 thập niên vừa qua.
Sự hiện diện chính thức của Nga ở EAS vào thời điểm tròn hai mươi năm sau khi Liên Xô tan rã có một ý nghĩa đặc biệt trong chiến lược đối ngoại “đại bàng hai đầu Âu-Á” của Nga. Ngay từ cuối thế kỷ XX, giới nghiên cứu chiến lược của Nga đã khuyến cáo trong 5-20 năm tới, Nga cần thận trọng theo dõi sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Xibêri và Viễn Đông, cũng như tại Trung Á. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ra đời vào năm 2001 cũng là nhằm tăng cường hợp tác và xây dựng lòng tin.
Tuy nhiên vào năm 2009, Tướng Nikolai Makarov của Nga đã từng nói bóng gió rằng, Trung Quốc và NATO “là hai đối thủ địa chính trị nguy hiểm nhất” của nước Nga. Năm 2010, Hội đồng Nga về Tổ chức Hợp tác An ninh châu Á-Thái Bình Dương (CSCAP) đã trình lên Tổng thống Dmitry Medvedev một báo cáo có nhan đề “Hướng Đông: Chiến lược của Nga trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương”. Hội đồng đưa ra khẩu hiệu “Dựa vào phương Tây, Ổn định phía Nam và Hướng sang phương Đông”, đồng thời xem Nga như là một đất nước “châu Âu - Thái Bình Dương”.
Bên cạnh việc Vladivostok - từng là thủ phủ của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga - đăng cai Hội nghị của các nhà lãnh đạo APEC vào năm 2012, Mátxcơva đã có chiến lược phát triển vùng Viễn Đông và Đông Xibêri đến năm 2020 với dự toán riêng cho vùng Xibêri lên tới trên 60 tỉ USD. Xibêri có dự trữ “vàng đen” có thể thỏa mãn được cơn khát dầu của châu Á, đồng thời các dự án phát triển Xibêri có thể thu hút nguồn vốn đầu tư phong phú từ cả Mỹ, Trung Quốc, Indonesia lẫn Singapore và các nước khác.
Sự không trùng hợp giữa “tên miền” của EAS với vùng địa lý của các đại biểu tham gia ngay từ hội nghị đầu tiên tự nó đã khắc họa nét đặc thù của chủ nghĩa khu vực mở do ASEAN (tổ chức của các nước vừa và nhỏ) đã và đang thúc đẩy sau Chiến tranh lạnh. Đó là điểm khác biệt đầu tiên so với quá trình hợp tác và liên kết ở Tây Âu do Pháp và Đức - hai nước lớn ở khu vực này làm nòng cốt. Nhưng để làm được điều đó, Pháp và Đức đã phải tự vượt lên chính mình, hóa giải mối hận thù từ thế chiến thứ hai để tiến tới xây dựng quan hệ đối tác và hữu nghị lâu bền. Từ chiến tranh và hoang tàn tới hòa bình và thịnh vượng ở Tây Âu cũng có thể coi là một hình mẫu về “khoan dung” (tolerance) và “cởi mở” (open) trong bang giao quốc tế.
“Khoan dung” và “cởi mở” vốn là chân lý Phật giáo phương Đông. Kinh điển Phật giáo có ghi lại lời của Đức Phật khi người chứng ngộ: “Chân lý mà ta nhận biết đó rất sâu xa, tĩnh lặng, không bị quy định, sáng ngời và ra ngoài mọi tạo tác của tâm thức”. Tuy nhiên, ngộ ra “khoan dung” cùng “cởi mở” trong nhận thức và thực hiện được chúng trong cõi trần lại là hai việc khác nhau vì con người trong cuộc sống vốn thường bị “vướng” vào “tham, sân, si”. Trong các kiểu tham thường tình có tham quyền lực.
Chính trị quốc tế, theo chủ thuyết “Hiện thực” (Realism), là cuộc đua tranh quyền lực để giành giật lợi ích lớn hơn. Chiến tranh lạnh đang lùi xa, nhưng tư duy quyền lực trong Chiến tranh lạnh vẫn hiện hữu và chi phối quan hệ quốc tế trong hai mươi năm qua kể từ khi Liên Xô tan rã. Chiến tranh cục bộ, chạy đua vũ trang, căng thẳng vẫn tiếp diễn để thỏa mãn các cơn khát quyền, khát tiền, khát dầu lửa vô độ v.v…
Đông Á xem ra có vẻ tương đối bình yên hơn các khu vực khác như Balkan, Trung Á, Trung Đông và Bắc Phi. Nhưng phần chìm của “tảng băng” còn rất lớn và khó đoán định, đặc biệt là trong vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên, hồ sơ biển Đông và các quan hệ Trung - Mỹ, Trung - Nhật v.v… Có thể thấy là chừng nào các nước lớn này chưa thực sự khoan dung và cởi mở với nhau, chưa có sự tin tưởng chiến lược song phương chí ít là như Pháp với Đức thì tiến trình hợp tác Đông Á vẫn còn phải đối mặt với trở ngại lớn.

Hình ảnh Thủ tướng Đức Willy Brandt quỳ trước đài tưởng niệm ở Ba Lan năm 1970 thể hiện tinh thần hòa giải, hợp tác.
Từ Đông Á nhìn sang Tây Âu cũng thấy chạnh lòng. Hình ảnh Thủ tướng CHLB Đức Willy Brandt quỳ trước đài tưởng niệm những nạn nhân người Do Thái ở trại tập trung Ghetto (Warsaw, Ba Lan năm 1943) trong chuyến thăm chính thức Ba Lan ngày 7/12/1970, có sức cảm hóa và lan tỏa lớn về ý chí chính trị, đạo lý và tình cảm trong hòa giải, đối thoại và hợp tác Đông-Tây thời ấy. Cũng người ấy, đất ấy và nền văn minh bên bờ sông ấy, có khác chăng thì chỉ là màu mắt, màu da và màu tóc.
Ước gì ở Đông Á cũng có những nghĩa cử lay động lòng người theo tinh thần Phật giáo để cho sự thù hận, nghi kỵ và chiến tranh vĩnh viễn lui về dĩ vãng, còn hòa bình ngự trị dài lâu. Trong không gian toàn cầu hóa này, chưa bao giờ lòng tự hào, tự tôn của mỗi quốc gia và từng khu vực lại dễ bộc lộ và cũng dễ bị tổn thương đến vậy.
Thế giới toàn cầu hóa đan xen thời cơ với thách đố trong môi trường chiến lược đầy cạm bẫy và rủi ro như thảm họa tự nhiên, biến đổi khí hậu, chiến tranh cục bộ, khủng bố quốc tế, khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh hiểm nghèo v.v… đang buộc Đông Á phải sớm giác ngộ để có sự lựa chọn “thuận đạo hợp đời” và dũng cảm hành động để sánh vai cùng các khu vực khác. EAS VI đã có “Tuyên bố về Kết nối ASEAN” trong nội bộ và với các đối tác với 3 trọng tâm là hạ tầng cơ sở, thể chế và nhân dân với nhân dân, đồng thời khuyến khích hợp tác công - tư để tối đa hóa nguồn lực của các quốc gia trong việc thực hiện kế hoạch chung.
Thành công thứ hai là “Tuyên bố về Nguyên tắc quan hệ cùng có lợi giữa các thành viên”, gồm 12 định hướng quan hệ trong các lĩnh vực an ninh, chủ quyền lãnh thổ, tự chủ quốc gia, bản sắc văn hóa, quan hệ kinh tế, giải quyết tranh chấp và tôn trọng công pháp quốc tế. Từng bước biến những tuyên bố này thành hiện thực sẽ giúp ASEAN mạnh lên và giữ được vai trò trung tâm trong các liên kết mở rộng ở khu vực nói chung và EAS nói riêng. 18 nước thành viên EAS chiếm khoảng 56% GDP thế giới, 63% dân số và 44% thương mại toàn cầu.
Mỹ đã mở cơ quan đại diện bên cạnh ASEAN tại Jarkarta. Tổng thống B. Obama đã chủ trì Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2011 ở Hawaii với cam kết củng cố APEC như là cơ chế hợp tác kinh tế quan trọng nhất tại châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ cũng nỗ lực sáng tạo và khởi động một số diễn đàn “tiểu đa phương” (minilateral) như “Sáng kiến hạ nguồn Mekong” (LMI) và “Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương” để hỗ trợ các thành viên đối phó với những thách thức từ biến đổi khí hậu, đánh bắt thủy sản quá mức đến tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế quy định.
Chưa ai biết được những hậu quả khôn lường của biến đổi khí hậu. Nước lụt đã tràn ngập cả thủ đô Bangkok của Thái Lan, nhưng rồi một ngày kia ở một nơi nào đó thì đất lại có thể sẽ khô cằn vì hạn hán. Trong tác phẩm Biện chứng tự nhiên, F.Engels đã viết về “sự trả thù của tự nhiên” đối với những hành vi bất cẩn và tham lam của con người.
Dòng chảy chính của sông Mekong ở Trung Quốc đã bị chặn bởi 4 dự án thủy điện trong quy hoạch 8 dự án chứa nước thủy điện của Trung Quốc. Đập thủy điện Tam Hiệp của Trung Quốc được khởi công xây dựng từ năm 1994, hoàn thành và đưa vào vận hành phát điện từ năm 2008. Đây là đập thủy điện lớn nhất châu Á với chi phí 24 tỉ USD. Hồ nước cao 185m, dài 660km, chứa 39 tỉ m3 nước, công suất hơn 18.000 MW (gấp hơn 9 lần thủy điện Hòa Bình của Việt Nam). Lào, Thái Lan và Campuchia cũng có kế hoạch xây dựng các đập thủy điện trên sông Mekong.
Hậu quả tai hại thì không nước nào tránh được, nhưng đồng bằng sông Cửu Long ở hạ nguồn sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Điều băn khoăn là cho tới giờ Trung Quốc vẫn chưa tham gia Ủy hội sông Mekong do Liên hiệp quốc tổ chức. Ở Trung Quốc có câu chuyện Tào Phi ép Tào Thực nếu đi hết bảy bước mà làm được một bài thơ (thất bộ thành thi) thì sẽ dung tha. Sau bảy bước khoan thai, Tào Thực đã đọc: “Nấu đậu bằng dây đậu/ Ðậu ở trong chảo khóc/ Vốn thiệt một gốc sanh/ Ðốt nhau sao quá gấp”.
“Chảy đi sông ơi!”. Giữ cho các dòng sông đều chảy tràn trề hai bờ nước như ngày xưa là ước mơ, quyền lợi và nghĩa vụ của các dân tộc, của các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. An ninh và phát triển ở vùng châu thổ sông Cửu Long một cách tự nhiên gắn liền với an ninh và phát triển ở biển Đông. Nếu sông Hồng là sông Cái (sông Mẹ) của miền Bắc, thì sông Cửu Long cũng là “sông Mẹ” của miền Nam.
Cũng có thể toàn cầu hóa bắt đầu từ chữ cái “M” đầu tiên trong từ “Mẹ” tiếng Việt, trong từ “Maть” tiếng Nga, trong từ “Mother” tiếng Anh, trong từ “Mère” tiếng Pháp và trong từ “Mutter” tiếng Đức. Mẹ sinh ra nhân loại từ cái bầu - tròn như quả địa cầu. Đối với Việt Nam - dải đất cong hình “thái cực” với hai dòng sông “Mẹ” ở hai vùng châu thổ bãi bồi rộng lớn ở hai “cực” của đất nước, lưng tựa vào Trường Sơn, mặt hướng ra Thái Bình Dương, có thể coi Đông Á là “miền quê hương”. Trong “Quốc ca” triều Nguyễn có điệp khúc:
“Miền là miền Đông Á Giống rạng giống tiên rồng Nền là nền văn hiến Tiếng rạng tiếng anh hùng”. |
Cùng với các thành viên của ASEAN, Việt Nam nỗ lực tiếp tục phấn đấu để biến EAS thành một diễn đàn của hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trong thế giới toàn cầu hóa nhân văn chữ “M”.