Chúng ta rất đỗi tự hào rằng người Việt Nam đạt tầm thiên tài nhân loại. Sướng, sướng lắm! Bao nhiêu là chuyện gia đình, chuyện năng khiếu, chuyện từ thời cấp 1, cấp 2, chuyện học Toán làm Toán ở Pháp của Ngô Bảo Châu ta biết cả rồi. Và phải nói là ngoài chuyện đam mê, quyết tâm, lao động nhẫn nại, “thiên tài” phải có “duyên” nữa mới thành tựu. Ngô Bảo Châu là người có “duyên” vậy.
Ta đã biết Đặng Thái Sơn, một thiên tài biểu diễn âm nhạc, cũng có một con đường tương tự.
Nhưng còn bao nhiêu người khác. Ít ra ở Mỹ, ta còn biết có Vũ Hà Văn (GS Đại học, ông có nhiều phát minh Toán tầm cỡ), Lê Tự Quốc Thắng (GS Đại học ở Atlanta, Mỹ) cũng cỡ vậy. Và 2 người con trai của GS Bùi Trọng Liễu ở Paris, 2 anh có nửa dòng máu Việt là GS Toán ở Đại học Paris. Người Việt Nam có khả năng trừu tượng, tưởng tượng cao, có khả năng đạt đỉnh cao về Toán. Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu mà ngày nay nhiều người tri ân, nhắc lại chuyện của các Cụ, chuyện một thời trong việc chọn người, đào tạo nhân tài…, trong đó có Toán.
Một thời đất nước đói nghèo, chiến tranh mà đào tạo bao người say mê, tâm huyết, tài năng như thế…
Nay thì GS Ngô Bảo Châu mang về cho Tổ quốc một giải thưởng tuyệt vời. Rồi sao? Sau vui mừng, cười tươi… có thể là những giọt nước mắt thầm rơi… GS Ngô Bảo Châu cứ mỗi năm về nước vài ba tháng giúp anh chị em Việt Nam làm Toán, sáng tạo Toán, một môn học cơ bản cần thiết cho khoa học và Tổ quốc. Mong rằng mọi việc sẽ suôn sẻ. Lấy tiền lương 320.000 USD/năm của Đại học Chicago ở Mỹ mà phục vụ Tổ quốc đang nghèo, đang trả lương cho GS có bốn triệu tư một tháng (4.400.000 đồng), thật tuyệt! Câu chuyện Ngô Bảo Châu có thể kết thúc có hậu ở đó.

GS Ngô Bảo Châu cùng mẹ và hai con gái. Ảnh do gia đình cung cấp.
Nhưng khoa học, dù là khoa học cơ bản, không chỉ có Toán. Còn Lý, Hóa, Sinh (nhiều khi Sinh mới là mũi nhọn)… Rồi Khoa học xã hội đang “báo động đỏ” như lời PGS - TS Đoàn Lê Giang mới lên tiếng trên Hồn Việt (số 37 - tháng 7/2010). Mà KHXH yếu tức là tư tưởng, văn hóa yếu! Ai sẽ đi cứu nó?
Sơ sơ qua như thế, chứ vấn đề khoa học giáo dục văn hóa rộng lớn và bao ngổn ngang! Phải làm một “chiến dịch Điện Biên Phủ” may chi mới cứu được nó!
Mong rằng hiện tượng Ngô Bảo Châu sẽ là một cú huých, một khởi đầu để có một trận đánh lớn và một trận thắng lớn, thay đổi cục diện, chuyển biến tình hình. Việt Nam chỉ có thể đi lên từ chấn hưng giáo dục, khoa học, văn hóa…, từ con người, từ đào tạo con người… Đó là điểm sơ đẳng ngày nay ai cũng biết. Cái còn lại là hành động và lộ trình hành động.
Bài liên quan: