Ý nghĩa sâu sắc về tình hữu nghị…
Ý nghĩa của bộ phim là quá rõ bởi đây là bộ phim ca ngợi tình hữu nghị giữa hai dân tộc đã có mối quan hệ hợp tác dài lâu gần nửa thế kỷ. Cái tứ của kịch bản là sự đan chéo giữa quá khứ và hiện tại. Từ hiện tại, những người trẻ của hai nước gặp nhau trong việc hợp tác kinh doanh và cùng nhau quay trở lại quá khứ để tìm hiểu về một con người Việt Nam đã đến nước Nhật trăm năm trước: Phan Bội Châu.
Tetsuya, một doanh nhân người Nhật đến Việt Nam cùng với dự án hợp tác kinh doanh, nhưng anh đã chạm phải một bức tường thành khó hiểu bởi sự đánh đố của công ty đối tác tại Việt Nam: Đi tìm một kho báu từ một bức ảnh cũ với những con người của thế kỷ trước. Cuộc hành trình quay ngược thời gian của những người trẻ Nhật đã cho anh một lời đáp đầy ý nghĩa của một tình bạn chân thành giữa hai con người của hai dân tộc Việt - Nhật: bác sĩ Asaba Sakitaro và Phan Bội Châu. Và cái kho báu mà ban đầu anh đã định dùng cuốc xẻng để đào lên như cách hiểu đơn giản của người đương đại đã dần dần hé lộ cho anh thấy nó hoàn toàn không phải là vàng ngọc, nhưng nó thực sự quý giá hơn bất kỳ thứ hiện kim nào. Đó chính là tình cảm chân thành, vô vụ lợi của tình người, một tình cảm cao cả vượt qua giới hạn của quốc gia, dân tộc. Là sự đồng cảm, thấu hiểu và nghĩa khí của một tình bạn chân thành. Đó là bức thông điệp mà nhân vật Nam, giám đốc phía Việt Nam đã muốn bày tỏ cùng đối tác của mình. Trăm năm, một quãng thời gian dài, nhưng tình bạn sâu nặng ấy vẫn vững bền như tấm bia đá mà Phan Bội Châu dựng nên để ghi ơn người bạn Nhật đã giúp đỡ mình hết lòng. Nghĩa tình ấy sẽ tiếp tục sống mãi trong lòng những người đương đại. Đó cũng là chứng nhân để hai dân tộc cùng hiểu nhau hơn. Trước kia là cứu nước, bây giờ là xây dựng đất nước. Khi cùng nắm tay nhau bước qua khỏi cái ranh giới khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và cùng có một hướng nhìn chung thì sự hợp tác giao thương giữa hai dân tộc không chỉ đơn thuần là những đối tác trên thương trường mà còn là những người cộng sự của nhau, biết cùng chia sẻ để vượt qua những khó khăn trở ngại.
Song song với hướng chủ đạo về nhân vật Phan Bội Châu, mối tình của Tetsuya và cô gái Việt - Hồng Liên cũng song hành như một điểm nhấn với những gam màu tươi điểm tô thêm cho ý nghĩa chính luận của phim. Hồng Liên bằng tình cảm chân thành của mình đã vén được bức màn lạnh giá trong trái tim của cô bé Sakura, con riêng của chồng. Cô bé đã nhận ra hình ảnh người mẹ thực sự từ một người phụ nữ đến từ đất nước khác. Đó cũng là một bức thông điệp về ý nghĩa hạnh phúc của những cuộc hôn nhân vượt qua ranh giới quốc gia, tình yêu của họ phải thực sự đủ lớn để vượt qua mọi rào cản khó khăn phía trước…
… Đâu là ranh giới giữa hư cấu và lịch sử?
Có lẽ chính vì ý nghĩa hữu nghị ấy mà Liên hoan phim 18 đã trao Giải vàng cho phim Người cộng sự. Nhưng đã là người Việt Nam có học sử Việt, hiểu biết về nhà chí sĩ Phan Bội Châu thì khó lòng có thể chấp nhận hình ảnh một Phan Bội Châu như trong phim đã thể hiện. Trước đó, VTV đã thực hiện 2 tập phim tài liệu về cụ Phan Bội Châu, cũng nhân kỷ niệm 40 năm hợp tác Việt - Nhật. Và vì là phim tài liệu, nên các tác giả đã hoàn toàn trung thực với lịch sử. Hình ảnh Phan Bội Châu được khắc họa là một sĩ phu yêu nước nồng nhiệt, một con người có chí khí đánh Tây từ năm 17 tuổi. Nhưng lúc bấy giờ những cuộc khởi nghĩa trong nước từ Nam chí Bắc đã dần tan rã trước sự đàn áp đẫm máu của thực dân. Ông đã nghiên cứu nhiều tài liệu từ nước ngoài gửi về và biết được sự phát triển của nước Nhật nhờ vào con đường Duy tân và đã đánh thắng nước Nga năm 1904. Chí lớn của Phan Bội Châu là đi tìm đường cứu nước khác bằng con đường Đông du với niềm tin cháy bỏng là một đất nước đồng Văn, đồng Chủng, đồng Châu, ắt sẽ giúp Việt Nam đánh đuổi thực dân Pháp.
Phan Bội Châu sang Nhật cùng Tăng Bạt Hổ là người của phong trào Cần vương, chạy sang Nhật và từng có công trong cuộc chiến Nga - Nhật, ông sẽ là người phiên dịch cho Phan Bội Châu khi tiếp xúc với các nhân vật thế lực của Nhật sau này. Tại Hoành Tân, Phan Bội Châu đã hai lần gặp gỡ và đàm đạo (bằng bút đàm) với Tôn Trung Sơn và Lương Khải Siêu về quốc sự Việt Nam và được ông Lương giới thiệu với hai chính khách có thế lực nhất ở Nhật lúc bấy giờ là ông Đại Ôi (Okuma Shigennobu) từng hai lần làm Thủ tướng, Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoshi) - Đổng lý của đảng Tiến bộ ở Nhật. Chính những nhân vật này đã giúp đỡ ông hết lòng về chính trị để ông có thể đưa 200 du học sinh sang Nhật, còn Kashiwabara Buntaro và sau này là bác sĩ Asaba Sakitaro là những người giúp đỡ về phương tiện vật chất. Là một nhà cách mạng có học thức, con đường cứu nước của ông được hoạch định và tổ chức rất quy củ. Duy tân hội do ông và các đồng chí thành lập có ban kinh tài để lo kinh phí và được sự ủng hộ nồng nhiệt của các hào phú trong nước. Những bức huyết thư ông viết gửi về nước trong giai đoạn này đã trở thành luồng sóng lớn cổ vũ thanh niên cả 3 kỳ lên đường Đông du. Trong nước, trường Đông Kinh nghĩa thục được mở để mở mang dân trí và khích động lòng yêu nước của thanh niên. Ở Nhật, ông thành lập Việt Nam Công Hiến rất chú trọng tổ chức những buổi “sinh hoạt chính trị” giúp học sinh rèn luyện tư tưởng, đạo đức cách mạng. Hệ thống tổ chức bố trí nhân sự và điều hành hoạt động ở đây tựa như một “Chính phủ lâm thời”.
Phan Bội Châu đã từng bộc bạch: “Tôi nghiễm nhiên như một quan Công sứ của nước Nam ở nước ngoài mà lại kiêm cả chức Đốc kinh lý nữa. Giếng sâu tay ngắn, việc lớn tài hèn, tôi vẫn lo sợ công việc tôi gánh vác không kham. Đồng thời, chúng tôi dựng lên Tân Việt Nam Công Hiến bắt chước như một Chính phủ lâm thời của nước Nam ở hải ngoại. Tuy là cách thức sắp đặt còn sơ sài nhưng có ảnh hưởng tới dân khí trong nước mau lắm”.