Người Khmer ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau ngày xưa rất thông thạo nghề ăn ong, tức là lấy mật và sáp ong. Đây là nghề lúc rừng rậm còn hoang vu, ong làm ổ hàng muôn, hàng ngàn. Người Khmer gọi là “của trời cho”, mạnh ai nấy tìm lấy. Ong mật là một nguồn lợi thiên nhiên vô tận, mỗi năm người dân địa phương thu vào hàng trăm ngàn lít mật và hàng chục tấn sáp ong. Những khu rừng sác, rừng tràm nối liền từ biên giới An Giang - Campuchia đến Hà Tiên, từ Hà Tiên theo bờ biển đến sông Cái Lớn, từ bờ nam sông Cái Lớn chạy dài đến mũi Cà Mau với diện tích mênh mông với chiều dọc đến 500 km.
Trước khi có luật đấu giá từng khu vực để chia cho khạo rừng khai thác nghề ăn ong của chính quyền, người ta tự do đi tìm. Những người làm nghề này chia làm hai nhóm: một nhóm có tính cách “tài tử” và một nhóm “nhà nghề”. Nhóm “tài tử” thì vào rừng thấy ổ lớn, nhỏ mới đóng hay lâu ngày đều lấy hết, vì họ cho rằng không lấy thì người khác cũng lấy. Lấy ong như vậy trong nghề gọi là “ăn ngang”.

Hoa tràm
Nhóm nhà nghề thì họ theo ong thật bền chí, từ những cây có hoa mà ong đến hút mật đến khi ong bay về ổ.
Một số bí quyết trong nghề:
Muốn biết ong làm ổ ở đâu và ổ đã đủ mật chưa, người khạo rừng cứ xem ong nào bụng vàng óng là ổ đã đủ mật, ong nào bụng vàng cháy là sắp hết mật.
Vào buổi sáng sớm ong thường bay đi kiếm mật, khi chúng đang say sưa hút nhuỵ hoa, người khạo rừng ngậm nước phun vào ong, nó giật mình té ngửa. Nếu con ong trở mình chậm chạp, là ong đúng lứa, con ong trở mình lẹ làng là ổ non hoặc già. Thấy con ong bay bổng lên không là ổ ở gần, nếu con ong nào bay là đà mặt đất là ổ ở rất xa.
Thường người khạo rừng gác kèo sẵn cho ong đến làm ổ để khi lấy mật được dễ dàng hơn. Cây kèo của người nào gác thì đánh dấu cẩn thận, ổ ong thuộc về mình, không ai được đến lấy. Luật gác kèo ong nghiêm cấm kẻ nào ăn cắp phải lấy mạng ra đền bù.

Kèo để gác cho ong làm ổ là một nửa thân cây lớn dài độ 3 mét, mặt trên đẽo lòng máng cho tuột nước mưa, phía dưới tròn. Khạo rừng chọn chỗ “êm” cắm hai cây nạng, một cao cỡ tầm với tay, một ngang đầu người rồi gác tấm kèo lên, cây nạng cao bao giờ cũng cắm vào phía đông. Kèo ong phải được cắm cây thêm chung quanh để che bớt gió, nắng. Đầu tháng hai Âm lịch trở đi, người khạo rừng bắt đầu sửa lại “sân” hoặc tạo thêm “sân” mới để gác kèo ong.
Ong mật có nhiều loại. Có loại ổ chỉ bằng cái dĩa bàn, nhưng có loại lớn bằng cái nia. Có loại “ong trăn” đóng quấn theo những thân cây lớn chứa mật một ổ đến năm sáu chục lít. Lại có loại ong đất, đóng ổ trong hang, mỗi ổ có đến hàng trăm lít mật. Cũng có loại ong đóng trong bọng cây, mật nhiều nhưng rất khó lấy.
Ong ở vùng này phần nhiều hút mật hoa tràm. Cho nên lúc có vài trận mưa đầu mùa là ong bắt đầu “về kèo”, đó là mùa hoa tràm bắt đầu trổ.
Người Khmer thường đi ăn ong ban đêm để tránh nạn ong đánh. Người ta mặc quần áo bằng bao bố, có khăn trùm mặt, dùng thuốc thổi khói vào ổ ong để ong già bay lên rồi xắn lấy khúc mức đựng mật của chúng. Tấm tàng ong non để lại cho cha mẹ chúng về tiếp tục lấy mật chứa vào “kho” mới.

Gác kèo ăn ong.
Mật ong chứa trong nhà không nên đậy nắp kín hơi các chai lọ, lu hũ và không được làm động đậy, mật sẽ trào ra hoặc nổ bể đồ chứa. Người đến mua muốn biết mật không bị pha thì dùng giấy quyến hoặc giấy thấm mực học trò nhỏ lên một giọt, nếu mật thiệt thì không bao giờ bị thấm và loang ra.
TỤC ĂN ONG CỦA NGƯỜI KHMER
Người Khmer còn mang nhiều cổ tục, thường trước khi vào rừng cạo ong thì người khạo rừng phải làm lễ tế thần rồi mới khăn gói lên đường.
Đầu tháng hai Âm lịch người ta vào rừng để chuẩn bị gác kèo, dọn kèo. Ong rộ vào mùa khi ở đây trời bắt đầu mưa vài trận, cây cối nẩy chồi trổ bông. Giữa tháng tư, nhiều người khạo rừng xúm lại cất trại, gọi là “trại ăn ong”. Trại cất rất rộng và làm thành nhiều bậc; bậc cao nhất là để cho ông “Tằng khạo chánh” là người chỉ huy, bậc thứ hai là để cho ông “Tằng khạo phụ”, bậc thứ ba để cho ông dẫn đường gọi là “đầu xuồng”, bậc thứ tư để cho ông Từ lo việc nhang đèn cúng kiến, bậc cuối cùng để cho đám lao công.
Đầu tháng năm là bắt đầu ăn ong, người ta coi lịch, lựa ngày tốt và tổ chức “lên tổ” rất long trọng. Lễ vật gồm một con heo sống, 12 con gà, 3 thước vải Tây đỏ, 2 cây quạt giấy, 1 thúng nếp rang nổ, nhang đèn giấy vàng bạc. Trước bàn thờ tổ, ông Tằng khạo chánh bẻ ba nhánh cây cắm xuống, gắn sáp ong vào tượng trưng cho những ổ ong đóng nhiều trên cây, rồi cầu tổ lên nhập vào xác người đồng cốt. Người Khmer gọi là “ông Tà”. Khi ông Tà nhập xác rồi “Tằng khạo” nhờ ông Tà hỏi xem năm nay làm ăn có khá không? Ông Tà trả lời làm ăn khá, rồi làm phép trấn giữ xung quanh trại, phong chức từng người và mỗi người một lá bùa hộ thân để tránh ma quỷ quấy phá và thú dữ cản trở. Vào lễ, người ta diễn kịch bắt ong.

Tổ ong
Trên cây cao to gần trại, người ta treo một ổ ong giả. Một người lao công leo lên cây, một người khác hốt hột nổ tung vào như ong bay ra đánh. Người leo cây giả vờ la lối như ong đánh thật và cầu xin ông Tà làm cho ong chích không đau. Ông Tà vẫn còn nhập vào người đồng cốt, liền thổi bùa, họa phù, đọc thần chú và phun rượu từ đầu đến chân người đóng kịch. Tấn kịch được tái diễn, lại một người leo lên cây, một người hốt hột nổ vãi vào. Nhưng người leo lên cây không kêu la và thản nhiên bẻ ổ ong leo xuống, lấy gáo nhỏ múc nước trong ổ, giả như là mật ong. Anh ta vừa làm vừa reo lên:
- Ong đánh không đau! Năm nay mật nhiều, sáp nhiều.
Những người trong nghề vào mùa ăn ong cũng phải làm lễ như vậy, nếu không thì gặp tai nạn như rắn độc cắn, gặp thú dữ hoặc leo cây ong đánh té xuống chết.
Lễ xong, họ bắt đầu ăn ong thật. Đoàn người, kẻ trước người sau kéo vào rừng đến một cây cổ thụ có hàng trăm ổ ong. Trước khi leo lên cây người ta thiết một lễ nữa, xin ma quỷ trên cây xuất ra. Lễ vật gồm một con gà, rượu và nhang đèn. Ông Tằng khạo chánh bẻ hai lá cây gác thành hình chữ thập, áp vào gốc cây. Thầy cúng dùng một cây chốt đeo nhọn đóng giữa chữ thập lá cây. Nếu hai lá cây xoay tròn thì chứng tỏ ma quỷ đã chịu xuất ra rồi. Ông Tằng khạo chánh bắt đầu leo, chân bước nhờ những thân cây chốt đóng vào làm thang. Ông bẻ một ổ ong mở màn rồi buộc dây, máng theo nhánh cây lớn nhất, thòng xuống. Sau đó các khạo rừng tiếp tục cạo ong. Hết những ổ ong của cây đó, kéo sang cây khác, cũng phải làm lễ như trước. Lấy xong phải cúng gà, gọi ma quỷ trở về hưởng và nhổ hết chốt đóng giữa chữ thập lá.

Hun khói bắt ong
Trong lúc ăn ong, người ta phải kiêng cữ: không được cạo râu, hớt tóc, không được gọi thẳng tên những loài thú dữ. Như cọp gọi là chúa sơn lâm, sấu gọi là ngạc ngư, rắn gọi là yết xà, đá gọi là minh châu… Người ta tin rằng nếu không kiêng cữ thì không riêng mình bị tai nạn mà cả đoàn cũng bị vạ lây.
Người lạ mặt vào trại ăn ong phải lột khăn, giở nón, ngồi vào chỗ dành cho lao công, không được ca hát, huýt gió, nói năng thô lỗ. Ai lỡ phạm vào các điều ấy thì người ở trại bắt phạt bằng một cái gông xích vào người và đánh đòn giả. Người bị đánh phải la, khóc như đang bị đánh thật, mới tránh khỏi tai nạn chung. Người khạo rừng lỡ phạm tội cũng bị phạt như vậy.