Nghệ nhân đóng tàu

Trên bãi đà, thợ đóng tàu đang hơ lửa để uốn cong tấm ván lớn ốp vào thành tàu. Ông chủ tàu vái lạy trời đất chứng giám và bỏ một sợi vàng ròng vào xỏ tàu để làm phép. Các nghệ nhân đã đóng tàu trọng tải lên đến 150 tấn, nhưng vẫn theo phương thức dân gian.

pic

Đóng vỏ tàu tiền tỷ

Tại trường đà ở Cổ Lũy, quê hương của nghệ nhân đóng tàu Nguyễn Tấn Viện đang tấp nập vào mùa đóng mới những con tàu công suất lớn. Tại Hợp tác xã đóng tàu Nghĩa Phú, một chiếc tàu vỏ gỗ lớn đang được đóng mới trên ụ. Chiếc tàu này có chiều dài 25m, chiều ngang 6,5m.

Riêng cánh quạt một người ôm không xuể. Chiếc tàu như một ngôi nhà sừng sững trong bãi đà. Đó là tàu vận tải trên 150 tấn. Ông Tùng, một người từ Thanh Hóa vào đặt thợ Quảng Ngãi đóng theo kiểu tàu cá dân gian. Cứ mỗi năm bãi đà này tiếp nhận trên 60 chiếc tàu đóng mới.

Trên thân tàu, những tấm gỗ lớn và dày, nhưng khi ốp lại thì khít như mảnh ghép của những khớp nối. Để làm được điều đó, những người thợ đóng tàu đều có con mắt và đôi tay khéo léo. Bởi gỗ ốp vào không vừa, bị hở, phải cưa đục khá nhiều, chủ đóng tàu thường hay nóng ruột. Còn dân trong nghề thì cho rằng, tay nghề đám thợ này thấp kém.

Thợ đóng tàu ở Quảng Ngãi khá nổi tiếng. Ngư dân ở các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Trị năm nào cũng vào đặt đóng hàng chục chiếc tàu công suất lớn tại bãi đà này. Đầu tháng 11 - 2012, trường đà đã nhận được đơn đặt hàng một lúc 10 chiếc tàu lớn của tỉnh Thanh Hóa. Những con tàu có dáng đẹp, khi hạ thủy xuống nước lao nhanh, rẽ sóng băng băng. Hình ảnh đó từng ngày trở thành thương hiệu cho thợ đóng tàu ở Quảng Ngãi.

Ông Trần Huỳnh, Chủ nhiệm Hợp tác xã đóng tàu Cổ Lũy cho biết: “Riêng một chiếc tàu Thanh Hóa đặt, tiêu tốn khoảng 85 khối gỗ, có đến 3 ông thợ cả dẫn quân tới để gấp rút hoàn thành sớm con tàu”. Chiếc tàu này phần vỏ gỗ đã trị giá 1,5 tỷ đồng, máy khoảng 700 triệu đồng. Tàu to, nhưng chỉ 3 tháng là được thợ đóng hoàn thành. Một tốc độ thi công khá kinh ngạc.

Hơn nửa thế kỷ, từ ngày nghệ nhân Nguyễn Tấn Viện đặt đà đóng những con tàu lớn, quê ông giờ đã trở thành làng đóng tàu lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Cả xã có hơn 100 thợ đóng tàu lành nghề. Không có đủ mặt bằng để đóng tàu, những ông thợ cả đến các địa phương để thuê mặt bằng, mở trường đà. Anh Nguyễn Tấn Trung, người con trai lớn của ông Viện hàng ngày khăn gói xuống xã biển lân cận để đóng tàu.

Bí quyết: Học hỏi

“Bên đốc đại tài/bên lái đại đức/anh em ta hè/làm ăn tấn tài/hò dô, hò dô”. Đó là một trong nhiều bài hò của thợ đóng tàu mừng ngày con tàu hạ thủy. Hiện nay, nhiều bãi đà hạ thủy con tàu bằng ba lan xích, nhưng cũng có những bãi đà vẫn hò dô vui vẻ, khi đẩy con tàu nặng mấy chục tấn nhích dần xuống biển. Ngày hạ thủy, mấy chục ngư dân tập trung vào đẩy tàu với không khí đầy mừng vui.

Dù ở thời này, nhưng việc làm lễ đóng tàu, mọi thủ tục, lễ nghi, thiết kế vẫn không thể tách rời phương pháp dân gian. Chọn ngày lành tháng tốt, người thợ cả và chủ tàu dựng xỏ, bắt đầu đóng mới con tàu theo thỏa thuận. Nếu chưa đủ thợ thuyền, ông thợ cả dùng rìu vạc vào đống gỗ vài cái để làm phép. Còn ông chủ tàu và thầy cúng thì khấn nguyện với tiên linh, ông bà, chứng giám cho con tàu bắt đầu ra đời.

pic

Trên xỏ tàu, người ta luôn bịt một tấm khăn màu đỏ. Theo tục lệ dân gian, đó là cách làm phép để trừ yêu quái, tà ma nhập vào con tàu quấy phá. Khi ráp cốt tàu, ông chủ tàu khấn vái cô bác, sau đó bỏ một sợi vàng thật mảnh vào nơi tiếp giáp trước khi thợ khớp nối. Anh Hồ Văn Việt, một người thợ đóng tàu cho biết: “Đó cũng là kinh nghiệm dân gian, cha truyền con nối. Người ta cho rằng, bỏ một chút vàng để con tàu lấy hên”.

Những năm trước đây, tàu được đóng theo kiểu đuôi tàu và cánh quạt sát nhau. Còn hiện nay, thiết kế tàu được ngư dân thay đổi, đó là đuôi tàu nhô cao, cánh quạt sà thấp. Ca bin tàu nhiều khi được trít thêm nhựa composit. Thiết kế kiểu này giúp cho tàu chạy lướt sóng hơn, giảm đi sức cản của nước.

Nếu nói đóng tàu theo kiểu “made in Quảng Ngãi” thì hoàn toàn không chính xác. Những người thợ lành nghề cho biết, mình cứ coi mẫu mã ở đâu đẹp thì học hỏi, đem về mà đóng cho ngư dân ưng bụng. Tàu ở mỗi nơi đều có cái đẹp riêng của nó. Có nơi ca bin đẹp, có nơi xỏ đẹp... nhưng chung quy thì vẫn phải đóng theo phương thức dân gian. Đóng tàu nhưng học hỏi không ngừng, giúp các ông thợ cả cho ra đời những con tàu có chất lượng ngày càng tốt.

Ông Trần Hội, một lão thợ cả ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn kể lại chuyện đóng tàu. Sau nhiều năm vừa làm thợ, vừa học nghề ở nhiều trường đà, ông Hội quyết định gom nhân công, đứng ra làm thợ cả đóng tàu. Con tàu đầu tiên được ông hạ thủy, nhưng xuống nước thì bị nghiêng một bên. Cả đêm, ông đạp xe lặn lội đến các trường đà, bí mật dùng thước đo lại bộ phận của những chiếc tàu đang đóng dở. Ròng rã chục ngày đêm không ngủ, ông vay tiền đóng tiếp chiếc tàu thứ 2 để lấy lại uy tín của thợ cả Ba Hội. Con tàu hạ thủy, rẽ nước lao đi ngọt xợt, ông giao thuyền cho người em đi lưới chuồn ở Hoàng Sa. Thất bại là mẹ thành công. Giờ đã 65 tuổi, tổng kết cuộc đời đóng tàu, ông Hội tự hào đã đào tạo ra nhiều thợ đóng tàu thế hệ trẻ, đủ sức thiết kế, thi công những con tàu có trọng tải hàng trăm tấn.

Đời nghệ nhân nghèo

Trong ngôi nhà cũ kỹ ở xã Nghĩa Phú huyện Tư Nghĩa, thợ cả Nguyễn Tấn Trung đẩy chiếc xe gắn máy cà tàng ra khỏi căn nhà cũ kỹ để xuống bãi đà. 20 năm đóng tàu, anh Trung đã giúp làng chài đóng được hơn 170 con tàu mới. Ngư dân giàu lên từ biển. Nhưng ông thợ cả thì vẫn cuộc sống đắp đổi qua ngày.

Cụ Trần Văn Anh (người làng chài quen gọi là cụ Hoa), một nghệ nhân ở xã Tịnh Kỳ huyện Sơn Tịnh, năm nay 81 tuổi. Con trai cụ Hoa là Trần Văn Long hiện nay đang làm thợ cả. Mỗi năm anh Long đóng từ 12-15 chiếc tàu đánh bắt xa bờ cho ngư dân. 2 đời đóng tàu, nhưng gia cảnh của cha con anh cũng không khác gì nghệ nhân Nguyễn Tấn Viện. Cuộc sống của các nghệ nhân vẫn đạm bạc.

Thợ cả là người giữ vai trò quyết định đối với việc đóng một con tàu có chất lượng, kiểu dáng. Nhưng thợ cả đóng tàu không giống với ông chủ thầu dẫn thợ đứng ra xây dựng nhà. Khi đóng tàu, thợ hưởng bao nhiêu thì thợ cả cũng nhận số tiền tương tự. Trong cái nắng đổ lửa ở các trường đà, thợ cả với trách nhiệm nặng nhọc luôn phải có mặt thường xuyên và bắt tay vào làm việc.

Mỗi ngày có mặt ở trường đà, chủ đóng tàu lại ghi sổ và tính công thợ từ 180.000 - 220.000 đồng/người. Vậy quyền lợi của thợ cả hơn thợ bình thường cái gì? Đó là khi hạ thủy một con tàu, ông chủ tàu đi 2 phiên biển đầu tiên thì mang túm cá đến biếu ông thợ cả hậu tạ là xong.

“Hò dô, hò dô, anh em ta quay, anh em ta hò...”. Tiếng ông thợ cả hô đầu tiên, tốp thợ đóng tàu đồng thanh hô theo. Miếng ván tàu được bẻ cong, lượn theo thành tàu. Một con tàu gỗ có tuổi thọ khoảng 15 năm. Giá thành đóng một con tàu không quá cao. Có thể nói, sứ mệnh của những nghệ nhân đóng tàu gỗ vẫn chưa kết thúc. Nghệ nhân các làng chài vẫn tiếp tục đóng mới những con tàu lớn.

Báo Biên phòng