Cái xóm có tên là Nam Ngoại ấy hay còn gọi là xóm Trại hay xóm Vắng, nằm gần sát chân đê phía bắc sông Ninh Cơ, thuộc xã Trực Mỹ, huyện Trực Ninh.
Từ xóm Nam Ngoại lên thành phố Nam Định dù đi theo đường 21 hay đường 55 đều trên dưới 30 km. Thứ “ánh sáng thị thành” gần nhất mà xóm Nam Ngoại được hưởng chính là thị trấn Liễu Đề nhỏ bé, buồn tẻ, nơi sinh quán và trú quán của tôi; nhưng thứ ánh sáng đó đến được Nam Ngoại cũng khá nhiều cách trở, nó phải đi qua 3 km đường làng, 3 km đường đê quai nước nên ánh sáng văn minh đến với xóm Nam Ngoại rất chậm chạp, uể oải.
Sản phẩm “nổi tiếng” nhất của xóm Vắng là khoai tía riềng mà những thuở hàn vi đói kém, người ta dùng để nấu độn với cơm để ăn, khi khá giả thì dùng nuôi lợn. Nghĩa là xóm Nam Ngoại thuộc hàng quê kiểng, nông thôn đặc sệt, sẽ chẳng ai biết đến nó nếu ở nơi này không sinh ra được một con người có đôi bàn tay vàng và cái đầu mang tầm một “trí thức”. Người mà tôi đang muốn nói đến là ông Đoàn Văn Khể, một công dân số một của xóm Nam Ngoại.
Ba đời tiền nhân nhà ông Khể đều đỗ tú tài. Với xóm Nam Ngoại mà đỗ đạt cỡ ấy cũng có thể xem là hàng “danh gia vọng tộc” rồi. Đó là nói đời cha, đời ông nội, đời cụ nội, chứ bản thân ông Khể chỉ đỗ đít-nôm trường Pháp - Việt, bởi 6 tuổi ông đã mồ côi cha, nhà nghèo.
Tuổi thơ của ông gắn với đồng ruộng, gò bãi, sông ngòi, bẫy chim cò, săn tôm cá; cái đói rình rập từng ngày từng bữa và khá nhiều chuyện u buồn. Chưa đến tuổi trưởng thành ông đã mang căn bệnh lao phế quản, không có thuốc chữa, sau thành mãn tính, người lúc nào cũng còm nhom, ốm o, xương xẩu. Tiềm ẩn bên trong cái thân thể hao gầy, ngồ ngộ ấy là một bộ óc thông minh, giàu sức tưởng tượng và một trái tim nghệ sĩ.
Thuở ấu thơ, ông Đoàn Văn Khể đã rất yêu âm nhạc. Cứ nghe tin một gánh hát nào đó về vùng quê tả ngạn sông Ninh Cơ biểu diễn, dù cách nhà dăm bảy cây số, ông cũng mò đi xem. Đến lúc xã Trực Mỹ thành lập đội văn nghệ quần chúng, chuyên cổ suý phong trào tòng quân đánh Mỹ, phụ nữ ba đảm đang… ông Khể là người đầu tiên gửi đơn xin gia nhập.
Ông có giọng khàn khàn vì lao phế quản mãn, không hát được, nhưng ông học nhạc lý, chơi nhạc cụ thì rất sáng dạ. Chỉ một thời gian ngắn vừa học vừa thực hành, ông đã nắm được cơ bản phần nhạc lý, chơi được đàn tam, đàn nguyệt, kéo được nhị, hồ, thể hiện các điệu dân ca và chèo nổi tiếng của vùng đồng bằng Bắc bộ. Thậm chí, ông tự mày mò và chơi được những điệu dân ca nổi tiếng của miền Trung và miền Nam.

Đàn tranh.
Nhờ tay chơi nhạc “sành điệu” của ông Khể mà đội văn nghệ xã đi đến đâu biểu diễn người xem rất đông. Hôm nào mà vắng mặt nhạc công Đoàn Văn Khể là người ta thất vọng, có người đang xem bỏ về giữa chừng.
Dù bị chứng lao phế quản mãn tính hành hạ thường xuyên và có khi suýt mất mạng nhưng ông Khể không thể nào xa được đội văn nghệ xã. Ông giữ chân nhạc công hàng chục năm, đi biểu diễn hàng trăm đêm, đến cả trận địa pháo cao xạ của bộ đội, những công trường quai đê lấn biển… Tuy thế, đội văn nghệ xã cũng chỉ tồn tại cho đến lúc chiến tranh kết thúc một thời gian là giải thể.
Không được đi biểu diễn văn nghệ nữa, ông Khể luôn có cảm giác thân thể mình trì độn như bị ươn ra, cái đầu trống rỗng, nhạt nhoà. Để làm dịu bớt nỗi nhớ sàn diễn, ông Khể xoay ra tập làm nhạc cụ.
Thoạt đầu, ông sưu tầm những mảnh gỗ vụn mà cánh thợ mộc bỏ đi, mày mò làm những nhạc cụ đơn giản như cây nhị, cây hồ, sau ông làm đến cây đàn tam, đàn nguyệt, đàn tranh. Được bạn bè trong giới văn nghệ khen ngợi. Lòng phấn chấn, ông Khể nhảy xe ngựa lên thành phố tìm gặp ông Trương Văn Phu, “vua” nhạc cụ của thành phố lúc ấy.
Nhận thấy ông Khể hiền lành, tâm huyết với văn nghệ, ông Phu không giấu nghề mà hướng dẫn cho ông Khể một số điểm cơ bản về kỹ thuật làm đàn và sửa chữa nhạc cụ nói chung. Ông Khể về xóm Vắng tiếp tục làm ra những cây đàn tam, đàn nguyệt, đàn tranh. Chất liệu để làm những loại đàn ấy tuy không đến nỗi quá hiếm, nhưng ở vào hoàn cảnh của ông Khể thì cũng không phải dễ tìm. Ông tôn trọng triệt để về chất liệu làm đàn cộng với sự khéo tay, cái khiếu thẩm âm mà những cây đàn ông làm ra đã có dư vang trong giới văn nghệ.

Tài năng của ông cứ thế lan dần từ xã ra đến tận thủ đô Hà Nội. Thế là các đoàn chèo, đoàn cải lương của các tỉnh cử người về tận nhà ông mua đàn. Có lần ông trưởng đoàn cải lương còn đích thân tìm gặp ông Khể và mời ông về làm nhạc công cho đoàn. Nhưng vợ ông Khể từ chối. Bà sợ không có bà ở cùng, tính mạng ông không được an toàn vì cái chứng hay bị tắc cổ.
Trong cuộc đời ông Đoàn Văn Khể từng có những ngày hạnh phúc tột đỉnh; một trong những ngày đó là đầu tiên ông được xem đoàn ca múa quân đội biểu diễn. Ông chen lấn đám đông bước lên chỗ cánh gà sân khấu để vừa xem biểu diễn vừa được ngắm những cây đàn “thiên thần” cho rõ hơn. Người kéo phông màn và phụ trách hậu trường là một nữ nghệ sĩ, thoạt nhìn ông Khể bằng con mắt dò xét, sau thấy thần sắc trên gương mặt ông tỏ rõ sự đam mê nghệ thuật, chị cứ để ông đứng xem mà không có ý kiến gì. Thậm chí khi ông Khể rụt rè hỏi chị về nhạc cụ, chị còn nhiệt tình giảng giải.
Ông Khể thầm cảm ơn nữ nghệ sĩ phông màn. Vậy là nhờ nàng mà ông biết tên một số nhạc cụ mà theo ông, nó rất tân tiến, hiện đại. Trong số nhạc cụ ấy, ông Khể mê nhất cái bộ ba vĩ cầm, violon sen và đại hồ cầm. Âm thanh của nó thật diệu kỳ. Khi bộ ba ấy phối âm với nhau, âm thanh của nó có khả năng diễn tả mọi cung bậc, sắc độ tình cảm sâu kín nhất…
Sau đêm biểu diễn, dư vị, dư vang của nó làm ông Khể suốt đêm không ngủ. Sáng hôm sau ông lại đáp xe ngựa lên thành phố Nam Định nhờ ông Phu hướng dẫn cho những kiến thức cơ bản về đàn vĩ cầm. Ông Phu cho biết vĩ cầm trông xinh xinh thế nhưng rất khó làm. Thứ nhất là nó cực kỳ kén gỗ mà ở ta rất khó tìm. Thứ hai là kỹ thuật uốn gỗ đòi hỏi người thợ phải thật cao tay thì mới tạo ra được cái mặt đàn uốn lượn điệu đàng, tuyệt mỹ. Khó khăn là thế nhưng ông Khể không từ bỏ ý định làm đàn vĩ cầm.
Ông Khể xin cây đàn bị hỏng của ông phu về mày mò nghiên cứu, sau đó ông nhờ thợ mộc cùng xóm nhân dịp vào miền Trung làm việc và tìm mua gỗ thông một chỉ. Hú họa họ mua đúng loại gỗ ông cần. Thế là công nghệ làm đàn vĩ cầm của ông bắt đầu. Ông cẩn trọng từng đường cưa nhát đục, nhát trạm, dây vĩ cầm và dây tơ ở tay kéo (ac-xê) đã có ông Phu giúp đỡ. Phải hàng tháng cặm cụi quên ăn quên ngủ cây vĩ cầm của ông Khể mới được hoàn thành. Hôm đàn thử, ông cảm động đến nỗi tay cầm ac-xê run run mãi mới kéo thành bài bản được. Ông kéo tặng cả xóm khúc Lưu thuỷ, khúc Hoa thơm bướm lượn, hứng lên ông chơi cả bản Nhạc chiều của Su-be…khiến họ lặng đi, thầm thì thán phục.
Tiếng tăm về tài làm đàn của ông Đoàn Văn Khể lần này lan rất xa. Một hôm có cô diễn viên của đoàn văn công Quân khu Ba lặn lội về nhà ông Khể hỏi mua cây vĩ cầm. Cô thành thật thú nhận rằng, cây vĩ cầm này chẳng kém cây vĩ cầm do châu Âu sản xuất là mấy, nó sẽ theo cô đi biểu diễn phục vụ bộ đội ở Trường Sơn. Cô trả ông Khể số tiền tương ứng với hơn một tạ thóc. Cô bỏ đàn vào hộp, rồi đi.
Sau khi bán cây đàn vĩ cầm, sự tự tin vào khả năng đã khiến ông nghĩ đến việc nhào ra phố huyện mua một miếng đất mở cửa hiệu chuyên sản xuất và kinh doanh nhạc cụ. Ông còn mơ đến việc nhạc cụ của ông có thể xuất ra nước ngoài, thu về ngoại tệ. Nhưng tất cả mọi ý định tốt đẹp ấy của ông Khể đã không bao giờ thực hiện được.
Sau chiến tranh, bước vào công cuộc hàn gắn vết thương và xây dựng đất nước, người ta có nhiều mối quan tâm hơn là sự tồn tại hay không tồn tại của mấy đội văn nghệ xã, mấy gánh hát chèo. Những đội, những gánh ấy cứ tan rã dần. Người đến mua đàn tam, đàn nguyệt, đàn tranh, nhị, hồ của ông Khể cũng mỗi ngày một thưa thoáng.

Thiếu nữ và đàn tranh.
Loại đàn hiện đại như ghi-ta, vĩ cầm thì giờ đây muốn mua ra hiệu Tràng Tiền là có; không ai rỗi rãi lần mò về tận xóm Vắng để mua đàn của ông Khể, bởi vậy cái cây vĩ cầm mà cô diễn viên văn công Quân khu Ba đã mua là cây vĩ cầm đầu tiên và cũng là cây vĩ cầm cuối cùng do ông Khể sản xuất. Bây giờ người ta cũng không hay đến nhà ông Khể để nghe ông chơi nhạc nữa.
Ông Khể rất buồn khi cảm nhận, thanh niên trai gái vùng quê này ngày xưa ham đọc truyện, thích hát dân ca là thế mà giờ đây chẳng thấy cô cậu nào bộc lộ cái sở trường đó. Nói chuyện với họ, ông Khể cứ thấy nó nhàn nhạt thế nào.
Ông Khể đang toan tính chuyển đôi bàn tay vàng và cái đầu nghệ sĩ của ông sang làm một nghề khác “hiện đại” hơn, cấp tiến hơn cho phù hợp với xu thế của thời mở cửa hội nhập, nhưng ông chưa biết chọn nghề gì thì một cơn đau đã rước ông về thế giới bên kia. Ông mất vào mùa xuân năm 2007, trong niềm tiếc thương của bao người. Vì bệnh tật mà ông Khể không có con, nên hàng xóm láng giềng càng thương ông gấp bội. Chưa có một tổ chức nào phong cho ông Đoàn Văn Khể danh hiệu “nghệ nhân”, nhưng với những người từng sử dụng nhạc cụ của ông thì từ lâu họ đã coi ông là một nghệ nhân đích thực.