Nghệ sĩ Hữu Châu: Cuộc đời tôi hưởng “lộc” từ tên tuổi má Ba Thanh Nga

CÁT VŨ ( Thực hiện)

Lúc 10 giờ ngày 23/11/2008, tại rạp Đại Đồng, 130 Cao Thắng, Quận 3, TP.HCM, lễ giỗ Nghệ sĩ ưu tú Thanh Nga lần thứ 30 do con trai là Hà Linh và các cháu là nghệ sĩ Hữu Châu, Hữu Lộc tổ chức. Nhân dịp này, nghệ sĩ Hữu Châu đã dành cho Hồn Việt một cuộc trò chuyện về những ký ức của mình với người cô ruột Thanh Nga, một thời được mệnh danh là Nữ hoàng Sân khấu.

- Thời gian trôi đi thật nhanh, đúng là “bóng câu qua cửa sổ”. Mới đó mà đã 30 năm tròn kể từ cái đêm 26/10 âm lịch (1978) định mệnh cướp đi một Thanh Nga tài sắc vẹn toàn của sân khấu cải lương. Và hẳn phải có lý do để ngày giỗ năm nay lần đầu tiên được tổ chức lớn như vậy?


Thanh Nga - nữ hoàng sân khấu

- Hằng năm, gia đình vẫn làm giỗ ở nhà, lần này tròn 30 năm, mấy anh em Hữu Châu, Hữu Lộc, Hà Linh đại diện cho thế hệ thứ ba trong gia đình muốn tổ chức một buổi lễ giỗ để tất cả các đồng nghiệp của “má Ba Thanh Nga”; các cô chú ở Sở Văn hóa, Hội Sân khấu có dịp gặp nhau, cùng gợi lại không khí của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga xưa. Mặc dù, má Ba của chúng tôi đã ra đi 30 năm nay, nhưng năm nào đến ngày này, chúng tôi cũng nhận được rất nhiều những bó hoa vô danh gửi đến trên mộ hoặc đến tận nhà, lại có hẳn một diễn đàn riêng trên mạng dành cho Thanh Nga. Tấm lòng đó không chỉ dành cho má Ba mà còn đem lại cho chúng tôi – những người con người cháu niềm sung sướng, tự hào.

- Trong thiệp mời có một chi tiết nhiều người thắc mắc, tại sao trong đóa hoa hồng màu hường có chen vào một nhánh hoa hồng màu vàng?

- Đó là ý thích lúc sinh thời của má Ba Thanh Nga. Bình bông hồng má cắm ngày trước bao giờ cũng có một nhánh màu vàng. Má nói trên đời này không có gì trọn vẹn hết, tình yêu dù có thắm thiết mấy cũng ẩn chứa sự phản bội. Vì vậy, bao nhiêu năm nay, trên bàn thờ má chúng tôi luôn trưng chen vào vài nhánh bông hồng vàng để má vui.

- Sự nghiệp của Hữu Châu mang dấu ấn gì của má Ba Thanh Nga?

- Thành thật mà nói, tên của Hữu Châu được “hưởng lộc” tên tuổi của má Ba Thanh Nga rất nhiều. Khi tôi mới ra trường, đi đến đâu hát, cứ khi giới thiệu cháu Thanh Nga là đơn vị đó liền mở lòng ra với mình. Trong bao nhiêu năm làm nghề, có người nhận xét Hữu Châu diễn hay quá, tức thì có người đáp lại “cháu Thanh Nga đó!”. Sự nghiệp đi hát của Hữu Châu mấy mươi năm đều có má Ba Thanh Nga phù hộ.

- Hồi đó, có khi nào anh được diễn chung với nghệ sĩ Thanh Nga?

- Đêm nào đoàn Thanh Minh - Thanh Nga diễn, tôi cũng lẽo đẽo theo nội vào hậu trường. Năm tôi lên 3 tuổi, đoàn diễn tuồng Mỹ nhân và loạn tướng, tôi được cô bồng ra sân khấu, đóng vai em bé bị người ta móc mắt, chỉ kịp “á” lên một tiếng rồi thôi. “Sự nghiệp đóng chung” của tôi với má Ba chỉ có một lần đó thôi, còn thì đêm nào cũng ở cánh gà nhìn cô hát.

- Kỷ niệm nào về má Ba khiến anh nhớ nhiều nhất?

- Bà nội tôi cho cả 10 người con, dâu rể, cháu chắt sống chung một nhà thành một đại gia đình, bữa cơm nào cũng tụ về mấy chục người như nhà tập thể, nên tôi luôn được sống gần gũi với cô. Chỉ đến khi cô lập gia đình mới dọn về sống riêng trong ngôi nhà trên đường Ngô Tùng Châu (cũ), quận Bình Thạnh. Nhà cô có chiếc máy chiếu phim nhỏ nên sáng thứ bảy nào cũng gọi đám cháu chúng tôi qua cùng xem đi xem lại bộ phim Charlot mà má Ba thích. Rồi nấu hết món này đến món khác để “dụ” chúng tôi ở lại chơi.

Má Ba có suối tóc rất dài, lúc đó lại chưa có thói quen gội tiệm nên cứ vài ngày, má kêu tôi qua. Phải lấy một cái chậu thật to mới đựng hết tóc của má, má cúi đầu xuống và bảo tôi múc nước xối cho má gội. Đứng hong tóc xong, má nằm trên giường, xõa suối tóc xuống đất. Tôi lấy bông gòn tẩm nước hoa chà sát vào da đầu cho má.

Có lần, vì đùa giỡn, trong lúc má tập tuồng bị má đánh đít, tôi giận nên khi được má kêu người chở qua coi phim Charlot, tôi không chịu vào nhà, má ra nói đúng một câu làm tôi xìu liền: “Con không thương má Ba sao!”. Hôm đó, coi phim xong tôi được một bữa ăn no nê. Má Ba Thanh Nga rất thích nói chuyện, nói hoài vẫn thấy vui mà không biết mệt. Ngồi trên xe nếu không có ai để nói chuyện, má nhìn ra đọc tên các bảng hiệu hai bên đường thành một bài ca. Chỉ khi má ngủ mới thôi không đọc.

- Tính cách gì ở nghệ sĩ Thanh Nga mà anh ấn tượng nhất?

- Được nội rất cưng nên má Ba hay nhõng nhẽo. Vậy mà có lần bị bà nội la, má Ba phải im re. Bà nội tôi tính tình mạnh mẽ, quyết đoán như đàn ông. Với con cái, bà vừa là mẹ, vừa là cha. Má Ba Thanh Nga tính hay hờn mát. Một lần gây với chú Thanh Sang (người đóng cặp với Thanh Nga), má khóc sưng mắt, nhờ dượng (Duy Lân, chồng nghệ sĩ Thanh Nga) qua nói với nội tối nay nhờ cô Kiều Mai Lý hát hết tuồng luôn. Số là trong vở cải lương Hoa Mộc Lan, nhân vật nữ chính được phân cho hai người, nửa tuồng trước Kiều Mai Lý sắm vai, nửa tuồng sau là Thanh Nga. Nghe vậy, nội nói, nếu nó không hát, tao đành trả vé bởi khán giả đến là vì Thanh Nga, vì bảng hiệu Thanh Minh - Thanh Nga. Trả vé thì anh em nghệ sĩ công nhân hậu đài cả trăm người đêm nay không có lương. Hai vợ chồng bây về tính với nhau tối nay trả lương cho anh em. Vậy là tối đó, cô Ba lò dò vào. Cô vừa đi vừa khóc, lấy tóc che mặt không dám nhìn nội. Nội ngồi ăn trầu ngay trước cửa vào hậu trường cũng cố tình quay mặt hướng khác không thèm nhìn.


Thanh Nga và mẹ (bà Bầu Thơ)

Thường khi, cứ gần hết hồi hai là nội về, bữa đó, nội ở lại tới vãn tuồng. Thói quen của bà ai cũng biết, khi nào cục thuốc xỉa trong miệng để yên một chỗ là mọi sự bình yên, còn nếu cục thuốc cứ bị ngón tay của nội lăn qua lăn lại là bữa đó có chuyện. Lúc này là lúc cục thuốc di chuyển với tốc độ khác lạ. Nội gọi: “Nga, đi theo má!”. Nội đưa má Ba về nhà, vào phòng nội, không biết nội nói gì mà chỉ nghe tiếng má Ba líu ríu “Dạ!… Dạ!”. Từ đó, không thấy má Ba làm như vậy lần nào nữa.

Má Ba tuy là một nghệ sĩ nổi tiếng nhưng sống rất giản dị. Má thường sà xuống hàng bà bán chuối chiên người Hoa ở gần nhà mỗi khi thèm ăn. Nhà có xe hơi nhưng má thích được dượng chở về nhà nội bằng xe đạp. Năm 1972, khi cải lương ngắc ngư vì làn sóng phim chưởng tràn ngập, đoàn Thanh Minh - Thanh Nga rã gánh, ngoài giờ đi hát chầu cho các đoàn khác, má Ba làm nước xi - rô đá nhận rồi chia cho đám cháu chúng tôi đi bán mỗi ngày.

- Ở góc độ nghề nghiệp, anh nhìn nhận thế nào về các vai diễn nhân vật lịch sử của nghệ sĩ Thanh Nga?

- Lúc ở trường, tôi được học bài về quá trình hành động kịch có ba bậc: cảm thụ, phán đoán rồi mới quyết định hành động. Trong vở Tiếng trống Mê Linh có lớp Trưng Trắc tiễn quân đi giải cứu Thi Sách “Thềm đá sao mà giá lạnh; gốc thông sao mà cô đơn…”. Thanh Nga vừa sờ vào đá, vừa nhìn vào gốc thông mới nói. Cô diễn có quá trình rõ ràng. Vào thời điểm đó, cô đâu có điều kiện nghiên cứu Xtanilapxki sao mà diễn đúng vậy! Đến lớp cuối, khi Trưng Trắc nói to: “Đất nước Nam độc lập muôn đời!”, mọi người cười vui hân hoan nhưng Trưng Trắc không cười. Vì Thi Sách chồng mình mới mất nên mừng gì thì mừng cũng không thể cười được.

Tôi rất thích lớp diễn này vì nó thể hiện được chiều sâu tâm hồn người phụ nữ Việt Nam. Ở vở Thái hậu Dương Vân Nga có một lớp diễn mà nghĩ lại tôi còn rởn óc. Đó là lớp dân chúng vào dâng thư tâu xin thái hậu nhường ngôi cho Lê Hoàn. Lớp này liền sau lớp được tin con mình vừa bị bắt cóc. Khi đó má Ba mặc bộ áo màu đen. Bà cho dân làng ra hết, bước đến mặt tiền sân khấu thoại một câu đại ý rằng: Nhà Đinh một bên đang chịu mất con, một bên bị áp lực nhường ngôi. Chiếc gươm trên tay như muốn vung lên. Thanh Nga trong đời thường vốn được coi là liễu yếu đào tơ nhưng lúc đó, khi xoay lưng để bước lên bục cao, hai vai bà đưa ra khán giả có cảm giác như bị xơ cứng lại vì gánh nặng bên tình nhà, bên nợ nước. Đứng ở góc độ hình thể, má Ba xử lý tình huống đó quá xuất sắc.


Thanh Nga trong vở Thái hậu Dương Vân Nga

- Anh đã học được gì ở người cô ruột của mình?

- Trong nghề nghiệp, tôi học ở cô cách diễn thả lỏng, không gồng, không căng, cứ thư thả mà diễn. Trước khi hát, tôi đều lạy tổ, vái cô: “Má Ba ơi, con Châu đây, con hát nghe!”. Cô dạy tôi nếu có tấm lòng thì sẽ toát ra cái thần của nhân vật. Trong cuộc sống đời thường, tôi học ở cô cách sống giản dị, không kiểu cách, không khoa trương, không ngôi sao và hay thương người. Vì vậy, cô được mọi người thương. Bà bán chuối chiên người Hoa ở gần nhà má Ba ngày ấy đã bỏ bán, theo xe tang khóc không thành tiếng: “Cô Nga! Cô Nga ơi!

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Bài liên quan: