"Nghệ sĩ rừng xanh" với người tù binh Mỹ

Người tù binh ấy tên là Loodge. Anh ta lái chiếc máy bay F100- Thanh gươm báu. Tháng 3 năm 1965, anh ta bay vào đánh phá Đồng Hới - Quảng Bình, bị ta bắn hạ. Loodge nhảy dù xuống cánh rừng phía tây Quảng Bình. Loodge bị đói rét, vắt cắn, muỗi đốt, rắn bò quanh chỗ nằm, vết thương ở cánh tay hành hạ. Anh ta nằm bẹp dưới một gốc cây. Tiếng chim rừng hót ríu rít trong các vòm lá trên đầu. Mắt Loodge đờ đẫn, lơ mơ, môi mấp máy câu kinh cầu Đức Chúa Trời cứu vớt. Đến ngày thứ ba thì có một tiểu đội nữ dân quân sục vào rừng bắt Loodge rồi đưa anh ta ra khỏi rừng. Ngày đó, tôi là phóng viên báo Công An Vũ Trang (nay là báo Biên Phòng) cùng anh Minh Sơn- Trưởng phòng tuyên truyền Bộ Công an có mặt ở đó. Tôi chứng kiến giây phút anh Minh Sơn hỏi cung người tù binh. Tên anh ta là Haydenf Loodge, cấp bậc Trung úy không quân, sinh tháng 6 năm 1938, số lính... 366995A... Một đồng nghiệp Thông tấn xã đã chụp tấm ảnh tôi đang ghi chép cuộc hỏi cung đó.

... Mấy chục năm sau, tôi gặp lại Loodge ở quê anh- Tiểu bang Louisiana bên bờ vịnh Mexico. Qua tấm ảnh ấy, anh ta đã nhận ra tôi. Bây giờ Loodge là một doanh nhân. Loodge cởi mở kể cho tôi nghe những ấn tượng của anh về tiếng chim rừng Việt Nam. Tiếng chim, theo Loodge nói, anh ta không bao giờ quên được: “Đối với tôi lúc ấy thì cái thế trần giả tạm này chỉ có tiếng chim rừng, còn tôi thì đọc kinh cầu nguyện, kinh sám hối: ‘Vinh danh Thiên chúa trên trời. Bình an dưới thế những người Chúa thương. Lạy chúa toàn năng nhân từ. Ban ân huệ cứu vớt kẻ đang gặp khốn cùng...’. Chúa đã sai đàn chim rừng về hót những giai điệu êm dịu đón linh hồn chiên lành lên nước Trời với Người. Trong số những con chim rừng ấy, tôi nhớ lắm tiếng hót của một con chim nghe sao mà hiền hòa, thân thiện và lưu luyến đến thế. Con chim ấy không lộng lẫy như chim ngũ sắc mỏ thắm son mà chỉ giống con chim sáo, chim sẻ sau này tôi nhìn thấy trên vòm lá cây ở “Hin Tơn Hà Nội” (ngày ấy tù binh Mỹ gọi hài hước nơi giam giữ họ như thế). Loodge nói thêm rằng, con chim ấy có lông màu phớt nâu, quanh hai mi mắt có viền lông màu trắng đục... Tiếng nó hót lúc ấy làm cho tôi dịu cơn đói, cơn khát, vơi đi sự sợ hãi, đau đớn quặn lòng. Tiếng hót của con chim ấy nghe thánh thót như khúc vĩ cầm đêm lễ Thánh.

Nghe Loodge say sưa kể như vậy, tôi đã nhận ra con chim ấy rồi. Đó là loài chim họa mi. “Nghệ sĩ của rừng xanh” đấy. Người Việt Nam chúng tôi gọi như thế. Họa mi là tài nguyên của rừng chúng tôi. Nó được xếp vào danh mục động vật hoang dã quý hiếm cần phải bảo vệ đấy. Tôi nói với Loodge rằng, mỗi chàng họa mi trống là “chủ soái” cả một cánh rừng. Tiếng hót của nó đầy ma lực, quyến rũ hết các “nàng” họa mi duyên dáng về ríu rít bên mình. Những âm thanh trong cao, luyến láy tuyệt vời của nó như chắt lọc tinh hoa huyền bí của đại ngàn. Tiếng họa mi hót nghe như có tiếng mưa rừng, như có tiếng thì thầm của gió núi, tiếng róc rách của suối, có lúc như tiếng gọi từ cao xanh vọng về. Ông bà chúng tôi từ xa xưa đã kể lại rằng, Mẫu Thượng ngàn (mẹ của rừng) đã ban cho “nghệ sĩ rừng xanh” một vành khuyên bạc quanh mi mắt như họa tiết siêu phàm làm duyên mà chẳng loài chim nào có được. Bởi thế nó mới có cái tên họa mi danh giá hào hoa. Mẫu Thượng ngàn còn ưu ái nhuộm cho nó chiếc mỏ màu vàng mơ và viền màu vàng sẫm hai bên khóe mép để họa mi hót nên tiếng vàng mười.

Tôi và Loodge nói với nhau nhiều chuyện. Nhưng thật lạ lùng chuyện gì rồi cũng bỏ lửng mà chỉ quay về chuyện tiếng hót của chim rừng. Loodge kể rằng khi thấy các cô gái dân quân chĩa mũi súng vào anh ta, quát lớn, Loodge bủn rủn chân tay, run sợ. Anh ta chỉ biết giơ hai tay lên quá đầu. Trong cơn bàng hoàng, Loodge nghĩ rằng giây phút về nước Trời đã đến. Nhưng rồi anh ta nghe tiếng các cô gái Việt Nam đang cơn giận dữ mà sao giọng nói lại có âm điệu trầm bổng, hiền hòa như tiếng chim rừng hót. Anh ta trấn tĩnh lại “Những con người phát ra tiếng nói nghe thân thiện như thế thì chắc lòng dạ họ sẽ không ác độc. Họ sẽ không giết mình. Sách Thánh cũng đã dạy, giọng nói của đàn bà là suối mát lành vĩnh cửu để phục sinh nhân loại...”. Rồi, Loodge đưa tấm vải có in hình 10 lá cờ và chữ của mười nước vùng Đông Nam Á ra. Các cô dân quân nhìn, họ đã hiểu. Đó là cờ “xin được cứu giúp” của phi công Mỹ khi gặp nạn. Loodge chỉ tay vào bụng, chỉ tay vào miệng, chỉ vào cánh tay bị thương. Các cô dân quân gật đầu. Một cô rút bi đông nước đeo bên hông ra rót vào cốc nhựa đưa cho anh. Loodge tu một ngụm. Anh ta lắc đầu... đắng, không uống được (nước chè). Cô dân quân đứng cạnh đưa cho anh ta nắm cơm độn sắn. Loodge cầm lấy cắn một miếng rồi nhăn mặt... Không nuốt được. Cô dân quân từ phía sau bước lên cầm lấy cánh tay của anh ta xem vết thương rồi mở cuộn băng của mình băng cho Loodge. Các cô dân quân lại nói chuyện với nhau. Tiếng nói vẫn ngân nga, ríu rít, hiền như tiếng chim rừng buổi sáng. Lúc ấy thì Loodge đã định thần được. Anh ta sẽ được sống.

... Loodge kể cho tôi nghe những ngày anh ta sống trong “Hin Tơn 17 Lý Nam Đế”. Ở đó giữa sân có một cây cổ thụ tươi xanh, cành lá xum xuê trông như một chiếc ô khổng lồ, rễ từng chùm thòng xuống bám vào đất. Các loài chim rủ nhau về đó trú ngụ. Chúng hót nhiều giai điệu khác nhau, thân thiện với nhau như mời chào nhau ăn quả chín. Ôi, thật lạ kỳ, khi có tiếng còi báo động, có tiếng gầm rú của máy bay Mỹ, có tiếng bom nổ, thì chúng tản ra, rúc hết vào các gốc cây, nép vào các cành to để trú ẩn. Hết tiếng bom nổ, hết tiếng gầm rú của máy bay, chúng lại tỏa ra nhảy nhót, hót râm ran. Thì ra con chim ở xứ sở Việt Nam này cũng khác thường. Từ tiếng hót đến cách hành xử với đồng loại cũng thấm đẫm màu thân thiện.

... Sau mùa xuân năm 1973, được phóng thích về với quê hương, tiểu bang Louisiana, Loodge mới chú ý đến những loài chim ở quê mình. Anh cũng thấy có một loài chim, hình dáng nó na ná “nghệ sĩ rừng xanh” của Việt Nam. Nhưng nó to hơn, lông cánh, lông đuôi có nhiều màu đen hơn. Chân nó màu xám chì, mép không có viền vàng, mắt không có vành khuyên bạc. Trông nó thô kệch. Và, nó chỉ biết... hét to chứ không biết hót như khúc nhạc lưu luyến, du dương, trầm bổng... Tôi nói với Loodge rằng “nghệ sĩ rừng xanh” của chúng tôi là loài chim sống ở vùng cận nhiệt đới. Quê anh ở đây có một loài chim nhang nhác như thế nhưng đó chỉ là họ hàng xa với họa mi thôi. Đa phần đó là loài chim lai giống chim khướu. Họa mi ở rừng chúng tôi lông xốp bông, cánh ngắn thuôn tròn, sức bay yếu. Nó không phải là chim di trú theo mùa. Nó có tính cách sống kiêu sa, trau chuốt, biết kén chọn thức ăn trong hoa quả, trong các loài côn trùng ở vùng rừng nhiệt đới. Tôi nói với Loodge rằng, họa mi là “nghệ sĩ rừng xanh”, nhưng nó cũng là “đấu sĩ kiêu hùng” của rừng xanh nữa đấy. Mùa xuân máu nghệ sĩ thăng hoa. Mùa thu máu võ biền phát tiết. Vào trận đấu cũng như lúc giữ lãnh địa, nó không khoan nhượng. Chỉ có “thắng hay chết” mà thôi. Thua trận “đấu sĩ” buồn rầu, ủ rũ, có thể tuyệt thực, từ giã rừng xanh. Nghe tôi nói vậy, Loodge tròn mắt lạ lùng, tay anh cầm ly cà phê cứ như dính chặt vào bờ môi. Đúng thế đấy, “dũng sĩ rừng xanh” thích sống độc thân, sống cao thượng và trọng danh dự lắm. Nhưng nó cũng rất “đa tình”. Lúc thua trận đang ủ rũ, buồn rầu nhưng nếu có “nàng” họa mi xinh đẹp đến bên âu yếm, rỉa lông, chải cánh, ve vuốt, trao chút ân tình thì “đấu sĩ” lại phởn phơ tươi tỉnh cất tiếng hót du dương, trầm bổng. Và, máu “võ biền” lại nổi lên vào trận được ngay. Nghe tôi kể chuyện ở Việt Nam có những cuộc thi đấu chim họa mi, Loodge càng ngạc nhiên hơn. Anh ta ngồi thần mặt như được nghe chuyện trên sao hỏa 3.5 tỉ năm trước đã từng có những hồ nước ngọt. Tôi kể cho anh ta nghe ở vùng Mèo Vạc - Hà Giang, cực Bắc của nước chúng ta hằng năm có tổ chức những cuộc thi đấu như thế. Cả trăm “đấu sĩ” được tuyển chọn có tướng mạo đầu xà, trán phượng (tròn đầu vuông trán), mỏ dài, chân có nhiều lớp vảy xếp lên nhau trông sần sùi như cành đào rừng mùa nở hoa, như các lớp ngói lợp trên mái nhà khắp nơi đưa về. Thể thức thi đấu cũng giống như giải bóng đá thế giới vậy. Các “đấu sĩ” được chia thành nhiều bảng đấu trực tiếp để chọn con nhất bảng. “Đấu sĩ” nào thi đấu thời gian lâu nhất, đá hay nhất là thắng cuộc. Những trận bán kết càng kịch tính, sôi động hơn. Các “đấu sĩ” vờn nhau, tung ra những cú đá hiểm hóc, lựa thế mổ thẳng vào mắt, vào đầu nhau... Những “nàng” họa mi thì cổ vũ không mệt mỏi. Các “nàng” bay nhảy, vỗ cánh liên hồi. Mỗi cú đá, mỗi miếng mổ của “đấu sĩ” bổ vào nhau “tóe lửa”, được các “nàng” tung hô “chùy, tè; chùy, tè”. Các “đấu sĩ” hiếu thắng, mê tình cứ lăn xả vào nhau cho đến khi gục đầu, sệ cánh. “Đấu sĩ” vô địch trận chung kết được nhốt chung lồng với “hoa hậu rừng xanh”. Đó là con họa mi mới lớn, đẹp mượt mà nhất cuộc thi.

“Ôi! Con chim rừng Việt Nam diệu kỳ đến thế ư?” - Loodge thú vị kêu lên. “Những hội thi đấu họa mi như thế ở Việt Nam chúng tôi có từ thời nhà Lý đấy. Thời ông cha chúng tôi mới dời Đô từ đất Hoa Lư về Thăng Long ấy mà” - Tôi nói với Loodge. “Tôi biết. Tôi biết. Đã ở “Hin Tơn” 7 năm, đã được đọc lịch sử Việt Nam rồi, tôi biết”. Loodge nói tiếp: “Ngày ấy ư. Ngày ấy nước Hoa Kỳ chúng tôi và đa phần đất Tân Thế Giới này chỉ là rừng rậm và đầm lầy hoang vu, đầy cá sấu đỏ môi và rắn đuôi chuông. Trên ngọn cây thì chỉ có đàn diều hâu và đám cú mèo bay lượn thôi”. Loodge thổ lộ ngày được Việt Nam phóng thích, anh ta đã có ý định mua một bức tranh có hình con chim “nghệ sĩ rừng xanh” và hình một cô gái đẹp đưa về nước làm kỷ niệm. Anh ta nói, vì con chim đã hót ru làm cho tôi dịu bớt sự đau đớn, đói rét giữa rừng hoang. Và, cô gái Việt Nam đã cho tôi cuộc sống. Nhưng lúc ra máy bay, tôi chỉ nhờ người lính Việt Nam mua được bức tranh cô gái tươi cười dịu hiền, nâng cao gấu váy hứng hai quả dừa to bự. Tôi vẫn để ở phòng lưu niệm đấy. Loodge nói tiếp rằng, tôi tiếc quá. Giờ tuy là nhà doanh nghiệp nhưng tôi đã già mất rồi. Có thời, tôi từng mơ tưởng mình được như bạn tù Peter Peterson (máy bay bị bắn cháy, nhảy dù xuống Hải Dương, bị bắt năm 1977). Ông ấy cũng ở “Hin Tơn 17 Lý Nam Đế” với tôi. Nhưng Peter may mắn hơn tôi nhiều quá. Peter được làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam, được làm con rể Việt Nam, được sống với người con gái đẹp, được nghe tiếng nói như nghe khúc nhạc lưu luyến, du dương, nghe tiếng hót dịu hiền của “nghệ sĩ rừng xanh”.

Tôi tặng Loodge tấm ảnh chụp với anh ta từ mấy chục năm trước. Phía sau tấm ảnh đó, tôi ghi dòng chữ “Loodge cùng tuổi Dần với tôi, sinh tháng 6 năm 1938. Tuổi chúng ta cầm tinh chúa sơn lâm. Chúng ta cùng yêu tiếng hót vàng của “nghệ sĩ rừng xanh”; cùng thân thương, quý trọng những cô gái Việt Nam”.

TRẦN HỮU TÒNG