Nghệ sĩ Thanh Hoàng - Góp tiếng nói giữ gìn văn hóa dân tộc

Đến Tết Nhâm Thìn này là tròn hai năm nghệ sĩ Thanh Hoàng nhận chức Giám đốc Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần. Hai năm trước, anh tiếp quản nhà hát thay người thầy, người anh lớn trong nghề Huỳnh Minh Nhị đến tuổi cần nghỉ ngơi, trong tình hình nhà hát khó khăn mọi bề, nghệ sĩ tên tuổi không còn, diễn viên trẻ sau thời gian rèn nghề bắt đầu hơi cứng cáp cũng dần "bay" đi hết. Cùng với những người đồng sự tâm huyết như các nghệ sĩ Nguyễn Việt Anh, Mỹ Uyên (hai phó giám đốc), Thanh Hoàng đã giữ được cho sân khấu này "đỏ đèn" hàng tuần.

Chuẩn bị cho Tết năm nay, sân khấu 5B vừa ra mắt vở Tốt-xấu-giả-thật của tác giả Nguyễn Thu Phương, trong đó, ông giám đốc trẻ cũng đóng một vai, góp phần đem lại “sức nặng” cho vở.  Ngoài ra, anh cũng là diễn viên chính trong các vở kịch có tuổi thọ khá lâu ở sân khấu này hiện nay như Dạ cổ hoài lang, Cõi tình, Nếu như yêu, Cực yêu

Nghệ sĩ Thanh Hoàng

* Phóng viên: Tốt nghiệp diễn viên (khóa 5, 1980 -1984, trường Nghệ thuật Sân khấu 2) nhưng Thanh Hoàng lại được công chúng biết đến đầu tiên với tư cách là tác giả kịch bản?

- Nghệ sĩ Thanh Hoàng: Sau khi tốt nghiệp, theo lệnh của trường phải đi tỉnh thực tập một thời gian, năm 1989, tôi về phụ trách hoạt động sân khấu tại Nhà văn hóa Phú Nhuận. Thời gian này, cả thành phố đang rộ lên phong trào thi đua sân khấu quần chúng và để có cái cho đơn vị mình tham gia, không nhờ vả ai được, tôi đành phải tự viết và tự dựng.

Vở đầu tiên là Giấc mơ người tù, đặt vấn đề công bằng trong luật pháp. Thời gian đó, trong các vụ án, luật pháp chỉ sờ đến những người thấp cổ bé miệng, còn thủ phạm chính, nếu có chức có quyền, thường được thoát tội. Chuyện kịch xảy ra trong giấc mơ của một người tù. Vở đem đi thi và bất ngờ được trao Huy chương vàng toàn thành. Thử một lần thấy được, tôi hăng hái viết tiếp các vở Chuyện trong đêm, Thư video (HC vàng toàn quốc), Góp sức (HC vàng toàn quốc), Đất đổi đời, Cái chết được báo trước (HC bạc toàn thành)…  mỗi vở mang theo một vấn đề thời sự bức thiết. Trong đó, một vài vở sau này tôi triển khai sang kịch dài như Thư video, Thời e-mail

* Đang là "ngôi sao sáng" của phong trào sân khấu quần chúng, cơ duyên nào lại dẫn anh sang sân khấu chuyên nghiệp?

- Được làm nghề chuyên nghiệp là niềm mơ ước của tất cả những người được đào tạo chính quy như tôi. Sau khi đã có chút ít thành công ở sân khấu quần chúng, tôi mạnh dạn chuyển sang chuyên nghiệp, lúc đó sân khấu 5B đang diễn vở Dư luận quần chúng. Vở đã có đầy đủ diễn viên, gồm toàn những tên tuổi gạo cội, tôi không có chỗ chen chân nên chấp nhận làm công việc hậu đài (khiêng vác cảnh trí, âm thanh…) cùng với đạo diễn nổi tiếng sau này là Hồng Phúc. Một năm sau, khi anh Lê Bình bận không diễn, tôi thế vai anh, một ông nông dân bị áp bức đến tòa soạn kêu oan.

Thanh Hoàng (giữa) cùng các anh em nghệ sĩ

 

* Vở kịch Dạ cổ hoài lang do anh viết hiện đang mấp mé kỷ lục 1.000 suất diễn. Theo anh, điều gì đã đem lại cho vở sự "trường thọ" như vậy?

- Hai năm liền đoạt HC vàng với hai vở Thư video Chuyện trong đêm khiến tôi bị áp lực phải có gì hay hơn và tôi đã viết kịch ngắn Dạ cổ hoài lang cho mùa hội diễn  tiếp theo. Nhưng chưa kịp dựng thì tôi đem kịch bản này tham gia Trại sáng tác kịch bản chuyên nghiệp do TP Hồ Chí Minh tổ chức. Qua trại, tôi được hướng dẫn nâng vở lên thành kịch dài và đoạt luôn giải ba (không có giải nhất) trong cuộc thi sáng tác kịch bản TP.HCM tiếp đó, được Nhà hát 5B giao cho đạo diễn Công Ninh dàn dựng.

Hiện Dạ cổ hoài lang đang lập kỷ lục về kịch nói có số suất diễn nhiều nhất trong mấy chục năm qua trong cả nước. Tôi nghĩ sở dĩ vở sống được lâu là do đã chạm được vào những tình cảm thiêng liêng và gần gũi nhất của con người. Đó là tình yêu đôi lứa, tình yêu gia đình, tình yêu quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn… Ngay khi viết, tôi cũng đã rất xúc động vì trong tôi lúc ấy đã hiện lên hình ảnh quê hương Bạc Liêu của mình với cảnh vật tuy nghèo mà rất đẹp. Trong tôi vẫn như hiện ra hình ảnh cây cầu khỉ, mái nhà lá, mùi thơm và khói làm của rơm đốt mỗi chiều về…, một miền quê nhỏ mà thanh bình. 

Tôi mừng vì mình đã tìm đúng mạch đồng cảm của người xem và từ sự thành công này, tôi viết tiếp vở kịch Trầu cau. Trầu cau là câu chuyện về một “bà già trầu” với một mối tình sâu đậm với một anh kép hát cải lương. Mặc năm tháng qua đi, mặc con cháu bây giờ bận rộn với cuộc sống gấp gáp nơi phố thị, bà vẫn giữ bên mình cơi trầu cùng với câu vọng cổ mùi một thời hoa niên của mình. Tôi viết vở này để bày tỏ sự chia sẻ trước nguy cơ văn hóa phương Tây ùa vào theo chính sách “mở cửa”, đẩy lùi những giá trị văn hóa dân tộc lùi về quá khứ. Tôi muốn góp một tiếng nói để giữ gìn những giá trị làm nên sắc thái của dân tộc mình. Giá trị ấy nếu bị mất đi sẽ là một sự thiệt thòi không  bao giờ tìm lại được.

Nghệ sĩ Thanh Hoàng (trái) trong vở Dạ cổ hoài lang

* Thanh Hoàng là "ông Tư" trong vở Dạ cổ hoài lang phiên bản mới, sau Thành Lộc, Lê Vũ Cầu. Là người đóng sau, anh có bị áp lực với sự thành công của người đi trước?

- Thật sự, tôi không thích đóng mà chỉ thích ngồi “nhìn ngắm” tác phẩm của mình. Khi anh Lê Vũ Cầu mất, vở ngưng diễn nhưng khán giả cứ đến yêu cầu diễn lại. Đúng là vào vai này tôi bị áp lực rất lớn vì hai anh đã diễn rất hay mà tôi lại tự thấy cái tạng mình không hợp với vai. Nhưng tôi được cái thuận lợi là từ lâu đã thuộc hết lời nhân vật, bây giờ chỉ còn tìm cách cho ông Tư của mình phải có nét riêng. Nếu ông Tư của Thành Lộc là một ông già sắc sảo, ông Tư – Lê Vũ Cầu mộc mạc, thì ông Tư của Thanh Hoàng phải là người chỉn chu, mực thước. Tôi diễn như vậy được khán giả chấp nhận, đến nay, vở diễn mỗi tháng hai lần, suất nào cũng hết vé.

* Anh cũng là tác giả kịch bản của hai bộ phim dựa theo những tác phẩm của Hồ Biểu Chánh là Con nhà nghèoNợ đời, đồng thời đóng hai vai khá ấn tượng trong hai phim trên là cậu Hai Nghĩa và ông Phán Thần.  Phải chăng cũng vì quý "hồn Việt" mà anh tìm tới cụ Hồ Biểu Chánh?

- Tôi chưa viết kịch bản phim bao giờ nên không dám nghĩ đến chuyện này nếu như một bữa bà bầu Hồng Vân, không biết nghĩ sao lại đưa cho tôi cuốn tiểu thuyết Con nhà nghèo, bảo thử chuyển thể sang phim truyền hình nhiều tập để công ty của chị sản xuất. Tôi cũng thử làm, nhưng kịch bản được chuyển lòng vòng sao đó đến tay Giám đốc TFS Nguyễn Hồ. Anh giao cho đạo diễn Hồ Ngọc Xum thực hiện và đạo diễn đã mời tôi sắm vai cậu Hai Nghĩa, một công tử nhà giàu ăn chơi. Sau khi phim phát sóng tạo được hiệu ứng, tôi được TFS đặt hàng tiếp Nợ đời, cũng giao cho Hồ Ngọc Xum dàn dựng. Lần này, tôi đóng vai ông Phán Thần, một ông già si tình.  Thật ra, tôi không phải người đầu tiên chuyển thể lên phim những sáng tác của cụ Hồ Biểu Chánh.

Trước đó, đã từng có phim video Ngọn cỏ gió đùa (2 tập). Tuy tôi không tự tìm nhưng duyên may đã cho tôi cơ hội được tiếp xúc với dòng văn học Nam Bộ xưa. Tôi đọc là cảm liền, qua đó thấy được ông bà mình đã sống như thế nào, học hỏi được cách xây dựng kịch tính, những thắt nút trong câu chuyện của Hồ Biểu Chánh. Những tác phẩm của ông bao giờ cũng bao trùm lên sự nhân ái, thể hiện rõ luật nhân quả, ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão, nhân nào quả nấy, cha ăn mặn - con khát nước…

*Anh có dự định sáng tác gì thêm trong năm mới này?

- Tôi đang ôm ấp ý định viết Dạ cổ hoài lang tập 2, 3 với tên gọi Trở lại gia đàng Én nhạn hiệp đôi, nối tiếp câu chuyện của gia đình hai ông Tư v Năm. Lần này, đứa con trai tên Nguyễn của ông Tư giấu mặt ở phần đầu, sẽ xuất hiện.

*Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này và chúc anh thành công.

CÁT VŨ