Việt Nam tân tự điển của Thanh Nghị, Việt Nam tự điển của Lê Ngọc Trụ cũng như các từ điển Việt ngữ khác đều nói về chữ tham có hai nghĩa tích cực và tiêu cực. Về mặt tích cực, chẳng hạn các từ: tham chính, tham biện, tham luận, tham mưu, tham thiền v.v… Về mặt tiêu cực có các từ: tham lam, tham ô, tham nhũng, tham tàn, tham thực v.v…
Ở miền Nam trước đây, khi tiền của Mỹ rót vào nhiều cho chiến tranh thì đa số viên chức từ xã đến trung ương kể cả quân sự, nhỏ ăn theo nhỏ, lớn ăn theo lớn. Báo chí đề cập rùm beng. Từ tham nhũng rộ lên tràn lan ai cũng biết. Hồi đó có một người quá bức xúc nói rằng: “Cho tôi làm quận trưởng hay tỉnh trưởng, tôi sẽ tận diệt bọn tham ô, tham lam nhũng nhiễu, làm giàu bất chính”.
Lời đó bị phản ứng ngay: “Ông nói vậy là ông không biết, lại còn tự hại mình. Vì ông không kiếm chác được gì thì thằng trên ông không có cái bỏ vào mồm, những thằng dưới ông cũng chẳng có gì ăn nhậu. Chúng nó xúm nhau bứng ông khỏi ghế ông đang ngồi. Tham nhũng đều có hệ thống của nó, chỉ vì ăn chia không đều nên lộ ra ngoài”.
Than ôi! Chẳng lẽ đó là quy luật sống? Trần Văn Hương, Thủ tướng của chế độ cũ, nói: “Diệt hết tham nhũng rồi lấy ai làm việc?!”. Một câu nói quái dị, bao che như thế, chế độ sụp đổ là phải.
Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, thời bao cấp chưa nghe có gì. Thời mở cửa, kinh tế thị trường và hơn thập kỷ gần đây, tệ nạn tham nhũng lại rộ lên khủng khiếp…
Suy cho cùng, tham nhũng là dựa vào địa vị, thế lực, quyền bính của mình, dựa vào sức mạnh của ô dù che chở nữa.
Thời Đông Chu liệt quốc (Trung Hoa), Mục Hiền mua viên ngọc bích 500 lạng bạc. Vua Triệu ỷ mình là vua chúa, sai quân lính đến nhà Hiền lục soát lấy ngọc đem về một cách vô lý bởi Hiền không dâng ngọc cho vua. Viên ngọc ấy, vua Tần cũng tham, giả vờ đổi 15 thành trì để lấy không. Đúng là lòng tham không đáy.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Cách đây vài trăm năm, đời Càn Long (Trung Hoa), Hòa Thân, tên nịnh thần khét tiếng bỉ ổi vơ vét của cải bất chính đầy nhà, dựa vào địa vị và sự dung túng của Càn Long, không ai dám đá động đến. Chỉ mỗi Tể tướng Lưu Gù, một vị quan thanh liêm chính trưc, mới dám nói: “Cái gì trong cung vua không có thì chưa chắc nhà ông không có”.
Một câu hỏi cũng của Lưu Gù: “Ông làm quan bao nhiêu năm, lương tháng bao nhiêu, bổng lộc bao nhiêu mà ông giàu nhất nước, giàu hơn cả triều đình?”. Hòa Thân nghẹn cổ không trả lời được.
Mới đây nhất, ở Trung Đông, Bắc Phi, gia đình Tổng thống Ai Cập Mubarak, gia đình Tổng thống Libya Gaddafi có cả tỉ tỉ đô la gửi khắp ngân hàng thế giới. Ở Trung Quốc, ông Bộ trưởng Đường sắt cũng tham nhũng giàu kếch sù bất chính.
Việt Nam mình so với thiên hạ thì chưa thấm gì. Nhưng so những kẻ tham nhũng giàu nứt đố đổ vách với người dân lao động kiếm ăn từng bữa bằng mồ hôi, nước mắt thì đau đớn quá, tội nghiệp quá. Vậy mà không một vị thanh tra nào dám nói một câu, hỏi một câu như Tể tướng Lưu Gù!?
Chúng tôi, người viết bài này, là một dân đen, đen hơn cả Lưu Gù khi bị lột áo mão về quê, thấp cổ bé miệng, chỉ ao ước rằng có một Ủy ban thanh tra hay vị thanh tra nào đó mạnh mẽ, cương trực như Lưu Gù. Làm giàu chính đáng là thực hiện đúng chủ trương “dân giàu nước mạnh”. Nhưng làm giàu bất chính là bất công, là tội đồ, là gây loạn, phản dân hại nước.
Chúng tôi rất cầu mong xã hội lành mạnh, trong sạch, không còn nhũng lạm để mọi người cùng sống trong thanh bình, yên tâm làm ăn góp phần xây dựng đất nước.